Thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết Hội nghị TW6 về phát triển KH&CN trong Dự thảo Luật KH&CN (sửa đổi)

 Để cụ thể hóa các chủ trương về phát triển KH&CN trong Cương lĩnh và trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra, Hội nghị lần thứ 6 của BCHTW khóa XI của Đảng đã thông qua Nghị quyết mới “Về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết TW6). Và trong Dự thảo Luật KH&CN (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo Luật), những nội dung chủ yếu của Nghị quyết TW6 đã được thể chế hóa thành các quy định.

Trong Dự thảo Luật, các quan điểm cơ bản và mục tiêu tổng quát phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trong Nghị quyết TW6 được quán triệt và thể hiện ở các quy định về nhiệm vụ của hoạt động KH&CN (Điều 4), nguyên tắc hoạt động KH&CN (Điều 5), chính sách của Nhà nước về phát triển KH&CN (Điều 6) và toàn bộ các chương, điều cụ thể của Dự thảo Luật. Và để thực hiện mục tiêu tổng quát đó, trong Dự thảo Luật đã có những qui định về nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm:

A. Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển KH&CN

Đưa kế hoạch ứng dụng và phát triển KH&CN trở thành một cấu phần không thể thiếu của quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương. Nội dung này trong Dự thảo Luật đã xây dựng các quy định sau:

1. Hoạt động KH&CN có nhiệm vụ xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối phát triển đất nước, chính sách, pháp luật phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Điều 4); Giải quyết các yêu cầu về KH&CN nhằm bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; dự báo kịp thời, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (Điều 6).

2. Nhiệm vụ KH&CN phải là những vấn đề KH&CN cần được giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển năng lực KH&CN của đất nước; Các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng phải tạo tiền đề và cơ sở cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng phải có địa chỉ hoặc phương án triển khai ứng dụng cụ thể và khả năng tạo ra sản phẩm mới, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao năng lực KH&CN (Điều 25).

3. Các nhiệm vụ KH&CN phải xuất phát từ thực tiễn, do các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất (Điều 5, Điều 26 và Điều 27).

4. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN liên kết với các doanh nghiệp để xác định và thực hiện nhiệm vụ KH&CN phục vụ yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa (Điều 32).

5. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN có trách nhiệm tiếp nhận, tổ chức ứng dụng, đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN do mình đặt hàng sau khi được đánh giá, nghiệm thu (Điều 41).
V.v…

B. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN

1. Đổi mới hệ thống tổ chức KH&CN

Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ, bao gồm cả các trường đại học, bảo đảm hiệu quả hoạt động cao, phù hợp với các mục tiêu và định hướng nhiệm vụ phát triển KH&CN trong từng giai đoạn, Dự thảo Luật KH&CN có các quy định theo tinh thần đổi mới về: các loại hình tổ chức KH&CN và hệ thống các tổ chức KH&CN (Điều 9); quy hoạch hệ thống tổ chức KH&CN (Điều 10); điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động KH&CN (Điều 11); thẩm quyền và trình tự, thủ tục thành lập tổ chức KH&CN (Điều 12);
V.v…

2. Đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN được thể hiện thông qua các quy định: Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập về về nhân lực, kinh phí hoạt động dựa trên kết quả và hiệu quả hoạt động KH&CN (Điều 5 và Điều 13); đầu tư cho tổ chức KH&CN dựa trên kết quả và hiệu quả hoạt động (các điều của mục 1, Chương VI về đầu tư và cơ chế tài chính phục vụ phát triển KH&CN); tăng cường liên kết giữa tổ chức KH&CN và doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực (Điều 32); giao quyền sở hữu các kết quả được tạo ra từ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ KH&CN hoặc tổ chức có khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (Điều 41); có cơ chế phân chia lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả (Điều 43); các tổ chức KH&CN được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các quỹ dành cho KH&CN hoặc các tổ chức tín dụng khác (các điều từ điều 59 đến điều 65);
V.v…

3. Đổi mới quy hoạch phát triển nhân lực KH&CN, đổi mới cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN. Dự thảo Luật dành toàn bộ Chương II cho vấn đề này theo tinh thần tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ KH&CN phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình; có chính sách cụ thể trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ KH&CN đầu ngành, cán bộ KH&CN được giao chủ trì nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cán KH&CN trẻ tài năng; có chính sách khen thưởng đối với tác giả các công trình công bố quốc tế, các sáng chế được bảo hộ trong nước và ở nước ngoài; hoàn thiện hệ thống chức danh khoa học, chức danh công nghệ, bổ sung quy định về “Ngày KH&CN Việt Nam”, hệ thống giải thưởng KH&CN, danh hiệu vinh dự Nhà nước cho cán bộ KH&CN. V.v…

4. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính (Chương VI và một số điều có liên quan của các Chương khác) được thiết kế theo tinh thần đổi mới cơ chế xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách cho hoạt động KH&CN phù hợp với đặc thù của hoạt động và nhu cầu phát triển KH&CN; Nâng cao trách nhiệm và quyền hạn của bộ quản lý nhà nước về KH&CN trong việc hướng dẫn xây dựng chiến lược và kế hoạch hoạt động KH&CN và thực thi các nguyên tắc, quy trình phân bổ và kiểm tra chi ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN (chi đầu tư phát triển, chi sự nghiệp); đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả KH&CN; áp dụng khoán và giao quyền chủ động cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN trong sử dụng kinh phí; hoàn thiện cơ chế đánh giá độc lập, tư vấn, phản biện, giám định xã hội trong hoạt động khoa học và công nghệ; áp dụng cơ chế linh hoạt trong cấp phát, quản lý kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; mở rộng áp dụng cơ chế tài chính của quỹ phát triển KH&CN; bổ sung và quy định rõ hơn mục đích chi, điều chỉnh định mức chi phù hợp với tình hình thực tế, đơn giản hóa các thủ tục thanh quyết toán tài chính trong hoạt động KH&CN; có cơ chế Nhà nước hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, mua thiết kế, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên; có cơ chế đầu tư đặc biệt để triển khai một số dự án KH&CN quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc có tác động mạnh mẽ tới năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia thương hiệu Việt Nam;

5. Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN. Dự thảo Luật (Chương IX) theo hướng tinh gọn, tập trung cho xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách; tăng cường điều phối liên ngành, liên vùng.

C. Triển khai các định hướng nhiệm vụ KH&CN

1. Tăng cường nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phục vụ hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước và bảo đảm quốc phòng, an ninh và mục đích công cộng được thể hiện ở các quy định trong Dự thảo Luật như việc phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; gắn nhiệm vụ phát triển KH&CN với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề hình thành và phát triển kinh tế tri thức (Điều 6); Ngân sách Nhà nước cho KH&CN được dùng chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN ưu tiên, trọng điểm, phục vụ lợi ích chung của xã hội; chú trọng các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực KH&CN (Điều 50).

2. Ưu tiên phát triển một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ liên ngành (Điều 6, Điều 50 và các điều khác liên quan), và đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH&CN trong các ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương được thể hiện trong tất cả các chương của Dự thảo Luật, đặc biệt tại Chương V (Điều 45).

3. Phát huy và tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia. Nhiệm vụ trọng tâm này được thể hiện trong nhiều điều của Dự thảo Luật: Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, chú trọng các lĩnh vực KH&CN ưu tiên, trọng điểm quốc gia; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển, đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực khoa học và công nghệ; đầu tư đồng bộ, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất của các cơ sở nghiên cứu KH&CN quốc gia; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các trung tâm nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, các khu công nghệ cao, công viên công nghệ; nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm nghiên cứu trong các trường đại học để gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, ứng dụng, triển khai, thương mại hóa công nghệ mới; Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hoặc tài trợ cho việc xây dựng các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư xây dựng, khuyến khích tổ chức, cá nhân tài trợ cho việc xây dựng hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và thống kê KH&CN hiện đại nhằm bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về các hoạt động KH&CN trong nước và thế giới.

Về nhiệm vụ Phát triển thị trường KH&CN được thể hiện ở Điều 6, Điều 69. Và Về hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN, Dự thảo Luật đã dành toàn bộ Chương VIII làm rõ các nguyên tắc và biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN.
***
Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, Bộ KH&CN đã quán triệt sâu sắc quan điểm và mục tiêu phát triển KH&CN nêu trong Nghị quyết TW6, đồng thời đã thể chế hóa kịp thời các các nội dung chủ yếu của Nghị quyết TW6 về các nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH&CN cũng như định hướng nhiệm vụ KH&CN. Dự thảo Luật này khi được Quốc hội thông qua và ban hành sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho mọi lĩnh vực hoạt động KH&CN, đưa KH&CN thực sự là động lực quan trọng trong phát triển KT-XH, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
——-
* PGS.TS. Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ KH&CN

Tác giả