Trí tò mò đưa chúng ta đến với khoa học

Thế giới hình thành như thế nào, tại sao vạn vật lại được sinh ra như ngày nay, điều gì sẽ xảy đến nếu tôi làm thế này hay thế khác, là những câu hỏi có thể bắt gặp trên toàn cầu.

Còn nhớ, khoảng 18 năm trước khi đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Lyon, tôi cùng mấy người bạn ở câu lạc bộ thiên văn học của trường đã quyết định tham gia vào sự kiện Ngày hội Khoa học, khi đó còn là một hoạt động rất mới mẻ, bằng việc lắp một kính viễn vọng trên quảng trường bên ngoài ngôi trường và chiếu hình ảnh của mặt trời qua kính với những vết đen trên bề mặt lên màn hình cho người qua đường xem. Chúng tôi cũng dựng một phòng tối bằng bìa các-tông để mọi người có thể thấy việc quan sát các hiện tượng thiên văn dễ dàng như thế nào. Chúng tôi còn gắn bộ lọc Mylar vào ống nhòm để giúp việc quan sát dễ dàng hơn.

Mọi việc được tổ chức và thực hiện theo cách có phần nào tùy cơ ứng biến, và ngày đó việc quảng bá cho Ngày hội Khoa học còn chưa được mạnh như bây giờ. Một nửa số người đi qua chỉ cười, nửa kia thì tò mò. Họ là những dân đang trên đường đi siêu thị hoặc đến bưu điện, nhưng nhiều người trong số họ muốn biết cái kính viễn vọng này đang làm gì trên phố và chẳng mấy chốc chúng tôi đã tập hợp được quanh mình một đám đông nho nhỏ thân thiện. Từ em nhỏ đến người cao tuổi, ai cũng có câu hỏi cho chúng tôi. Hầu hết bọn họ đều lần đầu nhìn thấy kính viễn vọng và trước đấy chưa từng biết rằng mặt trời có những vết đen như vậy trên bề mặt. Trong khi đó, ngay bên cạnh chúng tôi, một vài giảng viên toán học đang thổi những bong bóng khổng lồ để minh họa cho nghiên cứu của họ về toán tối ưu. Người xem thấy rằng hóa ra khoa học cơ bản cũng có thể trở nên gần gũi, còn chúng tôi thì ngạc nhiên và vui khi được gặp một công chúng háo hức tìm hiểu đến thế. Đó là lần đầu tiên tôi tham gia một buổi trình diễn khoa học trước công chúng, thậm chí đến tận bây giờ, vào những lúc phải vật vã để đi đến tận cùng một vấn đề hóc búa, tôi vẫn cảm thấy được cổ vũ với ý nghĩ rằng có biết bao nhiêu người đang đi ngoài phố kia cũng cùng có chung sự tò mò đã dẫn dắt chúng tôi vào con đường nghiên cứu khoa học.

Mười năm sau, tôi tham gia Ngày hội Khoa học ở Cambridge, với cả hai tư cách – làm công chúng cùng với các con tôi và là nhà nghiên cứu cùng với các đồng nghiệp của tôi – lúc đó tôi làm việc tại Viện Thiên văn học, nơi đang tổ chức đủ loại hoạt động cho trẻ em (như “tạo ra hành tinh” bằng cách tô màu những quả bóng nhựa; trưng bày bản sao các vệ tinh; xem kính viễn vọng; và hàng loạt buổi thuyết trình kiến thức cơ bản cho công chúng). Chúng tôi minh họa thiên văn học bằng các áp phích, và làm mô phỏng sự tiến hóa của các vì sao. Tôi vẫn nhớ đã tranh luận lâu như thế nào với một đồng nghiệp về câu trả lời cho một câu hỏi đơn giản mà cậu bé nọ gửi đến cho chúng tôi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu một hòn đá rơi xuống mặt trời?” Bên kia đường – lần này, tôi ở vào vị trí công chúng – các nhà vật lý ở phòng thí nghiệm Cavendish triển khai trên toàn bộ bãi cỏ và cả bên trong nhà kho của mình một loạt các quầy trưng bày, nơi bọn trẻ có thể làm thí nghiệm về một số hiện tượng vật lý đơn giản. Tên lửa nước, những bong bóng khổng lồ, làm đất nặn, nam châm siêu dẫn bay, các thí nghiệm đơn giản với điện, v.v. Điểm nhấn của cuộc trình diễn là một chú robot biết đi và biết nói, thỉnh thoảng lại phun nước một cách ngẫu nhiên vào khán giả. Dù quy mô của sự kiện lần này lớn hơn nhiều nhưng tinh thần của nó không khác gì so với ngày hội đầu tiên mà chúng tôi tự tùy cơ ứng biến. Những đứa con của tôi mải mê chơi với những món đồ và tôi thật sự thích thú được chia sẻ cảm xúc với những nhà nghiên cứu khác, đồng thời khám phá họ đang thực sự nghiên cứu gì.

Mùa hè năm nay, tôi đã gặp một số nhà thiên văn học trẻ nghiệp dư người Việt Nam – họ gợi cho tôi nhớ lại rất nhiều trải nghiệm đầu tiên của tôi với Ngày hội Khoa học. Họ gồm hơn một trăm người, thuộc đủ lứa tuổi – kể cả một cậu bé mới lên bảy đi cùng mẹ – tụ về Quy Nhơn từ mọi miền đất nước. Họ đại diện cho hầu hết các câu lạc bộ thiên văn học của Việt Nam, đông nhất là từ Quảng Trị và Quảng Nam, đến đây để chia sẻ kinh nghiệm và gặp gỡ một số nhà vật lý thiên văn học chuyên nghiệp đang dự Trường Thiên văn mùa hè dành cho các nhà thiên văn học trẻ và hội thảo khai trương Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành. Dự báo thời tiết không được tốt lắm và nhiều người trong số họ bỏ về trước khi đêm xuống nhưng vài chục người lạc quan vẫn gặp nhau ở quảng trường để dự bữa tiệc ngắm sao. Và thế cũng đủ để một vài gia đình đi ngang qua ghé lại, mặc dù ban đầu khá dè dặt, xem đám đông lạ lẫm này đang làm gì với những dụng cụ tự chế kỳ quặc. Sau một hồi, chúng tôi đã có một hàng người dễ mến đứng chờ đến lượt quan sát sao Thổ với các quầng sáng của nó xuất hiện trên bầu trời. Với cây bút laser, một thành viên câu lạc bộ thiên văn giải thích về chòm sao có thể quan sát được giữa các đám mây. Thậm chí khi đã khuya – lúc này bầu trời hoàn toàn bị che khuất bởi thời tiết xấu – mọi người vẫn ngồi thành một vòng tròn quanh nhà vũ trụ học Nguyễn Trọng Hiền, người hiện đang làm việc tại Phòng thí nghiệm Phản lực (JPL) của NASA, lắng nghe anh kể vũ trụ của chúng ta đã hình thành như thế nào và tại sao bầu trời tối về đêm.

Thế giới hình thành như thế nào, tại sao vạn vật lại được sinh ra như ngày nay, điều gì sẽ xảy đến nếu tôi làm thế này hay thế khác, là những câu hỏi có thể bắt gặp trên toàn cầu. Tất cả chúng ta đều có trong mình đứa trẻ hay hỏi “tại sao…?” Sự tò mò đã thôi thúc nhiều người trong chúng ta bước vào con đường nghiên cứu khoa học. Để chia sẻ sự tò mò này thật sự là khoảnh khắc thú vị, nó không chỉ làm mới chúng ta, khiến chúng ta lại cảm thấy mình như đứa trẻ trước sự phức tạp của thế giới, mà còn có ích một cách thiết thực bởi khoa học ngày càng chi phối mạnh mẽ đời sống của chúng ta.

            TT dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)