V-KIST: Bắt đầu từ CNTT và CNSH

Dự kiến sẽ có hai nhóm ngành công nghệ được ưu tiên trong giai đoạn đầu của Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc V-KIST (bắt đầu từ 2017) là nhóm công nghệ thông tin truyền thông (phần mềm, phần cứng, truyền thông) và nhóm công nghệ sinh học. Trong giai đoạn hai (bắt đầu từ 2022), V-KIST sẽ triển khai thêm các ngành nghiên cứu vật liệu mới, công nghệ năng lượng, công nghệ môi trường, công nghệ sinh học cho dược liệu, sau đó sẽ tiếp tục mở rộng sang các ngành công nghệ nano và y sinh.

Được sự đề xuất và ủng hộ từ chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc, từ cuối năm 2012 kế hoạch xây dựng Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST) đã từng bước được Bộ KH&CN Việt Nam và Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST) trao đổi, xây dựng, đến nay đã hoàn chỉnh một dự thảo kế hoạch tổng thể. Theo đó, mục tiêu của V-KIST là phát triển các công nghệ ứng dụng phục vụ các ngành công nghiệp, thúc đẩy các hoạt động R&D nhằm tiến tới làm chủ những công nghệ quan trọng là nền tảng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Nếu được các cấp thẩm quyền cho phép, V-KIST sẽ là viện nghiên cứu đầu tiên được áp dụng mô hình quản lý giống như của viện KIST, có tính tự chủ cao và vận hành một cách bền vững (về lâu dài có thể không còn phụ thuộc vào kinh phí từ Ngân sách Nhà nước). Đồng thời, V-KIST sẽ là cơ sở để Việt Nam và Hàn Quốc cùng tiến hành nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu trong những lĩnh vực, dự án công nghệ hứa hẹn mang lại lợi ích cho Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, các công ty và tổ chức quốc tế cũng sẽ được mời đặt cơ sở nghiên cứu trong khu vực của V-KIST để hình thành một mạng lưới cùng triển khai các dự án hợp tác R&D.

Dự thảo kế hoạch tổng thể V-KIST vừa qua được các đại biểu của Bộ KH&CN Việt Nam và viện KIST của Hàn Quốc thảo luận chi tiết tại Hội thảo lần thứ 3 Dự án thành lập V-KIST, diễn ra vào ngày 20/3/2014 tại Hà Nội, với sự tham dự của Thứ trưởng Trần Việt Thanh của Bộ KH&CN Việt Nam và ông Kil Choo Moon (nguyên chủ tịch viện KIST, đồng thời là người được Thủ tướng Hàn Quốc giao chịu trách nhiệm cao nhất về phía Hàn Quốc), cùng các nhà quản lý, chuyên gia của cả hai bên.

Theo các chuyên gia Hàn Quốc, điều kiện quan trọng đảm bảo thành công cho V-KIST là mời gọi được các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài về làm việc. Họ sẽ phải được đảm bảo chế độ đãi ngộ và sự tôn trọng xứng đáng – theo kinh nghiệm của viện KIST trước đây, các nhà khoa học làm việc ở viện được hưởng mức lương cao gấp 3 lần mức lương giáo sư các đại học quốc gia. Đồng thời, một điều kiện không kém phần quan trọng khác là người lãnh đạo đứng đầu V-KIST phải là một nhà khoa học có uy tín và năng lực lãnh đạo. Phía Hàn Quốc mong rằng việc bổ nhiệm người lãnh đạo này được thực hiện ngay trong 2014-2015, đồng thời sẵn sàng cử một nhà khoa học có uy tín của mình cùng làm đồng chủ tịch, nếu được Việt Nam cho phép (trong trường hợp đó V-KIST sẽ có hai người lãnh đạo, một người phụ trách về mảng nghiên cứu, một người phụ trách về quản trị).  

Những việc đã làm được

Từ thời gian khởi động đến nay, các bên đã tiến hành nhiều cuộc trao đổi, nghiên cứu, khảo sát, qua đó đã chính thức lựa chọn được địa điểm xây dựng V-KIST tại Khu CNC Hòa Lạc, cách Hà Nội 30 km, trên một diện tích khoảng 20 hecta, xây dựng các phác thảo thiết kế sơ bộ, từng bước định hình mô hình tổ chức của V-KIST, và phác thảo các chương trình đào tạo, huấn luyện nhân lực dựa trên những kinh nghiệm từ thành công trong tổ chức và quản lý viện KIST của Hàn Quốc.


Kế hoạch phát triển các ngành công nghệ tại V-KIST theo đề xuất từ phía Hàn Quốc


Các bên cũng đã xem xét chọn lựa các lĩnh vực nghiên cứu của V-KIST, phân theo giai đoạn trước mắt và lâu dài, với xu hướng là ưu tiên các ngành công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu từ các ngành công nghiệp. Các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc đưa ra đề xuất về các ngành công nghệ, cho đánh giá về tầm quan trọng và khung thời gian hợp lý phát triển của từng ngành. Những thông tin này được sàng lọc, tổng hợp một cách định lượng theo phương pháp khảo sát Delphi.

Dự kiến sẽ có hai nhóm ngành công nghệ được ưu tiên trong giai đoạn đầu của V-KIST (bắt đầu từ 2017) là nhóm công nghệ thông tin truyền thông (phần mềm, phần cứng, truyền thông) và nhóm công nghệ sinh học. Trong giai đoạn hai (bắt đầu từ 2022), V-KIST sẽ triển khai thêm các ngành nghiên cứu vật liệu mới, công nghệ năng lượng, công nghệ môi trường, công nghệ sinh học cho dược liệu, sau đó sẽ tiếp tục mở rộng sang các ngành công nghệ nano và y sinh.

Kế hoạch triển khai cụ thể


Dự kiến V-KIST sẽ được triển khai với tổng kinh phí khoảng 70 triệu USD. Phía Hàn Quốc đóng góp 35 triệu USD, gồm 20 triệu USD dành cho xây dựng cơ sở vật chất, 9 triệu USD cho mua sắm trang thiết bị, và 6 triệu USD cho các hoạt động tư vấn và đào tạo. Cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm triển khai thực hiện dự án về phía Việt Nam là Bộ KH&CN, phía Hàn Quốc là viện KIST và cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).

Dự án bao gồm bốn nội dung là xây dựng (trụ sở, các phòng thí nghiệm, các cơ sở vật chất phụ trợ), mua sắm trang thiết bị, tư vấn quản trị, và đào tạo bồi dưỡng nhân lực. Nếu được phê duyệt, trong năm 2014 dự án sẽ bắt đầu được thực hiện. Khâu thiết kế có thể sẽ bắt đầu ngay trong năm nay, dự kiến được đấu thầu trong 2 tháng và được triển khai trong 10 tháng, hoàn thành trong năm 2015. Các công trình của giai đoạn 1 sẽ được đấu thầu trong 3 tháng, xây dựng trong vòng 26 tháng, kết thúc vào năm 2017. Việc mua sắm trang thiết bị bắt đầu từ năm 2015, trong đó kế hoạch mua sắm và danh sách các thiết bị phục vụ nghiên cứu sẽ căn cứ theo nhu cầu và nội dung các lĩnh vực nghiên cứu được lựa chọn. Những thiết bị có thể phục vụ chung cho nhiều hoạt động nghiên cứu khác nhau sẽ được mua đầu tiên, sau đó mới tới những thiết bị đắt đỏ hơn phục vụ cho từng ngành nghiên cứu riêng. Các phòng thí nghiệm sẽ được bố trí lắp đặt và đi vào hoạt động trong năm 2017-2018. Dự kiến tổng chi phí của giai đoạn 1 là 20 triệu USD.


Quá trình phát triển và xây dựng V-KIST sẽ gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 được phân thành 2 chặng, với chặng đầu 2014-2017 sẽ xây dựng những hạ tầng và cơ sở nghiên cứu cơ bản, chặng sau 2016-2020 tiếp tục bổ sung xây dựng các cơ sở nghiên cứu ứng dụng phục vụ các ngành công nghiệp. Trong giai đoạn 2 (2020-2017), V-KIST sẽ tiếp tục mở rộng trước khi hoàn thiện trong giai đoạn 3 (2034).


Về nhân sự, V-KIST sẽ có khoảng 260 người, trong đó có 220 nhà nghiên cứu, 40 người là cán bộ quản lý và các vị trí khác. Dự kiến trong năm 2015 sẽ bổ nhiệm viện trưởng của V-KIST và trong năm 2016 về cơ bản hoàn tất công tác sắp xếp, kiện toàn các vị trí quản lý còn lại. Trong 2 năm 2016-2017 các nhà nghiên cứu bắt đầu được tuyển dụng. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ được triển khai từ năm 2015, chia thành hai mảng là đào tạo cấp bằng và đào tạo ngắn/trung hạn, với nội dung các chương trình chủ yếu dựa trên những kinh nghiệm quản lý tổ chức khoa học từng mang lại thành công cho viện KIST của Hàn Quốc. Những người được đào tạo có thể làm việc tại V-KIST, nhưng cũng có thể đáp ứng nhu cầu của các tổ chức khoa học trong nước khác.

V-KIST sẽ bắt đầu đào tạo cấp bằng từ tháng 9 năm 2015, với mục tiêu là đào tạo chuyên gia, nhà khoa học, và nhà quản lý khoa học, gồm một số chương trình đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ. Bên cạnh đó là các chương trình đào tạo ngắn/trung hạn bắt đầu từ tháng 9 năm 2014, với mục tiêu là đào tạo cán bộ, nhà quản lý cho V-KIST qua mười khóa học, mỗi khóa trong khoảng 2-10 tuần, dành cho những lĩnh vực cụ thể như quản lý dự án, quản lý nhân lực, quản lý cơ sở vật chất, v.v. 

Vì sao chú trọng ứng dụng nghiên cứu phục vụ các ngành công nghiệp?

Các chuyên gia Hàn Quốc đề xuất V-KIST nên áp dụng những bài học từng mang lại thành công của viện KIST trước đây, đó là chú trọng vào mục tiêu nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp. Đây là chiến lược từng giúp Hàn Quốc phát triển nhanh chóng, từ một nước đang phát triển lạc hậu trở thành một quốc gia hiện đại có các ngành công nghiệp hùng mạnh: các ngành công nghiệp điện tử – có các sản phẩm memory chip chiếm 67% thị phần toàn cầu, màn hình phẳng chiếm 47%, điện thoại di động chiếm 35%, và công nghiệp đóng tàu thủy của Hàn Quốc hiện đang đứng số 1 thế giới, các ngành công nghiệp ô tô hóa dầu, thép hiện đang được xếp thứ 5 thế giới. Sự phát triển thần kỳ này của Hàn Quốc có phần đóng góp không nhỏ của viện KIST ngay từ những bước đi đầu tiên, với những kết quả quan trọng:

Xây dựng nghiên cứu tiền khả thi cho tập đoàn POSCO năm 1969, ngày nay đã trở thành một tập đoàn sản xuất sắt và thép hàng đầu thế giới;

Xây dựng kế hoạch phát triển ngành sản xuất ô tô Hàn Quốc năm 1971;

Xây dựng kế hoạch phát triển ngành công nghiệp đóng tàu thủy năm 1972;

Nghiên cứu chế tạo vi mạch bán dẫn năm 1974;

Nghiên cứu công nghệ tổng đài điện tử năm 1974;

Nghiên cứu công nghệ tivi và đồng hồ điện tử năm 1976;

Nghiên cứu quy trình chế tạo CFC năm 1977;

Nghiên cứu chế tạo 4M/16M DRAM năm 1988;

Nghiên cứu công nghệ CDMA năm 1995. 

Để có thể liên tục cung cấp, đóng góp những sản phẩm nghiên cứu quan trọng này, kinh nghiệm của viện KIST là cần người lãnh đạo có tầm nhìn xa, đặt ra các mục tiêu rõ ràng với xu hướng chú trọng nghiên cứu phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, đồng thời liên tục tăng đầu tư kinh phí mạnh mẽ cho R&D – tuy nhiên viện KIST chỉ cần Nhà nước hỗ trợ kinh phí trong những năm đầu tiên, về lâu dài là một mô hình phát triển tự chủ và bền vững về tài chính. Ngoài ra, viện KIST không chỉ tự lực nghiên cứu mà còn chủ động nhập khẩu công nghệ nước ngoài, sau đó tiếp thu, nghiên cứu ngược (reverse engineering) và làm chủ.


Thanh Xuân tổng hợp
(Theo báo cáo của TS. Sungdo Ha – Viện KIST)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)