Xây dựng một viện nghiên cứu đàng hoàng

Tôi can dự vào việc thành lập Viện Toán học từ khi nó còn nằm trong ý tưởng, quan niệm và được manh nha thực hiện ở Ủy ban Khoa học Nhà nước (UBKHNN) vào đầu những năm 1960. Ban đầu chúng tôi chọn một số sinh viên giỏi tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đưa về UBKHNN lập ra một nhóm nghiên cứu nhỏ, làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Toán (lúc bấy giờ GS Tạ Quang Bửu là Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư Ký UBKHNN, GS Lê Văn Thiêm làm trưởng Ban Toán, tôi là ủy viên thường trực của Ban). Nhóm này về sau được bổ sung thêm vài PTS ở Liên Xô về, nâng cấp lên thành Phòng nghiên cứu Toán và đến năm 1970 thì trở thành cơ sở đầu tiên của Viện Toán học ngày nay.

Các nhà toán học Việt Nam xuất sắc qua nhiều thời kỳ.

Lúc mới khai trương, từ phòng trở thành Viện, biên chế chỉ gồm khoảng mười lăm cán bộ nghiên cứu, trong đó chỉ hai người có trình độ nhà nghiên cứu, số còn lại hầu hết chỉ mới tốt nghiệp đại học, chưa có khái niệm, nói gì kinh nhiệm, nghiên cứu khoa học.

Về cơ sở vật chất, lúc đầu nơi làm việc của Viện là một căn phòng nhỏ khá ấm cúng ở địa chỉ 39 Trần Hưng Đạo, sau đó ít năm chuyển tới căn nhà lá ở đường Đội Cấn – một căn nhà lá ọp ẹp mà khi trời mưa thì anh em phải phân tán để tránh dột, lúc nắng đẹp lại có thể nhìn qua kẽ hở trên mái nhà để ngắm mây bay mà mơ mộng, lấy cảm hứng cho trí tưởng tượng… làm toán.

Xuất phát từ những điều kiện ban đầu nghèo nàn đó, đến nay Viện Toán học đã có được cơ ngơi vật chất khang trang như thế này, trước hết là nhờ sự quan tâm trực tiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Còn về chuyên môn khoa học và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhờ sự giúp đỡ tận tình của GS Tạ Quang Bửu và đặc biệt công lao của GS Lê Văn Thiêm, nhà toán học đầu tiên của Việt Nam và là nhà khoa học yêu nước rất mực, mà sự đóng góp to lớn với đất nước đã có những lúc chưa được cấp trên hiểu hết và đánh giá xứng đáng.

Từ một tổ chức nghiên cứu hết sức sơ khai ban đầu, nay đã trở thành một Viện Toán học có vị trí xứng đáng trong nước cũng như trên quốc tế, đó là một quá trình hoàn toàn không đơn giản, nhất là trong hoàn cảnh đất nước có những lúc khó khăn cực kỳ căng thẳng như những thập kỷ vừa qua. Trong buổi kỷ niệm 40 năm của Viện, tôi đã có dịp nhắc lại cả giai đoạn lịch sử vất vả đáng ghi nhớ đó. Hôm nay với tư cách một người đã tham gia sáng lập và quản lý Viện một thời gian dài, tôi muốn nêu lại một số bài học xây dựng Viện để chúng ta cùng suy ngẫm và rút kinh nghiệm. Theo đánh giá khách quan của nhiều người, Viện Toán học là một trong những viện thành công nhất của Trung tâm Khoa học Công nghệ Quốc gia, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ VN. Năm 1994, Viện được Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba công nhận là một trong 10 viện nghiên cứu xuất sắc ở các nước đang phát triển. So trong khu vực Đông Nam Á, Viện cũng có vị trí vững vàng được bạn bè nể trọng. Để đạt được kết quả đó, theo tôi có mấy yếu tố quan trọng sau đây.

Thứ nhất, ngoài sự ủng hộ của các vị lãnh đạo nhà nước, chúng ta đã có một quan niệm chiến lược đúng đắn về xây dưng Viện ngay từ đầu. GS Lê Văn Thiêm và tôi, những người được giao trách nhiệm xây dựng Viện Toán học trong hai mươi năm đầu, luôn nghĩ rằng nhiệm vụ chính trị lớn nhất của Viện là phải phấn đấu trở thành một viện nghiên cứu toán học đường hoàng – đường hoàng trước hết là về mặt khoa học, chuyên môn. Trong suốt quá trình tồn tại của Viện, chúng tôi không một ngày nào tự cho phép lơ là nhiệm vụ đó. Nói lên điều này bây giờ nghe có vẻ lạ, nhưng thời đó, do ảnh hưởng dai dẳng của quan niệm chính trị là thống soái, từng có giai đoạn dài chi phối giáo dục và khoa học, một chủ trương như vậy dễ dàng bị quy chụp là chuyên môn thuần túy – một sai lầm lúc bấy giờ được coi rất nghiêm trọng. Huống chi, trước đó vài năm, anh Thiêm và tôi khi ở Đại học Tổng hợp đã từng bị kiểm điểm “lên bờ xuống ruộng” về cái gọi là thiên tài chủ nghĩa, xu hướng chuyên môn thuần túy, xa rời đường lối công nông trong giáo dục và khoa học.

Thứ hai là vấn đề đối lập giữa nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng thực tế. Mặc dù xuất thân từ nghiên cứu lý thuyết thuần túy (anh Thiêm về hàm phức, tôi về hàm thực), chúng tôi đã sớm thấy ngay từ đầu những năm 1960, cần thiết phải quan tâm đến việc ứng dụng kiến thức toán học vào thực tế đời sống và kinh tế trong nước. Do đó anh Thiêm đi sâu vào các vấn đề nước thấm, nổ định hướng để ứng dụng vào xây dựng và giao thông, tôi đi sâu vào tối ưu và vận trù học, lý thuyết hệ thống, toán kinh tế, để tìm cách vận dụng vào kinh tế và đời sống. Chúng tôi không chỉ nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ những vấn đề này, vốn xa lạ với sở thich chuyên môn của mình, mà còn tích cực tổ chức, động viên, hướng dẫn các đồng nghiệp trẻ và sinh viên thực hiện các dự án ứng dụng thực tế. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn giữ quan niệm sử dụng người làm khoa học phục vụ thực tế mà không dùng đến trí tuệ khoa học của họ là sự lãng phí lớn. Đương nhiên, trong một số trường hợp khẩn cấp thời chiến, điều đó có thể là cần thiết, nhưng không nên viện cớ chính trị để thường xuyên huy động cán bộ khoa học đi làm thực tế kiểu đó. Bởi dù thế nào, một tập thể khoa học muốn phục vụ tốt phải tập trung trước hết vào việc xây dựng chuyên ngành khoa học được phân công. Viện Toán học thì phải vững vàng về nghiên cứu toán học mới có khả năng đề xuất và thực hiện những ứng dụng toán học thật sự có ý nghĩa. Còn nếu chỉ dễ dãi chạy theo các ứng dụng chủ yếu bằng lao động cơ bắp không dùng gì kiến thức, tư duy toán học, thì chẳng những về lâu dài không phát triển được lý thuyết mà cũng sẽ mãi mãi lạc hậu về ứng dụng. Quan niệm đó trùng hợp với lời khuyên của các nhà toán học hàng đầu của Liên Xô khi tôi được tham gia đoàn công tác của UBKHNN do GS Trần Đại Nghĩa dẫn đầu sang làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1968 để tham vấn về kế hoạch và chiến lược xây dựng khoa học, kỹ thuật trong hai mươi năm. Đáng tiếc, quan điểm này không được sự đồng tình của một số quan chức cấp trên, it nhất là về mặt hình thức. Những khó khăn kinh tế chồng chất thời đó tạo áp lực tinh thần rất lớn, khiến người ta dễ nghĩ ra cách đối phó hạ sách là khua tất cả đám cán bộ khoa học lý thuyết đi làm thực tế. Tôi còn nhớ một hôm được Viện trưởng Viện KH&CN Quốc gia mời đến để yêu cầu Viện Toán học phải chuyển mạnh hoạt động sang ứng dụng và huy động cán bộ đi làm thực tế. Mặc dù rất thông cảm với cấp trên nhưng tôi đành phải thẳng thắn đáp lại: nếu vậy thì cần thay viện trưởng Viện Toán chứ tôi không làm được việc đó. Cho nên cuộc đấu tranh bảo vệ quan niệm đúng đắn làm ứng dụng như thế nào cũng khá gay go, quyết liệt. May nhờ những nghiên cứu về lý thuyết hệ thống và toán kinh tế đã giúp tôi có được một cách tư duy hệ thống về các vấn đề quản lý kinh tế xã hội, nên nhiều lần tôi đã được các vị lãnh đạo cấp cao mời đến tham vấn. Năm 1978, Ban nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế do Thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì cũng đề nghị Viện Toán học tham gia một đề tài nghiên cứu. Không kể Viện Toán học đã đề xuất và tham gia thành lập Viện Toán Kinh tế ở Ủy Ban Kế hoạch Nhà nước và Trung tâm Phân tich Hệ thống Ứng dụng ở Viện Quản Lý Kinh Tế T.Ư (tuy về sau các tổ chức này không phát huy được tác dụng mong muốn, nhưng điều đó không phải lỗi ở Viện Toán học). Với những hoạt động như vậy, không thể nói Viện Toán học co mình trong tháp ngà nghiên cứu lý thuyết xa vời.

Thứ ba là vấn đề hội nhập và hợp tác quốc tế. Ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi luôn chủ trương phải hội nhập quốc tế, lấy các chuẩn mực quốc tế làm thước đo để tiến lên. Thời nay, dù cho là nước phát triển cũng không thể đóng cửa với thế giới mà xây dựng thành công một viện nghiên cứu khoa học, huống hồ là một nước đi sau như chúng ta. Hơn nữa không thể chỉ bó hẹp quan hệ và hợp tác trong khối Liên Xô và các nước Đông Âu cũ, mà phải mở rộng ra với các nước phát triển phương Tây, ở đó đang có biết bao điều hay để học tập. Cho nên từ sớm, Viện đã khuyến khích anh em học tiếng Anh để công bố công trình trên các tạp chí quốc tế, phát triển giao lưu, hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài. Phải nói lúc đầu, việc này vô cùng vất vả vì vấp phải vô số rào cản về tư duy và cơ sở vật chất. Thời đó, trong nước không khuyến khích cán bộ khoa học quan hệ nhiều với phương Tây. Trên nguyên tắc, thư từ, bài vở muốn gửi ra nước ngoài phải báo cáo, và xin phép. Tuy vậy nhưng rất may là trong thực tế, chúng tôi vẫn thường xuyên vi phạm lệ đó mà vẫn được cho qua. Khó khăn lớn nhất là thiếu hẳn những phương tiện và điều kiện tối thiểu cần thiết để giao lưu bình thường với các đồng nghiệp quốc tế. Nghiên cứu toán tuy không đòi hỏi thiết bị, máy móc đắt tiền, nhưng cần nhiều sách vở, tài liệu, giấy bút và các phương tiện truyền thông hiện đại. Chẳng hạn, hồi đó công trình khoa học muốn gửi đăng ở các tạp chí quốc tế phải đánh máy trên giấy trắng A4 và gửi kèm theo ba bản sao cũng trên giấy trắng A4. Chỉ chừng ấy điều kiện cũng đã rất khó đáp ứng, chưa kể thư từ gửi máy bay ra nước ngoài thường mất cả tháng mới đến, còn theo chiều ngược lại thì mất vài tháng, có khi không bao giờ nhận được. Điều đó dễ làm nản chí những ai muốn có quan hệ với ta. Cho nên chúng tôi phải vắt óc nghĩ ra mọi cách để khắc phục các khó khăn ấy, kể cả có lúc phải bất đắc dĩ cầu cứu sự can thiệp của Thủ tướng để giải quyết những việc nhỏ nhặt. Viện trưởng mỗi chuyến đi công tác ở Đông Âu phải cố gắng chở về trong vali nhiều ram giấy trắng A4 để dùng cho cả Viện khi cần đánh máy, sao chụp các tài liệu cần thiết (may là lúc bấy giờ Viện đã có được một máy sao chụp hiện đại, duy nhất cả nước, nhờ sự giúp đỡ chí tình của Ủy Ban Mỹ hợp tác khoa học với Việt Nam do ông Cooperman và bà Ladynsky chủ trương). Đã thành lệ, mỗi khi có khách quốc tế đến làm việc thì anh em tập hợp tất cả thư từ cần gửi đi nước ngoài để nhờ họ khi về nước gửi hộ, kèm theo một danh sách các tài liệu cần cho nghiên cứu để nhờ họ sao chụp giúp. Về sau, những khó khăn như thế giảm dần, nhờ một số thành tựu nghiên cứu tốt của Viện bắt đầu được biết đến rộng rãi trên thế giới và ngày càng có nhiều cán bộ của Viện được mời ra nước ngoài hợp tác dưới nhiều hình thức khác nhau: đọc báo cáo mời (nhiều khi là plenary, đọc trong phiên toàn thể) trong các hội thảo chuyên ngành quốc tế, tham gia biên tập các tạp chí quôc tế có uy tín, hợp tác nghiên cứu và giảng dạy ở các đại học lớn ở nước ngoài, hoặc trong khuôn khổ của quỹ tài trợ nghiên cứu Humboldt nổi tiêng của Đức (tài trợ của Quỹ này có tính cạnh tranh quốc tế rất cao, nhưng chỉ trong mấy năm cuối thập kỷ 1980, riêng Viện Toán học đã giành được trên mười suất tài trợ này). Thời cao điểm, có lúc thường xuyên đến khoảng 1/4 số cán bộ nghiên cứu của Viện luân phiên được mời đi công tác ở nước ngoài. Sinh hoạt học thuật của Viện nhờ đó ngày càng phong phú và nâng cao chất lượng, đồng thời cơ sở vật chất của Viện cũng được cải thiện mạnh mẽ, đời sống của anh em ngày càng dễ chiu. Kinh nghiệm ở đây là ngay trong giai đoạn kinh tế trong nước bế tắc, đồng lương không đủ sống, nhiều người phải bươn chải, làm thêm đủ thứ việc ngoài giờ và phi khoa học để kiếm sống, Viện vẫn cổ vũ anh em tich cực nghiên cứu, và tìm gải pháp cải thiện đời sống ngay trong hội nhập và hợp tác quốc tế. Điều quan trọng là qua con đường tiếp xúc, hợp tác quốc tế, mọi người hiểu hơn các chuẩn mực quốc tế, học tập được phong cách, văn hóa làm khoa học trên quốc tế, và cũng nhờ đó tránh được thói quen “tỉnh lẻ” (provincialism) trong nghiên cứu để mở rộng tầm nhìn, thường xuyên cập nhật được những xu thế và đề tài nghiên cứu thời sự trên thế giới.

Trên hết, một yếu tố cơ bản bảo đảm sự thành công của Viện là luôn giữ được nội bộ đoàn kết và dân chủ. Tôi phải thành thật mà nói, trong Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Toán học đi đầu trong việc chuyển giao trách nhiệm lãnh đạo giữa các thế hệ. Khi đã hoàn thành sứ mạng của mình trong một giai đoạn, thế hệ đi trước luôn sẵn sàng nhường lại trách nhiệm đó cho thế hệ đi sau. Trong Viện không có truyên thống đấu đá giành giật chức vụ vì mỗi người không coi đó là quyền lợi mà chủ yếu đó là trách nhiệm.

Đó là mấy yếu tố mà theo tôi sự hội tụ có thể là cần và đủ cho sự thành công của Viện Toán học. Hôm nay, trong không khí tưng bừng kỷ niệm 45 năm xây dựng, nhớ lại quãng đường dài đã đi, rút ra những bài học thành công và thất bại, chúng ta có thể vững tâm nhìn về tương lai. Và hình ảnh GS Lê Văn Thiêm, nhà toán học lỗi lạc mà 70 năm trước đây, đang lúc sung sức sáng tạo khoa học đã tự nguyện rời bỏ cả vị trí khoa học đầy hứa hẹn cùng với cuộc sống đầy tiện nghi để về Việt Nam tham gia kháng chiến chống xâm lược, đương đầu với biết bao gian khổ, khó khăn để xây dựng khoa học từ buổi đầu, mà tiêu biểu là Viện Toán học của chúng ta – hình ảnh ấy mãi mãi sẽ cổ vũ chúng ta, trong cuộc sống và trong khoa học.

 

 

Tác giả