TIẾP TỤC ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ CÁC CHƯƠNG TRÌNH KH&CN CẤP NHÀ NƯỚC
Ngày 30/12/2006, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Lễ tổng kết các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2001 - 2005, với sự tham dự của Chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam Đặng Vũ Minh, các Thứ trưởng Bộ KH&KH&CN: Bùi Mạnh Hải, Lê Đình Tiến, Trần Quốc Thắng cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Mạnh Hải đã đọc báo cáo "Tình hình thực hiện các chương trình, đề tài và dự án KH&CN cấp nhà nước giai đoạn 2001 - 2005". Tia Sáng xin trích đăng phần đánh giá về đổi mới quản lý các chương trình KH&CN, đây là một yếu tố quan trọng giúp thực hiện thành công các chương trình, đề tài và dự án KH&CN cấp nhà nước giai đoạn 2001 - 2005.
Điểm nổi bật của công tác quản lý các chương trình giai đoạn này là hệ thống văn bản quản lý được đổi mới và hoàn thiện một cách đồng bộ, rõ ràng, thống nhất từ khâu xác định nhiệm vụ (đầu vào) đến khâu đánh giá kết quả (đầu ra). Phương thức về xác định nhiệm vụ và tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN đã được công khai, dân chủ, bình đẳng, bước đầu tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và phát huy được tiềm năng sáng tạo trong hoạt động KH&CN.
Hầu hết các đề tài, dự án đều nhằm giải quyết mục tiêu rõ ràng, tạo được sản phẩm cụ thể và dự kiến địa chỉ áp dụng ngay từ khi xác định đầu vào, đã gắn nhiều hơn với nhu cầu sản xuất và đời sống, khắc phục dần tình trạng ghép cơ học nhiều nội dung không có sự liên kết trong một đề tài.
Các tác giả công trình KH&CN giai đoạn 2001 – 2005 được khen thưởng |
Phương thức tổ chức hoạt động KH&CN theo chương trình đã tạo điều kiện tập hợp rộng rãi các cơ quan khoa học và sản xuất để thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm của Nhà nước; đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, đánh giá các nhiệm vụ KH&CN. Việc thực hiện quản lý đề tài, dự án theo cơ chế hợp đồng đã nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia, đòi hỏi các chủ nhiệm và tổ chức chủ trì bám sát hợp đồng, thực hiện theo tiến độ đề ra. Quy định mới về đánh giá nghiệm thu đòi hỏi các chủ nhiệm đề tài, dự án dành nhiều thời gian để thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng của sản phẩm khoa học đã đăng ký.
Phương thức cấp kinh phí trực tiếp từ Văn phòng chương trình đến tổ chức chủ trì giúp người sử dụng được nhận kinh phí nhanh chóng, kịp thời. Kinh phí đầu tư cho các đề tài, dự án theo nội dung nghiên cứu tăng đáng kể và được cấp theo tiến độ, đáp ứng đủ nhu cầu. Việc cho phép chuyển kinh phí đề tài, dự án chưa sử dụng hết của năm trước sang sử dụng trong năm sau tránh được tình trạng buộc phải giải ngân vào hết cuối năm. Nhờ đó, việc sử dụng kinh phí phù hợp hơn với tính chất của hoạt động nghiên cứu.
Việc kiểm tra định kỳ các nhiệm vụ KH&CN có sự phối hợp giữa Ban chủ nhiệm chương trình với các cơ quan quản lý của Bộ KH&CN, Bộ Tài chính đã góp phần đôn đốc, giám sát việc thực hiện về nội dung, tiến độ, sản phẩm của các đề tài, dự án theo hợp đồng và thuyết minh đề cương đã được phê duyệt.
Văn phòng chương trình đặt tại cơ quan của Chủ nhiệm chương trình nên công tác tổ chức, quản lý chương trình có nhiều thuận lợi. Các công việc của chương trình đều được giải quyết kịp thời.
Những tồn tại: “Còn nặng về định tính”
Trong khâu đề xuất nhiệm vụ, vẫn chưa có cơ chế sàng lọc nhiệm vụ hữu hiệu để chọn “trúng” các nhiệm vụ khoa học đúng tầm. Do việc tổ chức đề xuất các ý tưởng nghiên cứu để hình thành các đề tài, dự án chỉ theo phương thức từ dưới lên nên chưa giúp hình thành được các nhiệm vụ lớn, có trình độ KH&CN cao. Vấn đề này bước đầu được khắc phục nhờ thí điểm xây dựng các nhiệm vụ KH&CN quy mô lớn, phục vụ cho các dự án kinh tế xã hội trọng điểm như: thiết bị thủy điện, sản xuất xi-măng, hệ thống truyền dẫn điện…
Trong khâu đánh giá tuyển chọn, các chỉ tiêu đánh giá tuyển chọn, xét chọn, đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN tuy đã được xây dựng chi tiết và được cụ thể hóa thành các thang điểm, song vẫn còn nặng về định tính, tỉ trọng giữa các tiêu chí chưa hợp lý và chưa thực sự phù hợp với các đặc thù của các loại hình nghiên cứu. Chất lượng đánh giá của các hội đồng tư vấn còn hạn chế. Nguyên nhân do số lượng chuyên gia thực sự giỏi trong từng lĩnh vực không nhiều, phương thức đánh giá độc lập chưa được áp dụng.
Việc cấp phát tài chính chậm tiến độ cũng ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng thực hiện các đề tài, dự án, đặc biệt là những đề tài thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp liên quan đến mùa vụ.
Đối với các chương trình KHXH&NV, việc cụ thể hóa các phương thức quản lý trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứ lý luận chính trị và nghiên cứu KHXH&NV còn chậm.
Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các chương trình KH&CN cấp nhà nước giai đoạn 2001 – 2005, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung giải quyết các nội dung đổi mới sau:
Đổi mới việc tổ chức nghiên cứu theo chương trình nhằm mục tiêu giải quyết những vấn đề lớn do kinh tế – xã hội đặt ra ở trình độ KH&CN quốc tế. Tạo cơ chế hữu hiệu để tập trung giải quyết các nhiệm vụ KH&CN quy mô lớn, liên quan đến sản phẩm chủ lực trong cạnh tranh quốc. Khuyến khích nhiệm vụ có định hướng tìm kiếm bí quyết và giải mã công nghệ. Có cơ chế chính sách đầu tư đến ngưỡng cho các công trình nhiều triển vọng áp dụng vào sản xuất và đời sống. Việc đầu tiên là phải đổi mới và tổ chức tốt khâu đánh giá nhu cầu đầu vào khi xác định mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN.
Xây dựng cơ chế khuyến khích việc mời các nhà khoa học nước ngoài tham gia nghiên cứu, cố vấn cho các nhà khoa học trong nước; sử dụng tư vấn nước ngoài trong việc xây dựng các nhiệm vụ KH&CN cũng như trong việc đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Xây dựng đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp, có chuyên môn phù hợp để tham gia các Hội đồng tuyển chọn và đánh giá các nhiệm vụ KH&CN.
Tăng quyền hạn và trách nhiệm của Ban chủ nhiệm chương trình trong việc lựa chọn nhiệm vụ nghiên cứu, trong triển khai các hoạt động liên quan đến quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cũng như trách nhiệm về kết quả, hiệu quả của chương trình. Tổ chức lại các văn phòng chương trình thành một Văn phòng trực thuộc Bộ KH&CN. Các vụ chức năng của Bộ KH&CN giúp Bộ trưởng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chương trình, không can thiệp sâu vào hoạt động khoa học của chương trình. Nhanh chóng tổ chức nghiên cứu và áp dụng phương pháp xây dựng kế hoạch KH&CN của các nước tiên tiến để chương trình cấp nhà nước thực sự là nòng cốt của hoạt động KH&CN quốc gia.
Chú thích ảnh trên cùng: Từ trái sang phải: Chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam Đặng Vũ Minh, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Mạnh Hải và Lê Đình Tiến
—————
Bộ KH&CN đã tổ chức thực hiện 10 chương trình khoa học xã hội và nhân văn, 1 chương trình khoa học tự nhiên, 10 chương trình khoa học công nghệ giai đoạn 2001 – 2005.
– Khoa học xã hội và nhân văn: 101 đề tài với tổng kinh phí 112.568 triệu đồng
– Khoa học tự nhiên: 1.683 đề tài với tổng kinh phí 170.000 triệu đồng
– Khoa học công nghệ: 420 nhiệm vụ KHCN được phê duyệt với 411 nhiệm vụ được triển khai thực hiện (bao gồm 303 đề tài và 108 dự án), tổng kinh phí các nhiệm vụ là 849.273 triệu đồng.
– Đề tài, dự án KH&CN độc lập cấp nhà nước: 263 nhiệm vụ (156 đề tài, 80 dự án), tổng kinh phí là 395.805 triệu đồng.