Tập trung nguồn lực KH&CN để phát triển nông nghiệp CNC

Nhân dịp đầu xuân 2012, GS Trần Xuân Hoài - Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Vật lý Ứng dụng và Thiết bị Khoa học/Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có một vài chia sẻ với Tia sáng về triển vọng phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Xin ông cho biết suy nghĩ của mình về triển vọng phát triển khoa học công nghệ Việt Nam trong năm 2012 và giai đoạn tới?

Với thực trạng của KH&CN hiện nay, thật khó nói là khoa học sẽ làm được gì nhiều trong năm 2012. Tôi nghĩ chúng ta nên tập trung làm những việc mà chúng ta có tiềm năng. Ví dụ như nên dồn sức để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Cần tích cực đầu tư cho một tương lai không xa khi mọi người trên thế giới đến với Việt Nam là đến với một nơi hàng đầu về ẩm thực phong phú và an toàn về thực phẩm. Đây là một hướng đầu tư rất tốt cho phát triển kinh tế và phục vụ trực tiếp cho sức khỏe, lợi ích của tất cả mọi người. Nếu quyết tâm chúng ta có thể làm được ngay vì công nghệ đã có sẵn và tiền đầu tư cho việc này có thể trích ra ngay từ việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Nhìn về lâu dài, trong số những lĩnh vực khoa học công nghệ quan trọng mà Việt Nam cần tập trung nghiên cứu để trong vòng 10 năm tới đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, tôi nghĩ chúng ta nên tập trung vào hai mũi nhọn trong kinh tế tri thức. Bên cạnh ngành nông nghiệp công nghệ cao mà ta đã đề cập, Việt Nam nên tập trung phát triển một số ngành luyện kim mà ta có tiềm năng trong tương lai, như ngành công nghiệp titan và nhôm. Không phải chúng ta chỉ đào quặng Bauxit hay Ilmenit đem bán, mà phải tạo dựng được cơ sở KHCN và doanh nghiệp chuyên sâu phát triển ở trình độ cao trong luyện nhôm, hợp kim nhôm, titan, oxit Titan, hợp kim titan và các lĩnh vực chế tạo, ứng dụng các vật liệu đó. Ước mơ một ngày nào đó VN là một cường quốc Nhôm-Titan không phải là quá viển vông, nếu chúng ta suy nghĩ và làm việc nghiêm túc từ bây giờ.

Vậy theo ông cần những điều kiện gì để thực  hiện thành công được hai lĩnh vực đó?

Một điều rất quan trọng là nguồn tài chính cung cấp cho khoa học phải được phân bổ và quản lý hiệu quả. Hiện nay công tác quản lý của chúng ta còn dàn trải, nhiều quy trình thủ tục hành chính không phù hợp với đặc thù nghiên cứu khoa học, do những người quản lý trực tiếp về tài chính cho khoa học lại ở trong những lĩnh vực không liên quan tới khoa học. Thật ngạc nhiên khi qua báo chí chúng ta được biết rằng Nhà nước đầu tư khoảng 2% tổng ngân sách cho phát triển KHCN nhưng Bộ KH&CN lại chỉ quản lý 10-20% trong tổng số ngân sách này. Đây là một điều hoàn toàn không hợp lý! Liệu trong số 80- 90% kia thì có bao nhiêu phần trăm là được dùng cho khoa học và đến được tay người làm khoa học công nghệ. Theo tôi nghĩ, Bộ KH&CN cần được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng hợp lý đến 80% nguồn kinh phí hỗ trợ trong số xấp xỉ 2% ngân sách Quốc gia. Có như thế thì Bộ KH&CN mới có thể phát huy được vai trò thực sự là “thủ lĩnh” trong mọi hoạt động KH&CN của đất nước. Và chỉ khi các tác động từ chính sách và nguồn kinh phí mà Nhà nước đầu tư cho KHCN đem lại những hiệu quả tích cực cụ thể trong hoạt động của những người làm KHCN thì chúng ta mới có căn cứ để hi vọng rằng nền KHCN đang phát triển đúng hướng.

Mặt khác, nếu không có sự ủng hộ của công chúng và truyền thông, khoa học cũng không thể phát triển được. Vì vậy, vai trò của truyền thông cho khoa học công nghệ cũng hết sức quan trọng. Truyền thông phải nói đúng, nói chính xác, và có sự hợp tác chặt chẽ với nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học để phản ánh chính xác thực trạng phát triển khoa học công nghệ của nước nhà, và tập trung sự chú ý của dư luận vào những vấn đề bức thiết nhất của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế, xã hội.

Ông có điều gì muốn gửi gắm tới các nhà khoa học đồng nghiệp trong năm 2012 này?

Trong điều kiện trước mắt còn nhiều hạn chế như hiện nay, các nhà khoa học nếu chỉ ngồi phàn nàn thì cũng chẳng ích gì. Thay vào đó, chúng ta cần cố gắng đến mức tối đa giải quyết những vấn đề bức thiết trong xã hội, như tham gia nghiên cứu dùng KHCN để giải quyết ách tắc giao thông, hay giải pháp kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm… Các nhà khoa học cũng nên dũng cảm đấu tranh phát biểu những ý kiến của mình, công bố và bảo vệ những luận cứ khoa học mà mình đã nghiên cứu lâu nay để giúp giải quyết những vấn đề chính sách của Nhà nước. Ngược lại các nhà quản lý cũng cần có tinh thần cầu thị, tích cực tham khảo ý kiến khách quan từ các nhà khoa học, đặt hàng cho nhà khoa học những đề tài nghiên cứu thực sự nghiêm túc và thiết thực.

Một điều mong mỏi nữa của tôi là các nhà khoa học chúng ta phải làm sao truyền được niềm đam mê khoa học cho giới trẻ, bắt đầu ngày từ khi trẻ mới 7-8 tuổi. Đây là điều cốt lõi đưa KHCN phát triển.
              

Tác giả