Trung Quốc và tham vọng đưa điện hạt nhân ra Biển Đông

Tham vọng của Trung Quốc trong chiến lược phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển Đông cho thấy, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn với những chính sách, tính toán nhằm giảm thiểu rủi ro có thể đến từ các nhà máy này.


Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov của Nga hoàn thành vào năm 2018. Nguồn: The Economist

Nếu Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân nổi và di động (FNPP), từ năm 1968 đến năm 1975 dựa trên lò phản ứng loại MH-1A có công suất nhiệt 45 MW và công suất điện 10 MW thì khoảng hơn 30 năm sau, Nga mới bắt đầu lắp đặt FNPP đầu tiên của mình, dù có rất nhiều kinh nghiệm phát triển tàu ngầm hạt nhân và tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân: năm 2007, tàu Akademik Lomonosov với hai lò phản ứng loại KLT-40S có công suất nhiệt 150 MW và công suất nhiệt 38,5 MW, và mãi đến năm 2018, Akademik Lomonosov mới được hoàn thành1.

Không lâu sau khi Nga công bố dự án Akademik Lomonosov, Trung Quốc cũng cho biết đang xem xét hợp tác với Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) để lắp đặt các lò phản ứng công nghệ Nga lên các tàu kéo của Trung Quốc2. Tuy vậy, đến năm 2016, Trung Quốc lại công bố dự án FNPP sẽ hoàn toàn dựa trên công nghệ nội địa – công nghệ ACPR50S với công suất nhiệt 200 MW và công suất điện 60 MW do Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) tự thiết kế, và công nghệ ACP100S với công suất nhiệt 310 MW và công suất điện 100 MW do Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) thiết kế và chế tạo3. Trung Quốc hiện đã tuyên bố, sau khi thử nghiệm thành công mẫu FNPP đầu tiên ở vùng biển Bột Hải, họ sẽ tính tới việc xây dựng và đưa tới 20 FNPP ra khu vực Biển Đông.

 

Nguy cơ rủi ro từ các FNPP của Trung Quốc

 

Nhìn chung, nếu các NPP trên đất liền có một số hạn chế cố hữu như đòi hỏi phải có địa điểm với điều kiện địa chất tốt và diện tích lớn, yêu cầu cao về mặt cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là về kết nối với lưới điện, và phải có nguồn nước làm mát liên tục với khối lượng lớn thì các FNPP thường sử dụng các lò phản ứng cỡ vừa và nhỏ với công suất điện nhỏ hơn 300 MW, đồng thời có thể di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác bằng tàu kéo. Từ lâu, công nghệ này đã được coi là giải pháp cung cấp điện năng, nhiệt năng, và khử muối nước biển cho các đảo nhỏ hoặc các thành phố nằm ở những vùng duyên hải hẻo lánh4. Bởi vậy, giới chức Trung Quốc có lý khi nói rằng trong tương lai ở Biển Đông, các FNPP sẽ hỗ trợ Trung Quốc khai thác dầu và khí, đảm bảo cho người Trung Quốc có thể sống dài ngày tại các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, và thúc đẩy quá trình xây dựng đảo nhân tạo và bồi lấp các đảo do Trung Quốc quản lý5.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các hòn đảo do Trung Quốc quản lý đều có diện tích rất nhỏ và rất thưa cư dân, vì vậy việc Trung Quốc đưa tới 20 FNPP ra Biển Đông không có mục đích nào khác ngoài mục đích quân sự. Trước hết, nguồn điện và nước do các FNPP cung cấp sẽ giúp Trung Quốc tăng khả năng phòng thủ ở các hòn đảo họ đang kiểm soát, từ đó tăng cái giá phải trả về mặt chính trị, kinh tế, và quân sự cho bất cứ quốc gia hay tổ chức nào muốn tấn công vào các hòn đảo có FNPP neo đậu. Khía cạnh quân sự của chương trình phát triển FNPP Trung Quốc trở nên rất rõ ràng khi quân đội Trung Quốc tài trợ thiết kế ít nhất một FNPP6. Nếu được đưa ra Biển Đông một cách ồ ạt, các FNPP của Trung Quốc sẽ gây ra rất nhiều nguy cơ đối với hệ sinh thái biển cũng như sự an toàn, an ninh của các quốc gia trong khu vực, cụ thể là trong điều kiện vận hành khắc nghiệt nhiều bão nhiệt đới của Biển Đông, lại thiếu các hàng rào che chắn tự nhiên (như núi, đồi), có thể xảy ra khả năng rò rỉ chất phóng xạ từ các FNPP của Trung Quốc ra Biển Đông, nhất là khi các nhà máy này thường được thiết kế để lưu giữ nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ ngay trên khoang trong nhiều năm như trường hợp của Akademik Lomonosov. Mật độ tàu thuyền đi lại dày đặc trên Biển Đông cũng làm tăng nguy cơ va chạm giữa các FNPP – vốn thường được neo đậu cố định gần các đảo, đá hay dàn khoan và vì vậy rất khó có thể lèo lái để tránh va chạm.

Một nguy cơ khác liên quan tới an toàn hạt nhân của các FNPP của Trung Quốc trong tương lai là năng lực kiểm soát an toàn của cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc. Cho đến thời điểm này, ngành công nghiệp điện hạt nhân còn tương đối non trẻ của Trung Quốc vẫn chưa phải chứng kiến một tai nạn hạt nhân tầm cỡ Chernobyl hay Fukushima nhưng việc phát triển với tốc độ quá nhanh, lại sử dụng rất nhiều công nghệ khác nhau khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi về hiệu quả kiểm soát an toàn của cơ quan an toàn hạt nhân Trung Quốc7. Gần đây nhất, việc giới chức Trung Quốc bị phát hiện đã để lọt nhiều nhà máy vẫn thải khí CFC-11 (loại khí đã bị cấm trên toàn thế giới vì tác động rất xấu tới tầng ozone của Trái đất) trong nhiều năm8 lại càng cho thấy các nước láng giềng phải luôn dè chừng trước năng lực giám sát an toàn của các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc. Ngoài các rủi ro về an toàn, việc Trung Quốc đưa FNPP ra khu vực biển tranh chấp còn tiểm ẩn nguy cơ về an ninh và pháp lý chưa từng có tiền lệ trong lịch sử phát triển của điện hạt nhân thế giới kể từ sau Thế chiến thứ hai cho tới nay9.

 

Phản ứng của quốc tế

 

Từ cách đây 2, 3 năm, quan ngại về tham vọng đưa điện hạt nhân ra Biển Đông của Trung Quốc đã được các tạp chí, hãng tin uy tín như The Economist, Foreign Policy, CNN nêu lên mà gần như không thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu và làm chính sách an ninh quốc tế10. Vấn đề này chỉ thực sự được báo giới quan tâm sau khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nộp lên Quốc hội báo cáo thường niên về tình hình phát triển an ninh và quân sự của Trung Quốc vào giữa tháng 5/2018, trong đó có đoạn: “Kế hoạch cung cấp điện cho các hòn đảo này có thể đưa thêm yếu tố hạt nhân vào các tranh chấp lãnh thổ. Năm 2017, Trung Quốc cho biết có thể họ đang chuẩn bị các kế hoạch cấp điện cho các đảo và đá ở khu vực Biển Đông thường xuyên bị bão nhiệt đới đe doạ thông qua các FNPP nổi; việc triển khai này sẽ bắt đầu trước năm 2020” (China’s plans to power these islands may add a nuclear element to the territorial dispute. In 2017, China indicated development plans may be underway to power islands and reefs in the typhoon-prone South China Sea with floating nuclear power stations; development reportedly is to begin prior to 2020”)11.


Trung Quốc tính tới việc xây dựng và đưa tới 20 FNPP ra khu vực Biển Đông. Nguồn: Futurism

Tuy chỉ được nhắc đến đúng một lần trong bản báo cáo dày 145 trang, nhưng sau đó Bloomberg, Time Magazine, Business Insiders… đã dùng cụm từ “nuclear element” (“yếu tố hạt nhân”) để giật tít và nhấn mạnh một cách mập mờ về việc Trung Quốc “đưa yếu tố hạt nhân” ra Biển Đông mà không chú thích rằng “yếu tố hạt nhân” ở đây gắn với các FNPP chứ không phải vũ khí hạt nhân. Cần phải nói thêm rằng trong báo cáo này của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, chiến lược (vũ khí) hạt nhân của Trung Quốc được đề cập hết sức chi tiết và rõ ràng, vì vậy không có lý do gì để nhầm lẫn giữa vũ khí hạt nhân và FNPP sau khi đọc báo cáo này. Không rõ do hiểu nhầm hoặc chịu ảnh hưởng từ các báo đài đưa tin theo kiểu trên mà Harry Roque – người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines tuyên bố vào ngày 23/8/2018: “Chúng tôi quan ngại về khả năng bất cứ cường quốc nào, dù là Hoa Kỳ, Nga, hay Trung Quốc mang đầu đạn hạt nhân vào trong lãnh thổ của chúng tôi và của ASEAN – cộng đồng vốn đã được tuyên bố là một khu vực phi vũ khí hạt nhân.” (We are concerned about the possibility that any foreign power be it American, Russian, Chinese may bring nuclear warheads into our territory and into Asean, which is declared as a nuclear-free zone)12. Xuất phát từ tuyên bố đầy tính quan ngại này của Harry Roque, phóng viên Zing.vn đã đặt câu hỏi cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam về “phản ứng của Việt Nam sau khi Philippines lên tiếng bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc điều động vũ khí hạt nhân tại Biển Đông”. Câu trả lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam là13: “Việt Nam cho rằng duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung và cũng là nhiệm vụ, nghĩa vụ của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, các bên liên quan đều có nghĩa vụ đóng góp cho mục tiêu này.”

Tuy được nhắc đến nhiều trong giai đoạn từ tháng 8/9/2018, vấn đề FNPP nổi nói chung và chương trình điện hạt nhân trên Biển Đông của Trung Quốc nói riêng trong vòng 9 tháng qua đã không còn được báo chí quốc tế hay giới nghiên cứu nhắc đến nhiều, nhất là khi bị các chủ đề khác cũng dính dáng tới “hạt nhân” và thường được quan tâm hơn rất nhiều như khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội, hay các sự kiện liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran phủ bóng.

 

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và tương lai của hạm đội điện hạt nhân nổi

 

Trong vòng một năm qua, chính quyền Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump áp đặt những chính sách cực kì cứng rắn trên mặt trận kinh tế nhằm buộc Trung Quốc phải thiết lập một sân chơi công bằng và minh bạch hơn về thương mại mậu dịch, bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các công nghệ tiên tiến. Những tuyên bố tăng thuế liên tiếp của Tổng thống Trump đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, hay các động thái pháp lý nhắm vào các tập đoàn lớn của đất nước đông dân nhất thế giới như Hoa Vi (Huawei) khiến nền kinh tế Trung Quốc bước đầu vấp phải một số khó khăn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí đã nhắc đến một cuộc “Vạn lý trường chinh” mới mà Trung Quốc rất có thể sẽ phải trải qua trong cuộc chiến tranh thương mại lâu dài với Hoa Kỳ14 bởi dù Tổng thống Trump có đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, hay một gương mặt mới của Đảng Dân chủ sẽ là người chiến thắng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, rất nhiều khả năng các chính sách cứng rắn của Tổng thống Donald Trump nhắm vào Trung Quốc vẫn sẽ được tiếp tục.

Giới nghiên cứu và hoạch định chính sách của Trung Quốc có lẽ cũng chưa lường trước hết được ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung lên nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Một trong những nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến chính là tham vọng bá chủ đại dương của Trung Quốc thông qua việc xây dựng một hạm đội viễn dương (blue-water navy) sánh ngang được với uy lực của Hải quân Hoa Kỳ. Hiện Hải quân Trung Quốc bắt đầu phải tính đến việc tiết kiệm chi phí và tăng cường tự chủ công nghệ để phòng ngừa trường hợp kinh tế bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại và việc nhập khẩu các công nghệ lõi gặp phải lực cản từ chính quyền Hoa Kỳ15.

Tình hình mới này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc phải xem xét lại chiến lược bành trướng trên biển thông qua hạm đội FNPP theo ba kịch bản sau đây.

Thứ nhất, Trung Quốc có thể sẽ cắt giảm đầu tư cho dự án đầy tham vọng và tốn kém này (để tham khảo, Nga đã phải tiêu tốn tới 700 triệu USD, gấp 3 lần giá thành dự kiến, cho việc đóng Akademik Lomonosov với công suất 70 MW điện) để dành nguồn vốn cho những dự án kinh tế – xã hội cấp thiết hơn, hoặc là để cho chính những dự án đóng tàu được coi là có giá trị chiến lược lớn hơn như các tàu sân bay lớp 002 và 003. Việc cắt giảm đầu tư chắc chắn sẽ khiến quy mô của hạm đội điện hạt nhân nổi Trung Quốc phải thu gọn hoặc kéo dài thời gian hoàn thành các tàu của dự án này.

Lò phản ứng công suất nhỏ ACP 100 của CNNP có thể được lựa chọn để phát triển FNPP. Nguồn: CNNP

 

Trong kịch bản thứ hai – kịch bản giữ nguyên kế hoạch ban đầu (business as usual), Trung Quốc sẽ giữ nguyên quy mô và tiến độ triển khai các FNPP trên Biển Đông vì chủ đầu tư trực tiếp của các nhà máy này hiện đang là các công ty công nghệ hạt nhân Trung Quốc vốn tương đối tự chủ về mặt tài chính và kế hoạch phát triển ngắn và trung hạn, và chỉ chịu quản lý trực tiếp từ chính quyền trung ương chủ yếu về mặt an toàn và chiến lược phát triển dài hạn.

Trong kịch bản cuối cùng, Trung Quốc có thể mở rộng quy mô và rút ngắn thời gian triển khai hạm đội điện hạt nhân nổi ra Biển Đông. Về mặt công nghệ, việc này hoàn toàn khả thi vì các công nghệ lõi cho FNPP chủ yếu do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển, hoặc có thể dễ dàng nhập từ Nga – quốc gia gần như chắc chắn sẽ không nhượng bộ chính quyền Tổng thống Trump trong chính sách phong tỏa về mặt công nghệ của Hoa Kỳ nhằm vào Trung Quốc. Đồng thời, những kinh nghiệm từ việc hoàn thiện công nghệ và vận hành các FNPP hết sức cần thiết nếu Trung Quốc muốn đóng thành công tàu sân bay chạy bằng lực đẩy hạt nhân, hoặc hoàn thiện công nghệ tàu phá băng trong bối cảnh nước này đang muốn mở rộng ảnh hưởng lên cả Bắc Băng Dương – điểm nóng địa-chiến lược của thế giới trong giai đoạn tới. Cũng về mặt chiến lược, việc củng cố vị trí và ảnh hưởng trên Biển Đông và khu vực xung quanh eo biển Đài Loan thông qua việc gia tăng số lượng tàu cả quân sự – như tàu sân bay, và dân sự – như FNPP sẽ giúp Trung Quốc có thêm công cụ để “mặc cả” với Hoa Kỳ trên bàn đàm phán kinh tế, cũng như trấn an dư luận trong nước về vị thế của Trung Quốc tại khu vực và trên thế giới.

 

Việt Nam phải làm gì?

 

Dựa trên các tuyên bố từ trước tới nay của chính quyền Trung Quốc, cũng như các nghiên cứu về an ninh quốc tế thời gian vừa qua, có thể kết luận rằng chiến lược vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là chỉ để cho mục đích phòng thủ, sau khi bị tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân, và không đưa vũ khí hạt nhân vào các khu vực phi vũ khí hạt nhân (như ASEAN) nên không có lý do gì để cho rằng Trung Quốc đang tính tới khả năng đưa vũ khí hạt nhân ra Biển Đông – khu vực tuy có giá trị chiến lược cốt yếu cho Trung Quốc nhưng hoàn toàn không cần thiết phải lắp đặt vũ khí hạt nhân (vốn có tầm bắn rất xa) tại chỗ. Vì vậy, câu trả lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho câu hỏi của Zing.vn tuy chung chung nhưng có chừng mực, không phản ứng thái quá (như trường hợp của Philippines) hay sai lệch (như trường hợp của báo chí quốc tế). Đây là điểm hết sức quan trọng mà Bộ Ngoại giao Việt Nam cần tiếp tục phát huy vì nếu các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục nhấn mạnh vào điểm “yếu tố hạt nhân” này thay vì nguy cơ thực sự về an toàn, an ninh, địa-chiến lược của các FNPP, Trung Quốc sẽ rất dễ dàng phủ nhận bằng việc sử dụng chính các văn bản về chiến lược hạt nhân của mình, đồng thời đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận và giới chức các nước khỏi các hiểm họa tiềm tàng có thể đến từ các FNPP của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bất kể chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ diễn ra theo chiều hướng nào, nhiều khả năng Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục duy trì hoặc thậm chí là mở rộng dự án FNPP trên Biển Đông. Đối phó với thách thức tiềm tàng về mặt an toàn, an ninh hạt nhân từ dự án đầy tham vọng này, Việt Nam cần vận động các quốc gia có liên quan tránh tập trung vào nguy cơ Trung Quốc mang vũ khí hạt nhân ra Biển Đông (vốn rất ít có khả năng xảy ra) mà nên dồn nguồn lực khoa học, ngoại giao vào việc đánh giá an toàn và rủi ro đến từ các FNPP của Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng cần đi đầu trong việc kết nối các nước láng giềng với những quốc gia có lợi ích liên quan đến tình hình Biển Đông như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Mạng lưới an toàn hạt nhân châu Á (ANSN), Mạng lưới cơ quan an toàn hạt nhân Đông Nam Á (ASEANTOM) để thiết lập các kênh trao đổi thông tin với Trung Quốc về đảm bảo an toàn hạt nhân, đặc biệt là an toàn, an ninh trong vận hành của các FNPP. Sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong vấn đề này hết sức cần thiết bởi quốc tế không thực sự quan tâm tới vấn đề này trong bối cảnh còn nhiều điểm nóng hạt nhân khác ở Bắc Triều Tiên hay Iran.

Giám sát an toàn vận hành không thể là đủ, Việt Nam cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng về công nghệ, xác suất xảy ra tai nạn, điều kiện vận hành trong tương lai của các FNPP của Trung Quốc để có thể ước lượng phạm vi, quy mô ảnh hưởng trong trường hợp có sự cố xảy ra với các nhà máy này, và từ đó chuẩn bị các kịch bản ứng phó cần thiết. Đây là khía cạnh hết sức quan trọng trong quản lý rủi ro, bởi chỉ có hiểu đúng về mặt công nghệ của FNPP, ước lượng được tương đối chính xác số hạng nguồn (source term) của nhà máy trong trường hợp tai nạn, và ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, khí hậu đối với sự rò rỉ chất phóng xạ từ nhà máy, thì Việt Nam mới có thể tránh được cả tình trạng chủ quan khi triển khai kế hoạch ứng phó, hoặc trạng thái phản ứng thái quá, đặc biệt là từ công chúng – vốn là hiện tượng thường thấy trong tình huống có sự cố liên quan tới hạt nhân, dù ở mức độ không nghiêm trọng.

Chúng ta cần phải nhận thấy một thực tế rằng tất cả những đề xuất kể trên, kể cả khi được Việt Nam triển khai một cách hoàn hảo, cũng chỉ có thể giải quyết được một phần “ngọn” của vấn đề. “Gốc rễ” của vấn đề FNPP Trung Quốc tại Biển Đông nằm ở khía cạnh địa-chính trị của các tranh chấp về lãnh thổ trên Biển Đông. Vì vậy mọi chính sách, tính toán nhằm giảm thiểu rủi ro đến từ các nhà máy này cũng cần được đưa vào chiến lược dài hạn của Việt Nam nhằm đối phó với tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.

——

* TS, Trung tâm Khoa học và các vấn đề quốc tế trường Harvard Kenedy.

 

Chú thích:

1. S. Patel, 2015, Russia sees floating nuclear power plant costs balloon, Power Magazine, 7 tháng 1, 2015.

2. Russia and China cooperate on floating plants, World Nuclear News, 16 tháng 9, 2011.

3. S. Zheng và K. Huang, Securing power in the South China Sea: Beijing’s plans for floating nuclear reactors get US$150 million boost, Nam Hoa Tảo báo (South China Morning Post), 11 tháng 8, 2017.

4. J.W. Kindt, 1983, Floating nuclear power plants: US and international regulations, Marine Policy 7:2 90-100, 1983.

5. “Beijing Plans Floating Nuclear Power Plant in Disputed South China Sea”, Sputnik News, 27 tháng 12, 2017.

6. S. Chen, “Could China build the world’s smallest nuclear power plant and send it to the South China Sea?”, Nam Hoa Tảo báo (South China Morning Post), 11 tháng 10, 2016.

7. S. Thomas, China’s nuclear export drive: Trojan Horse or Marshall Plan?, Energy Policy 101 683-691.

8. “China denies emitting ozone-depleting gas”, Asia Times, 29 tháng 5, 2019.

9. V.P. Nguyen, China’s planned floating nuclear power facilities in South China Sea: Technical and Political Challenges, The Maritime Issues, 21 tháng 11, 2018.

10. Keith Johnson, “China’s Got Nuclear Power Plans for its Fake Islands”, Foreign Policy, 22 tháng 4, 2016; Tony Roulstone, “Fukushima at sea? China wants a fleet of floating nuclear power plants”, CNN, 10 tháng 5, 2016; “Atomic power stations out at sea may be better than inland ones, The Economist, 10 tháng 8, 2017; N.V. Phuong, “China’s Risky Plan for Floating Nuclear Power Plants In The South China Sea”, The Diplomat, 10 tháng 5, 2018

11. Office of the Secretary of Defense, Annual Report to the Congress on the Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2018, 2018.

12. P.L. Viray, “Philippines concerned over possible nuclear weapons in South China Sea”, Philstar.com, 23 tháng 8, 2018.

13. VN lên tiếng về khả năng Trung Quốc đưa vũ khí hạt nhân ra Biển Đông, Zing.vn, 23 tháng 8, 2018.

14. Zhou Xin, “Xi Jinping calls for ‘new Long March’ in dramatic sign that China is preparing for protracted trade war”, Nam Hoa Tảo báo (South China Morning Post), 21 tháng 5, 2019.

15. Minnie Chan, “China’s navy is being forced to rethink its spending plans as cost of trade war rises”, Nam Hoa Tảo báo (South China Morning Post), 26 tháng 5, 2019.

Tác giả