Ứng phó với nguy cơ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm
Cũng như những vụ nhiễm độc thực phẩm khác, câu chuyện melamine rồi cũng đã qua đi, thế nhưng những dư âm của nó vẫn hãy còn đó. Khi bình tâm trở lại thì một câu hỏi day dứt lại được đặt ra là: Trách nhiệm chính thuộc về ai? Liệu có thể có phương thức nào - nếu được áp dụng kịp thời - đã có thể tháo ngòi nổ trước khi “quả bom” melamine được kích hoạt? Cách thức ứng xử nào là thích hợp để tháo kíp nổ cho những quả bom tương tự trong tương lai?
Có thể khẳng định trách nhiệm đối với vấn đề này trước hết và trên hết thuộc về Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm (ATVSTP) – Bộ Y tế, bởi bất cứ thứ gì liên quan đến sự ăn, uống của con người muốn vượt qua biên giới vào Việt Nam một cách chính thức đều phải đi qua “người gác cổng” đầu tiên là Cục ATVSTP. Chỉ khi Cục ATVSTP cấp giấy chứng nhận, sản phẩm đó mới được phép nhập khẩu. Thế nhưng với cách làm như hiện nay thì người tiêu dùng vẫn còn phải lo lắng, hồi hộp mong chờ vào sự rủi may. Có thể nói không ngoa rằng “sữa nhiễm độc chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ về ATVSTP thiếu kiểm soát” ở nước ta.
Nhớ lại, khi vụ bê bối sữa nhiễm độc melamine nổ ra ở Trung Quốc, những người có trách nhiệm ở Cục ATVSTP vẫn trả lời thản nhiên trên các mặt báo rằng “sữa melamine chưa phải là vấn đề của Việt Nam”; “chưa có sản phẩm sữa Trung Quốc nào được chính thức nhập khẩu vào Việt Nam”…Trong khi đó, thật hài hước là YiLi, một trong 22 nhà sản xuất có sản phẩm nhiễm melamine, đã được chính Cục ATVSTP cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng từ tháng 3 -2008! Mà YiLi tại Việt Nam cũng có melamine (ấy là chưa kể có tới 11 loại sữa xuất xứ từ Trung Quốc khác cũng đã công bố tiêu chuẩn chất lượng, nhưng Bộ Y tế …không nhớ và mãi mới…tìm thấy hồ sơ!!! Rõ ràng, công chúng có quyền và có lý do đặt câu hỏi về khả năng quản lí cũng như tính quan liêu của Cục ATVSTP.
Thêm vào đó, với chức năng và trách nhiệm của mình lẽ ra Cục ATVSTP phải là nơi sản sinh ra thông tin, cung cấp các thông tin cần thiết và nhanh chóng để phòng ngừa, chứ sao lại để cho báo chí đóng vai trò đó? Chính việc thiếu và chậm (để chờ nghe ngóng dư luận?) có những thông tin, khuyến cáo chính thức đó đã tạo nên tính phân cực quá đa chiều và thiếu minh bạch về thông tin trong người dân vừa qua. Khi thử truy cập vào trang web Cục ATVSTP (http://vfa.gov.vn/) thì thấy ngay ở trang chủ có một bài báo được đăng lại (từ Vietnamnet): “Sữa nhiễm melamine: PHẢI HUỶ. Bộ Y tế đừng do dự!” !!! Dường như cơ quan chức năng không còn tự tin vào chính mình mà phải dùng báo chí để chuẩn bị dư luận (và trấn an chính mình?)
“Lẽ ra, nếu cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời, thì đã có thể tháo ngòi nổ trước khi quả bom melamine được kích hoạt; bởi vì bên cạnh chức năng đối phó, giải quyết nguy cơ , các cơ quan hữu quan còn phải có chức năng dự báo, cảnh báo, đón đầu, phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn. Nghĩa là, các cơ quan chức năng cần xây dựng một hệ thống hữu hiệu với chiến lược cũng như phương án cụ thể để “ ứng phó với nguy cơ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm”. Bởi vì, như đã biết, “sữa nhiễm độc” thật ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ về ATVSTP thiếu kiểm soát ở nước ta hiện nay.
Nhân loại ngày nay đang sống trong một “xã hội rủi ro”. Xã hội này tạo nên một cách hành xử được gọi là “văn hoá sợ hãi”, và người tiêu dùng đã trở thành những “kẻ nô lệ” của sự sợ hãi trước những thông tin về thực phẩm nhiễm độc nói riêng và hàng tiêu dùng nhiễm độc nói chung. Nếu không có một hệ thống hữu hiệu có khả năng ứng phó nhanh nhạy, chính xác, minh bạch ngay từ đầu thì nguy cơ dẫn đến “hội chứng sợ hãi tập thể” và kéo theo là sự “khủng hoảng” như sự cố melamine vừa qua là khó tránh khỏi Theo GS. TS. Nguyễn Văn Tuấn (Viện Garvan , Úc)- Một cây bút quen thuộc các mặt báo ở Việt Nam- nếu có nhiều lý do để tập trung tìm kiếm melamine trong sữa,…thì cũng có nhiều lý do khác để mở rộng truy tìm các hoá chất độc hại khác trong thực phẩm trẻ em và người lớn. Nếu làm theo phong trào hay áp lực thì có thể làm hài lòng một số người, nhưng thực tế sẽ khó đem đến hiệu quả cao cho xã hội. Xã hội cần một hệ thống kiểm tra an toàn và vệ sinh thực phẩm mang tính khoa học cao và minh bạch (đặc biệt là minh bạch về thông tin), kịp thời hơn để bảo vệ sức khoẻ cho người dân về lâu về dài hơn là tập trung tài lực vào việc truy tìm sự có mặt của một hoá chất nào đó trong thực phẩm.”
Thêm vào đó, bên cạnh hoạt động của các cơ quan chức năng, vấn đề “xã hội hóa” (theo đúng nghĩa của nó chứ không phải đùn đẩy gánh nặng về trách nhiệm và tài chính về phía người dân) việc giám sát sự an toàn thực phẩm là cần thiết, vì ở nước ta đa số các vụ phát hiện thực phẩm nhiễm độc đều xuất phát từ người tiêu dùng hay báo chí chứ không phải từ cơ quan chức năng. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các tổ chức bất vụ lợi, như hội bảo vệ người tiêu dùng, thường xuyên tiến hành những cuộc điều tra chất lượng và an toàn của hàng hóa trên thị trường, thường xuyên khảo sát so sánh giá cả, và trên cơ sở đó đưa ra những khuyến cáo và chỉ dẫn có ích cho người tiêu dùng. Một số hội còn có hẳn những phòng thí nghiệm độc lập (hay liên kết với các phòng thí nghiệm uy tín ở các trường đại học, viện nghiên cứu) để thu thập mẫu hàng hóa tiến hành kiểm định chất lượng của các sản phẩm nghi vấn. Qua những hoạt động như thế, các hội bất vụ lợi này đóng vai trò rất tích cực trong việc kiểm tra góp phần hiệu quả, thiết thực vào vấn đề bảo vệ sức khỏe cho người dân.