Trí tuệ khá, năng lực trung bình, mức độ trong sạch thấp

Những nhận xét đại loại như trí tuệ khá, năng lực trung bình, đạo đức kém thường chỉ sử dụng trong nhà trường để đánh giá một học sinh nào đó. Một nhóm người có thể đánh giá về một con người cụ thể nào đó bằng những nhận xét tương tự. Nhưng dùng những từ đó để đánh giá một cộng đồng hoặc một quốc gia, liệu có được chăng?

Hiển nhiên khi mà thế giới đã trở nên phẳng hơn, thì thế giới tất nhiên phải có cách để đánh giá từng quốc gia thành viên của cộng đồng. Đó là đánh giá bằng các chỉ số. Tuy các chỉ là những con số hoặc các bậc xếp hạng khô khan, lạnh lùng, nhưng đằng sau nó ngầm chứa các nhận định sâu sắc về tình hình, triển vọng phát triển của các quốc gia và cộng đồng.

Có những chỉ số làm cho một quốc gia có thể điên đảo như chỉ số tín nhiệm chẳng hạn, chỉ cần tụt xuống một bậc là đã gây tổn hại tức thời hàng chục tỷ USD và mọi nhà nước đều phải tìm cách cứu vãn ngay lập tức. Tuy nhiên, có những chỉ số khi được công bố thì nhiều quốc gia thường chỉ xem qua, vì không tác động trực tiếp ngay, nhưng cũng vô cùng quan trọng, như ba chỉ số được ba tổ chức độc lập vừa công bố trong quý III/2011. Đó là chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum WEF) [1], chỉ số Đổi mới/ sáng tạo toàn cầu của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization – WIPO) [2], Chỉ số liên quan đến tham nhũng hay nói đúng hơn là Chỉ số trong sạch thế giới của Tổ chức Minh bạch toàn cầu (Transparency International – TI) [3].

Việc xác định ba chỉ số trên là những công trình khoa học, nghiên cứu, điều tra hết sức công phu và nghiêm túc, được thực hiện bởi các tổ chức quốc tế khách quan, bất vụ lợi. Ví dụ như để đánh giá chỉ số Đổi mới sáng tạo, phải cần đánh giá, cho điểm đến hơn 70 chỉ dấu (Indicator), với chỉ số năng lực cạnh tranh phải cần đến hơn 100 tiêu chí (pillard)…

Bảng 1 xếp hạng của Việt Nam và một số nước láng giềng, bạn bè thân thuộc dưới đây xếp theo thứ tự năng lực cạnh tranh từ cao đến thấp.

 

 Bảng 1

Quốc gia

Điểm số Sáng tạo

Thứ bậc sáng tạo

Điểm số Năng lực

Thứ bậc Năng lực

Điểm số Trong sạch

Thứ bậc Trong sạch

Singapore

59, 64

3

5, 48

3

9, 3

1

Malaysia

44, 05

31

4, 88

26

5, 6

44

Trung Quốc

46, 43

29

4, 84

27

3, 5

78

Thái Lan

37, 63

48

4, 51

38

3, 5

78

Indonesia

27, 78

99

4, 43

44

2, 8

110

Việt Nam

36, 71

51

4, 27

59

2, 7

116

Nga

35, 85

56

4, 24

65

2, 1

154

Philippines

28, 98

91

3, 96

85

2, 4

134

Campuchia

25, 46

111

3, 63

109

2, 1

154

Nhìn thứ bậc trên bảng xếp hạng, ít nhất cũng biết được ta đang đứng ở chỗ nào trong cộng đồng thế giới. Năm nay, về năng lực cạnh tranh, Việt Nam xếp thứ 59 trong 139 nước, nghĩa là năm gần chính giữa. Vậy có thể thừa nhận là năng lực thuộc mức trung bình cộng. Về đổi mới/sáng tạo, ta xếp ở mức 51 trên 125, tức là ở nửa trên của bảng xếp hạng, nghĩa là trên trung bình ít nhiều, cũng có thể tạm nói là trí tuệ thuộc loại (trung bình) khá. Bảng xếp hạng liên quan đến tham nhũng, đề cập đến đạo đức, gọi là xếp hạng trong sạch, thì không được khả quan lắm, Việt Nam ta xếp thứ 116 trong 179 nước và vùng lãnh thổ.

Xem xét đến điểm số, ta sẽ thấy khoảng cách định lượng so với các bạn bè cũng như nhiều điều thú vị khác. Trong nhóm bạn bè, Singapore luôn là nước đứng đầu. Ta hãy lấy Singapore làm chuẩn (100%), để xem mức so sánh nói lên điều gì. Hình 1 dưới đây, các nước xếp từ trái qua phải theo năng lực cạnh tranh. Xem đánh giá này ta có thể nói so với Singapore về năng lực cạnh tranh Việt Nam chỉ bằng 78%, về sáng tạo đổi mới bằng 61% còn về sự trong sạch chỉ được có 29%!

Mỗi nước có ba điểm số của Trí tuệ (Đổi mới/sáng tạo), Năng lực (cạnh tranh), và Đạo đức (trong sạch). Có thể thấy rõ là các nước có điểm trong sạch thấp thì có mức năng lực cạnh tranh thấp. Hãy so sánh Malaysia với Trung Quốc: Điểm số trí tuệ của Trung Quốc cao hơn Malaysia nhưng điểm trong sạch Malaysia lại cao hơn, kết quả là năng lực cạnh tranh cao hơn. Cũng giống như Indonesia so với Việt Nam. Dù trí tuệ Việt Nam khá hơn nhưng thua về trong sạch nên Năng lực cạnh tranh của Indonesia xếp trên Việt Nam.

Khi mà mức đạo đức như nhau, thì năng lực cạnh tranh sẽ cao hơn đối với nước nào có chỉ số trí tuệ cao hơn, đó là trường hợp của Trung Quốc xếp trên Thái Lan.

Rất thú vị khi xem xét các nước châu Phi và Mỹ Latin có cùng một mức tham nhũng như Việt Nam là Guyana, Tanzania, Ethiopia, Mozambique, Mali. Các số liệu (Bảng 2) cũng như đồ họa (Hình 2) trình bày dưới đây, xếp theo thứ tự trên xuống và trái qua phải theo năng lực cạnh tranh. Trừ trường hợp Mozambique không có đánh giá về trí tuệ và ngoại lệ là Ethiopia (đang nội chiến và chiến tranh với Eriteria) thì rõ ràng khi mà mức tham nhũng như nhau, nước nào có mức trí tuệ cao hơn (Việt Nam cao nhất) thì sẽ có năng lực cạnh tranh cao hơn.

Bảng 2

Quốc gia

Điểm số sáng tạo

Thứ bậc sáng tạo

Điểm số năng lực

Thứ bậc năng lực

Điểm số Trong sạch

Thứ bậc trong sạch

Singapo

59.64

3

5.48

3

9.30

1

 Vietnam

36.71

51

4.27

59

2.70

116

 Guyana

34.83

61

3.72

110

2.70

116

Tanzania

26.88

104

3.56

113

2.70

116

Ethiopia

22.88

131

3.51

119

2.70

116

Mozambique

 

 

3.32

131

2.70

116

 Mali

26.35

107

3.28

132

2.70

116

Các con số do các tổ chức độc lập với nhau, đánh giá về một quốc gia, tưởng như chỉ là những con số lạnh lùng, vô hồn, nhưng thật ra đã nói lên những sự thật muôn thuở: Năng lực cạnh tranh của một quốc gia sẽ do sự đổi mới/sáng tạo của quốc gia đó đóng góp nên nhưng sẽ bị sự tham nhũng không minh bạch của quốc gia đó dìm xuống mạnh hơn nhiều so với sức nâng lên của trí tuệ. Indonesia thua xa Việt Nam về chỉ số sáng tạo (27,78 so với 36,71), nhưng vẫn xếp trên hẳn Việt Nam về năng lực cạnh tranh, đơn thuần chỉ do hơn Việt Nam một chút về chỉ số trong sạch (2,8 so với 2,7). 

Như vậy, những đánh giá mới nhất của cộng đồng quốc tế giúp chúng ta thấy rằng, thực trạng của Việt Nam hiện nay là trí tuệ khá, năng lực trung bình, đạo đức kém. Nếu không tăng được sự trong sạch, giảm thiểu tham nhũng của thể chế thì dù có nâng cao trí tuệ đến mấy cũng không bù lại được lực dìm xuống của sự tham nhũng và không minh bạch.

———————
Tài liệu tham khảo
[1] The Global Competitiveness Report 2010–2011 by the World Economic Forum ISBN-13: 978-92-95044-87-6 ISBN-10: 92-95044-87-8
Printed and bound in Switzerland by SRO-Kundig
[2] The Global Innovation Index 2011: Accelerating Growth and Development ISBN: 978-2-9522210-1-6
Printed and bound in France by INSEAD, Fontainebleau
[3] “Corruption Perceptions Index”. Transparency International.. http://www.transparency.org/policy_research/surveys_indices/cpi. Retrieved 24 August 2011

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)