Trung Quốc: Thu hồi giải thưởng của nhà khoa học gian lận trong học thuật

Ngày 13/2/2011, Bộ Khoa học công nghệ (KHCN) Trung Quốc ra thông báo chính thức hủy quyết định tặng giải thưởng Tiến bộ Khoa học công nghệ nhà nước hạng hai năm 2005 cho nguyên giáo sư Đại học Giao thông Tây An Lý Liên Sinh và những người cùng nhóm, thu hồi Chứng chỉ khen thưởng và truy thu tiền thưởng.

Giới phân tích cho rằng thông báo trên thể hiện Trung Quốc kiên quyết Không dung thứ các hành vi gian lận học thuật. Tuy vậy cuộc đấu tranh chống các hành vi gian lận học thuật tại Trung Quốc vẫn còn rất gian nan, lâu dài.

Bản thông báo của Bộ KHCN Trung Quốc cho biết: Trong Tờ trình giới thiệu nội dung đề tài “Nghiên cứu công nghệ chủ yếu về thiết kế chế tạo máy nén tua bin và nghiên cứu triển khai hệ sản phẩm này” nhằm đề nghị tặng giải thưởng Tiến bộ KHCN nhà nước hạng hai năm 2005, tồn tại vấn đề sao chép nghiêm trọng các trước tác tiêu biểu và số liệu sai về hiệu quả kinh tế.

Cuộc điều tra đối với hành vi của Lý Liên Sinh bắt nguồn từ đơn tố cáo có ký tên thật của giáo sư đã nghỉ hưu Dương Thiệu Khản và một số người khác ở Đại học Giao thông Tây An.  Tháng 3/2010, Đại học Giao thông Tây An đã hủy chức vụ giáo sư của Lý Liên Sinh và hủy bỏ hợp đồng tuyển dụng ông này.

Trên Blog Tân Lãng, một dân mạng viết: “Rốt cuộc lần đầu tiên Bộ KHCN đã có hành động hủy bỏ việc tặng giải thưởng. Tuy có chậm một chút song không thể không nói đây là một bước tiến, dựng nên hàng rào báo động hữu hiệu nhất đối với các hành vi gian lận học thuật.”

Ông Thạch Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học xã hội Thiểm Tây, nói: Quyết định nói trên của Bộ KHCN có ý nghĩa tích cực làm trong sạch bầu không khí học thuật, đồng thời thể hiện nước ta có thái độ và quyết tâm Không dung thứ các hành vi gian lận học thuật; có thể nói đây là một bước mở đầu tốt. Nhưng để ngăn chặn tận gốc các hành vi đó, chúng ta còn cần trải qua một quá trình rất lâu dài.

Chiến sĩ chống gian lận học thuật Phương Châu Tử nói: “Hành động nghiêm khắc nhất được áp dụng ở cấp Nhà nước là một bước tiến.”

Vụ việc nói trên một lần nữa làm nổi bật vấn đề học thuật không chính đáng ở Trung Quốc. Một điều tra hỏi ý kiến 30.078 người do Hội KHCN Trung Quốc tiến hành năm 2009 cho thấy: ngót một nửa số cán bộ các cơ quan nghiên cứu KHCN, trường đại học, cơ quan nghiên cứu y học và các bệnh viện ở Trung Quốc cho rằng tình trạng gian lận học thuật “rất phổ biến”.

Trong nhiều trường hợp, ông Vạn Cương, Bộ trưởng Bộ KHCN Trung Quốc, từng tỏ rõ lập trường nói Không với các hiện tượng bất chính về học thuật. 

Nhưng Phương Châu Tử cho rằng hiện nay chúng ta còn cách rất xa mục tiêu đó. Ông nói, sở dĩ gian lận học thuật lan tràn điên cuồng tại Trung Quốc là do quy chế đánh giá học thuật chưa hợp lý, chưa có các kênh xử lý được thể chế hóa đối với hành vi gian lận KHCN. “Rất nhiều vụ gian lận học thuật được phanh phui nhưng cuối cùng không bị trừng phạt; hành vi gian lận có rất ít rủi ro và không tốn kém mấy.” – ông nói. 

Vụ Lý Liên Sinh cho thấy cơ chế thẩm định học thuật và xét thưởng chưa kiện toàn, thiếu tính độc lập và minh bạch.

Phó giám đốc Thạch Anh nói: sở dĩ gian lận học thuật xảy ra nhiều là do người gian lận thiếu đạo đức, ngoài ra còn do một số trường ĐH và cơ quan nghiên cứu áp dụng hệ thống đánh giá nghiên cứu KHCN và cơ chế quản lý quá chú trọng lượng hóa.

Các tiêu chuẩn đánh giá lượng hóa chủ yếu gồm: có bao nhiêu bài báo công bố trên các ấn phẩm chính, xuất bản bao nhiêu tác phẩm, nhận được bao nhiêu giải thưởng ở cấp bậc nào, đã thực hiện bao nhiêu dự án nghiên cứu ở cấp bậc nào v.v… Đối với cá nhân, các tiêu chuẩn lượng hóa ấy trực tiếp gắn liền với những lợi ích thiết thân như bình xét chức vụ, kinh phí nghiên cứu và địa vị học thuật của người đó. “Bị những lợi ích to lớn sai khiến, dĩ nhiên một số người sẽ làm liều.” – ông Thạch Anh nói.

Huy Đường lược dịch

(Tuần báo Bắc Kinh,  http://www.beijingreview.com.cn)

 

Tác giả