Tạo động lực qua cơ chế mở

Kể từ năm 2016, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) bắt đầu thành lập hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) trên cơ sở các nhóm nghiên cứu mạnh đã được công nhận. Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQGHN, để các PTNTĐ đạt được những kỳ vọng đặt ra, giải pháp lớn nhất vẫn là tạo một cơ chế mở để thu hút và trọng dụng nhà khoa học trình độ cao, những người có khả năng thiết kế và tổ chức triển khai các bài toán khoa học lớn.


GS. TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQGHN. Nguồn: ĐHQGHN.

Gợi ý từ mô hình Hàn Quốc

Để góp phần đưa ĐHQGHN trở thành một trường đại học nghiên cứu ở trình độ quốc tế với nhiều sản phẩm KH&CN có giá trị, cần phải có những trung tâm nghiên cứu, những phòng thí nghiệm chất lượng cao trong các lĩnh vực KH&CN mũi nhọn. Những phòng thí nghiệm trọng điểm như vậy phải được xây dựng trên cơ sở là các đơn vị đã có thành tích nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu mạnh hoặc các nhóm nghiên cứu tiềm năng. Củng cố cho niềm tin và giải pháp đó có thể tìm hiểu các mô hình và bước đi của Hàn Quốc. Trong đó, có hai mô hình gần gũi mà ĐHQGHN có thể áp dụng, đó là mô hình Viện nghiên cứu KH&CN trọng điểm (IST – Institus of Science Technology) và phòng thí nghiệm tại các trường đại học đẳng cấp quốc tế (World Class University), gọi chung là các WCU Lab. 

Với người Việt Nam, mô hình thứ nhất khá quen thuộc thông qua hình ảnh Viện KIST (Korea IST), một Viện nghiên cứu định hướng công nghệ công nghiệp đa ngành đầu tiên của Hàn Quốc hoạt động theo cơ chế tự chủ với ưu đãi đặc biệt từ chính phủ. Được thành lập vào năm 1966, sau 50 năm hoạt động, KIST đã đem lại nhiều sản phẩm công nghệ mới và dịch vụ trợ giúp kỹ thuật cho doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nhân lực kỹ năng cao cho các ngành công nghiệp đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các công nghệ cao mang tính dẫn dường, qua đó giúp Hàn Quốc đạt được các thành tựu xuất sắc trong KH&CN và đổi mới sáng tạo. Sau thành công của Viện KIST, Hàn Quốc tiếp tục thành lập ba Viện IST nữa: năm 1993, thành lập GIST (Gwangju IST); năm 2004, thành lập DGIST (Daegu Gyeongbuk IST); năm 2014, thành lập DIST (Daejeon IST). Bốn IST này đang là bốn đầu tàu về KH&CN của bốn vùng kinh tế trọng điểm của Hàn Quốc.

Ở quy mô nhỏ hơn, WCU Lab mang tính chất là hạt nhân phát triển cho các trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế. Chính phủ Hàn Quốc đã thí điểm đầu tư cho các phòng thí nghiệm này trong vòng ba năm, mỗi phòng thí nghiệm được trường cấp một khoản kinh phí hoạt động là 1 triệu đô la/năm và được toàn quyền sử dụng cho các hoạt động nghiên cứu, trong đó khuyến khích việc mời được một nhà khoa học lớn trên thế giới về làm việc.

Là một đất nước đã có nền KH&CN phát triển cao, nhưng Hàn Quốc vẫn rất quan tâm thu hút và trọng dụng nhà khoa học có trình độ cao, trong nước cũng như quốc tế trong cả hai mô hình trọng điểm của họ. Hàn Quốc quan niệm, các nhà khoa học giỏi, các tổng công trình sư khoa học luôn luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu mang lại thành công của các WCU Lab.

ĐHQGHN vừa ban hành chủ trương thu hút, trọng dụng nhà khoa học trình độ cao. Việc thành lập bảy PTNTĐ, bao gồm PTN Hệ thống tích hợp thông minh, PTN Công nghệ Micro và nano, PTN Địa môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, PTN Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm, PTN Phát triển năng lượng sinh học, PTN Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong phát triển xanh, PTN Khoa học tính toán đa cấp cho các hệ phức hợp, vừa là phương thức, vừa là mục tiêu để thực hiện chủ trương đó. Mỗi PTNTĐ sẽ là một môi trường làm việc tốt và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học giỏi, trong đó có cả các nhà khoa học quốc tế chuyên tâm vào nghiên cứu. 

Tiêu chí lựa chọn và đánh giá PTNTĐ

PTNTĐ sẽ được hưởng một cơ chế hoạt động và đầu tư riêng biệt so với những phòng thí nghiệm khác mà ĐHQHN đang quản lý để có đủ khả năng thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học. Để được hưởng cơ chế này, mỗi phòng thí nghiệm trong hệ thống PTNTĐ cần phải đạt được một số tiêu chí đầu vào cơ bản mà ĐHQGHN đưa ra: 1. Lĩnh vực và định hướng nghiên cứu phải phù hợp với hướng ưu tiên trọng điểm của nhà nước, của ĐHQGHN; 2. Phòng thí nghiệm có các nhà khoa học trình độ cao có đủ khả năng xác định, thiết kế và tổ chức giải quyết những bài toán KH&CN lớn; 3. Kết hợp chặt chẽ đào tạo và nghiên cứu, gắn với một chuyên ngành đào tạo; 4. Đã xây dựng được những chương trình hoặc các đề tài ngắn hạn (ví dụ giai đoạn 2016-2017) và trung hạn (giai đoạn 2016-2020) và được hội đồng, chuyên gia trong nước cũng như quốc tế thẩm định. Các nhiệm vụ đó phải tương thích với nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm và năng lực nghiên cứu của ĐHQGHN; 5. Cam kết thực hiện được điều kiện và lộ trình phát triển PTNTĐ.

Ba trong số bảy PTNTĐ của ĐHQGHN đã đi tiên phong trong việc mời nhà khoa học nước ngoài tới cộng tác theo mô hình đồng giám đốc PTN. Đó là PTN công nghệ micro-nano (GS. Cheol Gi Kim – DGIST, Hàn Quốc), PTN Khoa học tính toán đa tỷ lệ cho các hệ phức hợp (GS. Paolo Carloni – Decoding the Human Brain, Jülich, CHLB Đức) và PTN Phát triển năng lượng sinh học (GS. Yasuaki Maeda, Osaka Prefecture University, Nhật Bản). Được bổ nhiệm thông qua hình thức Letter of Appointment, ba vị đồng giám đốc nước ngoài sẽ tập trung vào nhiệm vụ xây dựng các chương trình nghiên cứu cùng với đồng nghiệp người Việt, dẫn dắt công việc nghiên cứu kết hợp với đào tạo nghiên cứu sinh, tìm kiếm tài trợ trong nước và quốc tế để tăng kinh phí cho nghiên cứu.

Để đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu của PTNTĐ, bên cạnh việc xây dựng các tiêu chí đầu vào, ĐHQGHN còn quan tâm đến việc xác định những tiêu chuẩn đầu ra của nó. Đây là các phòng thí nghiệm nghiên cứu cơ bản trình độ cao, định hướng ứng dụng. Sản phẩm truyền thống, cơ bản trước hết vẫn là các công bố trên tạp chí ISI, trong đó bao gồm cả bài báo trong nhóm tạp chí hàng đầu SNC (Science, Nature và Cell) hoặc bài báo trong các tạp chí thuộc nhóm top 5% của lĩnh vực nghiên cứu. Chỉ tiêu đối với các bài báo nhóm đỉnh cao có thể là 1 bài/2-3 năm đầu thành lập, nhưng sau đó phải là hằng năm. Vì là định hướng ứng dụng nên các nghiên cứu cơ bản đỉnh cao này cũng phải gắn liền và hướng tới các phát minh, sáng chế, công nghệ lõi, mô hình trình diễn và các sản phẩm KHCN hoàn chỉnh, có khả năng chuyển giao. Đặc biệt, các phòng thí nghiệm này phải là nơi cung cấp các báo cáo kỹ thuật, tư vấn cho chính phủ về các vấn đề KH&CN liên quan. Về lâu dài, một trong những tiêu chí quan trọng để ĐHQGHN đánh giá tính hiệu quả của các PTNTĐ chính là việc làm ra những sản phẩm hoàn chỉnh, chất lượng cao thông qua việc kết nối và hợp tác với doanh nghiệp.

Tạo động lực bằng cơ chế mở

Qua tham khảo các mô hình của Hàn Quốc cũng như mô hình PTNTĐQG mà Việt Nam đã triển khai được hơn 10 năm qua, chúng tôi đã hình dung được phần nào những khó khăn sẽ đến với các PTNTĐ của ĐHQGHN, trong đó thách thức lớn nhất vẫn là vấn đề con người. Phải mời được nhà khoa học có tham vọng và khả năng đóng góp cho sự phát triển. Nếu giải quyết được vấn đề này thì vấn đề thứ hai, thách thức muôn thủa của Việt Nam về kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, sẽ được tháo gỡ một cách dễ dàng. Chúng ta biết, hiện nay, Việt Nam đang có nhiều quỹ phát triển KH&CN, nhiều chương trình nghiên cứu quốc gia. Ở giai đoạn phát triển đầu tiên của PTNTĐ, chỉ cần các nhà khoa học có ý tưởng, có khả năng xác định được các bài toán và tham gia được vào các chương trình nghiên cứu đó thì không thiếu cơ hội tìm được nguồn lực đầu tư cho các công trình, dự án khoa học của mình. 

Về nhân lực, ĐHQGHN sẽ áp dụng cơ chế mở và khuyến khích sự sáng tạo cao nhất ở các PTNTĐ. Vì vậy, ĐHQHN sẽ không giao biên chế trước và cố định cho các PTNTĐ mà áp dụng một phương thức khác: những nhà khoa học có ý tưởng, có dự án nghiên cứu khả thi sẽ được thu nhận về phòng thí nghiệm và được trọng dụng ngay thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN mang tính chất khởi động, hoặc thông qua các dự án đầu tư…

Tác giả