Hai mục tiêu xây dựng nhóm nghiên cứu xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản
Trong nghiên cứu cơ bản, ngoài đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại, thể hiện qua các công trình nghiên cứu, còn có một đóng góp khác góp phần quan trọng vào tương lai của đất nước nhưng xã hội và ngay cả các nhà khoa học cũng thường bỏ qua, đó là đóng góp xây dựng nguồn nhân lực.
Trong xã hội phát triển hiện nay, đặc biệt là ở Việt Nam, thì nguồn nhân lực là quan trọng hơn cả, vì nó quyết định thắng lợi của một đất nước, một dân tộc trong tương lai. Cho nên, nghiên cứu khoa học không thể tách rời đào tạo trình độ cao và phương thức hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu khoa học cũng vậy. Cũng cần làm rõ rằng đào tạo nguồn nhân lực trong khoa học cơ bản được hiểu là đào tạo trình độ tiến sỹ và sau tiến sỹ, chứ không phải trình độ cử nhân hay thạc sỹ. Nghĩa là đào tạo ra những “máy cái”, những giảng viên đại học, cán bộ nghiên cứu hay là các chuyên gia khoa học trong công nghiệp.
“Xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc” là phương thức phù hợp, nếu không nói là phù hợp nhất với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam. Trong phạm vi Khoa học cơ bản, hay hẹp hơn trong Toán học mà nói thì phương thức này sẽ giúp chúng ta nhanh chóng tiệm cận các nghiên cứu ở trình độ cao nhất trong một vài hướng nghiên cứu để từ đó “kéo” nghiên cứu trong các hướng khác lên theo. Cũng cần nhắc lại rằng tư duy này đã được nhóm xây dựng đề cương phát triển toán học Việt Nam do GS. Hoàng Tụy chủ trì đề xuất từ cuối những năm 1960.
Nhìn ra các nước có hoàn cảnh tương đồng, có thể lấy ví dụ của Brazil hay Ấn Độ. Tại Brazil, các nhà toán học đã tập trung phát triển hướng nghiên cứu về Hệ động lực tại Viện Toán thuần túy và ứng dụng (IMPA) tại Rio de Janeiro. Thành quả nổi bật của cố gắng này là một cựu nghiên cứu sinh của Viện, Arthur Avila sau này được trao giải thưởng Fields. Tại Ấn Độ, Viện Toán thuộc Viện Nghiên cứu cơ bản Tata cũng tập trung vào hướng Hình học Đại số, đưa Ấn Độ trở thành một trong những nước đi đầu về lĩnh vực này.
Một ví dụ khác mà chúng ta có thể học tập là Trung Quốc. Ngày nay Trung Quốc đã xây dựng được nhiều viện nghiên cứu về Toán ở đẳng cấp cao nhất của thế giới như Trung tâm Nghiên cứu Toán học (BiCMR) thuộc Đại học Bắc Kinh hay Viện Toán Morningside thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, Trung tâm các khoa học về Toán mang tên Yau (YMSC) thuộc Đại học Thanh Hoa. Điểm mấu chốt là các viện này nhận được nguồn đầu tư rất lớn từ nhà nước để thu hút các cá nhân xuất sắc tới làm việc. Điển hình là Viện Yau đã mời được C. Birkar, giải thưởng Fields năm 2018 trong lĩnh vực Hình học Đại số, tới làm việc. Hình học Đại số là một lĩnh vực mà các nhà toán học Trung Quốc ngày càng chiếm ưu thế.
Tựu trung lại có thể thấy, để có thể thành công trong việc phát triển nghiên cứu cơ bản, cần thu hút những cá nhân, là nhà khoa học xuất sắc, làm hạt nhân. Cá nhân càng xuất sắc, thành quả càng lớn và hiệu quả càng cao.
Mặt khác cũng có thể thấy tư duy phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc cũng đang được triển khai ở một số nước có trình độ tiên tiến như Pháp và Đức cũng như trong Liên minh châu Âu. Tại các quốc gia này, toán học hay khoa học cơ bản luôn đóng một vài trò nền tảng cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Mặc dù vậy, để cạnh tranh với các quốc gia khác, trong một số năm gần đây Đức, Pháp và Liên Âu nói chung đã thay đổi chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu. Thay vì tài trợ tương đối dàn trải để kinh phí tới được nhiều nhà khoa học, họ tập trung đầu tư kinh phí rất lớn cho một số rất hạn chế các nhà khoa học xuất sắc.
Khi tìm cách học tập kinh nghiệm của nước tiên tiến cũng cần làm rõ sự khác biệt về hoàn cảnh. Nổi bật nhất là sự khác biệt về tiềm lực kinh tế. Các nước có nền khoa học cơ bản phát triển thì cũng có nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm bình quân thu nhập cao, tại đó các nhà khoa học hoàn toàn sống được từ lương. Hỗ trợ nghiên cứu tại các quốc gia này là để họ xây dựng nhóm nghiên cứu, triển khai các dự án nghiên cứu của mình, chứ không phải là để tăng thu nhập. Đơn cử giải thưởng Leibniz của Quỹ Nghiên cứu khoa học Đức, trị giá hơn 3 triệu Euro. Tiền giải thưởng sẽ chỉ được dùng để mua trang thiết bị, nguyên vật liệu, tổ chức và tham dự các hoạt động khoa học và trả lương, học bổng cho các trợ giảng, thực tập sinh sau tiến sỹ, nghiên cứu sinh, chứ không được chi trực tiếp cho người đoạt giải. Lợi ích duy nhất của người được giải, ngoài uy tín khoa học, là có thể dùng tiền giải thưởng “mua lại” giờ giảng của mình từ trường đại học nơi họ công tác – trả lương cho các trợ giảng hay giáo sư mời để họ dạy thay mình. Như vậy họ không được thêm lương, nhưng có thêm thời gian và điều kiện để nghiên cứu khoa học.
Ngược lại, thực tế ở Việt Nam hiện nay, tài trợ nghiên cứu khoa học đã được hiểu như cách Nhà nước tạo một nguồn thu nhập bổ sung cho các cán bộ khoa học. Việc tài trợ này cũng đang được tổ chức dưới hình thức các nhà khoa học “làm thêm” cho Nhà nước và được trả lương cho công việc, sản phẩm của mình. Mặt trái của hình thức tài trợ này là nguyên lý “càng nhiều sản phẩm thì càng được trả nhiều tiền” khiến các nhà khoa học bị thúc ép (hoặc tự thúc ép) tạo ra nhiều sản phẩm, và sẽ có khuynh hướng chấp nhận giảm chất lượng để có số lượng. Chắc chắn không thể xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc thông qua số lượng công bố. Tính “xuất sắc” trong nghiên cứu khoa học không bao giờ được thể hiện qua số lượng. Những ý tưởng khoa học vĩ đại thường được phát biểu rất đơn giản, ví dụ phương trình của Einstein E=mc2. Nhưng có rất ít người thực sự hiểu được nó. Nghĩa là, để có thể phát biểu được điều vĩ đại một cách đơn giản như thế, cần đầu tư rất nhiều thời gian lao động khoa học.
Như vậy, để có thể hội nhập quốc tế cao trong nghiên cứu cơ bản cần xây dựng mô hình quản lý có thể hài hòa được hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam đồng thời tiệm cận được cách tiếp cận quốc tế, theo đó, việc xét tài trợ chỉ dựa trên một yếu tố duy nhất “sự xuất sắc trong nghiên cứu”.
Không ở đâu mà sự khác biệt về năng lực, về tính xuất sắc, thể hiện rõ như trong nghiên cứu cơ bản. Hai người bắt đầu học cùng nhau nhưng sau vài năm trình độ người này có thể bằng thầy người kia, thậm chí nhiều lần thầy. Đầu tư xây dựng nhóm nghiên cứu xuất sắc, nếu tập trung kinh phí để tài trợ đúng, thu hút được đúng người xuất sắc thì hiệu quả sẽ khác xa so với việc đầu tư cho những người trung bình.
Làm thế nào để phân biệt được người xuất sắc và người trung bình? Chắc chắn không thể dùng các chỉ số trắc lượng thư mục kiểu như Impact Factor hay Citation Index. Cũng không thể đưa ra được hệ thống tiêu chí giống cách mà Hội đồng Giáo sư nhà nước vẫn đang làm. Chỉ có một cách duy nhất là đánh giá bằng ý kiến đồng nghiệp – peer-review. Nói theo ngôn ngữ toán học thì cách đánh giá này cũng chỉ có ý nghĩa địa phương (hay định xứ theo cách nói của vật lý). Không thể dùng đánh giá peer-review để so sánh một nhà toán học với một nhà vật lý. Thậm chí trong bản thân một lĩnh vực, như toán học, việc so sánh hai người trong hai chuyên ngành khác nhau, ví dụ Đại số và Tối ưu, là bất khả thi. Điều này cho thấy, tư duy quản lý khoa học theo kiểu hành chính hóa hiện nay chính là cản trở lớn nhất tới việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc. Thực sự, trong công tác này cần một cách làm việc quyết liệt, vượt ra các khuôn khổ hành chính hiện hành.
Là một nhà khoa học ở mức tương đối tự lập khi trở lại Việt Nam năm 2008, tôi cũng có một mong muốn và kiên trì xây dựng một nhóm nghiên cứu của mình. Sau 15 năm, thành quả đạt được mới chỉ ở mức “lớn hơn 0” nhưng tôi cũng thu nhận được một số kinh nghiệm và có một vài đề xuất như sau:
1. Cần xác định đúng và rõ ràng mục tiêu của việc xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc. Theo tôi mục tiêu cần phải là: phát hiện và bồi dưỡng, phát triển được các cá nhân nghiên cứu xuất sắc để trong vòng 10-20 năm trở thành những chuyên gia có uy tín quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu của mình.
2. Khái niệm “xuất sắc” cần được định nghĩa như sự công nhận của cộng đồng chuyên môn quốc tế của lĩnh vực nghiên cứu của mỗi cá nhân. Sự công nhận này có thể được thể hiện thông qua các công bố quốc tế, giải thưởng quốc tế, làm báo cáo mời tại các hội nghị quốc tế có uy tín cao, được mời đến làm việc, giảng dạy tại các cơ sở khoa học uy tín cao trên thế giới. Tất cả các đánh giá này cần được đưa ra bởi các đồng nghiệp quốc tế có uy tín.
3. Khi đi vào chi tiết, ví dụ xây dựng một quy định, quy chế tài trợ cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc hay xem xét đánh giá thuyết minh xây dựng một nhóm nghiên cứu xuất sắc cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “chỉ có duy nhất một tiêu chí đánh giá – sự xuất sắc về khoa học”. Việc xét duyệt cần làm chặt chẽ đầu vào nhưng để mở đầu ra – khoa học nói chung và khoa học cơ bản nói riêng mang yếu tố “mạo hiểm” rất cao. Các thuyết minh, đăng ký đảm bảo thành công 100% trong vòng 2-3 năm chắc chắn không xuất sắc! Ngược lại, những nhà khoa học xuất sắc thực sự, chắc chắn không thể công bố những kết quả “rác” – trừ phi họ bị hoàn cảnh ép buộc.
4. Kinh phí tài trợ phải đủ lớn và đảm bảo sự tự do trong quyết định về chi tiêu (miễn là tuân thủ quy định) của nhà khoa học chủ trì. (Không tồn tại những thứ xuất sắc giá rẻ).
5. Xây dựng một cơ cấu tài chính mới, trong đó tập trung nguồn lực cho các thành viên trẻ trong những đề tài xuất sắc (nghiên cứu sinh, thực tập sau tiến sỹ – những người chưa có nơi làm việc thường xuyên). Coi đóng góp về đào tạo nguồn nhân lực là một trong hai mục tiêu chính của các chương trình, đề tài xuất sắc (trong khoa học cơ bản).
Trong thế giới cạnh tranh ngày càng cao ngày nay, những người tài năng hay có năng lực sẽ luôn có rất nhiều đơn vị, tổ chức mời chào, thu hút. Để có thể giữ chân một số ít trong số đó cho các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, chắc chắn phải có sự đầu tư lớn từ nhà nước. Như đã nói ở trên, không có những thứ “xuất sắc giá rẻ”. Cần đầu tư lớn vào những nhân tố xuất sắc mới có kết quả. Nếu không, nên thay từ “xuất sắc” bằng một tính từ khác. □