Tiếp tục phát triển điện hạt nhân với mức an toàn cao nhất

Tạp chí Tia Sáng phỏng vấn Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến, người vừa tham dự Hội nghị cấp bộ trưởng về an toàn hạt nhân do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại Viên (Áo), về những giải pháp tăng cường an toàn hạt nhân mà Hội nghị đặt nhiều kỳ vọng và những hỗ trợ của IAEA đối với Việt Nam trong thời gian tới.

Thưa Thứ trưởng, một trong những giải pháp tăng cường an toàn hạt nhân mà Hội nghị đặt nhiều kỳ vọng là xây dựng Khuôn khổ An toàn Hạt nhân Toàn cầu (Global Nuclear Safety Framework). Xin Thứ trưởng giới thiệu sơ lược về vấn đề này, và cho nhận định về triển vọng của nó trong thực tiễn.

Khuôn khổ an toàn hạt nhân toàn cầu là một cơ chế cần thiết để bảo đảm mức cao nhất về an toàn hạt nhân trong tất cả các nước có điện hạt nhân. Tham gia trong cơ chế này gồm nhiều tổ chức bao gồm các cơ quan chính phủ, các cơ quan pháp quy hạt nhân, các nhà vận hành nhà máy điện hạt nhân, các tổ chức công nghiệp hạt nhân, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn, các cơ quan nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật, các hội chuyên ngành,… Tất cả các tổ chức này đều nhận trách nhiệm trong việc tăng cường bảo đảm an toàn hạt nhân. Họ liên kết với nhau thông qua các điều ước và các thoả thuận nhằm đạt được các mục tiêu an toàn chung. Một số nội dung của Khuôn khổ này là:

–    Tăng cường vai trò của IAEA trong việc tăng cường khuôn khổ an toàn hạt nhân toàn cầu.

–    Xem xét và chỉnh sửa các tiêu chuẩn an toàn của IAEA dưới ánh sáng của tai nạn Fukushima và yêu cầu các nước cam kết phát triển các tiêu chuẩn quốc gia của mình phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn của IAEA.

–    Triển khai xem xét tính hiệu quả của công ước an toàn hạt nhân.
–    Triển khai các dịch vụ thẩm định và tái thẩm định an toàn quốc tế bao gồm cả đối với cơ quan vận hành, cơ quan pháp quy, khuôn khổ pháp lý, kế hoạch ứng phó khẩn cấp,… để giúp cho các quốc gia khắc phục các hạn chế, yếu kém về bảo đảm an toàn. Các dịch vụ này sẽ được tiến hành thường xuyên nhất là với các nhà máy điện hạt nhân cũ.

–    Tăng cường năng lực, hiệu quả và tính độc lập, của cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia.

–    Yêu cầu các nước bắt đầu triển khai chương trình điện hạt nhân cần tham gia các điều ước quốc tế liên quan, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn của IAEA, sử dụng các dịch vụ thẩm định an toàn của IAEA và cần chứng tỏ được khả năng xử lý các tai nạn nghiêm trọng trước khi khởi động vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

–    Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu triển khai về an toàn hạt nhân và chia sẻ kinh nghiêm giữa các nước cũng như giữa các tổ chức có liên quan đến điện hạt nhân.

–    Chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc xử lý khắc phục sự cố tai nạn trong cộng đồng quốc tế.

–    Công khai minh bạch thông tin để xây dựng lòng tin của công chúng đối với phát triển điện hạt nhân.

Hội nghị cấp bộ trưởng về an toàn hạt nhân diễn ra từ 20 đến 24/6 tại Viên (Áo), với sự tham gia của nhiều bộ trưởng, thứ trưởng và trên 1.000 cán bộ đại diện của các nước thành viên IAEA, các tổ chức quốc tế và quốc gia có liên quan nhằm mục đích: đánh giá sơ bộ về tình hình sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1; rút ra các bài học kinh nghiệm từ sự cố này, qua đó kiến nghị, đề xuất các biện pháp để tăng cường an toàn hạt nhân trên phạm vi toàn cầu.

Đây là những vấn đề cốt lõi rất cần thiết cho các nước trong bảo đảm an toàn khi phát triển điện hạt nhân. Vì vậy, tôi tin rằng Khuôn khổ này sẽ được các nước chấp nhận và nhanh chóng đi vào thực tiễn.

Kết quả Hội nghị cấp Bộ trưởng về an toàn hạt nhân vừa qua có ý nghĩa như thế nào đối với các nước đang sắp triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân như Việt Nam?
Quan điểm chung của các quốc gia đang phát triển chương trình hạt nhân hiện nay  (ngoại trừ Đức) – cho rằng điện hạt nhân là một lựa chọn khả thi để đảm bảo an ninh năng lượng. Vì vậy cần tiếp tục phát triển chương trình điện hạt nhân, nhưng điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn ở mức cao nhất.

Đối với các nước mới bắt đầu đi vào phát triển điện hạt nhân như Việt Nam, Hội nghị vừa qua sẽ giúp chúng ta có điều kiện xem xét lại tất cả các công tác chuẩn bị của mình từ địa điểm, thiết kế, xây dựng, chuẩn bị nguồn lực, hệ thống tổ chức quản lý an toàn, kỹ thuật ứng phó khẩn cấp, việc xây dựng các tiêu chuẩn an toàn cho nhà máy điện hạt nhân và sử dụng các trợ giúp quốc tế về bảo đảm an toàn.

Dự kiến IAEA sắp tới có thể sẽ có những hỗ trợ gì cho Việt Nam, và chúng ta cần làm những gì để sự hợp tác với IAEA đạt hiệu quả cao?

Việt Nam là một trong số ít các nước đã có quyết định ở cấp cao của Nhà nước về phát triển điện hạt nhân. Vì vậy IAEA rất muốn giúp đỡ Việt Nam phát triển chương trình điện hạt nhân an toàn và hiệu qủa để làm mẫu trong việc giúp các nước khác sau này. Hiện nay IAEA đang tập trung giúp chúng ta xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển điện hạt nhân. Sự giúp đỡ chủ yếu là tư vấn chuyên gia, đào tạo cán bộ và triển khai các dịch vụ thẩm định đánh giá các vấn đề của cơ sở hạ tầng như hệ thống văn bản quy phạm, hệ thống pháp quy, đánh giá địa diểm,… Đây là những vấn đề chúng ta rất quan tâm và trong nước các cơ quan có liên quan đang tích cực chuẩn bị nhằm sử dụng hiệu quả trợ giúp của IAEA.

Trong bối cảnh một số quốc gia láng giềng của Việt Nam đang hoặc sẽ có chương trình điện hạt nhân, Việt Nam cần làm gì để hạn chế nguy cơ mất an toàn hạt nhân từ bên ngoài?

Các quốc gia láng giềng của chúng ta như Malaysia, Indonesia, Trung Quốc đều đang tiếp tục với chương trình điện hạt nhân của họ. Năm ngoái Việt Nam đã ký công ước an toàn hạt nhân. Chúng ta đang nghiên cứu, xây dựng năng lực, để đảm bảo đủ nhận thức, thông tin, trình độ, và khả năng tuân thủ theo công ước này. Đồng thời chúng ta cũng đòi hỏi, và sẽ theo dõi kỹ việc tuân thủ công ước của các nước bạn.

5 bài học từ sự cố Fukushima-1

1. Cần có các giải pháp phòng chống các tai nạn nghiêm trọng trong thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

2. Các biện pháp xử lý các tai nạn nghiệm trọng vẫn còn chưa được hiệu quả, đặc biệt là làm mát tâm lò, thùng lò, nhà bảo vệ, bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng và chống nổ hydro.

3. Kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong tình trạng sự cố tai nạn hạt nhân trầm trọng kéo dài cùng với thiên tai khắc nghiệt đã bộc lộ những hạn chế trong việc huy động nguồn lực chuyên gia có kinh nghiệm và trang thiết bị kỹ thuật cần thiết để khắc phục và giải quyết hậu quả của sự cố tai nạn.

4. Củng cố cơ sở hạ tầng về an toàn luôn là vấn đề quan trọng đối với các quốc gia có điện hạt nhân, đặc biệt vai trò của cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập của quốc gia.

5. Phải liên tục duy trì văn hoá an toàn trong các cơ quan, tổ chức tham gia trong chương trình điện hạt nhân quốc gia, đặc biệt là cơ quan vận hành nhà máy điện hạt nhân, nó phải là đơn vị chịu trách nhiệm cao nhất về an toàn của các nhà máy điện hạt nhân.

Để bảo đảm triển khai chương trình phát triển điện hạt nhân an toàn ở mức cao nhất như Nghị quyết Quốc hội ngày 25/11/2009, chúng ta đang từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng về an toàn hạt nhân bao gồm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn bức xạ hạt nhân, tăng cường năng lực cho chủ đầu tư, xây dựng cơ quan nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật mạnh về bảo đảm an toàn, phát triển đồng bộ hệ thống giáo dục đào tạo quốc gia phục vụ điện hạt nhân và xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghiệp cần thiết của quốc gia đáp ứng các yêu cầu của phát triển điện hạt nhân.

Tất các các hoạt động về xây dựng cơ sở hạ tầng bảo đảm an toàn đang được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo nhà nước dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Định kỳ các cơ quan liên quan có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện cho Ban chỉ đạo để có các chỉ đạo kịp thời nhằm đáp ứng tiến độ và đạt được mục tiêu đặt ra.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)