Tự chủ như thế nào?

Hàn Quốc đã rất mạnh dạn thử nghiệm mô hình tổ chức tự chủ cho viện KIST ngay từ khi thành lập, dù khi ấy mô hình này còn rất xa lạ. Dưới đây là một số đánh giá từ một nghiên cứu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) về mô hình của viện KIST.

Ngay từ ban đầu, viện KIST đã được xác định là sẽ được trao quyền tự chủ tối đa. Tổng thống Park Chung Hee đã ban hành một sắc lệnh đặc biệt, Luật Hỗ trợ KIST, trong đó đảm bảo cấp tiền và đất đai cho viện KIST, và không cho phép bất kỳ cơ quan chức năng nào được phép kiểm toán tài khoản hay can thiệp vào kế hoạch hoặc hoạt động của viện KIST. 
Chính phủ Hàn Quốc đã chấp nhận làm một điều chưa từng có tiền lệ, đó là lập ra một quỹ hiến tặng và vốn hóa quỹ này. Chính phủ cũng được yêu cầu cấp rất nhiều tiền và đất đai có giá trị, đặt những tài sản này dưới quyền quản trị của một Hội đồng được ủy thác và đa số các thành viên hội đồng này không phải là những người thuộc cơ quan chính phủ. Hội đồng này bổ nhiệm chủ tịch của KIST.

Tổng chi phí đầu tư ban đầu cho viện KIST là 24,1 triệu USD, bao gồm chi cho xây dựng, mua trang thiết bị, tuyển dụng, đào tạo, và tiền từ quỹ hiến tặng. Trong số này, Mỹ cung cấp 9,2 triệu USD, bao gồm 7,2 triệu USD là tiền tài trợ, 2 triệu USD là cho vay ưu đãi. Phía Hàn Quốc cung cấp 12,2 triệu USD vốn đối ứng, và 2,7 triệu USD dưới hình thức đất đai và chính sách ưu đãi. Tiền đầu tư từ phía Mỹ được giải ngân trong 5 năm tài khóa, từ 1966 tới 1970. Tiền từ phía Hàn Quốc được giải ngân dài hơn, tới tận năm tài khóa 1973.

Nhờ có cơ chế tự chủ và nguồn đầu tư đáng kể ban đầu nên viện KIST có thể cấp được mức lương rất cao so với mặt bằng lương công chức, tạo được môi trường làm việc thuận lợi, bao gồm cả nhà ở, phương tiện đi lại, qua đó đã thu hút được các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu, trong đó có những người trước đó làm việc ở nước ngoài. Ngay từ đầu viện KIST đã mời được gần 30 nhà khoa học có năng lực chuyên môn cao từng có tối thiểu 5 năm làm việc ở trình độ tiến sĩ ở nước ngoài.

Các nhà tư vấn của Viện Battelle Memorial của Mỹ từng dự đoán rằng viện KIST sẽ cần hỗ trợ tài chính trong giai đoạn khoảng 5 tới 10 năm, dựa trên kinh nghiệm của chính họ: Phòng thí nghiệm Battelle tại Columbus, Ohio, đã mất tới 9 năm mới hòa vốn. Trong thực tế, sau năm tài khóa 1970 khi tài trợ của Mỹ kết thúc thì về cơ bản viện KIST đã tự  tồn tại được. Về phía Chính phủ Hàn Quốc, ngoài khoản đầu tư ban đầu họ cũng chưa bao giờ phải dùng chi tiêu ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho viện KIST, ngoại trừ hằng năm họ vẫn để dành một khoản để trả cho những nghiên cứu đặt hàng với viện KIST.

Nguồn thu nào để KIST tự tồn tại sau 4 năm?

Viện KIST tồn tại được chỉ sau 4 năm là nhờ cách triển khai xây dựng và phát triển rất hợp lý. Đầu tiên, họ tiến hành một cuộc khảo sát rất chi tiết về các lĩnh vực công nghiệp của Hàn Quốc để đảm bảo rằng họ hiểu rõ các vấn đề mà các ngành công nghiệp đang gặp phải, cũng như những tiến trình cần thiết để thúc đẩy những ngành này phát triển hơn nữa. Trước khi viện KIST tiến hành nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên, một nhóm 80 người gồm các nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia cơ khí, bao gồm người Hàn Quốc và nước ngoài, đã tiến hành điều tra, phân tích kỹ lưỡng trên 600 nhà máy công nghiệp. Ngày nay, viện KIST vẫn không ngừng liên tục cập nhật thông tin về tình hình phát triển công nghệ và các ngành công nghiệp, cũng như các cơ hội xuất khẩu trên thị trường quốc tế.

Nguồn thu quan trọng nhất ở viện KIST là từ hoạt động nghiên cứu với nhiều loại dự án, thường được tiến hành trên cơ sở hợp đồng tài trợ bởi các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, hoặc các tổ chức quốc tế. Những khách hàng tiềm năng thường trình bày vấn đề cần nghiên cứu với Phòng Phát triển của viện KIST, là nơi thu xếp các cuộc gặp giữa khách hàng với các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan ở viện KIST. Sau đó các chuyên gia này sẽ nghiên cứu về công nghệ, luận chứng kinh tế của dự án nghiên cứu được nêu ra. Nếu viện KIST thấy rằng dự án nghiên cứu đó là khả thi, một kế hoạch triển khai thực hiện sẽ được lập ra và gửi cho khách hàng duyệt. Hợp đồng sẽ được ký nếu khách hàng đồng ý. Trong quá trình nghiên cứu, giữa khách hàng và viện KIST sẽ thường xuyên có sự liên lạc, và viện KIST cung cấp mọi dữ liệu và thông tin thu được qua nghiên cứu cho khách hàng. Viện KIST cũng thu xếp mọi thủ tục về sở hữu trí tuệ, bao gồm cả patent cho khách hàng. Phần lớn thu nhập của viện KIST đến từ những hợp đồng nghiên cứu kiểu này.

Ngoài ra, Viện KIST cũng chú trọng cung cấp các dịch vụ công nghệ đa dạng từ các trung tâm chuyên biệt. Ví dụ như bộ phận khoa học máy tính là nơi có những thiết bị máy tính hiện đại để giúp tư vấn và đào tạo về lĩnh vực công nghệ máy tính cho các cơ quan chính phủ, công nghiệp, các trường đại học, và các tổ chức nghiên cứu khác. Trung tâm chuyển giao công nghệ là nơi hỗ trợ cho các ngành công nghiệp địa phương, với những kế hoạch nhập khẩu công nghệ tiên tiến của nước ngoài, trong đó có sự phân tích về tính phù hợp của công nghệ.

Nguồn thu thứ ba là từ Tập đoàn Phát triển Công nghệ Hàn Quốc (K-TAC), có lẽ là bộ phận độc đáo nhất của KIST mà hiếm viện nghiên cứu đương thời nào có được. Đây là một tổ chức trong KIST hoàn toàn sở hữu bởi các doanh nghiệp, cũng là một đầu mối cung cấp khá nhiều thu nhập cho viện. K-TAC có nhiệm vụ tìm hiểu các nghiên cứu phát triển của KIST để thẩm định về công nghệ và hiệu quả kinh tế khi triển khai thương mại hóa. K-TAC có thể khai thác các nghiên cứu phát triển của viện KIST theo một trong 2 cách: họ có thể đầu tư trực tiếp vào sản phẩm và triển khai một dự án sản xuất thí điểm, hoặc họ có thể đàm phán chuyển giao quyền sở hữu sản phẩm công nghệ. Nhờ đó, K-TAC đã giúp thương mại hóa rất nhiều sản phẩm và quy trình công nghệ cho viện KIST. 

So sánh với các viện nghiên cứu cùng thời ở những nước đang phát triển

Một nghiên cứu của James P.Blackledge thực hiện cho USAID đã khảo sát khoảng 60 viện nghiên cứu tại 30 nước đang phát triển từ những năm 70, giai đoạn gần với thời điểm viện KIST của Hàn Quốc ra đời. Blackledge đánh giá rằng đa số các viện trên đều hoạt động kém hiệu quả, lệ thuộc vào một bộ ngành nào đó, thường bị coi là ‘tháp ngà’ do chỉ nghiên cứu theo sở thích thuần túy của một số nhà khoa học, hoặc mô phỏng lại các nghiên cứu đã được thực hiện ở nơi khác, hầu như không gắn kết với các doanh nghiệp và ngành công nghiệp. Nghiên cứu đã có sự đối chiếu giữa mô hình viện KIST và một số viện khác của Châu Á, có thể tóm tắt như sau:

Viện SISIR của Singapore (Singapore Institute of Standards and Industrial Research):

Được thành lập từ năm 1969 với mục tiêu ban đầu nhằm tiến hành những nghiên cứu dẫn tới sự phát triển của các ngành công nghiệp mới ở Singapore. Tuy nhiên, viện đã hoạt động rất khó khăn trong những năm đầu tiên. Phải tới khi viện học tập theo mô hình của viện KIST, tiến hành liên hệ và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp tư nhân, nghiên cứu về những yêu cầu cho đổi mới công nghệ và khảo sát thị trường trong nước cũng như quốc tế, SISIR mới thực sự trở thành một nguồn lực hiệu quả trong công cuộc hiện đại hóa Singapore.

Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Malaysia (NISIR)

Mục tiêu ban đầu của viện là trở thành một viện nghiên cứu và phát triển đa mục tiêu, nhưng mục tiêu này không thành công do sự chi phối lợi ích của một số viện chuyên ngành ở Malaysia. Hậu quả gây ra là sự lãng phí vì những nghiên cứu chồng chéo và tệ hành chính quan liêu. NISIR có quan hệ kết nối tốt với các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp, nhưng doanh thu của viện chỉ được khoảng 5-10% chi phí thực hiện các hợp đồng. Như vậy viện phải lệ thuộc nhiều vào tài trợ của chính phủ, và các kế hoạch hoạt động của viện thường xuyên bị các quan chức chính phủ chi phối.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghiệp Kim loại (MIRDC), Philippines

Được thành lập từ năm 1966, MIRDC có mức độ tự chủ khá cao, dù có tới 4 quan chức chính phủ trong tổng số 7 thành viên hội đồng quản trị. MIRDC có một chương trình chủ động phát triển các hợp đồng với các ngành công nghiệp và thường xuyên đi khảo sát tại các nhà máy. Tiền thu về từ các hợp đồng được chuyển vào một quỹ do MIRDC quản lý và có thể được dùng để thưởng cho các chuyên gia, cán bộ. MIRDC học tập khá sát theo mô hình của viện KIST trên nhiều khía cạnh, nhưng không thực hiện nhiều lĩnh vực nghiên cứu như KIST.

Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Pakistan (PCSIR)

Được thành lập từ năm 1953, PCSIR là tổ chức công nghệ lớn nhất ở Pakistan. Mặc dù tự coi mình là tự chủ nhưng tổ chức này vẫn bị chính phủ kiểm soát tài chính. PCSIR bắt đầu tích cực làm dịch vụ cho các ngành công nghiệp từ năm 1965, nhưng doanh thu không đáng kể so với chi phí hoạt động. Trở ngại lớn nhất của PCSIR là mức lương quá thấp so với khu vực tư nhân, khiến tổ chức này không thể giữ chân được người tài.

Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Công nghiệp (CSIR), Ấn Độ

Được thành lập năm 1942 với mục tiêu nhằm thúc đẩy khoa học và ứng dụng vào phát triển quốc gia, SCIR là một tổ chức gắn với Vụ Khoa học và Công nghệ của Bộ Kế hoạch, có nhiệm vụ đưa khoa học và công nghệ vào các kế hoạch phát triển kinh tế đất nước. Toàn bộ ngân sách của SCIR được cáp bởi chính phủ và mọi khoản tiền thu được của tổ chức này được nộp vào ngân sách. Hoạt động của tổ chức bị tệ quan liêu hành chính chi phối, hoàn toàn không có tính tự chủ, dù nền khoa học và công nghệ của Ấn Độ vốn vẫn được thế giới coi trọng.

Tập đoàn Nghiên cứu Khoa học Ứng dụng Thái Lan (ASRCT)

Được thành lập từ năm 1963 và đi vào hoạt động từ năm 1964, ASRCT là trung tâm chính thực hiện các nghiên cứu phục vụ Chính phủ. Tuy được coi là một đơn vị tự chủ ứng dụng công nghệ của Nhà nước, hội đồng quản trị của tổ chức này được bổ nhiệm bởi Chính phủ. Các nhà khoa học thiếu động lực nghiên cứu vì thù lao thấp, chỉ cao gấp rưỡi lương công chức thông thường, và thiếu chế độ thưởng. Mọi doanh thu đều nộp hết vào quỹ do giám đốc tổ chức (kiêm chủ tịch hội đồng quản trị) quản lý mà không được phân vào ngân quỹ cho từng dự án. Hậu quả là hoạt động nghiên cứu kém hiệu quả, thu không đủ bù chi.

Từ những ví dụ trên đây cho thấy rằng tự chủ là điều kiện đầu tiên để các viện nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ hoạt động hiệu quả. Sự kiểm soát quá mức về thu nhập và thù lao của chính phủ đối với các viện này đều gây kìm hãm động lực sáng tạo của cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, một viện nghiên cứu ứng dụng chỉ có thể tự chủ thành công nhờ có sự gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, thường xuyên chủ động tiến hành những khảo sát về tình hình phát triển của công nghệ, các ngành công nghiệp, các thị trường trong và ngoài nước. 

Thanh Xuân lược dịch và tổng hợp từ USAID

Nguồn: http://pdf.usaid.gov/pdf_docs/PNAAP798.pdf

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)