Thí điểm khoán sản phẩm nghiên cứu trong nông nghiệp

Nhằm góp phần vào việc xây dựng đề án tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện cơ chế quản lý và chính sách trong hoạt động KH&CN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã chủ trì cuộc tọa đàm “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính và chính sách đãi ngộ cán bộ khoa học trong nông nghiệp và nông thôn” với sự tham dự của nhiều nhà quản lý và khoa học.

Sau hơn 20 năm đổi mới, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc (với mức tăng trưởng cao từ 4-5%). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khu vực này trong nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại và suy giảm (năm 2008 tăng trưởng GDP của ngành là 4,7% nhưng đến năm 2010 chỉ còn 2,8%). Ngoài những nguyên nhân khách quan như đất đai, nước tưới, lao động vật tư…đã tới hạn, một nguyên nhân cơ bản là yếu kém về trình độ khoa học công nghệ. Theo đánh giá hiện nay, trong khi nhu cầu đổi mới công nghệ và kỹ thuật vào nông nghiệp từ phía người dân là vô cùng lớn thì sự đáp ứng từ phía các nhà khoa học vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân của vấn đề này từ lâu đã được giới khoa học nói đến là bất cập trong cơ chế tài chính và chính sách đãi ngộ cán bộ trong nghiên cứu khoa học.

Cơ chế bất cập kéo dài

Trong khi chờ đợi Quyết định 846 của Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây về việc đặt hàng một số sản phẩm khoa học của Bộ NN&PTNT được triển khai vào thực tế, giới khoa học hiện vẫn phải tiếp tục chung sống với cơ chế tài chính theo phương thức thực thu thực chi theo hóa đơn mà từ lâu nay đã chịu rất nhiều than phiền từ các nhà nghiên cứu lẫn các nhà quản lý. Bà Nguyễn Thị Xuân Thu – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết nhược điểm của chính sách hiện hành là rất nhiều chi phí đầu vào trong nghiên cứu nông nghiệp (ví dụ mua nguyên liệu đầu vào ở chợ, thuê tàu bè đi biển…) không thể có hóa đơn chứng từ nhưng thực tế thanh toán đòi hỏi phải có dấu đỏ xác nhận. Hơn nữa, hiện tượng trượt giá xảy ra khá thường xuyên nhưng việc bổ sung kinh phí gặp nhiều khó khăn và rất mất thời gian. Thực tế này dẫn tới nạn cán bộ thà tự “hoàn chỉnh” bộ hồ sơ sao cho thanh toán gọn nhẹ còn hơn là làm đúng từng khoản chi, sau đó xin điều chỉnh. Ngoài ra, các khoản nếu tiết kiệm được phải nộp lại cho ngân sách Nhà nước mà không được giữ lại đã vừa triệt tiêu động lực tiết kiệm của các cán bộ, vừa tạo động cơ cho nạn “hợp thức hóa chứng từ”. Ông Nguyễn Quốc Vọng đến từ ĐH Nông Nghiệp cho rằng đầu vào của các đề tài bị thắt chặt và chịu quá nhiều ràng buộc, trong khi đó quản lý đầu ra lại rất lỏng lẻo nên kết quả là nhiều công trình làm xong bỏ đó vì không có tính ứng dụng.


Yếu tố cản trở lớn nhất cho hoạt động của các cơ quan khoa học công nghệ công lập không phải là kinh phí hay cơ sở vật chất, mà chính là đội ngũ cán bộ thiếu động lực.
                         TS. Đặng Kim Sơn

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Triệu Văn Hùng – Vụ trưởng vụ KHCN&MT (Bộ NN&PTNT) cho biết hiện nay các nhà quản lý, thay vì tập trung vào nhiệm vụ chính là hoạch định chính sách và điều tiết ở cấp vĩ mô, lại tích cực tham gia những công việc cụ thể (tìm kiếm dự án, thành lập hội đồng,…). Sự chệch hướng vai trò này dẫn tới hai hệ quả. Thứ nhất, nhiều chương trình đề tài nghiên cứu không phải do chuyên gia triển khai nên đã bỏ qua yêu cầu thực tiễn của đời sống kinh tế xã hội; việc lựa chọn chủ nhiệm đề tài, thành phần hội đồng khoa học…không đảm bảo chất lượng tối ưu. Thứ hai, với một quĩ thời gian cố định thì việc tập trung vào những công tác phụ đương nhiên sẽ làm phân tán thời gian dành cho nội dung chính. Thực tế này có lẽ phần nào lí giải nguyên nhân các văn bản chính sách, do không được đầu tư đầy đủ về thời gian và công sức, nên nếu không thiếu sót thì cũng chồng chéo và mâu thuẫn khi triển khai đồng loạt.

Liên quan tới một vấn đề cũng thuộc chính sách vĩ mô là việc lồng ghép viện nghiên cứu – công ty kinh doanh, PGS.TS. Nguyễn Văn Hoan- Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa – ĐHNN-I, từ kinh nghiệm cá nhân nhận xét mô hình việc thành lập công ty trong viện mà Việt Nam đang chủ trương tiến hành là đi ngược với thế giới. Đơn cử trường hợp Nhật Bản. Mô hình trung tâm nghiên cứu thuộc các nhà máy/công ty lớn đã giúp những cán bộ khoa học nước này nắm bắt kịp thời và chính xác nhu cầu thị trường, từ đó có hướng đi thực tế cho các công trình của mình.

Con người thụ động

Trong khi các nhà khoa học phê phán bất cập trong cơ chế, ở chiều ngược lại, các nhà quản lý lại chỉ ra sự thụ động của giới khoa học. Đáp lại nhiều ý kiến cho rằng chính sách của Bộ Tài chính còn nhiều bó buộc và đang gây không ít cản trở cho nông nghiệp, ông Lại Văn Dương – Bộ Tài chính cho rằng hiện nay các văn bản luật đã rất thông thoáng. Đề tài xong lúc nào, thanh quyết toán lúc đó. Cũng không có việc Nhà nước bắt các tổ chức KHCN phải nộp lại khoản tiết kiệm được. Theo ông Dương, cơ chế đã mở kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 846, nhưng các nhà khoa học chưa tận dụng tối đa cơ chế đó.


Bà Nguyễn Thị Xuân Thu –
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Ông Mai Xuân Triệu –
Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô

Sự thụ động của các nhà khoa học và các viện nghiên cứu xuất phát trước hết từ thói quen được bao cấp lâu nay. Tâm lí ỷ lại, cầm tay chỉ việc dường như vẫn còn bám rễ trong tâm thức những cán bộ khoa học hiện đại. Hầu hết ai cũng e ngại việc rời xa cơ chế quen thuộc. Ít người dám dứt khoát bắt tay thực thi, thử nghiệm những chính sách mới ban hành. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, mặc dù Nghị định 115 tạo điều kiện mở rộng phạm vi điều hành của viện trưởng, nhưng không ít người do sợ trách nhiệm đã không sử dụng quyền hạn pháp qui, dẫn đến tình trạng công việc giậm chân tại chỗ. Có lẽ đối với một bộ phận không nhỏ những người làm nghiên cứu, làm sao để đều đều duy trì sự sống (dù trong tình trạng thoi thóp) quan trọng hơn nhiều so với việc đẩy mạnh sự nghiệp khoa học và cải tiến kết quả nghiên cứu. Theo TS. Đặng Kim Sơn, tình trạng này tương tự như nạn trì trệ của các hợp tác xã thời kỳ bao cấp trước đây. “Chúng ta thực sự cần một cuộc cải cách tương tự như khoán 10 cho quản lý khoa học trong nông nghiệp”, ông nhận xét.

Để thúc đẩy triển khai cơ chế khoán và tự chủ, các ý kiến tại tọa đàm đều thống nhất trước hết phải tiến hành thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm về nhân rộng mô hình.
—————————
Để thực hiện cơ chế khoán thành công, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu  nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần có định mức cụ thể cho sản phẩm khoán cuối cùng và trung gian.

Theo ông Triệu Văn Hùng, các tổng công ty Nhà nước – đơn vị trụ cột của nền kinh tế, lâu nay không mặn mà với các hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ. Các tổng công ty này đều có viện nghiên cứu của mình (mía đường, cao su, chè, café…), nhưng thay vì hoạt động hết công suất với nguồn vốn lớn (một cách tương đối so với các doanh nghiệp tư nhân), các viện này đa phần đều xin về Bộ nhằm hưởng bao cấp. Mục đích của việc này là tạo điều kiện để nhân viên vừa hưởng lương biên chế, lại đủ rảnh rỗi để thỉnh thoảng vẫn có thể kiếm việc làm thêm bên ngoài. Trong khi hạn chế của các doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân vốn năng động nhưng lại bế tắc trong việc phát triển khoa học công nghệ do thiếu vốn, thì việc các tổng công ty Nhà nước với bầu sữa ngân sách dồi dào lại không thực sự quan tâm tới việc đổi mới KHCN thật đáng đặt câuMặt khác, tình trạng “cầm tay chỉ việc” không chỉ tồn tại trong giới khoa học, mà còn ở những cấp quản lý hành chính cơ sở, dẫn tới bế tắc trong việc thực thi chính sách Nhà nước phục vụ đổi mới trong quản lý khoa học công nghệ. Việc áp dụng rập khuôn máy móc những qui chế cũ mà không chịu cập nhật dẫn tới tình trạng khóc dở mếu dở. Ví dụ các tổ chức KHCN khi chuyển đổi thành tổ chức kinh doanh thì được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế như doanh nghiệp mới thành lập, thế nhưng đến cục thuế thì bị từ chối. Lí do theo cục thuế là tuy nghị định Chính phủ đã ban nhưng chưa có hướng dẫn của tổng cục. Bản thân Bộ KH&CN đã nhiều lần phải làm văn bản gửi Tổng cục Thuế Bộ Tài chính giải trình nhưng để thuyết phục các cục thuế địa phương vẫn rất khó khăn. Một điển hình khác là những trục trặc không cần thiết trong việc cấp giấy phép đăng kí kinh doanh cho các tổ chức khoa học công nghệ chuyển đổi sang tự chủ. Nghị định Chính phủ, thông tư liên tịch ba bộ cho phép nhưng các sở Kế hoạch đầu tư nói rằng cần có hướng dẫn từ Bộ Kế hoạch đầu tư. Phải đến khi có hướng dẫn riêng xuống đến từng sở thì các tổ chức khoa học công nghệ chuyển đổi mới được cấp giấy phép đăng kí kinh doanh. Vướng mắc kiểu này đối với các đơn vị quả thực thuộc dạng “không biết kêu ai”, theo lời Bộ trưởng Nguyễn Quân là “cứ đến cấp cơ sở, cấp vụ, cấp chuyên viên lại vướng mặc dù Bộ đã ủng hộ, thông tư nghị định rất rõ”.

Góp ý cho triển khai thực hiện cơ chế khoán và tự chủ

Hiện nay Bộ NN&PTNT đang trong quá trình xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể Quyết định 846 của Thủ tướng Chính phủ về việc đặt hàng sản phẩm nông nghiệp theo phương thức khoán. Phương thức khoán được kỳ vọng sẽ giúp tăng tính tự chủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, trong đó các chủ nhiệm đề tài được tự do hơn trong các hoạt động chi tiêu, miễn sao đạt được kết quả chất lượng đúng như cam kết khi được giao kinh phí. Đồng thời, phương thức khoán cũng được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải những thủ tục hành chính trong chi nghiên cứu, tạo điều kiện cho cán bộ tập trung chuyên môn.

Để thúc đẩy triển khai cơ chế khoán và tự chủ, các ý kiến tại Tọa đàm đều thống nhất trước hết phải tiến hành thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm về nhân rộng mô hình. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết hiện nay hai chương trình quan trọng nhất mà Bộ NN&PTNT đang triển khai là giống và công nghệ sinh học. Những viện nào đang theo đuổi hai chương trình này nên được ưu tiên đưa vào thí điểm. Về tổ chức thí điểm cơ chế tự chủ, ông Lê Huy Ngọ, cựu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì cho rằng nên chú trọng thí điểm tự chủ hóa những đơn vị hội tụ đủ các phẩm chất cần thiết, đó là ổn định, có năng lực, và có sự thống nhất cao trong nội bộ về thực hiện cơ chế khoán.

Về phía các nhà khoa học, quan điểm chung là dù tiêu chí ra sao thì vẫn cần sớm mạnh dạn triển khai. TS. Đặng Kim Sơn cho rằng “nếu [Bộ NN&PTNT chưa triển khai được trên 8 tổ chức thì thí điểm 3 tổ chức, thậm chí một tổ chức cũng được.” Mạnh mẽ hơn, PGS. TS. Nguyễn Văn Hoan đặt vấn đề “liệu có thể thí điểm tổ chức [một viện ưu tú như] Viện Nghiên cứu Ngô thành một mô hình tự chủ như Monsanto hay không?”

Tuy nhiên, để thực hiện cơ chế khoán thành công, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu  nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần có định mức cụ thể cho sản phẩm khoán cuối cùng và trung gian. Đối với các sản phẩm nghiên cứu mang tính trung gian không thể có đầu ra trực tiếp từ thị trường, bà cho rằng tiêu chí bình xét chất lượng có thể dựa trên các bài báo được công bố trên tạp chí chuyên ngành. Với những nghiên cứu nếu được công bố trên các tạp chí quốc tế hoặc đã được các cơ sở áp dụng trong thực tế thì có thể không cần nghiệm thu. Ông Nguyễn Quốc Vọng cũng cho rằng một trong những vấn đề đau đầu hiện nay là chất lượng các đề tài nghiên cứu chưa được đảm bảo. Để cải thiện cần chấn chỉnh lại công tác nghiệm thu và xử lý những công trình kém chất lượng.

Một vấn đề mang tính then chốt là cần bổ sung tiếng nói của nông dân và doanh nghiệp – những người trực tiếp hưởng lợi từ sản phẩm tham gia để quản lý chất lượng đầu vào – đầu ra, vào các quyết định giao đề tài và nghiệm thu sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Quốc Vọng, nông dân và các doanh nghiệp ở Úc không chỉ có mặt trong hội đồng mà còn được tham gia vào mọi cuộc nghe báo cáo định kỳ của các nhóm nghiên cứu, nhờ vậy mà công tác đánh giá chất lượng sản phẩm nghiên cứu dù không phải qua bước nghiệm thu nhưng vẫn đạt hiệu quả cao, gắn kết rất chặt chẽ với hoàn cảnh và nhu cầu thực tế. Phải làm như vậy thì mục đích cuối cùng của cơ chế khoán là đảm bảo chất lượng đầu ra trong khi đơn giản hóa các khâu trung gian mới có thể đạt được.


Cần bổ sung tiếng nói của nông dân và doanh nghiệp – những người trực tiếp hưởng lợi từ sản phẩm tham gia để quản lý chất lượng đầu vào – đầu ra, vào các quyết định giao đề tài và nghiệm thu sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
                GS Nguyễn Quốc Vọng

Về cách thức tiến hành trong nội dung khoán, ông Trần Xuân Hoài đưa ra ý tưởng dùng phương thức thanh toán L/C1 để tạo cơ chế tự chủ cho cán bộ trong quá trình chi nghiên cứu. Theo đó, Nhà nước có thể đặt hàng sản phẩm, sau đó mở L/C trong đó qui định rõ sau một số năm nhất định (thời điểm hoàn tất) sẽ thanh toán tiền. Cán bộ nghiên cứu có thể đến ngân hàng rút tiền và hoàn toàn tự quyết các hạng mục chi của mình. Cũng liên quan tới việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, ông Triệu Văn Hùng cho rằng đối với những khoản chi không thể lấy hóa đơn, cán bộ chỉ cần kê khai đúng khoản chi và xin hóa đơn viết tay kèm xác nhận của chủ nhiệm đề tài để công nhận bộ chứng từ hợp lệ.

Giải pháp về con người

Lý giải thực trạng khoa học Việt Nam còn rất thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu giỏi, ông Nguyễn Quốc Vọng cho rằng nguyên nhân nằm ở chế độ thăng tiến. Những cán bộ khoa học có năng lực và thâm niên, sau một thời gian đa phần đều muốn chuyển sang vị trí quản lý, nhiều khả năng là để đảm bảo quyền lợi tốt hơn. Hiện nay, với tỉ lệ 27% biên chế trong 8 cơ quan thực hiện thí điểm của Bộ NN&PTNT (trong khi đó con số này ở nước ngoài trung bình là 70%) thì rất ít hi vọng đội ngũ cán bộ có được sự cam kết lâu dài với tổ chức. Do vậy, cần phải tạo ra một chế độ trong đó những người nghiên cứu có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho công việc để đảm bảo chất lượng hoạt động khoa học.

Để giải quyết tình trạng này, ông cho rằng nên tham khảo mô hình nhân sự của Úc với hai hệ thống lương cho đội ngũ quản lý và nghiên cứu có chuỗi thang bậc riêng. Trong hệ thống này, những cán bộ nghiên cứu lâu năm và có thành tích sẽ được hưởng mức lương cao. Như vậy vừa khuyến khích những chuyên gia giỏi và có kinh nghiệm tích cực tham gia nghiên cứu, lại vừa tạo điều kiện giữ chân những nghiên cứu viên giỏi cho các viện, qua đó duy trì mối quan hệ bền vững giữa viện và nhà nghiên cứu, một yếu tố tích cực quan trọng đem lại thành công trong khoa học.

Ngoài ra, ông Vọng còn cho biết nghịch lý trong các viện của chúng ta hiện nay là quyền hạn của viện trưởng quá lớn dẫn tới tình trạng cồng kềnh, kém hiệu quả trong cơ chế điều hành hoạt động. Viện trưởng chịu trách nhiệm quá nhiều vấn đề trong khi công tác họp hành thường xuyên nên nhiều trường hợp không kịp giải quyết, hoặc đôi khi trì hoãn. Để chấm dứt sự trì trệ này, việc phân quyền san sẻ nhiệm vụ giữa các cấp lãnh đạo cần được xem xét và điều chỉnh kịp thời.

Liên quan tới việc gây dựng lực lượng hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu, ông Hoàng Văn Phong– nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, nhấn mạnh cần sớm hình thành đội ngũ tài chính cho KHCN. Đội ngũ này cần có năng lực chuyên môn và hiểu biết về đặc thù tài chính trong khoa học, từ đó tư vấn và xây dựng chính sách phù hợp. Khi xảy ra những vướng mắc bất cập trong hoạt động tài chính khoa học thì những chuyên gia này sẽ là cầu nối giữa các nhà khoa học và người làm chính sách, với kinh nghiệm cần thiết để xem xét, đề xuất ý kiến tháo gỡ vấn đề.
Đối với những trì trệ do tính thụ động của cá nhân và tổ chức trong việc triển khai các đổi mới chính sách khoa học công nghệ, một nguyên nhân đáng kể là giữa đơn vị ban hành chính sách, đơn vị chấp hành và các đơn vị liên quan rõ ràng vẫn chưa có sự thông hiểu. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, trước hết tự bản thân các đơn vị cần có sự chủ động, tích cực hơn nữa trong việc thực hiện các chính sách đã ban hành, sau đó nếu có khó khăn bất cập thì có thể trình lên Thủ tướng để thực hiện thí điểm, làm tiền đề đổi mới. Về phía các ban ngành liên quan cũng cần cởi mở và linh hoạt trong việc tạo điều kiện hoạt động cho các tổ chức nghiên cứu bằng cách hạn chế tối đa các thủ tục hành chính phiền hà rắc rối.
————————-
1 L/C (Letter of Credit/Tín dụng thư): Phương thức thanh toán phổ biến thường được sử dụng trong ngân hàng. Theo đó, bên đặt hàng yêu cầu ngân hàng mở L/C cho bên cung cấp hàng hóa/dịch vụ. Nếu bên cung cấp hàng hóa/dịch vụ xuất trình được chứng từ yêu cầu trong L/C nhằm chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng thì bên đặt hàng sẽ tiến hành thanh toán chi phí.

Tác giả