Thái Lan ưu tiên các ngành khoa học thúc đẩy kinh tế tăng trưởng

Thái Lan đang chuẩn bị có kết quả bầu cử đầu tiên kể từ khi một chính quyền quân sự lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014. Giống như những người dân khác, các nhà khoa học Thái Lan mong muốn một quốc gia dân chủ hơn – một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy đất nước phát triển, trong đó có khoa học.

Số bài báo công bố quốc tế của Thái Lan trong 10 năm. Ảnh: Nature

Có một điểm đặc biệt là cho dù đảng ủng hộ nền dân chủ (pro-democracy) hay đảng được quân đội hậu thuẫn trở thành đảng cầm quyền thì nhiều khả năng khoa học Thái Lan sẽ vẫn tiếp tục phát triển nhờ kết quả của những cải cách do chính quyền quân sự đang nắm quyền thực hiện. “Chỉ đến khi chúng ta gặp phải những sự cố đáng tiếc, chẳng hạn như trường hợp một chính phủ quân sự nắm quyền thì KH&CN mới được quan tâm thật sự”, Sakarindr Bhumiratana, chủ tịch hội đồng Quỹ hàn lâm KH&CN Thái Lan tại Bangkok, nói, hàm ý đến “vận may bất ngờ” mà khoa học Thái Lan được hưởng: chính quyền quân sự đã có nhiều nỗ lực đầu tư cho KH&CN do nhận thấy những tác động của khoa học vào sự phát triển kinh tế.

Cuộc bầu cử ngày 24/3 tại Thái Lan là cuộc chạy đua giữa một số đảng chính trị dân chủ, tiến bộ với một đảng đại diện cho quân đội. Kết quả chính thức vẫn chưa được công bố. Số liệu sơ bộ được Ủy ban bầu cử đưa ra vào ngày 28/3 cho thấy đảng dân chủ Pheu Thai đã giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội, nhưng điều đó cũng không đảm bảo cho đảng này sẽ giành được số lượng cần thiết để lên cầm quyền. Đảng dân chủ Pheu Thai và đảng quân sự Palang Pracharath hiện đang cố gắng tìm liên minh để chiếm vị thế này.

Ủy ban bầu cử sẽ công bố kết quả chính thức trước ngày 9/5. Tuy nhiên các nhà bình luận nói rằng những thay đổi về quy định và hành chính do chính quyền quân sự đưa ra trong vài năm qua, bao gồm việc 250 thượng nghị sĩ không qua bầu cử được quyền chọn thủ tướng, có thể là lợi thế cho phía quân sự. Các nhà nghiên cứu hy vọng, chính phủ mới thuộc về phe nào vẫn sẽ tiếp tục tài trợ cho nghiên cứu và các sáng kiến do chính quyền quân sự đã thiết lập từ trước.

Các hỗ trợ cho khoa học của chính quyền quân sự

Theo thống kê của chính phủ, trong giai đoạn 2014-2017, việc đầu tư cho R&D của chính quyền quân sự đã tăng gấp đôi, lên mức 1% phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và số người tham gia vào các hoạt động R&D tăng 65%.

Bảo tàng Khoa học Quốc gia của Thái Lan vẫn thu hút tới hơn 3 triệu lượt khách tới thăm mỗi năm. Ảnh: AP
Nhìn lại lịch sử Thái Lan, có thể thấy những cơ quan quản lý khoa học mới, các chương trình đầu tư cho khoa học mới lại thường xuất hiện dưới chính quyền quân sự, Patarapong Intarakumnerd – nhà phân tích chính sách đổi mới tại Viện nghiên cứu về chính sách quốc gia ở Tokyo, Nhật Bản, nhận xét. Ví dụ, Cơ quan Phát triển KH&CN Quốc gia, nằm ở phía bắc Bangkok, một viện nghiên cứu công lớn nhất của Thái Lan cũng được một chính quyền thành lập vào năm 1991 sau đảo chính quân sự. Và việc đưa Văn phòng chính sách đổi mới và KH&CN quốc gia (STI) vào hoạt động sau cuộc đảo chính năm 2006. “Có thể đây là một kiểu liên kết giữa quân đội, các nhà kỹ trị kinh tế và các nhà kỹ trị khoa học”, ông Intarakumnerd bình luận.

Năm 2018, chính quyền quân sự đã đưa ra chiến lược quốc gia 20 năm, trong đó ưu tiên nhiều lĩnh vực KH&CN như khoa học tự động hóa, robotics, năng lượng sinh học và y học để tham gia góp phần vào sự phát triển của các ngành công nghiệp…

“Có khả năng chính phủ mới được bầu ra cũng sẽ đi theo chiến lược đã được đặt ra này”, Numpon Mahayotsanun – một kỹ sư cơ khí tại Đại học Khon Kaen và là chủ tịch Hội hàn lâm Khoa học trẻ Thái Lan, cho biết. Theo quan điểm của anh, rất khó thay đổi chiến lược phát triển vì cần thời gian và quy trình hành chính cần thiết để phê duyệt các chính sách mới.

Thành lập Bộ Khoa học mới

Vài tuần trước cuộc bầu cử, quốc hội cũng đã thông qua luật thành lập Bộ Giáo dục đại học, khoa học, nghiên cứu và đổi mới, dự kiến sẽ được Hoàng gia Thái Lan chấp thuận trong vòng vài tháng. Bộ mới được thành lập trên cơ sở Bộ KH&CN, Văn phòng Ủy ban Giáo dục đại học, Hội đồng Nghiên cứu khoa học quốc gia Thái Lan và Quỹ Nghiên cứu Khoa học Thái Lan.

Một hội đồng do thủ tướng làm chủ tịch sẽ điều hành hoạt động của Bộ GDĐH, KH, nghiên cứu và đổi mới và sẽ quyết định các chính sách và phân bổ ngân sách khoa học gồm 16 tỷ baht (500 triệu USD) cho năm 2019. Tuy nhiên bộ sẽ có quyền tự chủ để thúc đẩy thương mại hóa nghiên cứu và điều phối các chính sách quốc gia, theo Kitipong Promwong, tổng thư ký của STI tại Bangkok và là người phụ trách ban thư ký của Hội đồng này. Trước đây, ít khi có sự phối hợp về chính sách giữa các tổ chức cá nhân, do đó các dự án khoa học thường bị trùng lặp và nhiều hạn chế trong giám sát và đánh giá, ông nói.

Ban thư ký của Promwong đã bắt đầu thiết lập các hạng mục ưu tiên cho Bộ mới, bao gồm việc chuyển giao công nghệ cho các ngành công nghiệp như du lịch, thực phẩm, vật liệu sinh học và y tế. Các khoản đầu tư cũng sẽ tập trung vào những lĩnh vực khoa học Trái đất và không gian, năng lượng nguyên tử, khoa học lượng tử, khoa học xã hội và các công nghệ di truyền có thể áp dụng trong phân tích các phân tử sinh học như gene và protein quy mô lớn. Nhóm cũng sẽ đề xuất rằng chi tiêu R&D của đất nước nên tăng lên 1,5% GDP vào năm 2021 và lên 2% vào năm 2026.

Việc tái cấu trúc bộ mới sẽ có tác động tích cực cho khoa học ở Thái Lan, Bhumiratana nói. Đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu không chỉ làm giúp tăng nguồn thu cho đất nước mà còn giúp cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ của các doanh nghiệp, ông nói.

Nhưng Intarakumnerd không tin rằng việc tái cấu trúc này sẽ thúc đẩy việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu một cách thực sự. Ông nêu kinh nghiệm chuyển đổi công nghệ của các quốc gia khác như Nhật Bản và Hàn Quốc và cho rằng nên đầu tư đáng kể vào các công ty – nơi diễn ra các hoạt động đổi mới sáng tạo liên quan đến công nghệ và áp dụng công nghệ, chứ không phải trong các trường đại học và viện nghiên cứu công.

Mặt khác, chính sách đầu tư cho khoa học này chưa thực sự toàn diện. Các nhà khoa học không làm việc trong các lĩnh vực trọng tâm cảm thấy bị “bỏ rơi” khi chính phủ chỉ ưu tiên đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, Titipol Phakdeewanich, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani nhận xét. Khoa học xã hội nhân văn và khoa học môi trường đã bị lãng quên trong những năm gần đây, ông nói. Và nếu một chính phủ của đảng thân quân đội lên nắm quyền, các nhà khoa học xã hội, nghiên cứu về dân chủ và nhân quyền, phải đối mặt với một tương lai bất định. “Có thể quân đội coi quyền tự do ngôn luận và nhân quyền là mối đe dọa đối với quyền lực của họ”, ông nói.

Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/thai-lan-uu-tien-cac-nganh-khoa-hoc-thuc-day-kinh-te-tang-truong/2019041111170578p1c785.htm

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)