Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia những chương trình nghiên cứu mới của Dubna
Tại phiên họp Hội đồng các toàn quyền chính phủ của những quốc gia thành viên Viện Liên hợp hạt nhân Dubna (JINR) diễn ra trong hai ngày 25 và 26/11/2019 tại Hà Nội, đại diện các quốc gia đã thống nhất tiếp tục hợp tác để triển khai những chương trình nghiên cứu mới.
Bộ trưởng Bộ KHCN và Giáo dục ĐH Nga Mikhail Kotyukov và Giám đốc JINR Victor Matveev (thứ 4 và 5 từ trái sang) chủ trì phiên họp. Nguồn: JINR.
Một kế hoạch mang tính chiến lược cho những phát triển của JINR trong dài hạn đi kèm với các chương trình nghiên cứu đột phá và siêu dự án do giám đốc JINR Victor Matveev trình bày tại phiên họp hứa hẹn đem lại những thành tựu mới trong khoa học. Một trong số đó là dự án NICA (Nuclotron-based Ion Collider fAсility), một hệ phức hợp máy gia tốc với những chùm tia ion nặng để nghiên cứu về bản chất tự nhiên và các đặc tính của những tương tác mạnh giữa các nguyên tố thành phần của Mô hình Chuẩn trong vật lý hạt – hạt quark và gluon; tìm kiếm các tín hiệu của pha chuyển tiếp giữa vật chất hadron và Quark-Gluon Plasma; tìm kiếm những pha mới của vật chất baryon; nghiên cứu về những đặc tính cơ bản của trạng thái chân không tương tác mạnh và các đối xứng của Sắc động lực học lượng tử (QCD symmetry).
Tham gia chủ trì phiên họp, Bộ trưởng Bộ KHCN và Giáo dục đại học Nga Mikhail Kotyukov cho biết, NICA là dự án trọng điểm cho sự phát triển của KH&CN Nga. Do đó, trong quá trình chuẩn bị cho máy gia tốc chính thức đi vào hoạt động năm 2020, Nga đã thiết lập hai hợp tác quốc tế quan trọng. “Dự án NICA nằm trong mối quan tâm giữa Nga và Trung tâm hạt nhân châu Âu (CERN). Trước khi phiên họp này diễn ra, một thỏa thuận giữa hai bên đã được kí kết”, ông nói. Thông qua các dự án như NICA, JINR sẽ có thể tăng cường sự kết nối về khoa học cơ bản với những viện nghiên cứu lớn của thế giới cũng như liên kết chặt chẽ hơn với các trung tâm nghiên cứu tại các quốc gia thành viên của JINR.
Bên cạnh NICA, một số dự án đáng chú ý mà JINR sẽ tiếp tục thúc đẩy trong những năm tới là việc đi tìm các nguyên tố siêu nặng với những thực nghiệm về tổng hợp đồng vị Muscovite, một phần trong chương trình dài hạn của tổng hợp các nguyên tố 119 và 120, nghiên cứu các đặc tính hóa học, vật lý hạt nhân của các nguyên tố mới; kính viễn vọng hạt neutrino có quy mô một km2 đặt tại hồ Baikal… Tham gia hỗ trợ công việc nghiên cứu đó là một siêu máy tính mang tên Nikolai Nikolayevich Govorun với những phần cứng và phần mềm tiên tiến do Trung tâm máy tính và công nghệ thông tin đa chức năng JINR phát triển.
Những triển vọng khoa học trong những chương trình ưu tiên mà JINR sẽ tiến hành trong những năm tới cần những khoản đầu tư lớn vào những trang thiết bị hiện đại, đạt được những tiêu chuẩn cao nhất. Do đó, nó cũng đòi hỏi những chính sách ưu tiên đầu tư về con người và tài chính. Với các dự án trọng điểm này, đặc biệt là NICA, Chính phủ Nga sẽ đầu tư phần lớn kinh phí nhưng các quốc gia thành viên tham gia JINR cũng sẽ cần đóng góp kinh phí như những năm trước đây. “Các mức mà mỗi quốc gia sẽ không giống nhau mà tùy theo mức thu nhập GDP của từng quốc gia”, GS. TS Lê Hồng Khiêm (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Dubna, cho biết bên lề phiên họp.
Trước những chương trình nghiên cứu mới của JINR, các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đều cam kết sẽ tham gia và đáp ứng những yêu cầu mới. “Những đóng góp về mặt kinh phí của Việt Nam vào JINR đã tăng lên một cách nhanh chóng theo thời gian. Nếu năm 2010, mức đóng góp là 146.700 USD thì sang năm 2023, con số này sẽ là 2.357.400 USD”, PGS.TS. Trần Tuấn Anh, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cam kết tại phiên họp. Theo đánh giá của ông, khi tham gia vào các hoạt động nghiên cứu tại JINR, Việt Nam không chỉ có cơ hội tăng cường năng lực nghiên cứu về vật lý lý thuyết, cấu trúc và phản ứng hạt nhân bằng các nguồn neutron và chùm tia ion phóng xạ mà còn có thể nghiên cứu về các tính chất của vật liệu bằng kỹ thuật hạt nhân, vật liệu nano, tự động hóa, công nghệ thông tin, khoa học môi trường…