VKIST sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học

VKIST cần các nhà khoa học có đủ kinh nghiệm làm việc với khối công nghiệp và sẵn sàng chấp nhận những thử thách, có đủ trách nhiệm với nền KHCN Việt Nam. TS Kum Dongwha, Viện trưởng Viện VKIST, đã trao đổi với báo chúng tôi về nhu cầu nhân sự của VKIST.

TS. Kum Dongwha.​

Nhiều nhà khoa học quan tâm đến việc cơ chế làm việc và chế độ đãi ngộ dành cho các nhà khoa học ở VKIST như thế nào?

Giống như cách mà viện KIST ở Hàn Quốc đã học từ mô hình của viện Bartell ở Mỹ (Bartell là “nguyên mẫu” của viện KIST), viện VKIST sẽ theo mô hình viện nghiên cứu theo hợp đồng. Nghĩa là, mặc dù nhà nước sẽ duy trì khoản tài trợ nhất định cho hoạt động của Viện, nhưng chi phí cho hoạt động nghiên cứu của viện sẽ đến từ các hợp đồng nghiên cứu do đối tác (trong khối công nghiệp hoặc nhà nước) đặt hàng. Ngoài ra viện cũng có thể thành lập các doanh nghiệp về công nghệ để chuyển giao, ứng dụng công nghệ.  Chính vì thế, để mô hình của VKIST thành công thì phải thu hút, tuyển dụng được các nhà nghiên cứu có tài năng, có tinh thần mạnh mẽ, khả năng cạnh tranh để có thể đem lại các dự án lớn cho viện, để duy trì cho hoạt động của viện.

Về chế độ lương cho các nhà khoa học, mặc dù hệ thống của Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều sự khác biệt, cũng có thể áp dụng một số kinh nghiệm và Hàn Quốc đã trải qua để có thể áp dụng và xây dựng hệ thống phù hợp với Việt Nam, để có thể trả mức lương cho các nhà nghiên cứu để họ có thể toàn tâm toàn ý cho công việc. Tổ tư vấn tuyển dụng bao gồm các chuyên gia từ một số viện, các doanh nghiệp có tiếng và bộ KH&CN đã tư vấn cho VKIST về mức lương phù hợp để thu hút nhân tài, tức là khoảng 5 – 6 lần mức lương theo ngạch bậc hiện tại.

Chế độ đãi ngộ về mặt tài chính cũng mới chỉ là một phần mối quan tâm của các nhà khoa học. Điều quan trọng không kém, đó là về cơ sở hạ tầng, điều kiện nghiên cứu, VKIST sẽ mang lại điều kiện nghiên cứu như thế nào? Có thể so sánh với các cơ quan nghiên cứu khác tại Việt Nam và khu vực?

Có thể khẳng định rằng với các nhà nghiên cứu thì tiền không phải là tất cả! Việc trả lương nghe có vẻ là cao so với khối nhà nước, nhưng cũng không phải quá là cao và hấp dẫn so với khu vực doanh nghiệp. Bù lại, VKIST là một viện công lập nên có job security – sự đảm bảo công việc ổn định chắc chắn. Tôi chắc chắn là VKIST là một môi trường nghiên cứu rất thân thiện, hiện đại, thuận lợi để các nhà nghiên cứu phát triển nghề nghiệp của mình cũng như có thời gian nâng cao kỹ năng. Các bạn sẽ có sự hỗ trợ tuyệt đối từ khối hành chính, khối kỹ thuật.

VKIST không phải là viện nghiên cứu khoa học thông thường, mà nghiên cứu và mang công nghệ đến doanh nghiệp một cách phù hợp. Để làm việc này, cần hiểu được nhu cầu của nền công nghiệp Việt Nam và thế giới, họ đang cần công nghệ gì, như thế nào, để có thể làm cầu nối đưa công nghệ vào. Vì thế các nhà nghiên cứu của VKIST sẽ thường xuyên có dịp được tham dự hội thảo quốc tế, nhằm giao lưu với các nhà khoa học trên thế giới, để mở mang tầm mắt của mình, bởi mình hướng đến là chuỗi giá trị toàn cầu và công nghệ trên thế giới. Qua đó có thể kết bạn, tạo mạng lưới khoa học quốc tế.

Cho nên, để có kinh phí như vậy, khi thực hiện các hợp đồng nghiên cứu, VKIST cũng sẽ đề xuất phải trích lại vào quỹ chi phí hoạt động thường xuyên (“overhead cost”) để có thể có nguồn tài chính cho các nhà nghiên cứu VKISTnhận được những hỗ trợ về cả hành chính và học thuật như vậy.

Các nhà khoa học Hàn Quốc và Việt Nam khảo sát khối công nghiệp cho VKIST vào năm 2017.

VKIST sẽ có những cách thức gặp gỡ, tiếp cận nào các nhà khoa học trong nước và nước ngoài như thế nào để tăng cường khả năng tuyển dụng? Ông có nhận xét gì về tiềm lực nguồn nhân sự trong cộng đồng các nhà khoa học Việt phù hợp cho VKIST?

Chúng tôi cũng đang xây dựng hệ thống dữ liệu về nhân sự, đang thu thập từ Bộ KH&CN và lấy từ các mạng lưới nhà khoa học khác, vừa để tìm kiếm ứng viên tuyển dụng, vừa để hợp tác trong tương lai.

Để tuyển dụng, bên cạnh việc thông báo tuyển dụng rộng rãi, thì sẽ dựa vào: sự giới thiệu của những nhà khoa học có uy tín trong cộng đồng khoa học và công nghệ để tìm ra các nhà khoa học tài năng và phù hợp. Trong trường hợp nếu nhà khoa học đó rất cần thiết với viện VKIST thì tôi sẽ đi gặp. Vì những người đó đã ỏ vị trí rất cao, không thể mang tiền hoặc lương ra để mời họ về, mà phải đến gặp và thuyết phục rằng VKIST có thể đem lại cơ hội phát triển chuyên môn của mình, có thể giúp họ nâng tầm của họ, phát triển lên một bước vượt bậc tiếp theo. Chẳng hạn có những nhà khoa học người Việt rất giỏi đang ở thung lũng Silicon thì chắc chắn tôi sẽ đi gặp họ và mời một số trong số họ về đây. Ngoài ra, chúng tôi đang định tổ chức hai diễn đàn, một ở Hà Nội, một ở TP HCM để đưa các tài năng trong lĩnh vực KHCN lại với nhau để nói rõ hơn về kế hoạch của VKIST.

Về tiềm lực nhân sự, tôi cũng thấy rằng ở các viện và đại học uy tín ở Việt Nam đang có nhiều nhà khoa học tiềm năng và có kinh nghiệm. Chỉ có vấn đề hiện nay là nghiên cứu của họ tập trung hơi nhiều vào học thuật hơn là công nghệ mang ứng dụng ngay cho giới công nghiệp. Tuy nhiên không phải VKIST tuyển dụng một lần 100 người, mà chỉ 10 đến 20 người thôi, những người nằm trong số những nhà khoa học tài năng đấy. Nên tôi rất tin tưởng là trong số đó có người phù hợp để gia nhập vào đội ngũ của chúng tôi.

Những vị trí tuyển dụng đợt này có những yêu cầu cụ thể nào, thưa ông?

Hiện tại chúng tôi tuyển lãnh đạo các nhóm nghiên cứu, họ sẽ là người đứng đầu phòng thí nghiệm, chịu trách nhiệm đưa ra chiến lược xây dựng phòng lab, chọn mua thiết bị, tuyển dụng người cho team nghiên cứu. Do đó, ngoài, ngoài khả năng chuyên môn, còn cần kinh nghiệm, khả năng tổ chức quản lý, lãnh đạo nhóm nghiên cứu. Tiêu chuẩn là phải có kinh nghiệm nghiên cứu và R&D khoảng 10 năm sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, có thể làm việc trong nước và nước ngoài.

VKIST rất mới nên sẽ cần những người có chuyên môn, nhưng đó cũng không phải là yếu tố quan trọng nhất, mà cần những người chấp nhận thử thách, những người sẽ cùng xây dựng VKIST, những người sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, trước mắt chưa có gì là chắc chắn. Chính vì vậy, trong thông báo tuyển dụng chúng tôi có dòng “strong sense of duty” – đó phải là những người có trách nhiệm với đất nước, trách nhiệm với nền KHCN.


Lộ trình của VKIST trong thời gian tới. Nguồn: VKIST.

Chúng tôi được biết, đến 2020 mới xây dựng xong trụ sở của VKIST ở Hòa Lạc. Vậy trong thời gian đầu, các nhà khoa học tại VKIST làm việc ở đâu? Lộ trình làm việc của họ ở VKIST như thế nào?

Ngay khi tuyển dụng được khối nghiên cứu, Viện đã sẵn sàng thực hiện các dự án. Khi chưa xây xong trụ sở, các nhà nghiên cứu có thể chia sẻ phòng thí nghiệm của một số đơn vị, hoặc các phòng thí nghiệm tại Khu CNC Hòa Lạc để tiến hành nghiên cứu của mình ngay lập tức. Tháng 11 năm ngoái, chúng tôi đã ký bản ghi nhớ với Đại học Quốc gia, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, KIST, VIETTEL, Traphaco, Sở KH&CN Hà Nội. Trong số các nội dung đã ký kết, có nội dung về việc sẽ sử dụng các phòng thí nghiệm.

Đồng thời, dự án viện trợ ODA cũng có khoản đào tạo (không những dành cho khối nghiên cứu, mà còn dành cho khối hành chính) để họ đạt các chuẩn mực quốc tế.  Tùy vào nhu cầu, khả năng, việc đào tạo có thể kéo dài 1, 3 tháng hoặc một năm, có thể Hàn Quốc hay một nước khác và sau đó đưa họ về đây để tiếp tục phát triển. Người làm ở VKIST đều có cơ hội làm việc với các chuyên gia hàng đầu của Hàn Quốc ở KIST và viện Bartell ở Mỹ.

Trong quá trình xây dựng VKIST, có những điều kiện thuận lợi và khó khăn gì? So điều đó với hình dung của ông trước khi làm viện trưởng VKIST?

Trước khi đến VN tôi không hiểu về hệ thống của Việt Nam nên không hình dung ra được có những vấn đề khó khăn gì. Tuy nhiên trong thời gian làm việc tôi thấy rằng, có lẽ các bạn có một hệ thống cơ bản cũng giống giống của Hàn Quốc. Nhưng có điều, đường như tốc độ xử lý đưa ra quyết định cuối cùng so với Hàn Quốc thì chậm hơn. Chính vì thế, một số vấn đề mà tôi chờ đợi thì lại hơi chậm hơn so với tôi dự kiến.

Hiện nay viện chưa có doanh thu. Trong thời gian tới, khi có doanh thu từ một số dự án, thì sẽ có thể phát sinh một số vấn đề với các quy định về tài chính nhưng phải đến lúc đó mới có cơ sở để nói được. Nhưng trước đây chúng tôi đã trao đổi với bộ trưởng Bộ KH&CN về kế hoạch vận hành của VKIST. Bộ trưởng đã nói sẽ ủng hộ VKIST, bằng việc xây dựng chương trình KHCN dành riêng cho VKIST nhưng mà với điều kiện Viện phải có ý tưởng rõ ràng với việc phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam.

Nhìn chung, tính đến điều kiện đang có ở Việt Nam, theo kinh nghiệm tôi đã trải qua ở Hàn Quốc 50 năm thì thấy rằng VKIST có điều kiện dễ dàng hơn KIST để hoàn thành nhiệm vụ này rất nhiều. Thứ nhất về tài chính, thì Viện đã có nguồn tài chính từ hai chính phủ để chi cơ sở vật chất, mua sắm máy móc thiết bị cùng những hoạt động ban đầu. Dự toán cho năm nay là một triệu đô. Thời gian vừa rồi tôi dành thời gian xây dựng các ý tưởng, chương trình trung và dài hạn. Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng. Bộ rất ủng hộ các đề xuất đó.

Còn điều kiện thứ hai rất tốt là các bạn có nhiều doanh nghiệp FDI, mặc dù có ý kiến khá tiêu cực về FDI, nhưng thực tế công nghệ của khối FDI cao hơn doanh nghiệp trong nước rất nhiều. Bây giờ mình phải tận dụng làm sao, để càng ngày có càng nhiều doanh nghiệp cung cấp được cho chính các doanh nghiệp FDI đó. Làm sao mình chạm được tới thị phần đó, mình có đủ năng lực để chạm đến không? Đến thời điểm này rõ ràng là mình không, nhưng mình phải tạo ra năng lực đó. Tôi đã trao đổi với Samsung, họ có quỹ để phát triển các doanh nghiệp nội địa, nhưng thực tế đến giờ họ không thể tìm được doanh nghiệp đó. Mình có thể thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam thì hoàn toàn có thể tận dụng được.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Bảo Như thực hiện

theo KH&PT

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)