Tạo điều kiện thông thoáng cho chuyển giao công nghệ

Một số bất cập và vướng mắc trong quá trình gần 10 năm thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) là lý do chính để Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật, đó là ý kiến của ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) trong cuộc trả lời phỏng vấn của tạp chí Tia Sáng.


Sau khi tiến hành tổng kết và rà soát lại gần 10 năm thực hiện Luật CGCN, ông và ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật CGCN nhận thấy có những bất cập và vướng mắc gì thường gặp?

Theo chúng tôi, có một số bất cập tồn tại, thể hiện ở ba điều căn bản:

Thứ nhất, thị trường công nghệ vẫn chưa phát triển tương xứng với mục tiêu đề ra, chưa đủ sức thu hút, thúc đẩy nguồn cung và nguồn cầu công nghệ, đặc biệt là việc hình thành và phát triển các tổ chức trung gian trong hoạt động CGCN, cũng như một số hoạt động dịch vụ CGCN như dịch vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ.

Thứ hai, hoạt động CGCN chủ yếu là hình thức CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, mà tập trung ở các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó phần lớn là hình thức CGCN từ công ty mẹ cho công ty con và công nghệ do các doanh nghiệp Việt Nam nhận chuyển giao từ các đối tác nước ngoài, cần có hình thức quản lý phù hợp hơn. Ngoài ra, trên thực tế CGCN còn thực hiện thông qua các dự án đầu tư trong nước, trong đó triển khai theo các hợp đồng tổng thầu EPC (engineering procurement & construction), tức là hợp đồng thiết kế, mua sắm cung cấp thiết bị và thi công xây dựng công trình, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông,… Các hợp đồng EPC này hầu hết có nội dung công nghệ, nhưng trong hợp đồng EPC chưa thể hiện nội dung công nghệ và thực hiện theo quy định của Luật CGCN.

Hoạt động CGCN trong nước, chủ yếu là chuyển giao các kết quả nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, vẫn còn quá ít ỏi so với tiềm năng.

Hoạt động CGCN trong nước, chủ yếu là chuyển giao các kết quả nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, vẫn còn quá ít ỏi so với tiềm năng. Ngoài ra, cần quy định cụ thể hơn đối với hoạt động CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, mà hiện nay mới chỉ là việc bán thiết bị, máy móc có hàm chứa công nghệ.

Thứ ba, thời gian qua, nhiều bộ luật liên quan đến Luật CGCN như Luật KHCN, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế đã được sửa đổi, bổ sung nên một số điều khoản của Luật CGCN cần phải hoàn chỉnh cho phù hợp với các quy định mới của các Luật có liên quan này.

Ông có thể nói rõ thêm về sự chưa phù hợp giữa Luật CGCN và các luật mới được sửa đổi?

Ở đây tôi muốn nêu một ví dụ nhỏ, trong điều 32 Luật CGCN 2006, chỉ hoạt động dịch vụ giám định công nghệ được quy định là hoạt động kinh doanh có điều kiện, còn dịch vụ đánh giá và định giá công nghệ thì lại không quy định. Tuy nhiên, theo Luật KHCN mới được sửa đổi năm 2013 thì hoạt động của tổ chức KH&CN dạng này lại thuộc phạm trù hoạt động kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, cần phải sửa đổi sao cho phù hợp với tinh thần của Luật KHCN mới sửa đổi, như bổ sung thêm các tiêu chí và điều kiện hoạt động của các đơn vị dịch vụ CGCN này.

Cần phải hoàn chỉnh, bổ sung Luật CGCN 2006 sao cho tạo ra một cơ chế có thể giám sát được hoạt động CGCN và phải đưa điều đó vào các quy định của luật.

Hoặc trước đây quy định về hồ sơ dự án đầu tư, doanh nghiệp phải giải trình về công nghệ, đưa ra các phương án lựa chọn công nghệ, phân tích để lựa chọn ra phương án công nghệ tối ưu và phải nêu rõ quy trình công nghệ, sản phẩm từ công nghệ đó đạt tiêu chuẩn gì. Tuy nhiên hiện nay, Luật Đầu tư mới lại không có yêu cầu cụ thể này. Điều đó có thể dẫn đến vấn đề là công nghệ trong các dự án đầu tư nước ngoài đưa vào có thể là công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu, sản phẩm sản xuất không đạt yêu cầu về chất lượng, dẫn đến việc sản xuất bị ngừng trệ, doanh nghiệp càng làm càng lỗ…

Tại hội thảo được tổ chức vào cuối tháng ba về sửa đổi, bổ sung Luật CGCN 2006, đại diện Sở KH&CN Hà Nội đã nêu một thực tế là hoạt động CGCN vẫn diễn ra một cách âm thầm trên thị trường mặc dù số lượng đăng ký chính thức với Sở rất hạn chế. Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

Có thể nói là Luật CGCN 2006 ra đời trên cơ sở nhà nước tạo điều kiện tối đa cho các bên tham gia hoạt động CGCN, quan điểm lúc đó là nhà nước không khống chế giá, thời hạn chuyển giao, đồng thời phương thức quản lý cũng mở tối đa. Luật 2006 cho phép các bên tham gia CGCN nếu thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao được quyền tự nguyện đăng ký để được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật. Do đó, việc cho phép tự nguyện đăng ký đã góp phần tạo ra bất cập, thứ nhất cơ quan quản lý nhà nước không nắm được có những công nghệ nào đã được chuyển giao, thứ hai là nội dung chuyển giao đó có thực sự là công nghệ hay không, và hệ lụy là trong trường hợp không phải là nội dung công nghệ nhưng vẫn được hợp thức hóa thành hợp đồng CGCN và được hưởng các ưu đãi về thuế. Cũng có một thực tế khác là xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do được tự thỏa thuận mức phí chuyển giao công nghệ nên họ đã điều chỉnh mức phí chuyển giao công nghệ lên, trong khi nguyên tắc phổ biến của việc chuyển giao công nghệ là phí kỳ vụ (royalty) thường phải giảm dần, trừ khi có các nội dung công nghệ mới được tiếp tục chuyển giao.

Theo ông, để khắc phục triệt để vấn đề này, cần phải làm những gì trong đợt sửa đổi, bổ sung Luật CGCN?

Chúng tôi cho rằng cần phải hoàn chỉnh, bổ sung Luật CGCN 2006 sao cho tạo ra một cơ chế có thể giám sát được hoạt động CGCN và phải đưa điều đó vào các quy định của luật.
Chúng tôi cũng cân nhắc phương án quản lý hợp đồng CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài và CGCN trong nước có sử dụng ngân sách nhà nước thì phải thực hiện việc đăng ký nhưng với hình thức đơn giản (có thể đăng ký thông qua mạng internet) để ít nhất cơ quan quản lý có thể nắm được nhưng cũng vẫn bảo đảm thuận lợi và đơn giản cho doanh nghiệp. Hiện nay trong chương trình công tác, chính phủ đã đưa việc đăng ký hợp đồng CGCN là dịch vụ công và yêu cầu thực hiện vào năm 2018. Qua áp dụng thử nghiệm hoạt động đăng ký qua mạng internet như vậy tôi cho là đơn giản, dễ thực hiện. Chỉ có thực hiện đăng ký như vậy, nhà nước mới nắm được hoạt động chuyển giao công nghệ.

Ban soạn thảo có tham khảo kinh nghiệm về quản lý nhà nước của quốc tế trong hoạt động CGCN không?

Ngoài việc lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, chúng tôi cũng tìm hiểu các luật liên quan đến hoạt động CGCN của nhiều quốc gia cũng như những chính sách ưu đãi của họ đối với những bên tham gia vào hoạt động CGCN. Chúng tôi cũng đã tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,… để đưa ra các quy định phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và phù hợp với các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Ông kỳ vọng vào điều gì khi Luật CGCN mới được ban hành?

Hoạt động CGCN liên quan đến nhiều khâu, do nhiều vấn đề hợp lại, Luật CGCN chỉ là một trong số những công cụ cần thiết để hỗ trợ chứ không thể là yếu tố duy nhất để giải quyết mọi vấn đề hiện tại của hoạt động CGCN. Vì vậy chúng tôi không kỳ vọng vào việc Luật mới ra đời sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của hoạt động CGCN, một mình Luật CGCN không thể làm tất cả mọi việc.

Tôi mong Luật sau khi sửa đổi, bổ sung sẽ khuyến khích được các hoạt động CGCN, tạo điều kiện để thị trường công nghệ với các bên cung, cầu và tổ chức trung gian phát triển giúp các bên có thể tiếp cận và kết nối các công đoạn của quá trình ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ.

Xin cảm ơn ông.

Thanh Nhàn (thực hiện)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)