Toán học Việt Nam: Cần thay đổi cho toàn hệ thống

Mặc dù trên thế giới, toán học là nền tảng trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống và ngày một trở nên quan trọng trong những đột phá công nghệ nhưng tại Việt Nam, toán học lại chưa được như vậy. Theo PGS.TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), một phần do đào tạo Toán học của chúng ta chưa phù hợp với sự phát triển nội tại của Toán học.

PGS.TS Lê Minh Hà. Ảnh: Hoàng Nam.

Toán học đang thay đổi

Hiện nay, người ta ngày một nhìn thấy rõ sức mạnh của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), big data, khoa học dữ liệu, mã hóa… trong đời sống. Vậy toán học có đóng góp được gì trong sự phát triển đó?

Những từ khóa đó đều là những lĩnh vực sử dụng rất nhiều công cụ Toán học, tuy nhiên Toán học thường ẩn ở bên trong đó dưới dạng các thuật toán. Chúng ta có thể lấy hình ảnh “Mathematics Inside” giống như quảng bá của Intel trên các máy tính cá nhân để nói về trường hợp này. Nếu nhìn bên ngoài thì thật khó có thể thấy linh hồn của một chiếc máy tính cá nhân chính là bộ vi xử lý. Các thuật toán, sử dụng các công cụ toán học mạnh, giống như các bộ vi xử lý trong nhiều ứng dụng, sản phẩm, nhưng thường khi giới thiệu người ta chỉ quan tâm đến các tính năng mà không biết những tính năng đó từ đâu ra. Chính các nghiên cứu hiện đại trong Toán học đã tạo nên những tiến bộ đáng kinh ngạc trong trí tuệ nhân tạo, sản xuất, chế tạo thuốc, an toàn thông tin, y tế…. Toán học đang giúp ích trực tiếp trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người. Đó cũng là một trong những xu hướng lớn của toán học thế kỷ này mà chiến lược phát triển toán học của nhiều cường quốc Toán học trên thế giới đã đúc kết.

Tuy nhiên không phải ai cũng thấy được toán học ở trong đó!

Đúng vậy. Vì thế cộng đồng toán học cần cố gắng nhiều hơn trong việc giới thiệu với các nhà quản lý, công chúng và đặc biệt là các bạn trẻ về vai trò của Toán học và sự thâm nhập mạnh mẽ của toán học trong mọi mặt của đời sống.

Sự phát triển của Toán học như hiện nay trước hết là do sự phát triển nội tại của Toán học. Nhiều thế kỷ trước, toán học ra đời nhằm giải quyết một cách trực tiếp các vấn đề cụ thể của cuộc sống. Cho đến cuối thế kỷ 19, gần như tất cả những phát minh quan trọng nhất của Toán học đều gắn liền với việc giải quyết một vấn đề thực tiễn. Sau đó là một thời kỳ mà Toán học đã có những câu hỏi nội tại và những hướng phát triển riêng, theo nhiều lĩnh vực hẹp khác nhau, và một phần của Toán học đã trở thành một khoa học nặng tính lý thuyết.

Ngày nay, dường như các lĩnh vực hẹp của toán học lại dần hội tụ như một thể thống nhất, ranh giới giữa chúng trở nên nhòe đi. Bản thân sự phát triển nội tại của từng lĩnh vực dẫn đến việc phải hợp tác liên ngành để giải quyết vấn đề của chính mình. Các ý tưởng, phương pháp và kết quả của ngành này lại được sử dụng hết sức hiệu quả trong những ngành khác mà thoạt nhìn tưởng như hoàn toàn không có mối liên hệ nào và bất ngờ là chính những công cụ mới này thường giúp tạo nên đột phá.

Các nghiên cứu lấy cảm hứng từ ứng dụng hoặc ứng dụng trực tiếp trong các lĩnh vực khác cũng ngày càng được mở rộng. Trước đây, đã có sự giao thoa giữa toán học và một số lĩnh vực khác nhưng phần lớn chỉ tập trung vào một vài hướng nghiên cứu cơ bản như tin học lý thuyết, vật lý lý thuyết … Nhưng ngày nay, vùng giao thoa giữa toán học với các lĩnh vực khác đã được mở rộng và trở nên đa dạng hơn. Ngay cả ở những lĩnh vực tưởng như rất xa như công nghiệp giải trí, trò chơi điện tử, âm nhạc, thể thao …, toán học cũng trở thành các công cụ chính, thậm chí tạo ra lợi thế cạnh tranh. Nhiều kết quả nghiên cứu hoàn toàn từ các vấn đề lý thuyết lại có ứng dụng cụ thể hết sức bất ngờ. Thống kê cho thấy thực tế thì chẳng có ngành toán lý thuyết nào lại không có ứng dụng, và đã có khuyến cáo rằng đã tới lúc chúng ta quay trở về thời kỳ trước thế kỷ 19 – không nên phân biệt giữa toán lý thuyết và toán ứng dụng. Việc chia cắt như vậy càng ngày càng trở nên nhân tạo, và chỉ có tác dụng tiêu cực, tạo nên những ấn tượng sai lệch cũng như sự chia rẽ trong cộng đồng.

Chúng ta đã có các nhóm làm toán lý thuyết tương đối mạnh, có tầm ảnh hưởng quốc tế nhưng với toán ứng dụng thì còn rất hạn chế nên cần có sự đầu tư, tập trung thúc đẩy toán ứng dụng và ứng dụng toán học.

Lý do thứ hai là sự bùng nổ của dữ liệu, tốc độ tính toán cũng như các kỹ thuật xử lý dữ liệu. Mọi lĩnh vực đều cần phải giải quyết những bài toán phân tích và xử lý dữ liệu lớn. Muốn phân tích, mô phỏng và xử lý được dữ liệu lớn thì chắc chắn phải sử dụng các công cụ toán học. Chính vì vậy các phương pháp khai thác dữ liệu lớn sẽ là một trong những chủ đề nghiên cứu sôi động nhất của toán học. Kỹ thuật xử lý dữ liệu thể hiện rất rõ sự xâm nhập của toán học trong các lĩnh vực khác, và trong tương lai, các nhà khoa học ở tất cả mọi lĩnh vực đều phải biết cách sử dụng các công cụ toán học để khai thác, phân tích và xử lý dữ liệu.

Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, GS. Kathryn Hess (Đại học EPFL, Thụy Sĩ) đã có một chuỗi bài giảng về ứng dụng tôpô trong nghiên cứu về hệ thần kinh; và mới đây cũng tại VIASM, GS. Juergen Jost (Viện MPI, Đức) có bài giảng về ứng dụng toán học trong nghiên cứu về hệ thần kinh. Các công cụ được sử dụng hết sức đa dạng: phương trình đạo hàm riêng, xác suất, lý thuyết hệ phức tạp, lý thuyết thông tin và cả hình học. Toán học đang phát triển rộng và đa dạng nhưng vẫn nhất quán và ngày càng gắn kết với nhau!   

Những điều ông nói dường như rất khác so với những gì xã hội vẫn hình dung về toán học lâu nay.

Những thay đổi sâu rộng đang diễn ra chắc chắn sẽ dẫn tới việc thay đổi cả những quan niệm lâu nay đại đa số mọi người vẫn hiểu về toán học và người làm toán cũng như cách thức nghiên cứu toán học. Một khái niệm chưa mấy quen thuộc ở Việt Nam là các khoa học Toán học (Mathematical Sciences). Chưa có một định nghĩa nào chính xác cả, nhưng nói chung các khoa học toán học bao gồm cả các lĩnh vực toán học lý thuyết, toán học ứng dụng, thống kê và vận trù học và bao trùm lên cả các lĩnh vực khác như tin học lý thuyết. Nhiều mảng lý thuyết của các ngành khác như sinh học, kỹ thuật, kinh tế… cũng gắn liền với các khoa học toán học. Nhiều hoạt động trong các lĩnh vực này như kỹ thuật tài chính hay phân tích dữ liệu đang được thực hiện bởi các nhà khoa học không thuộc các khoa Toán, nhưng hàm lượng toán học được sử dụng rất nhiều, và vì thế cộng đồng toán học cần rộng mở đón nhận.

Ngày càng có nhiều công ty sử dụng các mô hình toán học để tối ưu vận hành logistics.

Năm 2022, tại Đại hội Toán học Quốc tế – sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng toán học thế giới, được tổ chức bốn năm một lần, sau nhiều năm đã có thêm hai tiểu ban mới, về Thống kê và Phân tích dữ liệu, và về Mô hình hóa các hệ vi phân tất định và ngẫu nhiên (với những ứng dụng trong các lĩnh vực như sinh học, hóa học, y học, khoa học vật liệu, tài chính và mạng xã hội …)  Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy những thay đổi trong cộng đồng đã diễn ra và được thừa nhận rộng rãi như thế nào.

Để Việt Nam không đứng ngoài cuộc

Ở Việt Nam, quan điểm mới này đã được cập nhật chưa?

Ở Việt Nam, do một số yếu tố lịch sử và truyền thống cũng như cách thức chúng ta quy định hành chính các mã ngành đào tạo cứng nhắc nên có khá nhiều nhà quản lý, tham gia xây dựng chính sách, và cả những nhà toán học vẫn coi trí tuệ nhân tạo hay khoa học dữ liệu thuộc về khối khoa học máy tính. Vẫn tồn tại những e ngại, suy nghĩ muốn tách riêng để có thể bảo vệ sự “thuần khiết” của toán học thuần túy.

Trong bối cảnh có nhiều khác biệt này, Việt Nam có thể ứng xử như thế nào?

Trên thế giới, năng lực toán học đã trở thành một trong những yếu tố cạnh tranh của nền kinh tế vì những công nghệ cốt lõi của chuyển đổi số đều dựa trên nền tảng toán học. Về lâu dài, rất có thể sẽ xảy ra sự phân hóa giữa những quốc gia có năng lực toán học tốt, có khả năng bắt kịp với những tiến bộ mới trong các công nghệ này, và với các quốc gia ít đầu tư cho toán học. Nếu có thêm nhiều người được đào tạo có nền tảng toán học tốt (ở tất cả các ngành!), Việt Nam sẽ nắm bắt được xu thế và góp phần giúp Việt Nam có cơ hội làm chủ các công nghệ này.

Một trong những nền tảng của khoa học dữ liệu là thống kê nhưng ngành thống kê ở Việt Nam rất yếu.

Một khi đã hiểu được những xu thế đang diễn ra thì việc tiếp theo là xây dựng một cơ chế, tạo dựng được một môi trường tốt để vươn lên. Chúng ta đang đứng trước rất nhiều thách thức lớn nhưng cũng có khá nhiều thuận lợi. Về thuận lợi, nhìn chung người Việt Nam có năng lực toán học tốt và Chính phủ cũng đã và đang hỗ trợ rất mạnh cho Toán học.

Vậy còn thách thức?

Việc đào tạo và quản lý khoa học của chúng ta lại chưa phù hợp với những xu hướng này.

Chúng ta cần nhiều người làm toán hơn, cả lượng và chất lượng nhưng thực tế là số lượng chuyên gia đào tạo được chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là trong các mảng nghiên cứu ứng dụng. Số sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản như Toán (và cả các ngành khác) vẫn còn thấp. Điều đáng buồn là hiện nay những ngành học được quảng bá nhiều tính ứng dụng, những cơ sở đào tạo không quá nghiêm khắc thì lại thu hút được nhiều người học, trong khi những cơ sở đào tạo có uy tín, truyền thống với chuẩn mực cao lại gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh.

Chúng ta cũng chưa có các hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trẻ học sau đại học, nghiên cứu sinh. Trong số 100 đoàn khách quốc tế sang thăm các trường đại học thì có lẽ phải hơn 90 đoàn nhằm mục đích giới thiệu học bổng của trường mình, đặc biệt là học bổng sau đại học, nghiên cứu sinh hay postdoc nhằm phát triển nguồn nhân lực tương lai cho họ. Trong khi đó thì Nghị định 84 của Chính phủ mới ban hành năm 2020 đề cập đến học bổng cho học sinh, sinh viên mà không hề có một dòng nào đề cập đến việc hỗ trợ cho nghiên cứu sinh.

Bộ phim The dog and the boy của Netflix, hoàn toàn do AI dựng.

Các hướng nghiên cứu liên ngành đang ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng. Nhưng hệ thống phân loại các chuyên ngành đào tạo, việc phân tách giữa nghiên cứu và đào tạo theo mô hình Liên Xô cũ, hay việc chia nhỏ các trường/khoa (ví dụ trường khoa học tách ra so với trường công nghệ, khoa Toán tách biệt với khoa Tin…) làm cho việc hợp tác liên ngành trở nên khó khăn.

Toán học hay các khoa học nói chung cần bắt nhịp với thế giới nhưng các biện pháp quản lý bằng công cụ hành chính càng trở nên nặng nề hơn, giết chết sự sáng tạo. Một ví dụ điển hình là Quyết định 06/2020/QĐ-TTg quy định ​​về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam phải xây dựng đề án, dịch lý lịch của đại biểu nước ngoài, xin phép cơ quan quản lý cấp trên và địa phương nơi tổ chức… Phần lớn các hội nghị khoa học đều có tính chuyên môn sâu, thuần túy khoa học, địa phương chắc chắn chỉ phê duyệt một cách chiếu lệ chứ không thể nào hiểu được sâu về nội dung. Vậy vì sao chỉ vì một vài trường hợp cá biệt mà cả hệ thống phải gánh thêm một chốt kiểm soát nữa? Chưa có ai thống kê tổng thời gian lãng phí cho những công việc này của các nhà khoa học, nhưng tôi cho rằng một phần vì hệ thống hành chính nặng nề mà năng suất lao động, hiệu quả sáng tạo của người Việt Nam thua kém so với nhiều nước khác.

Trước nhiều thách thức như vậy, cộng đồng toán học Việt Nam có thể tự chuẩn bị được những gì?

Chúng ta đã có các nhóm làm toán lý thuyết tương đối mạnh, có tầm ảnh hưởng quốc tế nhưng với toán ứng dụng thì còn rất hạn chế nên cần có sự đầu tư, tập trung thúc đẩy toán ứng dụng và ứng dụng toán học. Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đề ra một mục tiêu khá khiêm tốn là hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển năm hướng nghiên cứu và ứng dụng chủ đạo về Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp là trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bảo mật và an toàn thông tin, vận trù học và mô hình toán trong biến đổi khí hậu và môi trường.

Hiện nay, chúng ta mới có lực lượng tương đối tốt ở cả trong và ngoài nước trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu nhưng ngược lại ở các mảng như thống kê, vận trù học (tối ưu cho sản xuất công nghiệp), mô hình toán học phục vụ các nghiên cứu về môi trường và biến đổi khí hậu thì số lượng các chuyên gia vừa thiếu vừa yếu.

Việt Nam có thể trông chờ nhiều vào năm hướng này?

Đối với hai lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu thì chúng ta có cả cộng đồng những người làm khoa học máy tính, các doanh nghiệp công nghệ lớn cùng tham gia và nhiều chuyên gia lớn là người Việt Nam ở nước ngoài. Nhu cầu việc làm trong lĩnh vực này cũng rất lớn và đó cũng là một lợi thế cho việc thu hút nhân lực tài năng.

Học sinh chơi với các khối hình học tại Ngày hội Toán học Mở 2019. Ảnh: Vietnam+

Nhưng nếu nhìn sâu hơn, chẳng hạn vào ngành khoa học dữ liệu thì cũng thấy nhiều điều chưa ổn. Một trong những nền tảng của khoa học dữ liệu là thống kê nhưng ngành thống kê ở Việt Nam rất yếu. Hiện tại, theo tôi biết trên cả nước chỉ có ba cơ sở đào tạo mở chuyên ngành thống kê, nếu tính cả thống kê kinh tế thì có thêm hai ba trường nữa. Điều này trái ngược hẳn với nhiều quốc gia khác, kể cả nước láng giềng như Thái Lan.

Về mật mã và an toàn thông tin, sau nhiều năm tham gia hỗ trợ một số công việc trong lĩnh vực này, tôi hiểu rất rõ hiện trạng và sự yếu kém này đặc biệt nguy hiểm vì đây là một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia. Dù có những nỗ lực trong đào tạo, phát triển nhân lực nghiên cứu và ứng dụng mật mã ở Việt Nam nhưng vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa.

Vận trù học, hay một số nơi gọi là tối ưu trong công nghiệp hay quản lý chuỗi cung ứng, logistics… là một lĩnh vực có tiềm năng rất lớn, có khả năng phối hợp giữa trường đại học và khối công nghiệp. Nhu cầu về nhân lực cũng gia tăng nhưng cộng đồng những người nghiên cứu và ứng dụng vận trù học ở Việt Nam vẫn còn đang rất mỏng.

Tất nhiên những hướng nói trên tất nhiên không phủ hết được toàn bộ các ứng dụng của Toán học mà chỉ là một vài điểm nhấn.

Chúng ta có thể hy vọng vào khả năng bắt nhịp được các xu hướng của toán học trên thế giới ngay từ đào tạo toán học không?

Về những vấn đề trong giảng dạy, đào tạo ngành Toán thì đã có nhiều người lên tiếng và phân tích, cả về thực trạng và nguyên nhân, khách quan lẫn chủ quan. Tôi cho rằng cộng đồng toán học cũng cần phải tự nhìn lại mình, cần chủ động hơn trong việc đổi mới và chủ động tác động để hỗ trợ cho sự thay đổi.    

Đối với bậc phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một cơ hội cải cách lớn, nhưng rõ ràng cộng đồng toán học cần phải cùng tham gia, hỗ trợ cho việc đổi mới nội dung, phương pháp, cũng như công tác tập huấn, đào tạo lại giáo viên. Vì lâu nay, những người nghiên cứu toán học không có nhiều thiện cảm và mối liên hệ với cộng đồng nghiên cứu và thực hành giáo dục toán học.

Một điều rất đáng ngạc nhiên là gần như không có bất cứ một sự thay đổi nào trong việc giảng dạy và đào tạo các môn toán, các ngành Toán ở bậc đại học. Những thay đổi ở bậc phổ thông trong những năm qua đã và đang làm cho các chương trình ở bậc đại học trở nên bị “vênh” khá nhiều so với chất lượng đầu vào của sinh viên. Mặt khác, khi mà công cụ nghiên cứu dựa trên dữ liệu lớn đang ngày càng có vai trò quan trọng thì rõ ràng các kiến thức toán học cơ bản mà người học cần được cung cấp, dù là chuyên ngành Toán hay không, cũng sẽ phải thay đổi. Chẳng hạn như một số nội dung giải tích sẽ cần phải được tinh lọc, và thay vào đó là các nội dung về toán rời rạc, học máy và thống kê… Bên cạnh đó, toán học hiện đại, đặc biệt là toán ứng dụng nhấn mạnh rất nhiều vào khía cạnh tính toán.

Tất nhiên, không phải mọi thử nghiệm, cải cách đều thành công, nhưng trong tình trạng hiện tại, tôi cho rằng mọi nỗ lực thay đổi đều nên được đón nhận với một thái độ tích cực.

Bức tranh đào tạo toán học ở bậc đại học vẫn còn nhiều nỗi lo. Toàn quốc chỉ có hai ba trường có ngành toán học và vẫn còn tuyển sinh được tương đối tốt, có một vài ngành đào tạo Toán – Tin, Toán ứng dụng còn phần lớn vẫn là các ngành sư phạm Toán. Mới có một tín hiệu tương đối lạc quan gần đây là ở TP.HCM, một số trường đại học ngoài công lập hoặc tự chủ hoàn toàn đã bắt đầu mở ngành Toán ứng dụng và thu hút được sinh viên.

Là người tham gia biên soạn Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021-2030, ông thấy giải pháp nào khả thi để giúp giải quyết được những vấn đề trên không?

Không nên có tham vọng vào một Chương trình Toán có thể giải quyết toàn bộ và rốt ráo tất cả mọi vấn đề của Toán học Việt Nam. Thay vào đó, Chương trình chỉ tập trung vào việc thực hiện và hỗ trợ cho sự thay đổi ở một số điểm cốt lõi, nhằm tác động, tạo nên sự thay đổi của toàn hệ thống, trong đó đặc biệt quan trọng là việc duy trì và phát triển nguồn nhân lực.    

Đối với giáo dục toán học, chúng tôi cho rằng để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018, cụ thể là môn Toán, sự tham gia hỗ trợ của cả cộng đồng toán học là hết sức cần thiết. Bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ, củng cố phong trào thi học sinh giỏi Toán, cần dành sự quan tâm nhiều hơn cho việc giảng dạy toán học ở mức độ “đại trà”. Việc hỗ trợ, tập huấn sẽ không chỉ tập trung cho các giáo viên chuyên Toán mà phải mở rộng cho các thầy cô giáo môn Toán nói chung.

Ở bậc đại học, cần phải có một nhận thức mới trong việc giảng dạy các môn toán, không chỉ đối với các chuyên ngành Toán mà còn cả các môn Toán cho các chuyên ngành khác.

Chính vì sự đa dạng của Toán học, vì khả năng ứng dụng của Toán vào các lĩnh vực khác, nên chúng ta cần đa số học sinh, người trẻ của Việt Nam sử dụng được các công cụ toán học mạnh, có nhận thức tích cực về toán học. Không nhất thiết sau này những người học toán đều trở thành nhà toán học, bởi họ có thể làm việc trong các lĩnh vực khác, miễn sao sử dụng được các công cụ toán học mạnh trong công việc của mình. Bởi vậy chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn trong việc thay đổi cả về phương pháp, nội dung giảng dạy các môn Toán cho các chuyên ngành khác.

Chương trình Toán cũng nhấn mạnh vào những nghiên cứu và ứng dụng liên ngành, kết nối giữa toán học và các khoa học khác. Thông qua những sự trao đổi liên ngành này, các ứng dụng toán học trong thực tế sẽ có thể bắt rễ và phát triển.

Điểm cuối cùng là hợp tác quốc tế. Chúng tôi cho rằng để có thể tiếp tục giữ vững được chuẩn mực cao trong nghiên cứu, đạt được những thành công mới, chúng ta cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để hỗ trợ cho việc kết nối các nhà khoa học trong và ngoài nước. Thông qua đó, các nhóm nghiên cứu trong nước sẽ tiếp cận được với những xu hướng mới của Toán học, và luôn phải tự làm mới mình.

Tôi tin rằng những thay đổi tuy nhỏ, nhưng nếu kiên trì thực hiện sẽ tạo nên những thay đổi lớn cho toàn bộ hệ thống. □

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Thu Quỳnh thực hiện!

——-

*MSR: Nghiên cứu toán cao cấp, là một ngành nghiên cứu rất đa dạng các lĩnh vực như: đại số, giải tích, tổ hợp và toán rời rạc, phương trình vi phân, hệ động lực, cơ học chất lỏng, hình học, logic, vật lý toán, lý thuyết số, giải tích số, xác suất, thống kê.

————————

Đóng góp của nghiên cứu toán cao cấp (MSR*) cho nền kinh tế Anh

Nguồn nhân lực làm MSR: Trong năm 2010, có hơn 2,8 triệu người làm việc liên quan trực tiếp đến MSR. Trong đó, năm lĩnh vực hàng đầu về số lượng việc làm liên quan đến MSR là: Dịch vụ máy tính 340.000 người; Hành chính công và quốc phòng 260.000 người; Hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật 220.000 người; Xây dựng 210.000 người; Giáo dục 180.000 người.

Tổng giá trị gia tăng: Phân tích của Deloitte cho thấy, vào năm 2010, nghiên cứu toán học ở Anh tạo ra tổng giá trị gia tăng trực tiếp (GVA) vượt quá 200 tỷ bảng, tương đương khoảng 16% tổng GVA của Anh. Đóng góp trực tiếp lớn nhất của GVA có thể được tìm thấy trong lĩnh vực tài chính ngân hàng – khoảng 27 tỷ bảng vào năm 2010. Các lĩnh vực lớn nhất tiếp theo của GVA trực tiếp đóng góp của MSR là dịch vụ máy tính (19 tỷ bảng), dược phẩm (16 tỷ bảng), xây dựng (13 tỷ bảng) và hành chính công (10 tỷ bảng).

Năng suất trên mỗi công nhân và tiền lương:

Năng suất, được đo bằng GVA trực tiếp trên mỗi công nhân, trong ngành MSR năm 2010 được tính khoảng 74.000 bảng mỗi công nhân. Trong khi đó năng suất trung bình của người lao động ở Vương quốc Anh trong năm 2010 được ước tính là khoảng 36.000 bảng (tính toán của Deloitte). Ước tính mức lương trung bình cho những công việc MSR trong năm 2011 là khoảng 44.000 bảng/năm.

*MSR: Nghiên cứu toán cao cấp, là một ngành nghiên cứu rất đa dạng các lĩnh vực như: đại số, giải tích, tổ hợp và toán rời rạc, phương trình vi phân, hệ động lực, cơ học chất lỏng, hình học, logic, vật lý toán, lý thuyết số, giải tích số, xác suất, thống kê.

Tác giả