VN không cần có bằng sáng chế đăng kí ở Mỹ?

Đầu năm nay, người viết có làm một thống kê1 cho thấy Việt Nam có quá ít bằng sáng chế được Mỹ công nhận, so với ngay cả các nước trong khu vực. Bài viết nhận được nhiều phản hồi, trong đó nổi bật có ý kiến “Việt Nam không cần có bằng sáng chế đăng ký ở Mỹ” với lý do chi phí đắt, giá trị khoa học không cao v.v..

Thậm chí có người  mỉa mai: “Dùng bằng sáng chế để so sánh đánh giá một nền khoa học có khi giống như hỏi: “Việt Nam có bao nhiêu bằng lái xe hơi vậy?”

Để hiểu rõ hơn về bằng sáng chế Mỹ và giá trị của nó, người viết có cuộc trao đổi với TS. Trần Lê Nam về vấn đề này.

Hỏi: Xin anh cho biết các nước đánh giá thế nào về tầm quan trọng của bằng sáng chế?


TS. Trần Lê Nam
: Việc xác định tầm quan trọng của bằng sáng chế đối với mỗi quốc gia nằm ngoài khẳ năng của tôi. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là tất cả các quốc gia có nền khoa học kỹ thuật phát triển thì số lượng bằng sáng chế đều đứng hàng đầu thế giới. Nghĩa là, các viện nghiên cứu, trường đại học, và các công ty ở những nước đó đều được khuyến khích (hay thậm chí là bắt buộc) đăng ký bản quyền cho những phát minh của mình. Trong rất nhiều trường hợp kết quả của việc thực hiện dự án được đánh giá dựa trên số lượng bằng sáng chế. Ví dụ như dự án mà tôi đang tham gia ở đai học Oulu, người ta yêu cầu phải đăng ký ít nhất 1 bằng sáng chế, tất nhiên là ngoài việc phải có bài báo đăng ở tạp chí hoặc hội nghị. Vì vậy, theo tôi nghĩ, không có nước nào xem nhẹ tầm quan trọng của bằng sáng chế đối với nền khoa học công nghệ. Vần đề là làm thế nào để có nhiều bằng sáng chế có chất lượng.

 
Theo anh kết quả về số lượng bằng sáng chế của một nước có liên hệ gì với thành tựu nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng của nước đó?

Trong 5 năm 2006 – 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được Mỹ công nhận; cũng trong thời gian đó, Nhật có 197.075, Đức có 54.971, Canada có 22.095 và một đất nước nhỏ bé trong khu vực Đông Nam Á là Singapore có 2.496.

Trước hết chúng ta phải thấy rằng nghiên cứu lý thuyết vá ứng dụng liên hệ mật thiết với nhau, ít nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Nghiên cứu ứng dụng chỉ có thể phát triển nếu như chúng ta có một mô hình lý thuyết đầy đủ. Ngược lại, những yêu cầu từ thực tế lại đặt ra các vấn đề mới cho nghiên cứu lý thuyết. Trong giai đoạn phát triển nhanh chóng về mặt công nghệ như hiện nay, những kết quả mà nghiên cứu lý thuyết mang lại có thể áp dụng vào thực tế chỉ trong vòng vài năm, trong khi trước đây phải mất vài chục năm. Như vậy, về mặt công nghệ, thật khó để phân biệt giữa nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng. Một điều không hay mà tôi được biết ở Việt Nam là chúng ta thường có ý xem nhẹ các nghiên cứu lý thuyết, kể cả trong những lĩnh vực có tính ứng dụng cao. Điều này bắt nguồn từ việc chúng ta không thấy được tiềm năng ứng dụng của những nghiên cứu lý thuyết đó.

Anh nghĩ sao khi có nhận xét “một bằng sáng chế thật ra không bằng một công trình trên Science hay Nature, hay các bài báo khoa học ISI nói chung”?

– Việc đánh giá bài báo khoa học và bằng sáng chế thì tùy thuộc vào quan điểm mỗi người. Đứng trên khía cạnh kinh tế, bằng sáng chế có thể được xem trọng hơn. Tuy nhiên về mặt học thuật thì bài báo khoa học có tiếng vang hơn. Bằng sáng chế có thể rất đơn giản nhưng giá trị về kinh tế lại rất lớn. Chẳng hạn như QUALCOMM có bằng sáng chế về công nghệ CDMA cho điện thoại di động, và nhiều nước đã phải trả rất nhiều tiền để dùng công nghệ này. Ngược lại các bài báo khoa học thường đặt những viên đá đầu tiên cho một xu thế công nghệ. Tôi có thể lấy ngay một ví dụ, tất cả những bước phát triển trong ngành viễn thông nói chung và thông tin di động nói riêng đều bắt đầu từ bài báo “A Mathematical Theory of Communication” của Claude Shannon đăng trên tạp chí “The Bell System Technical Journal” năm 1948. Hiểu theo một nghĩa rộng, bài báo khoa học thường đóng góp vào kiến thức chung của nhân loại, còn bằng sáng chế là tài sản riêng.

Trong rất nhiều trường hợp, bài báo khoa học và bằng sáng chế có liên hệ với nhau. Thậm chí là giống nhau về ý tưởng nhưng cách trình bày khác nhau. Một ví dụ rất nổi tiếng trong lĩnh vục công nghệ không dây là nhà nghiên cứu Siavash Alamouti. Bài báo đăng trên tạp chí IEEE Selected Areas in Communications năm 1998 của ông được IEEE Communication Society đánh giá là 1 trong 57 bài báo quan trọng nhất trong tất cả các bài báo của hiệp hội trong vòng 50 năm qua. Kỹ thuật mà ông ấy trình bày trong bài báo đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, và có mặt hầu hết trong các tiêu chuẩn truyền thông không dây hiện nay. Một điều thú vị là ông ấy cũng đã đăng ký bản quyền cho ý tưởng trong bài báo này. Nghĩa là ông ấy đang hưởng lợi kinh tế từ bản quyền, và nổi tiếng về mặt khoa học từ bài báo của mình.

Có ý kiến cho rằng “Bằng sáng chế không phải là thước đo công bằng cho một nền khoa học, nhất là đối với các nước kinh tế còn khó khăn” và “Bằng sáng chế được sử dụng như công cụ pháp luật và kinh tế hơn là để so sánh hơn kém năng lực khoa học”. Anh nghĩ sao về những nhận định này?

TS. Trần Lê Nam là đồng tác giả của bằng sáng chế Mỹ mang số
“US 2008/0225936 A1”. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ngành công nghệ điện tử tại Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc, TS. Trần Lê Nam được mời làm giảng viên tại trường. Sau đó anh quyết định làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Học Viện Kỹ Thuật Hoàng Gia Thụy Điển (KTH) để trau dồi kiến thức tại một trong những trung tâm nghiên cứu xuất sắc của châu Âu và thế giới. Hiện tại anh đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm xuất sắc về truyền thông không dây (Center of Excellence for Wireless Communications) thuộc Đại học Oulu ở Phần Lan.

Không có thước đo nào hoàn hảo để đánh giá một nền khoa học. Tuy nhiên số lượng bằng sáng chế cũng là tiêu chí quan trọng. Chúng ta có thể thấy ngay rằng, các nước phát triển đều có số lượng bằng sáng chế cao, và những nước có ít bằng sáng chế thì nền khoa học kỹ thuật kém phát triển. Có một ngoại lệ mà chắc ai cũng biết, đó là nước Nga có nền khoa học cơ bản và ứng dụng thuộc hàng mạnh của thế giới nhưng số lượng bằng sáng chế không nhiều. Chuyện này chúng ta nên đề cập rõ hơn vào dịp khác. Tuy nhiên cũng không nên lấy một vài trường hợp cá biệt để xem nhẹ bằng sáng chế.

Tất nhiên bằng sáng chế được sử dụng như công cụ pháp luật và kinh tế. Nhưng nó cũng phần nào phản ánh trình độ phát triển công nghệ. Ví dụ như Hàn Quốc từ năm 2007 đến 2011, số bằng sáng chế lần lượt là 7.264, 8.730, 9.566, 12.508, và 13.239, điều này cũng trùng hợp với giai đoạn phát triển mọi mặt về nền khoa học công nghệ của Hàn Quốc, điển hình là ngành công nghệ điện tử và xe hơi của họ đã leo lên hàng đầu thế giới.

Theo ý kiến cá nhân của tôi, đối với một nước kinh tế còn khó khăn như Việt Nam, thì chúng ta vẫn nên khuyến khích việc đăng ký bằng sáng chế nhưng phải có chọn lọc. Đồng thời chính phủ cũng nên dành kính phí để hỗ trợ việc triển khai các ý tưởng đó vào thưc tế. Các nước mà tôi từng làm việc đều có viện nghiên cứu ứng dụng hoặc các cơ quan hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng mạnh. Ví dụ Hàn Quốc có viện ETRI chuyên về nghiên cứu ứng dụng (http://www.etri.re.kr/eng/), Thụy Điển có VINNOVA (http://www.vinnova.se/en/), Phần Lan có TEKES (http://www.tekes.fi/en/).

Lại có ý kiến cho rằng “Rất ít sáng chế ứng dụng thực sự trong sản xuất” nên không cần phải đăng ký bằng sáng chế vì rất tốn kém. Theo anh thì nhận định này có hoàn toàn đúng không?

Thực tế là số lượng bằng sáng chế đang được sử dụng thì ít hơn rất nhiều so với số lượng đã được đăng ký. Tuy nhiên nếu nói rằng không cần phải đăng ký bằng sáng chế là hoàn toàn sai. Đối với các công ty, số lượng bằng sáng chế chưa được sử dụng được xem như của để dành, chứ không phải không có ứng dụng thực sự trong sản xuất. Ví dụ như Kodak rao bán hơn 1000 bằng sáng chế của mình và dự kiến có thể mang về 2 tỷ USD, nhằm thoát khỏi tình trạng phá sản. Hoặc như công ty Nortel từng bán 6,000 bằng sáng chế với trị giá khoảng 4,5 tỷ USD. Bằng sáng chế bao giờ cũng đi trước 1 bước so với thực tế, và ở dạng tiềm năng. Nếu đợi đến khi thấy rõ ứng dụng của một nghiên cứu nào đó rồi mới đăng ký hoặc không cần đăng ký, chúng ta lúc nào cũng là người đi sau.

Tại sao các nước hay đăng ký bằng sáng chế Mỹ?

– Bằng sáng chế của Mỹ thường được quan tâm vì thị trường Mỹ bao giờ cũng là đích ngắm của các công nghệ mới. Khẳng định được vị trí ở thị trường khó tính này thì việc chiếm lĩnh thị trường toàn cầu là việc nằm trong tầm tay. Quốc gia nào cũng có cơ quan đăng ký bằng sáng chế của riêng mình, nhưng bằng sáng chế của Mỹ mới là tấm giấy thông hành và cũng là lá khiên bảo vệ khi chúng ta bước ra thế giới. Khi tôi còn học ờ Hàn Quốc, trong các dự án với các công ty, họ đều ưu tiên đăng ký bằng sáng chế của Mỹ trước. Trong những năm gần đây, các công ty về điện thoại di động của Trung Quốc như HUAWEI, ZTE đã phát triển rất nhanh, và đã làm cho các đại gia khác e sợ. Nếu tìm hiểu kỹ thì sẽ thấy là các công ty này đã có nhiều bằng sáng chế của Mỹ trước đó khá lâu. Khi nào Việt Nam chúng ta có những công ty hướng đến toàn cầu như thế, việc đăng ký bằng sáng chế Mỹ là điều tất nhiên. Còn nếu chúng ta chỉ muốn phục vụ cho thị trường nội địa hoặc chỉ là làm gia công cho nước ngoài, thì đăng ký bằng sáng chế Mỹ là không cần thiết.

Theo anh, Việt Nam có thể gặp những khó khăn gì khi đăng ký bằng sáng chế Mỹ? Và những nhà khoa học ở Việt Nam có nên đăng ký bằng sáng chế (Mỹ chẳng hạn) một khi họ có phát minh mới không, thưa anh?

– Việc những nhà khoa học ở Việt Nam có nên đăng ký bằng sáng chế hay không thì tùy thuộc vào ý chí của mỗi cá nhân và chính sách phát triển khoa học của nước đó. Thế giới cũng có nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng nhưng không có nhiều bằng sáng chế vì họ không quan tâm nhiều đến giai đoạn biến ý tưởng đó vào sản phẩm ứng dụng. Đối với họ, những khám phá đó đem lại niềm vui khám phá khoa học cho bản thân, và kết quả là của mọi người. Vì vậy việc công bố các công trình trên các tạp chí khoa học là đủ. Việc này rất đáng trân trọng. Ngược lại, cũng có rất nhiều giáo sư đại học, đặc biệt là các giáo sư ở Mỹ trong các lĩnh vực khoa hoc ứng dụng, đã xin bằng sáng chế cho những ý tưởng của mình và dựa vào đó thành lập công ty của riêng mình. Ví dụ như giáo sư Andrea Goldsmith của đại học Standford là người đồng sáng lập và là CTO của công ty Quantenna Communications, một công ty hàng đầu thế giới chuyên về thiết kế vi mạch cho chuẩn 802.11n.

Theo tôi, nếu nàh khoa học Việt Nam có ý tưởng tốt và khác biệt thì việc đăng ký không có gì trở ngại, ngoài các thủ tục pháp lý mà chúng ta bắt buộc phải thực hiện. Điều khó khăn nhất là chúng ta không biết những cái gì đã được đăng ký bản quyền. Hay nói cách khác, chúng ta không biết rõ công nghệ trên thế giới đã tiến đến đâu để tập trung trọng tâm đầu tư vào đâu. Điều này làm tôi nhớ lại khi học đại học ở Việt Nam, có những cái mà tôi tưởng là mới thì thực ra thế giới đã làm từ lâu rồi.

Xin chân thành cảm ơn TS. Trần Lê Nam về những trao đổi bổ ích này.

1. http://levanut.wordpress.com/2012/01/21/vi%E1%BB%87t-nam-co-bao-nhi%E1%BB%81u-b%E1%BA%B1ng-sang-ch%E1%BA%BF

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)