Thay đổi trong đầu tư công-tư cho khoa học

Một bức tranh mới về khoa học Việt Nam trong những năm gần đây đã được vẽ lên với một làn sóng đầu tư cho khoa học từ khối tư nhân đã bắt đầu xuất hiện, bên cạnh nguồn lực đầu tư truyền thống từ phía nhà nước. Tuy chưa thể kết luận được gì sớm về hiện tượng này nhưng rất có thể, nó sẽ dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc khoa học Việt Nam.

Trước hết, đó là việc những doanh nghiệp lớn đã thành lập các viện nghiên cứu, lập quỹ đầu tư cho khoa học và bắt đầu triển khai các chương trình tài trợ hoàn toàn độc lập với nhà nước (như các viện, quỹ của Vingroup). Khi đầu tư cho khoa học theo cách này, các doanh nghiệp có góc nhìn và cam kết riêng của họ. Chúng ta không rõ là họ sẽ có được khoản đầu tư đó trong vòng bao lâu hoặc về lâu dài sẽ duy trì việc tài trợ theo cung cách nào, nhưng ít nhất có thể thấy, trong trường hợp của Vingroup, các viện nghiên cứu bắt đầu hoạt động và các hoạt động tài trợ đã được thực hiện cho một số nhóm nghiên cứu hoàn toàn từ nguồn vốn tư nhân, điều mà từ lâu chúng ta vẫn mong mỏi thúc đẩy với tên gọi “xã hội hóa”, “đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho khoa học”… 
Bên cạnh đó, trường Đại học Phenikaa cũng là một trường hợp mới. Dù chưa thể đánh giá một cách đầy đủ về vai trò của nó trong đời sống khoa học Việt Nam nhưng ít nhất ta thấy, đây là một trường hợp đặc biệt, đã thực sự tạo ra sự cạnh tranh với các tổ chức khoa học công lập. Họ bắt đầu tạo dựng ra một môi trường nghiên cứu và đào tạo nhiều hứa hẹn cũng như cách đánh giá năng lực nghiên cứu mới để thu hút chất xám, thu hút người giỏi của các đơn vị công lập. Nó khiến các đơn vị công lập bắt đầu phải nghĩ đến việc thực thi những biện pháp cũng như chính sách mới để có thể giữ người.
Những thay đổi bước đầu về nguồn lực đầu tư cho khoa học ở Việt Nam đã dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau về vai trò của nguồn đầu tư truyền thống – nguồn ngân sách nhà nước. Theo quan điểm của tôi, dù Vingroup, Phenikaa hay các doanh nghiệp khác có tăng thêm tài trợ cho khoa học theo cách của họ thì cũng không thể so với sự tài trợ của nhà nước được. Xét cho cùng thì các công ty vẫn chỉ giải quyết công việc của họ, đáp ứng nhu cầu của họ. Nguồn lực tài trợ chính cho khoa học công nghệ vẫn phải từ nhà nước mới có thể có quy mô đủ lớn và giải quyết được những vấn đề tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Không có đầu tư tư nhân nào có thể so được với nguồn lực đầu tư của nhà nước được, đó là thực tế mà tôi thấy ở các cường quốc khoa học trên thế giới. 
Vấn đề quan trọng khác cần trao đổi nữa là phương án đầu tư. Dù chúng ta vẫn thống nhất rằng nhà nước đóng vai trò chính trong việc đầu tư cho khoa học, nhưng cách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu có thể cần được thay đổi bởi bối cảnh chung đã khác. Không chỉ đang xảy ra những thay đổi về nguồn lực đầu tư mà bản thân những người “thụ hưởng” nó cũng thay đổi. Chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt giữa thế hệ làm nghiên cứu hiện nay so với các thế hệ trước. Theo cảm nhận của tôi, thế hệ những năm 1960 – 1980 có động cơ trong sáng hơn khi làm khoa học. Nhưng khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường thì yếu tố kinh tế, tài chính ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà khoa học. Nếu thế hệ trước làm khoa học với suy nghĩ đơn thuần “tôi làm khoa học vì niềm say mê và tôi thích công việc đó” và “tôi làm khoa học với ý thức trách nhiệm của mình với xã hội, đất nước” thì với thế hệ bây giờ còn có câu hỏi “làm khoa học liệu có thu nhập đủ sống, đủ lo cho gia đình?”. Do đó,  với vai trò quản lý nhà nước, các nhà quản lý khoa học công nghệ và cao hơn, các lãnh đạo của đất nước cần tính đến tâm tư, lo lắng của đội ngũ nghiên cứu khoa học để có thể duy trì được nguồn nhân lực khoa học, để các nhà khoa học có thể yên tâm theo đuổi nghiên cứu và có những đóng góp thiết thực cho kinh tế-xã hội của đất nước. 
Thực trạng nghiên cứu đối phó để nhận được tài trợ (một mặt góp phần dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong đầu tư cho khoa học công nghệ ở Việt Nam, mặt khác mô hình nghiên cứu mang nặng tính cá nhân (do phải trả nợ công trình cho các đề tài) khiến các nhà khoa học không có đủ năng lực và thời gian để khi cần có thể giải quyết các bài toán mà xã hội đặt ra – tức là làm suy yếu khoa học Việt Nam dưới góc độ một đội ngũ. 
Như vậy, đi kèm với đầu tư cho khoa học cần cơ chế hiệu quả để đánh giá hiệu quả nghiên cứu. Lấy ví dụ đối với nghiên cứu cơ bản, đã có nhiều thay đổi, nhiều chính sách mới liên quan đến đầu tư cho khoa học, trong đó phải kể đến sự tồn tại trong mười năm qua của Quỹ NAFOSTED, góp phần đem lại một môi trường khoa học thông thoáng và minh bạch. Nhưng cơ chế đánh giá vẫn chưa hoàn thiện khi còn thiên về số lượng. Ngoại trừ một vài trường hợp đặc như khi xét Giải thưởng Tạ Quang Bửu, ở diện rộng hơn cả các hội đồng đánh giá hiếm khi nhìn vào chất lượng thực sự của công trình mà cùng lắm chỉ là đánh giá chất lượng của tạp chí mà công trình được đăng và việc đánh giá tạp chí đấy thì về cơ bản mà nói, cũng được dựa trên những con số thống kê.  
Như vậy có thể nói đang có ba yếu tố mới ảnh hưởng tới bức tranh chung của khoa học Việt Nam, đó là sự thay đổi về các nguồn tài trợ trong nghiên cứu, đào tạo; sự khác biệt về tâm tư của thế hệ khoa học hiện nay so với trước kia và nhu cầu thực sự của xã hội cần một đội ngũ nghiên cứu khoa học có những đóng góp cụ thể và hiệu quả hơn cho đất nước. Trước những thay đổi này, thiết nghĩ các cơ quan lãnh đạo và quản lý cần có những chính sách vĩ mô phù hợp để tạo ra một nền khoa học thực sự có ích cho đất nước chứ không chỉ đóng vai trò trang sức là chính như các thế hệ trước. 

 

Tác giả