VKIST và quyết tâm tự chủ

Câu hỏi cơ bản mà không ít người trong giới khoa học đặt ra đối với dự án VKIST là vì sao phải đầu tư xây dựng mới hoàn toàn một viện nghiên cứu ứng dụng theo mô hình viện KIST của Hàn Quốc hình thành từ cuối thập kỷ 1960, đầu 1970, trong khi Việt Nam hiện có rất nhiều viện làm nghiên cứu ứng dụng, lâu nay vẫn mong đợi được Nhà nước tăng cường đầu tư nâng cấp.

Để trả lời câu hỏi này, hãy nhìn vào thực tế là đa số các viện nghiên cứu ứng dụng của chúng ta quy mô còn khá nhỏ bé, rời rạc, khả năng liên kết liên ngành theo yêu cầu phát triển của khoa học hiện đại không cao. Đặc biệt là đa số các viện nghiên cứu ứng dụng vẫn chưa thể tự nuôi sống bản thân bằng nguồn thu từ hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của mình mà vẫn phụ thuộc đáng kể vào nguồn kinh phí tài trợ hoạt động thường xuyên từ ngân sách Nhà nước – nhiều viện khi được yêu cầu triển khai tự chủ về tài chính theo Nghị định 115 đã né tránh, tìm cách níu giữ nguồn tài trợ của Nhà nước bằng cách tự nhận mình là viện nghiên cứu cơ bản.

Tình trạng đó xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan như sự phát triển của thị trường KH&CN trong nước còn hạn chế; khả năng kết nối của các viện với các ngành công nghiệp còn thấp; bản thân các viện nghiên cứu vẫn phải gánh bộ máy cồng kềnh quá nhiều biên chế – trong đó có cả những người không có năng lực hoặc động lực làm nghiên cứu thực sự – và chưa thể hoàn toàn tự chủ về quản lý nhân sự do sự ràng buộc bởi các quy định hiện hành như Luật Cán bộ, Công chức, v.v. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất là do bản thân các viện nghiên cứu còn thiếu quyết tâm tự chủ hóa, chưa sẵn sàng rời bỏ bầu sữa Nhà nước mà họ vẫn lệ thuộc lâu nay. Và giải pháp khắc phục mà Chính phủ và các nhà quản lý đã lựa chọn là xây dựng VKIST – một viện nghiên cứu ứng dụng liên ngành có bộ máy con người được tinh lọc ngay từ đầu, với những cơ chế, chính sách cho phép nó hầu như tự chủ hoàn toàn, nhằm tạo ra một mô hình viện nghiên cứu tự chủ thành công, một tấm gương và động lực để thúc đẩy, lan tỏa tiến trình cải cách theo hướng tự chủ hóa ở các viện nghiên cứu khác trong nước.

Nhưng để thuyết phục giới khoa học và xã hội về thành công của VKIST, trước hết những người được giao xây dựng, phụ trách vận hành VKIST phải:

Có uy tín khoa học và nhiều tâm huyết, đủ sức thu hút và thuyết phục tài năng trong nước và nước ngoài để xây dựng đội ngũ nghiên cứu có tính tinh lọc cao. Trước đây, KIST thành công bởi chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hút được tới 30 nhà khoa học Triều Tiên ở nước ngoài, tất cả đều có trên năm năm kinh nghiệm chuyên môn sau khi có bằng tiến sỹ;

Có quyết tâm sắt đá hướng tới sự tự chủ. Trong giai đoạn đầu, VKIST cần được Nhà nước đầu tư và hỗ trợ – trước kia KIST cũng được hỗ trợ trong bảy năm trước khi tự chủ hoàn toàn – nhưng điều đó không thể kéo dài lâu. Cần một kế hoạch triển khai cụ thể để sau một số năm nhất định VKIST có thể sống được chủ yếu dựa vào nguồn thu từ các hợp đồng nghiên cứu ký với các ngành công nghiệp, mà muốn vậy ngay từ đầu phải tiến hành khảo sát kỹ lưỡng thực trạng các ngành công nghiệp, nông nghiệp của Việt Nam, từ đó đề ra định hướng nghiên cứu đúng đắn, đáp ứng những nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp, giúp họ cải thiện năng lực KH&CN, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế hội nhập (trước đây, để xây dựng KIST thành công, ngay từ đầu, người ta phải thành lập một tổ 80 chuyên gia là các nhà khoa học, kỹ sư, kinh tế gia người Hàn Quốc và quốc tế tiến hành khảo sát trên 600 nhà máy thuộc các ngành công nghiệp khác nhau).

Trên cơ sở đó, những người hoạch định VKIST phải đề ra được một thời hạn rõ ràng cho sự tự chủ hoàn toàn, với một kế hoạch cụ thể có tính thuyết phục cao.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)