Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động KHCN

Ngày 15/12, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động khoa học công nghệ” với sự chủ trì của  Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhằm thu nhận ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học về dự thảo đề án cùng tên sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2012.  

Thành công và hạn chế sau 7 năm đổi mới

Báo cáo đề dẫn của Bộ trưởng Nguyễn Quân đã tổng kết quả 7 năm triển khai quyết định 171/2004/QĐ-TTg ngày 28/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ, với những thành công đạt được, cụ thể như hoàn thiện một số cơ sở pháp lý cho hoạt động khoa học và công nghệ, đặc biệt là cho việc tự chủ tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học; hình thành các quỹ khoa học công nghệ; phối hợp với Bộ Tài chính trong giản lược thủ tục tài chính và thống nhất các tiêu chí phân bổ kinh phí địa phương; thúc đẩy khởi động thị trường công nghệ; tạo ra các sản phẩm trọng điểm phục vụ công nghiệp hóa, như các thiết bị siêu trường siêu trọng phục vụ dự án thủy điện Sơn La (giúp đẩy nhanh tiến độ dự án này được 2 năm) và các cảng nước sâu, dàn nâng  thủy thực phục vụ ngành dầu khí, v.v. Cơ chế đổi mới và sự khởi động của thị trường khoa học công nghệ đã tạo điều kiện để bắt đầu xuất hiện những điểm sáng trong khối doanh nghiệp khoa học công nghệ trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học và công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ trưởng tập trung nhiều vào những vướng mắc cần giải quyết. Hạn chế rõ nhất thể hiện ở tổng mức đầu tư cho khoa học công nghệ của cả nước rất thấp, mới chỉ xấp xỉ 1% GDP, trong đó phần lớn vẫn là đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thị trường công nghệ còn rất sơ khai, thiếu các định chế trung gian cần thiết. Quan hệ giữa nhà nghiên cứu, nhà trường, và doanh nghiệp hời hợt, không gắn kết.

Trong khi đó, đầu tư cho khoa học công nghệ từ ngân sách nhà nước còn dàn trải, phân tán, và thủ tục tài chính vẫn chưa thuận lợi phù hợp với đặc thù hoạt động nghiên cứu khoa học. Đầu tư cho khoa học công nghệ tại các địa phương còn nhiều yếu kém. Việc xây dựng, tổ chức thực hiện nhiệm khoa học công nghệ còn thiếu những mục tiêu dài hạn phù hợp. Các sản phẩm khoa học công nghệ đa phần là quy mô nhỏ, ít gắn kết xâu chuỗi, và ít sản phẩm cuối cùng có khả năng thương mại hóa, trong khi tiêu chí sàng lọc chủ yếu do đề xuất từ dưới lên, đánh giá độc lập còn rất hạn chế.

Một trong những khiếm khuyết cơ bản hiện nay theo Bộ trưởng Nguyễn Quân là “Nhà nước chưa có chính sách trọng dụng, sử dụng hợp lý đội ngũ khoa học công nghệ”. Theo ông, cán bộ khoa học công nghệ chịu nhiều thiệt thòi so với cán bộ các ngành khác về lương và phụ cấp, hầu như không được hưởng các hình thức tôn vinh. Thiếu những quy định vượt khung khiến ngành khoa học công nghệ chưa thu hút được người tài trong nước và nước ngoài.  

Khoa học công nghệ trong thời gian qua đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, nhưng chưa có những đột phá sâu rộng. Để đổi mới, trước hết cần thay đổi tư duy, quản lý theo hiệu quả đầu ra. Điều này sẽ giúp giản lược thủ tục hạch toán, đồng thời tạo động lực cho nhà nghiên cứu.

Giữa các bộ và các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để xác định danh mục đề tài và tổ chức thực hiện hiệu quả. Các cấp quản lý cần tự xác định nhu cầu khoa học công nghệ trong phạm vi quản lý của mình, từ đó đặt đầu bài cụ thể cho Bộ Khoa học và Công nghệ và giới khoa học. Lâu nay những đối tượng thực sự có nhu cầu sử dụng kết quả nghiên cứu thì “không đặt bài, hoặc đặt bài không rõ, nên các nghiên cứu làm ra không hiệu quả”.

Cần đẩy mạnh tạo ra hiệu ứng liên kết hệ thống, giữa các cơ quan nghiên cứu với các trường và doanh nghiệp. Nhằm tăng cường chất xám từ bên ngoài, các cơ quan nghiên cứu trọng điểm cần xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án 5 năm và 10 năm về liên kết hợp tác quốc tế. Cần có chương trình định hướng 10 năm cho nghiên cứu khoa học xã hội. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu mạnh về thông tin truyền thông, nhưng cũng nên mạnh dạn đặt ra mục tiêu mạnh về nông nghiệp và y tế.

Giải quyết nhu cầu tăng kinh phí cho khoa học công nghệ, có thể tận dụng nguồn vay từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển. Để làm được điều này, cần xây dựng kế hoạch vay hằng năm, “xác định khoản vay cần đáp ứng những tiêu chí gì, quản lý như thế nào” để phù hợp với đặc thù nghiên cứu khoa học. 

                                      Trích ý kiến Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

Bên cạnh đó, cứng nhắc trong quy định về chế độ lương và phụ cấp cũng gây khó khăn cho tiến trình tự chủ hóa các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ. Và thực là khó tạo ra đột phá trong bối cảnh thiếu những quy định và định mức phù hợp về kinh phí cho thuê chuyên gia, mua thiết kế, chi phí đăng ký sáng chế, kinh phí dự phòng lạm phát, kinh phí tuyên truyền kết quả nghiên cứu.

Một rào cản đáng kể khác cho tiến trình tự chủ của các tổ chức KH&CN là sự thiếu đồng bộ giữa các bộ ngành. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nhiều sở kế hoạch đầu tư và cục thuế làm khó dễ về thủ tục hành chính cho các cơ quan nghiên cứu khi họ thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, mặc dù đã có hướng dẫn từ nghị định Chính phủ và thông tư liên tịch giữa các Bộ.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây khó khăn cho tiến trình tự chủ hóa, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân là “tư duy bao cấp còn nặng nề, sợ chuyển sang cơ chế tự chủ, dù sau khi tự chủ vẫn được Nhà nước hỗ trợ tối đa”. Nhiều viện, cơ quan nghiên cứu vẫn “thích làm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược vì loại hình này được Nhà nước bao cấp”.

Đối với các trường đại học thì hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ còn hạn chế vì vừa thiếu kinh phí, thiếu trang thiết bị nghiên cứu lại dễ bị cuốn vào dòng xoáy đào tạo. Vì vậy, nguồn lực cho nghiên cứu khoa học công nghệ tại các trường đại học đang bị lãng phí, trong khi lẽ ra các trường phải là những trung tâm nghiên cứu mạnh.

Những nghiên cứu khoa học tổng hợp đa ngành, đa vùng trong quá khứ, thống nhất dưới sự giám sát của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật, đã tạo nên thành công cho một số chính sách chiến lược của Nhà nước, đem lại hiệu quả to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Những đề xuất đổi mới

Để giải quyết tình trạng phân tán, dàn trải chi ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ như hiện nay, đa số các ý kiến tại hội nghị đều có chủ trương tăng cường vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ trong quản lý việc phân bổ các khoản đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho các bộ, ngành, và địa phương. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng cơ chế hữu hiệu để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt động KH&CN (từ các doanh nghiệp; từ các tổ chức nước ngoài). PGS.Hoàng Dũng, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng không thể tiếp tục tình trạng Bộ Khoa học Công nghệ là cơ quan nắm rất rõ thực tế các cơ quan, tổ chức, và dự án nghiên cứu, nhưng quyết định phân bổ vốn đầu tư lại thuộc về Bộ Kế hoạch đầu tư. Chia sẻ quan điểm nay, GS. Nguyễn Đăng Vang khẳng định “tiền cần phải về một mối, và phải chú trọng đầu tư cho các chương trình trọng điểm”. Về đổi mới cơ chế quản lý tài chính với các đề tài nghiên cứu, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh thí điểm cơ chế khoán như phương án của Bộ NN&PTNT đang đề xuất xin được làm thí điểm.



Điều chế vaccin H1N1

Giàn khoan thủy lực tự nâng 90 m đầu tiên ở VN;

Quan điểm cho rằng cần tăng cường cơ sở khoa học cho các chính sách phát triển trên nhiều lĩnh vực của GS. Nguyễn Văn Hiệu nhận được sự đồng tình của các đại biểu. Theo GS Hiệu, hiện nay các chính sách của Việt Nam thiếu những cơ sở khoa học mang tính tổng thể toàn diện như trước đây có thể dẫn đến trường hợp gây hậu quả khôn lường, ví dụ như thủy điện sông Trạch nằm trên đứt gãy, hết sức nguy hiểm là do thiếu cơ sở từ những nghiên cứu tổng thể về địa chất thủy văn Tây Nguyên.

Đối với việc nâng cao hiệu quả đầu tư ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ ở địa phương, theo ông Đặng Duy Hậu, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ninh, cần tập trung ngân sách cho những địa phương làm tốt công tác chuyển giao ứng dụng công nghệ (ông cho biết Quảng Ninh đã quyết định tăng ngân sách cấp cho KH&CN năm 2012 lên 5%). Cùng tư duy này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng cần có cơ chế điều tiết kinh phí cho khoa học công nghệ từ những nơi để xảy ra tình trạng thừa không dùng hết kinh phí. Ông cũng đề xuất các giải pháp khác như tăng cường cấp phát kinh phí qua các quỹ theo thông lệ quốc tế, giao kinh phí gắn với hiệu quả nghiên cứu, giao kinh phí gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, và thí điểm cơ chế phản biện độc lập.

Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT, Công ty giống cây trồng trung ương cho rằng đối với nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, cần đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp qua hình thức góp vốn đối ứng trong các nghiên cứu có nguồn vốn của nhà nước. Điều này một mặt giúp giảm phần đóng góp của Nhà nước, mặt khác tăng cường đảm bảo chất lượng và hiệu quả của nghiên cứu.

Đa số Hội nghị tán đồng với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Quân đề nghị bổ sung chức vị, quyền hạn, và chế độ đãi ngộ cho các tổng công trình sư của những nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm; đồng thời đổi mới quy chế chọn, thuê, và chế độ đãi ngộ cho chuyên gia, trong nước và nước ngoài.

Cùng quan điểm này, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu cho rằng với những viện, trung tâm nghiên cứu công nghệ cao phải có chính sách lương theo thông lệ quốc tế mới có thể mời được các chuyên gia nước ngoài, các nhà khoa học Việt kiều về hợp tác.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ở các trường đại học, Bộ trưởng Nguyễn Quân đề xuất chuyển một số viện nghiên cứu cơ bản về các trường đại học, đồng thời giao biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp cho các trường đại học trọng điểm. “Bộ Khoa học và Công nghệ có thể chuyển kinh phí đơn vị sự nghiệp cho các trường để phục vụ nghiên cứu khoa học, thay vì phải dùng kinh phí của Bộ Giáo dục”, Bộ trưởng khẳng định.

Giải quyết tình trạng ỳ trệ trong triển khai thực hiện tự chủ hóa, và nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan nghiên cứu tham gia kinh doanh các sản phẩm khoa học công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân đề nghị quy định rõ thẩm quyền và cơ chế giao tài sản có nguồn gốc từ vốn Nhà nước, bao gồm cả tài sản hữu hình và vô hình (như các nghiên cứu khoa học). 

                        P.V

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)