Tìm lại hào khí MGU

Tôi đã từng đi nhiều nơi khác nhau trên thế giới, thăm nhiều trường đại học và viện nghiên cứu khác nhau, ở cả Á, Âu, Mỹ, Phi. Nhưng có lẽ, chưa ở nơi đâu, tôi thấy một sự tập trung cao độ các nhà khoa học giỏi và các hoạt động nghiên cứu khoa học như là ở Khoa Toán trường MGU (Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov) thời tôi còn là sinh viên, vào những năm của thập kỷ 1980.

Các trung tâm toán học lớn khác trên thế giới như Princeton, Paris, v.v. cũng không có nơi nào có được một sự tập trung cao độ đến vậy.

Số lượng giáo sư và viện sĩ nổi tiếng toàn thế giới của MGU ngày đó, chỉ tính riêng khoa toán, cũng quá nhiều, đến mức khó ai nhớ hết được. Ngay khi tôi tham dự một seminar nhỏ hàng tuần, chỉ có bảy – tám người, thì người dẫn seminar cũng là một viện sĩ, ông Anosov, đã nổi tiếng thế giới từ lâu với các “hệ động lực Anosov”. Đi dự một seminar khác, thì người dẫn là ông Novikov (thầy của GS Lê Tự Quốc Thắng), người được giải Fields từ lúc còn rất trẻ vì các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực tô pô. Dự một seminar khác thì người dẫn là ông Sinai, một trong các cha tổ của lý thuyết ergodic. Đi dự seminar khác nữa thì có ông Arnold, một trong các cha tổ của lý thuyết kỳ dị, dẫn chương trình, v.v. Khi tôi mới sang MGU vào năm 1986, thì “huyền thoại toán học” thế giới của thế kỷ 20 là ông Kolmogorov vẫn còn sống, và tôi cũng được nhìn thấy mặt ông mấy lần. Một huyền thoại toán học khác, ông Gelfand, dẫn một seminar rất đặc biệt về mặt giờ giấc: từ 7 giờ tối đến 10 giờ tối! Các nhà toán học Liên Xô thời đó làm việc “không kể giờ giấc” như vậy: thảo luận chính thức suốt ngày cho đến tận 10h tối là điều hết sức bình thường. Thậm chí, người ta còn nói đùa rằng, MGU là nơi duy nhất, mà bạn có thể hẹn gặp làm việc với giáo sư hướng dẫn của bạn vào chiều tối ngày 31 tháng 12.

Quả là may mắn khi được học trong một môi trường khoa học đỉnh cao như vậy. Và có lẽ là, trong hai – ba năm đầu học đại học ở Nga, nhờ môi trường đó tôi đã học được rất nhiều về mặt toán học. Tôi vẫn còn giữ nhiều kỷ niệm đẹp về những năm tháng sinh viên này, với các thầy và các bạn Nga rất tốt, các bạn Việt (cùng lưu học sinh) cũng rất gắn bó. Và “thủ trưởng” của tôi bây giờ, cũng là gặp được vào thời sinh viên đó. Tiếc rằng, những năm cuối đại học của tôi ở Moskva, tình hình kinh tế ở Nga trở nên khó khăn (các mầm mống khó khăn đã có từ trước do đường lối kinh tế, chính trị sai lầm ở Nga trong nhiều năm dẫn đến, nhưng nó bùng phát ra vào cuối những năm 1980), thậm chí có lúc không có gì để mà ăn theo nghĩa đen, dẫn đến việc học hành chểnh mảng, không còn tận dụng được không khí khoa học của MGU nữa. Và bản thân cái khí thế khoa học đó ở MGU cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Sau đó, phần lớn các giáo sư đầu ngành cũng không chịu nổi điều kiện làm việc ở MGU trở nên quá tồi tệ, trong khi lại được nước ngoài chào đón, đã ra nước ngoài làm việc từ những năm 1990: Arnold thì sang Paris, Sinai sang Princeton, Novikov sang Maryland, v.v. Ông thầy hướng dẫn của tôi, viện sĩ Fomenko, là một trong số những người hiếm hoi ở lại Nga tuy được nước ngoài mời chào, ví dụ như một đại học của Nhật mời sang làm trưởng khoa.

Sau khi học xong và rời khỏi Nga năm 1991, và có quay lại một lần ngắn hạn vì việc riêng vào năm 1992, thì đến 20 năm sau tôi mới lại có dịp thăm lại nước Nga. Đó là một hội nghị quốc tế về tô pô và hình học mang tên nhà toán học Alexandrov tổ chức tại MGU vào tháng 5 năm 2012, mà tôi được mời làm báo cáo toàn thể. Phải nói là, tôi rất vui khi được thăm lại Moskva và gặp lại thầy cũ, bạn cũ, và gặp thêm bạn mới. Trong đó có ba bạn là sinh viên và nghiên cứu sinh toán trẻ và đầy triển vọng của Việt Nam ở MGU. Nhưng tôi cũng không khỏi cảm thấy buồn, khi thấy bản thân MGU không những không tốt lên, mà còn có phần tồi tàn đi so với thời tôi ở đó 20 năm trước. Moskva thay đổi nhiều, đẹp đẽ lên nhiều, và cũng đắt đỏ lên rất nhiều sau 20 năm. Thậm chí nó thuộc một trong các thành phố đắt đỏ nhất châu Âu hiện tại, và tất nhiên thu nhập trung bình của dân Moskva cũng tăng lên nhiều. Thế nhưng, bên trong MGU trông xộc xệch, điều kiện vật chất thiếu thốn, như là không được ai quan tâm. Và tinh thần khoa học cũng rệu rã trông thấy: đồng nghiệp gặp nhau, ít nói chuyện khoa học, mà dành nhiều thời gian cho những chuyện “cơm áo gạo tiền” và những bức xúc hơn.

Vì sao tinh thần khoa học của MGU lại kém hơn nhiều sao với mấy chục năm trước ? Vấn đề rất đơn giản, đó là quản lý kém và không được đầu tư. Lương giảng viên MGU (năm ngoái, theo các  đồng nghiệp ở MGU cho biết) quá thấp so với mặt bằng chung: đi làm bất cứ một việc vớ vẩn gì ở công ty tư cũng không dưới 1.000 euro/tháng, có chức tước thì vài nghìn trở lên, còn ở MGU tân tiến sĩ được nhận vào chỉ được lương có vài trăm euro một tháng, tính ra không đủ tiền ăn mỗi ngày ba bữa! Cách đây mấy chục năm, ở Nga tuy lương có khiêm tốn nhưng vẫn còn đủ no ăn dư thừa, và đã là giáo sư chẳng bao giờ còn phải lo toan chuyện tiền nong, vì lương thừa đủ tiêu. Nhưng ngày nay, lương giáo sư MGU không bằng lương sinh viên mới gia trường đi làm tư. Với kiểu trả lương như vậy, không hy vọng gì có không khí khoa học cao, vì các giảng viên và nghiên cứu viên cũng mải đi làm thêm kiếm tiền, y như ở Việt Nam.

Một người bạn đồng nghiệp của tôi, là giáo sư ở Thuỵ Sĩ, cách đây ít lâu nhận được một chân giám đốc cho một nhóm nghiên cứu ngắn hạn (thời hạn hai-ba năm) mở ra ở MGU trong một chương trình trọng điểm của của chính phủ Nga cho khoa học mời các GS nước ngoài đến phục trách, với số tiền vài triệu USD để cho nhóm tiêu. Với số tiền khá lớn như vậy, ắt hẳn phải cải thiện được đời sống và điều kiện làm việc của các nhà khoa học trong nhóm và làm được nhiều thứ lắm. Nhưng không! Trên giấy tờ thì có tiền, nhưng không thể tiêu nổi, vì muốn tiêu gì cũng cần một đống chữ ký, mà người ta … không chịu ký. (Nghe nói, muốn có các chữ ký là phải “bôi trơn” rất mạnh). Cuối cũng, hết kỳ hạn, lượng tiền tiêu được để hỗ trợ thực sự cho khoa học rất ít. Sự quan liêu và tham nhũng “phối hợp với nhau” bóp nghẹt nền khoa học Nga hiện tại.

Nước Nga vẫn là một nước vĩ đại, và có thể hy vọng rằng, đến một ngày nào đó MGU lại tìm được hào khí của thời trước. Đó sẽ là một ngày mà khoa học thực sự được coi trọng trở lại, các nhà khoa học có được điều kiện sống và làm việc đàng hoàng, và chỉ phải chuyên tâm làm khoa học và ứng dụng chứ không phải mất quá nhiều thời gian vào những việc khác!

Tác giả