Trường đại học Phenikaa: Mở cửa đón nhân tài vật lý

Trong bối cảnh lĩnh vực khoa học cơ bản ở nhiều trường đại học danh tiếng ở Việt Nam còn phải ngậm ngùi chứng kiến xu hướng học sinh giỏi từ các ngôi trường phổ thông đổ xô nộp hồ sơ vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng – nơi có thể hứa hẹn cho các em một tương lai có thu nhập ổn định, thì trường Đại học Phenikaa lại bắt đầu một kế hoạch đi ngược với xu thế: mở chương trình vật lý tài năng kể từ mùa tuyển sinh 2021. Nhưng liệu đó có phải là thử nghiệm nhất thời của một trường tư?


Ngành vật lý hiện nay ngày một khó tuyển sinh viên. Ảnh: Hảo Linh

Băn khoăn này là tất yếu khi nhiều năm qua, những ngôi trường hàng đầu về đào tạo các ngành khoa học cơ bản ở bậc đại học và sau đại học rơi vào cảnh bế tắc đầu vào. Phần lớn học sinh giỏi đoạt giải quốc gia, quốc tế toán, lý ở bậc phổ thông đều quyết định theo ngành khác, không theo khoa học cơ bản. Trong một phiên họp về Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020 tại Bộ KH&CN vào năm 2018, hiệu trưởng một trường đại học ở miền Trung đã chia sẻ rất thật “Các ngành khoa học cơ bản gần như không tuyển được sinh viên, đơn cử có năm khoa Toán chỉ nhận được hai hồ sơ nên rút cục đều phải chuyển các em sang ngành tin học”. Nếu tình trạng này kéo dài, trong tương lai gần, ắt hẳn việc thiếu nhân lực sẽ khiến ngành vật lý dễ bề suy sụp như một thiên thể trong vũ trụ ở cuối giai đoạn tiến hóa.

Quá trình suy sụp hấp dẫn này có thể sẽ ngày càng bị đẩy nhanh khi chất lượng đầu vào cho ngành khoa học cơ bản nói chung và vật lý nói riêng ngày một giảm. PGS. TS Phùng Văn Đồng, một nhà nghiên cứu vật lý năng lượng cao và vũ trụ học trước khi về trường Đại học Phenikaa đã có thâm niên nhiều năm giảng dạy hệ cử nhân tài năng ở nhiều trường, nhận xét “chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo đã giảm xuống theo thời gian, phần lớn ra trường là chuyển sang nghề khác. Thật tiếc khi học sinh giỏi chưa thấy vật lý là ngành khoa học cốt lõi cho phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ và khởi nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu”.

Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều nhà nghiên cứu khác ở Phenikaa, nơi có đến một nửa các nhóm nghiên cứu mạnh và tiềm năng liên quan đến ngành vật lý – một trong những điểm quan trọng để trường có thể tự tin thiết lập chương trình đào tạo vật lý tài năng. “Tự các thầy thấy rằng, nếu như không có các em sinh viên giỏi trong ngành vật lý thì trong tương lai sẽ khó có được người tiếp nối những hướng, những kết quả mà các thầy đã ít nhiều gây dựng được. Trách nhiệm của các thầy là cố gắng gây dựng được đội ngũ kế cận cho chính mình và cho trường. Do vậy, các thầy chứ không phải ban giám hiệu nhà trường đã tự vận động, trao đổi với nhau rồi đề xuất thành lập một chương trình đào tạo vật lý tài năng với các mức học bổng ưu đãi”, giáo sư Phạm Thành Huy – Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa, cho biết.

Cánh cửa bước vào thế giới vật lý và công nghệ

 

Bước đầu, người ta có thể thấy chương trình đào tạo vật lý tài năng của Phenikaa không phải là hành động “chơi trội” hoặc màn đánh bóng tên tuổi của một trường tư để tăng thêm sức cạnh tranh cho mình mà là ý định hết sức nghiêm túc của những nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm, vốn đã khẳng định được năng lực trong chuyên ngành hẹp của mình. Do đó, PGS.TS Phùng Văn Đồng cho rằng việc Phenikaa mở chương trình tài năng vật lý là “tất yếu để thu hút nhân tài, tạo nguồn đầu vào cho nghiên cứu, vốn đòi hỏi những người thực sự giỏi”.

Điều này cũng phản ánh quan điểm về việc mở một mã ngành đào tạo mới của ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Phenikaa trong cuộc phỏng vấn trên Tia Sáng vào tháng 8/2018, “chúng tôi sẵn sàng mở nếu đạt được hai điều: 1) nếu đang là một ngành ‘hot’, một xu hướng ở Việt Nam; 2) góp phần tạo nền móng để thu hút các nhà khoa học tài năng và sau này tạo ra lớp sinh viên mới, hội nhập với thế giới…”1.

Rõ ràng vật lý không là ngành “hot” hay một xu hướng được nhiều người quan tâm hiện nay, vậy điều gì thuyết phục các em học sinh lựa chọn chương trình này của Phenikaa? “Chúng tôi nghĩ rằng ở trường Đại học Phenikaa đã hội tụ đủ các điều kiện để xây dựng được một chương trình đào tạo tốt để sau khi tốt nghiệp các em có kiến thức, kỹ năng làm việc tốt và có thể tìm được công ăn việc làm đàng hoàng, chẳng hạn như nhân lực cho các nhóm nghiên cứu, nhân lực cho chính tập đoàn hoặc các công ty khác, hoặc tiếp tục học cao hơn…”, PGS. TS Phùng Văn Đồng, một trong những người xây dựng đề án đăng ký mở chương trình vật lý tài năng, lý giải. Học vật lý mà có thể bước sang nhiều ngành nghề khác ư, nghe có vẻ hơi kỳ lạ. “Vật lý là môn học liên quan đến rất nhiều ngành khác vì vật lý là triết học của tự nhiên nên về nguyên tắc, từ vật lý chúng ta có thể làm được rất nhiều thứ khác nhau, có thể bước sang nhiều ngành nghề khác, giải quyết được rất nhiều bài toán ở những lĩnh vực, ví dụ dân lý rất có kinh nghiệm trong việc xử lý các số liệu nên khi sang ngân hàng, họ có thể tham gia phân tích tài chính”, anh lý giải.

Cộng đồng vật lý quốc tế đã tâm niệm điều này từ lâu. Igor Alvarado, một chuyên gia vật lý chuyên thiết kế, phát triển các hệ điều khiển thông minh và đo lường theo thời gian thực tại công ty đa quốc gia National Instrumenst (Mỹ) cũng cho rằng “không phải mọi nhà vật lý đều sẽ làm việc cho những thí nghiệm vật lý năng lượng cao, các trường đại học hay các phòng thí nghiệm quốc gia; ngành công nghiệp đòi hỏi một thế hệ các nhà vật lý công nghiệp mới trong nhiều lĩnh vực như bán dẫn, năng lượng, khoa học sự sống, quân sự, sản xuất tiên tiến”2.


Một nửa các nhóm nghiên cứu mạnh và tiềm năng liên quan ở trường Đại học Phenikaa liên quan đến ngành vật lý. Nguồn: Phenikaa

Tuy nhiên, câu chuyện của đào tạo, lại là đào tạo tài năng, không bao giờ là dễ dàng. Ở góc độ của một nhà vật lý thực nghiệm từng trải, giáo sư Trần Xuân Hoài (Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) từng chia sẻ trên Tia Sáng năm 2015 “Điều tôi cho là quan trọng nhất trong đào tạo đó là thực học. Nếu không thực học thì sẽ khó có thực nghề”3.

Chương trình vật lý tài năng ở Phenikaa ắt hẳn có tính đến bài toán này? PGS. TS Phùng Văn Đồng không ngần ngại đề cập đến khung đào tạo của trường “Lõi chương trình sẽ là những môn liên quan đến vật lý như cơ lý thuyết, điện động lực, cơ học lượng tử, vật lý thống kê…, sau đó là những môn bổ trợ như khoa học máy tính, toán, tiếng Anh… và những môn bắt buộc theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Trong ba năm đầu thì các bạn sẽ phải kết thúc chương trình, đến năm cuối cùng cho các bạn tham gia vào nghiên cứu với kết quả mong đợi là các bạn sẽ có công trình cùng các thầy hướng dẫn”.

Để đạt được mục tiêu đề ra, các nhà nghiên cứu vật lý Phenikaa đã xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở tham khảo nhiều chương trình tương tự đã có tại ĐHQGHN, ĐH Sư phạm HN – vốn được thiết kế theo hệ thống đào tạo có chất lượng rất cao của Liên Xô trước đây, và tham khảo một số chương trình quốc tế khác ở trường Đại học Công nghệ Massachusetts MIT (Mỹ) và trường Đại học Thanh Hoa Đài Loan – nơi theo nhận xét của PGS. TS Phùng Văn Đồng “về bản chất thì chương trình vật lý của hai trường này cũng không khác Phenikaa, nếu khác thì chỉ khác đôi chút ở cơ cấu học phần chứ nội dung kiến thức không đổi”.

Do đó, giáo sư Phạm Thành Huy, người đảm trách môn vật lý quang của chương trình vật ký tài năng, có thể tự tin cho rằng “học chương trình này ở Phenikaa cũng tương đương như học ở quốc tế”.

 

Làm gì để đảm bảo chất lượng?

 

Bao giờ cũng vậy, giữa mong muốn của những người trong cuộc và thực tế cuộc sống vẫn tồn tại một số điểm khác biệt. Đó là lý do dường như đâu đó vẫn còn nghi ngại về kết quả đầu ra trong nhiều năm tới của chương trình vật lý tài năng, cho dù trường hội tụ được một đội ngũ các thầy có kinh nghiệm đào tạo, có năng lực nghiên cứu trong chính những học phần của chương trình này. “Thực ra đào tạo tài năng bao giờ cũng là thách thức, bởi vì đào tạo tài năng không dễ, và chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào học trò. Theo kinh nghiệm của tôi, muốn tìm được trò giỏi thì phải có niềm tin. Bước đầu thì nhiều người làm trong ngành cũng đã hiểu các thầy và có được niềm tin nào đó là các em khi quyết tâm đi theo chương trình, đi theo các thầy thì sẽ có kết quả”, giáo sư Phạm Thành Huy cho biết.

Trò giỏi là một trong vài điểm mấu chốt của chương trình đào tạo tài năng này. PGS. TS Phùng Văn Đồng không khỏi trầm ngâm khi đề cập đến nguồn đầu vào “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng đề án rồi, lo nhất vẫn là đầu vào, mặc dù chính đây là nguyên nhân khiến chương trình được thành lập”.

Đầu vào mà chương trình vật lý tài năng của Phenikaa hướng đến là các bạn đoạt các giải nhất, nhì, ba những cuộc thi học sinh giỏi toán, lý cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế cũng như những bạn thể hiện được năng lực học trong quá trình học ở phổ thông. Việc lựa chọn sẽ theo hai vòng, một là nộp hồ sơ xét tuyển, hai là phỏng vấn trực tiếp. Tuy nhiên, niềm mong chờ có học trò tốt đã khiến các thầy ở Phenikaa cũng không hề ngồi một chỗ chờ hồ sơ gửi đến mà đã tự tổ chức một số chuyến về các trường chuyên, lớp chọn ở một số tỉnh thành. “Dù năm nay có đại dịch Covid nhưng chúng tôi đã về Vinh, vào lớp chuyên toán, chuyên lý trao đổi, hướng nghiệp các bạn cũng như cung cấp đầy đủ thông tin để các bạn xác định đi theo khoa học…”, giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Hiệu phó Phenikaa và là người đảm trách học phần khoa học vật liệu của chương trình, cho biết.

Giữa bối cảnh các bạn học sinh còn băn khoăn lựa chọn giữa một loạt chương trình đào tạo tài năng của nhiều trường đại học thì đâu là điểm hút để Phenikaa chiêu mộ người thật sự giỏi? Theo PGS. TS Phùng Văn Đồng “Chúng tôi cho rằng điểm khác biệt của mình là ở chính sách đào tạo và ưu đãi. Các bạn được hưởng nhiều ưu đãi như hỗ trợ học phí, học bổng, được ‘xếp một chỗ’ ngồi trong các nhóm nghiên cứu, chính thức là trợ lý nghiên cứu trong đó”. Nếu việc đưa các em vào nhóm nghiên cứu là việc tạo điều kiện để các em hiểu về công việc nghiên cứu khoa học, thấy ở đó một môi trường làm việc thực sự năng động, thú vị và hấp dẫn thì chính sách học bổng của chương trình điều đặc biệt ở chỗ: qua vòng phỏng vấn trực tiếp, 14 bạn xuất sắc nhất sẽ có cơ hội nhận học bổng của chính 14 thầy. Việc đi đến quyết định này là do “các thầy cũng đã trải qua một quá trình đào tạo tốt ở trong nước và quốc tế, có được một cuộc sống ổn định để không phải quá lo lắng về cơm áo gạo tiền nữa. Đã đến lúc các thầy thấy mình cần phải chia sẻ với xã hội thông qua hành động thiết thực là tự nguyện góp kinh phí, trao học bổng cho các em”, giáo sư Phạm Thành Huy nói.

Tuy nhiên, tương lai của một khóa đào tạo không chỉ nằm ở dự định của các thầy mà còn phụ thuộc vào chính học trò, trong đó hẳn sẽ có bạn không theo con đường khoa học, nhất là khi với khoa học cơ bản lại cần học rất nhiều trước khi làm việc được và có được thu nhập. PGS.TS Phùng Văn Đồng chia sẻ “Chúng tôi cũng xác định là kết thúc chương trình, sẽ có hai dòng phát triển là nghiên cứu sâu về vật lý, hoặc có thể đi làm nhưng chắc chắn một điều là sau bốn năm, các bạn sẽ được trang bị kiến thức rất tốt. Trong đề án, chúng tôi cũng viết rõ là nếu các bạn xuất sắc và phù hợp, trường sẽ gửi các bạn ra nước ngoài hoặc làm nghiên cứu sinh tại trường. Thực tế là nếu làm nghiên cứu sinh tại trường thì các bạn vẫn có học bổng, có thể không cao nhưng cũng đủ để yên tâm theo học, không cần đến trợ cấp của bố mẹ”.  Giáo sư Phạm Thành Huy bổ sung “Bốn năm là quá trình dài để các em có thể hấp thụ kiến thức mà các thầy truyền thụ. Việc đi học ở đâu tiếp theo nó là quả thôi chứ còn nhân nó nằm ở phía trước rồi”.

 

Một học sinh cũng dạy

 

Thông thường, câu chuyện đào tạo ở một trường tư khiến người ta dễ dàng liên hệ với bài toán hiệu quả doanh thu nhưng chương trình đào tạo vật lý tài năng ở Phenikaa lại là câu chuyện khác. “Các thầy thực sự muốn có được người giỏi để có thể đào tạo tài năng, các thầy sẽ chịu trách nhiệm đào tạo các em thành tài, khi đó mới hi vọng các em sẽ tiếp nối sự nghiệp của các thầy”, chia sẻ của giáo sư Phạm Thành Huy khiến người ta nghĩ ngay đến sự không khoan nhượng trước số lượng để đảm bảo chất lượng. “Đây là chương trình thực sự tâm huyết nên không có bài toán tài chính ở đây. Để dạy chương trình này, các thầy sẵn sàng không tính giờ dạy, không nhận các khoản thù lao thông thường”, anh nói rất thật về suy nghĩ của các thầy Phenikaa khi viết cam kết tham gia chương trình và cấp học bổng cho sinh viên.

Các giảng viên tham gia chương trình còn bộc lộ những suy nghĩ quyết liệt hơn. “Nếu trường chỉ tuyển được một học sinh thì chúng tôi vẫn cứ dạy, bởi nếu trường đào tạo được một người có tài năng thực sự như giáo sư Đàm Thanh Sơn, sau này có thể có nhiều đóng góp cho khoa học hoặc cho đất nước, thì cũng đáng để đào tạo chứ”, giáo sư Nguyễn Văn Hiếu nói.

Là một người rất thực tế, giáo sư Phạm Thành Huy cho rằng, ngay cả với một chương trình đào tạo tốt như vật lý tài năng thì cũng không tránh khỏi khó khăn ở thời điểm bắt đầu, dù rằng có một số tín hiệu tốt ban đầu từ một số học sinh, trong đó có một số em đoạt giải học sinh giỏi, liên hệ với trường. “Nhìn chung việc đón nhận thông tin không quá nhiều, các bạn nhiệt tình nhưng số lượng quan tâm chưa nhiều”, PGS. TS Phùng Văn Đồng nói. Tuy nhiên, anh cho rằng “các thầy đã sẵn sàng cho các kịch bản, không vì quá ít người theo học mà quên đi chất lượng”.

Khi thông tin về một khóa học vật lý tài năng bắt đầu được thông báo, nếu sự đón nhận trong giới học sinh vẫn còn dè dặt thì những người tâm huyết với ngành vật lý Việt Nam đã cảm thấy phấn khích. “Các thầy như giáo sư Trần Hữu Phát, giáo sư Đào Tiến Khoa (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), giáo sư Đàm Trung Đồn (trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN)… đều ủng hộ. Giáo sư Đào Tiến Khoa thì sẵn sàng tham gia giảng dạy còn giáo sư Đàm Trung Đồn có nhận xét về cách thức tuyển sinh ‘theo kinh nghiệm của mình ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên là đầu vào phải tốt, và muốn như vậy thì cần phải phỏng vấn’. Đó cũng là những yếu tố khiến chúng tôi cảm thấy hạnh phúc”, PGS.TS Phùng Văn Đồng cho biết.

Một quyết tâm đảm bảo chất lượng đào tạo và sự ủng hộ của giới vật lý sẽ báo hiệu cho thành công của chương trình vào bốn năm sau, khi khóa đào tạo đầu tiên khép lại? Dân vật lý lý thuyết thường được coi là mơ mộng nhưng trong trường hợp còn nhiều yếu tố bất định này,  PGS.TS Phùng Văn Đồng vô cùng thận trọng “Bốn năm sau đã cho kết quả ư? Tôi cho là đây mới chỉ là một phần thôi, muốn đánh giá được hiệu quả thực sự phải chờ bốn năm sau nữa, bởi mục tiêu của chương trình này là giới thiệu được sinh viên chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh. Như thế, cũng cần phải 4, 5 năm sau thì các bạn xuất sắc mới có thể hoàn tất việc học, nghĩa là cần 8 năm mới có thể có được kết quả tương đối chuẩn xác”.

Tuy vậy, những thuận lợi ban đầu không khỏi khiến người ta đặt hi vọng vào tương lai. “Đây là chương trình đầu tiên của Khoa Khoa học cơ bản trường ĐH Phenikaa. Tiếp theo vật lý tài năng, chúng tôi có thể nghĩ đến những ngành khác như là toán học… Tất cả đều có thể khi trường lại hội tụ được những điều kiện cần và đủ là cơ sở vật chất và con người trong những ngành đó”, giáo sư Phạm Thành Huy nói.□

———–

1. http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Dai-hoc-Thanh-Tay-Lo-trinh-tu%C2%A0so-khong%C2%A0tro-thanh-to-chuc-nghien-cuu-uy-tin-12663

2. https://www.nap.edu/read/10118/chapter/10

3. http://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/thuc-nghe-va-dam-me-8994

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)