Tăng cường sự liên kết, liên ngành trong KHXH&NV

Tôi làm công tác nghiên cứu và giảng dạy một ngành thuộc khối khoa học xã hội nhân văn. Thú thật trong thời gian dài tôi ít biết đến vai trò của Bộ KH&CN đối với ngành của mình. Phần lớn những gì tôi biết về Bộ KH&CN là thông tin liên quan đến khoa học tự nhiên và công nghệ như các nhà khoa học lãnh đạo bộ, các giải thưởng hay những đề tài, dự án lớn về quy mô và kinh phí. Vì vậy thậm chí có lúc tôi còn nghĩ ngành của mình không “liên quan” gì đến Bộ KH&CN.

Vài năm gần đây nhờ có một dự án lớn cấp quốc gia của ngành có liên quan mật thiết với Bộ Khoa học và Công nghệ, rồi may mắn tôi được giới thiệu biết đến Quỹ phát triển khoa học và công nghệ NAFOSTED, tôi đăng ký, được xét duyệt thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học và đã hoàn thành cách đây hơn một năm. Đồng thời tôi thường xuyên theo dõi một tạp chí của Bộ là tạp chí Tia sáng, nhờ vậy tôi có nhiều thông tin hơn về hoạt động của Bộ và ngành KHCN cả nước, các thông tin cùng lĩnh vực trên thế giới, và nhất là những chủ trương, chính sách, sự quản lý và điều hành của Bộ KH&CN liên quan đến lĩnh vực KHXH&NV.
Nói vậy để thấy rằng, tuy sự hiểu biết của tôi về chức năng, hoạt động và những thành tựu của Bộ KH&CN còn chưa đầy đủ nhưng tôi mong muốn rằng, Bộ KH&CN quan tâm nhiếu hơn đến lĩnh vực KHXH&NV trong các chính sách quản lý và thúc đẩy nghiên cứu khoa học, các giải thưởng công nhận và khuyến khích thành tựu nghiên cứu khoa học, có thêm những lãnh đạo Bộ là các nhà khoa học thuộc khối KHXH&NV… Qua đó Bộ KH&CN sẽ nắm bắt tình hình và hỗ trợ, giải quyết cũng như có tiếng nói kịp thời đối với nhiều vấn đề xã hội đang nảy sinh và ngày càng phức tạp.
Gần đây vấn đề bảo tồn di sản văn hóa đang gặp rất nhiều khó khăn: hàng loạt di sản biến mất do quá trình “hiện đại hóa đô thị hóa” ở các địa phương vượt tầm quản lý, kiểm soát. Từ nông thôn, miền núi đến đô thị, nơi nào cũng xảy ra tình trạng phá hủy di sản thiên nhiên, di sản lịch sử văn hóa… Tiếng nói của các nhà khoa học XH&NV như khảo cổ học, lịch sử, bảo tồn di sản… dù đã cất lên nhưng thực sự chưa có hiệu quả. 
Một trong những nguyên nhân là quá trình nghiên cứu cơ bản và đánh giá tác động môi trường của các dự án, các Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, ở các ngành, lĩnh vực… hầu như chỉ chú ý lĩnh vực kinh tế, môi trường, KHKT và công nghệ mà ít quan tâm đến lĩnh vực KHXH&NV, ít có sự đóng góp và nghiên cứu thẩm định các vấn đề lịch sử – văn hóa xã hội. 
Vì vậy, mong sao Bộ KH&CN sẽ tăng cường sự liên kết, liên ngành chặt chẽ hơn trong những Dự án liên quan đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội để có thể hạn chế những tác động tiêu cực đến đời sống cộng đồng và sự phát triển xã hội, đảm bảo nghiên cứu và triển khai theo định hướng “phát triển bền vững” đạt hiệu quả cao. □
—–
* Tác giả là TS, Giảng viên trường Đại học KHXH& NV,  ĐHQG TPHCM. Tổng Thư ký Hội Sử học TPHCM.

Tác giả