Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Bắt đầu năm 2015, bỗng nhiên báo chí Việt Nam phát hiện gạo Campuchia đang được thế giới ưa chuộng, đã qua mặt Việt Nam trong việc xuất khẩu gạo thơm cạnh tranh với Thái Lan. Và tiếp theo đó, gạo thơm của Myanmar cũng đang được nổi tiếng. Nhiều người lo lắng cho mệnh hệ gạo Việt Nam sẽ ra sao trong tình thế này.

Tại sao gạo Việt Nam không được khách hàng ưa chuộng như vậy? Thậm chí nhiều lô hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bị trả về vì không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Những lô hàng này không có tông tích vì không ai có thể truy nguyên nguồn gốc lấy từ ruộng lúa nào. Cuối cùng phải qui về nguồn gốc duy nhất là “Việt Nam Rice” do 90 triệu người làm ra. Tại Hội chợ Lương thực quốc tế tại Thái Lan những năm qua, gạo Việt Nam không dám xuất đầu lộ diện, mà chỉ có gạo Thái Lan, gạo Campuchia, và gạo Italy. Tại sao trước năm 1968, chúng ta có “Gạo Sài Gòn” nổi tiếng khắp thế giới, mà sau khi đất nước được hòa bình thống nhất thì gạo Việt Nam bị tụt hạng như thế? Gạo thơm ngon của Việt Nam đâu mất rồi? Các nhà khoa học Việt Nam ở đâu mà để cho tình trạng gạo Việt Nam xuống cấp như thế? Đây là những câu hỏi cứ được lặp đi lặp lại mãi từ các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho đến những tầng lớp thấp hơn trong xã hội.

Trước hết, chúng tôi xin thưa rằng các giống lúa xưa kia của miền Tây Nam bộ, nơi làm ra hạt gạo thơm ngon để xuất khẩu từ những năm cuối thế kỷ 19, đều được duy trì tại Ngân hàng Giống lúa của Khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ. Thầy trò chúng tôi đã kế thừa tập đoàn giống lúa miền Tây do Phái bộ Chuyên gia Nông nghiệp Trung Hoa (Đài Loan) tập hợp từ thập niên 1960 tiếp theo những sưu tập hằng năm của sinh viên Cao đẳng Nông nghiệp Cần Thơ từ 1972 đến 1995. Ngân hàng giống lúa chúng tôi hiện giữ được 1.468 giống lúa Tây Nam Bộ, gồm: 119 giống lúa ruộng trên (do đồng bào Khmer canh tác), 407 giống lúa mùa sớm, 848 giống lúa trung mùa và mùa muộn, 91 giống lúa nổi. Ngoài ra, chúng tôi còn sưu tập thêm 647 giống lúa rẫy (lúa nương), gồm 462 giống ở Tây Nguyên và 185 giống ở Tây Bắc. Tập đoàn giống lúa cổ truyền này – trừ những giống lúa mùa sớm – đều là giống có quang kỳ (chỉ cảm ứng với ánh sáng ngày ngắn), phải đến gần Tết khi ngày vắn đêm dài mới làm đòng và được gặt từ tháng 11 đến tháng Một âm lịch, năng suất không quá 4 tấn/ha. Khi các giống lúa cải tiến không quang kỳ (lúa “Thần nông” hay lúa cao sản) được du nhập vào Tây Nam Bộ, phong trào làm thủy lợi phát triển nhanh chóng, có nước tưới chủ động đến đâu thì lúa cao sản được nông dân ưa thích trồng đến đấy, dẹp bỏ hết các giống lúa mùa cổ truyền chất lượng cao. Ngày nay, vùng Tây Nam bộ được phủ lên hầu hết bằng lúa cao sản ngắn ngày, phần lớn là gạo không hoặc ít thơm, mà trong ngành gạo quốc tế người ta thường gọi là gạo trắng (white rice) để phân biệt với gạo lúa mùa thơm ngon (fragrant rice). Một số giống lúa cao sản ngắn ngày hơi thơm mà một ít nông dân miền Tây đang trồng như Jasmine vẫn coi như là gạo trắng theo tiêu chuẩn quốc tế. Cho đến nay, nông dân Việt, dưới sự cổ vũ của nhà nước, chỉ thích trồng giống lúa nào cho năng suất thật cao, mà ít quan tâm đến chất lượng thơm ngon. Trái ngược với nông dân Việt, nông dân Thái Lan, Campuchia và Myanmar chỉ thích trồng giống lúa thơm ngon, chứ không quan tâm đến năng suất cao. Năng suất lúa thơm của họ rất thấp, nhưng vì đất đai rộng lớn mà dân số thì ít, nên họ có dư gạo để xuất khẩu dưới những thương hiệu được khách hàng sang trọng ưa thích nhờ được giới thiệu qua những hội chợ thương mại quốc tế.

Cho đến nay, nông dân Việt, dưới sự cổ vũ của nhà nước, chỉ thích trồng giống lúa nào cho năng suất thật cao, mà ít quan tâm đến chất lượng thơm ngon. Trái ngược với nông dân Việt, nông dân Thái Lan, Campuchia và Myanmar chỉ thích trồng giống lúa thơm ngon, chứ không quan tâm đến năng suất cao.

Gạo Việt đã trải qua nhiều biến đổi từ thời kỳ phong kiến sang Pháp thuộc, đến thời kỳ chiến tranh khốc liệt, sang thời kỳ hòa bình thống nhất đất nước. Trong “Lời giới thiệu” cho quyển sách “Dấu xưa Nam bộ” (2006) của nhà báo Đào Hồng Hạnh, tôi đã viết: “Cây lúa mình biết tưởng chừng là rành rẽ vậy mà nông dân vẫn ạch đụi với nó. Sau 16 năm xuất khẩu gạo mình vẫn mang tiếng là xuất khẩu thứ gạo trung bình chỉ dành cho… “nhà nghèo” chứ không làm gạo tốt cho “nhà giàu” ăn được. Trong khi đó, Hồng Hạnh đã ghi lại nhiều cứ liệu minh chứng ngay từ xa xưa mình đã xuất khẩu gạo sang Thái Lan. “Vào năm 1789, khi nạn đói xảy ra ở Xiêm La, Nguyễn Ánh đã cho phép cư dân miền Tây bán 8.800 phương tức 264 ngàn lít gạo”. Tác giả đặt câu hỏi: Phải chăng đây là thương vụ xuất khẩu gạo đầu tiên của cư dân miền Tây? Riêng tôi thì ưu tư, tại sao xuất phát điểm từ xưa là vậy mà nay anh ta lại hơn mình, cũng phải tìm ra lý do chứ? Việc tìm ra lời đáp, theo tôi không chỉ là chuyện của anh hoạch định chính sách, của anh nông nghiệp mà cũng chính là công việc của các nhà nghiên cứu văn hóa, của chính các nhà khảo cứu ngày nay.”

Từ thời phong kiến đến thời Pháp thuộc, bắt đầu từ năm 1818, ĐBSCL được vua nhà Nguyễn huy động nhân dân đào kênh bằng thủ công và sau đó từ năm 1903, người Pháp đưa máy đào kênh sang đào tiếp nhiều kênh huyết mạch để mở đường giao thông. Nhưng càng có nhiều kênh, diện tích trồng lúa càng tăng lên, từ 420.000 ha vào năm 1880 đến 2,1 triệu ha năm 1930 (theo Inspection générale des travaux publics (Saïgon), Dragages de Cochinchine: canal Rachgia-Hatien, 1930). Nông dân trồng lúa theo thời tiết và địa hình, bằng hàng trăm giống lúa mùa sớm, mùa lỡ và mùa muộn; vùng sâu thì có lúa mùa nổi. Trong số lúa mùa có nhiều giống ngon cơm, có giống là lúa thơm như Nàng Thơm, Nàng Hương, Châu Hạng Võ… với năng suất khoảng 3-4 tấn/ha. Theo các tài liệu do Văn Kim Thanh sưu tầm, lúc bấy giờ chỉ có thương nhân Âu châu và thương nhân Hoa kiều tham gia thương trường, thương nhân Việt Nam hầu như không có. Trong giai đoạn này, nông dân mạnh ai nấy trồng rất nhiều giống lúa. Nhưng “do gạo xuất khẩu không đạt chất lượng, nên đã có cuộc họp ngày 12/9/1874 tại Sài Gòn giữa thương nhân người Âu và thương nhân người Hoa. Nội dung biên bản cuộc họp này có đoạn: “Thương nhân người Âu lo lắng về chất lượng gạo xuất khẩu, nguyên nhân là người bản xứ và thương nhân người Hoa không làm sạch gạo và pha trộn các loại gạo. Khẳng định toàn bộ nền thương mại của Sài Gòn dựa vào sản xuất lúa gạo, vì vậy phải có biện pháp chấn chỉnh chất lượng gạo thu mua xuất khẩu. Tất cả thương nhân người Hoa ký tên dưới đây hứa danh dự với người Âu và chính bản thân họ rằng, họ sẽ chăm sóc nghiêm chỉnh chất lượng gạo chuyển đến Chợ Lớn. Thu mua lúa gạo không phù hợp với các hợp đồng đã ký sẽ phải bồi thường theo ấn định của trọng tài. Gạo làm mẫu sẽ đặt tại phòng thương mại, được sử dụng để đối chiếu trong trường hợp có tranh chấp.” Những chành xuất khẩu gạo từ đấy chỉ đặt mua vài giống lúa gạo thơm mà thôi (theo Văn Kim Khanh, Doanh nhân Sài Gòn Online, 18/05/2010). Từ đó “Gạo Sài Gòn” nổi tiếng đã được các chành người Hoa xuất khẩu sang Philippines, Indonesia, Hồng Công, Singapore, và thương nhân người Âu xuất đi nhiều nước châu Âu và châu Phi. Cho đến năm 1968, Việt Nam ngưng xuất khẩu gạo vì chiến tranh ác liệt.

Chuyển sang giai đoạn từ khi đất nước được hòa bình thống nhất, phần lớn các chành người Hoa đã bỏ sự nghiệp ở miền Tây Nam bộ, di tản sang lập nghiệp mới tại nhiều quốc gia, nhất là tại Mỹ và Pháp. Cơ sở của họ bị quốc hữu hóa và quản lý điều hành bởi chính quyền cách mạng. Chính sách an ninh lương thực được toàn dân-quân-chính tham gia, nơi nào cũng phải tự túc lo trồng cây lương thực. Cơ quan nghiên cứu và phát triển lúa ĐBSCL lúc ấy chỉ có trường ĐH Cần Thơ, Trung tâm Nông nghiệp Long Định và Trại Nghiên cứu Lúa Bình Đức, Long Xuyên (hai cơ quan này vốn là trạm nghiên cứu của Viện Lúa quốc tế IRRI trong thời còn chiến tranh) đã tiếp tục các công trình nghiên cứu lúa từ trước. Đến năm 1977, Viện Lúa ĐBSCL được bắt đầu xây dựng cơ sở. Các giống lúa mới năng suất trên 5 tấn/ha chu kỳ sinh trưởng ngắn (dưới 105 ngày) đã lần lượt được tung ra, có giống đã được Bộ Nông nghiệp công nhận, có giống chỉ được nông dân công nhận. Cùng lúc đó phong trào làm thủy lợi ồ ạt đào đắp khắp nơi, nước đến đâu, giống lúa cao sản đến đấy, dẹp bỏ giống lúa mùa dài ngày. Tuy nhiên với chính sách tự túc lương thực được kiểm soát quá chặt chẽ như ngăn sông cấm chợ, việc lưu thông lương thực nằm trong tay các công ty lương thực nhà nước, cán bộ lương thực đến đầu tư cho nông dân trồng lúa rồi thu mua lúa đem về kho lương thực và xay chà bằng các nhà máy của các chành lúa cũ. Đủ loại tham nhũng giữa cán bộ thu mua với nông dân, và giữa cán bộ thu mua với nhà máy… đã khiến cho những ai được chế độ mua lương của nhà nước thì trả giá rẻ nhưng phải lấy gạo “ba màu”. Rất may, Đảng sớm có chính sách đổi mới nên phong trào sản xuất lúa cao sản thật sự phát triển mạnh và gạo ba màu cũng biến mất. Các nhà máy lau bóng gạo không nhận lúa mà chỉ nhận gạo nguyên liệu từ các thương lái đưa đến, tránh tình trạng gạo mốc như trước. Với khối lượng gạo trắng quá nhiều, vượt quá nhu cầu trong nước, Việt Nam trở lại thương trường quốc tế xuất khẩu gạo từ cuối năm 1989.

Gạo Việt Nam hiện nay do giống lúa nào làm ra?

Gạo Việt Nam hiện nay dù đã và đang được xuất với khối lượng nhất nhì thế giới, nhưng chất lượng thua xa các nước khác vì hạt lúa của ta hiếm khi đi thẳng từ tay nông dân vừa gặt để đến nhà máy chế biến gạo thành sản phẩm có thương hiệu. Trái lại, hạt lúa ruộng này được trộn với hạt lúa khác giống của ruộng khác, và cứ như thế đến khi đầy xà lan chuyên chở của thương lái người Việt. Và chúng ta có hàng ngàn thương lái người Việt như thế được nuôi dưỡng bởi các công ty lương thực gốc nhà nước. Khối lúa trộn này được thương lái phơi/sấy khô bằng phương tiện kém chất lượng, đem xay bóc vỏ trấu để có gạo nguyên liệu đem giao cho các nhà máy lau bóng gạo của thương lái lớn hơn hoặc của công ty lương thực, chờ lệnh lau bóng và xuất xưởng khi công ty lương thực có đầu ra xuất khẩu hoặc phân phối ra miền Trung, miền Bắc. Và cứ như thế, hạt gạo Việt Nam được mọi nơi nhận, phần lớn là gạo không thương hiệu như chúng ta đã biết. Dĩ nhiên, mấy lúc sau này, một số công ty lương thực muốn xuất gạo thơm để nâng cao giá trị gạo Việt nên đã khuyến khích ngành nông nghiệp địa phương và thương lái nên hô hào nông dân trồng lúa Jasmine và Nàng Thơm Chợ Đào.

Không phải gạo của nước ta không có thương hiệu, nhưng phải nói cho rõ là gạo của nước ta xuất đi với khối lượng lớn thì mới không có thương hiệu, chứ gạo đặc sản của một số doanh nghiệp tư nhân đã xuất đi với lượng nhỏ… hoặc bán trong siêu thị nội địa thì cũng có thương hiệu đàng hoàng.

Lúa Nàng Thơm Chợ Đào là giống lúa thơm nhất của miền Tây, nhưng chỉ thơm trong vùng khoảng 500 ha của ấp Mỹ Lệ, Chợ Đào, Cần Đước, tỉnh Long An. Cùng giống đó, nếu đem ra khỏi Mỹ Lệ thì mùi thơm bớt dần đến không còn thơm nữa. Tuy nhiên hiện nay, gạo Nàng Thơm Chợ Đào có mặt gần như khắp nơi, thể hiện tình trạng gạo trộn quá phổ biến. Giống lúa thơm thứ hai, Jasmine 85, cũng như thế.

Lúa Jasmine 85 được lai tạo tại Viện IRRI Philippines bởi nhà khoa học Mỹ Hank Beachell, là sự phối hợp giữa giống cao sản IR262 với giống lúa thơm Khao Dawk Mali của Thái Lan. Dòng tốt nhất của cặp lai này là IR841-85. Ông Beachell đem giống về Mỹ trồng ở bang Texas, sau đó Vụ Khoa học Nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp Mỹ cùng với các Trạm Nghiên cứu của Bộ đặt tại ĐH Texas, ĐH Arkansas, và ĐH Louisiana, cùng Viện IRRI đồng đứng tên đăng ký vào năm 1989 cho ra đời giống này với tên thương hiệu là Jasmine 85. Trong số các giống nhập nội từ IRRI vào Chương trình lúa của các cơ quan nghiên cứu nước ta cũng có dòng IR841-85 và một số dòng phân ly khác. Một vài người Việt từ Mỹ về nước cũng mang theo Jasmine 85. Hiện nay giống Jasmine 85 được trồng phổ biến, như là giống có mùi thơm cơ bản giống như gạo Thái Lan, nhưng năng suất thấp và rất khó trồng, chi phí cao hơn đối với giống cao sản không thơm. Vì vậy, thương lái dùng giống Jasmine để trộn với nhiều giống cao sản khác có dạng gạo tương đương nhưng năng suất cao hơn và dễ trồng hơn.

Đấy là hai trường hợp gạo thơm của Việt Nam được đưa ra thị trường như thế, không ai dám bảo đảm ngồn gốc, nên cũng không thể nào đăng ký thương hiệu. Cuối cùng thì Nhà nước cũng thấy được vai trò quan trọng của thương hiệu gạo Việt Nam nên mới ban hành QĐ 706/TTg ngày 21/05/2015 vừa qua.

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam – trễ còn hơn không

Không phải gạo của nước ta không có thương hiệu, nhưng phải nói cho rõ là gạo của nước ta xuất đi với khối lượng lớn thì mới không có thương hiệu, chứ gạo đặc sản của một số doanh nghiệp tư nhân đã xuất đi với lượng nhỏ theo kiểu xuất ủy thác qua công ty lớn như Vinafood, hoặc xuất trực tiếp theo LC nhập khẩu của nước ngoài (thí dụ như gạo hữu cơ Hoa Sữa được Công ty BHMT ở London nhập từ Công ty Viễn Phú Việt Nam), hoặc bán trong siêu thị nội địa thì cũng có thương hiệu đàng hoàng (thí dụ gạo ST20 của Sóc Trăng thơm ngon và một số thương hiệu khác). Vì các qui định về điều kiện được phép xuất khẩu quá khắt khe nên phần lớn các công ty sản xuất gạo có thương hiệu không thể vươn ra biển cả nếu không được mua trực tiếp như gạo hữu cơ Hoa Sữa. Gạo Việt Nam, như đã trình bày trên đây, chủ yếu những giống lúa mùa (chỉ trồng được một vụ/năm) ngon cơm nhưng năng suất thấp, như Nàng Thơm Chợ Đào, Tàu Hương, Nanh Chồn, Huyết Rồng, Châu Hạng Võ…, được xuất khẩu từ những năm đầu thế kỷ 20, trong thời Pháp thuộc và được nổi tiếng là “Saigon Rice” đi khắp các nước Đông Nam Á, châu Âu và châu Phi từ cảng Sài Gòn. Nhưng đến 1968, chiến tranh khốc liệt ở miền Nam đã xóa tên Việt Nam trên bản đồ các quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới. Cho đến khi nông dân Việt Nam tiếp xúc được các giống lúa cao sản ngắn ngày (trồng nhiều vụ/năm, lúc nào cũng được), với nước tưới sẵn sàng mọi lúc thì giống lúa mùa ngon cơm nói trên dần dần mai một, không ai muốn trồng. Thêm vào đó, những chành lúa nổi tiếng chuyên buôn bán giống lúa mùa ngon cơm nổi tiếng đã chạy khỏi Việt Nam, các nhà máy chế biến gạo của họ bị quốc hữu hóa, và lực lượng thương lái rất hùng hậu ra đời với những công ty xuất khẩu gạo trong thời kỳ đổi mới đã triệt tiêu thương hiệu nổi tiếng của gạo Việt Nam. Thậm chí cả loại gạo nổi tiếng nhất còn lại là Nàng Thơm Chợ Đào cũng mất tiếng luôn vì gạo bị trộn lẫn với gạo Jasmine cùng một số gạo có hạt trắng trong tương tự như Nàng Thơm Chợ Đào.

Xây dựng lại thương hiệu gạo Việt Nam trong bối cảnh thị trường bát nháo hiện nay với quá nhiều giống lúa cho nông dân tự chọn và do hàng ngàn thương lái mua bán, quả thật là một thách thức lớn, càng khó hơn nữa nếu thực hiện theo lộ trình nêu trong QĐ 706/TTg.  Từ tình trạng không cần gì thương hiệu, chuyển sang một thái cực với những mục tiêu mà QĐ706 muốn đạt cho thương hiệu gạo Việt Nam rất rườm rà, quá nhiều tham vọng, và mơ hồ.

Xây dựng lại thương hiệu gạo Việt Nam trong bối cảnh thị trường bát nháo hiện nay với quá nhiều giống lúa cho nông dân tự chọn và do hàng ngàn thương lái mua bán, quả thật là một thách thức lớn, càng khó hơn nữa nếu thực hiện theo lộ trình nêu trong QĐ 706/TTg. Từ tình trạng không cần gì thương hiệu, chuyển sang một thái cực với những mục tiêu mà QĐ706 muốn đạt cho thương hiệu gạo Việt Nam rất rườm rà, quá nhiều tham vọng, và mơ hồ. Thử hỏi một khách hàng ăn gạo Việt Nam, ngoài mong muốn chọn một loại gạo có chất lượng ngon hợp khẩu vị và an toàn vệ sinh, liệu họ có chọn thêm mấy đặc tính khác như gạo phải có “lịch sử, văn hóa, truyền thống Việt Nam” hay không? QĐ706 sẽ cho xây dựng nhiều cấp thương hiệu: thương hiệu gạo quốc gia, thương hiệu vùng, địa phương, và các doanh nghiệp cũng sẽ xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Tuy đề ra rất nhiều nội dung khiến khâu thực hiện phải huy động rất nhiều bộ ngành, chương trình sẽ tập trung ưu tiên cho ba giống đặc sản của ĐBSCL: giống Jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản.

Nếu theo lộ trình này, chúng ta sẽ không thể đạt mục tiêu dễ dàng, vì làm thế nào xác định giống quốc gia để từ đó sử dụng làm ba giống đặc sản mà dự án nêu? Trong thực tế giống Jasmine được dùng làm một giống gạo thơm, mà trong số giống gạo thơm hiện nay, ngay trong giống Jasmine, đã có nhiều dòng do nhiều cơ quan tuyển chọn. Và giống nào là giống gạo thơm được chọn, giống nếp đặc sản nào sẽ được dùng? Mỗi giống đó sẽ được trồng thế nào và ai sẽ đăng ký thương hiệu đưa ra thị trường?

Chúng tôi tin rằng dự án có thể thực hiện thành công đúng theo mục tiêu thời gian nhưng với ít mục tiêu về tính chất của thương hiệu nếu chúng ta chọn một lộ trình thực tế nhất và ngắn nhất bao gồm năm khâu sau đây, áp dụng cho ba loại giống là giống lúa thơm, giống lúa cao sản, và giống nếp:

Một số giải pháp về khoa học công nghệ để thực hiện Đề án phát triển thương hiệu lúa gạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2030 theo Quyết định 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ:
a) Tăng cường ứng dụng, phổ biến về công nghệ hỗ trợ trong sản xuất, chế biến, bảo quản và đóng gói sản phẩm gạo, nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm gạo;
b) Nghiên cứu, đầu tư xây dựng phòng kiểm định chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế;
c) Rà soát các chương trình khoa học công nghệ, ưu tiên ứng dụng sáng chế về lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch, chế biến cho các doanh nghiệp sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam;
d) Thúc đẩy áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm gạo.

Một là bình tuyển giống lúa làm giống quốc gia có tính chất địa lý từ 10 giống lúa thơm, lúa cao sản và lúa nếp phổ biến nhất. Cụ thể là, từ mười giống đang phổ biến được cho là có chất lượng cao, ta sẽ nghiên cứu chọn ra khoảng ba giống tiêu biểu nhất đại diện cho lúa có gạo ngon của Việt Nam. Sau này, chúng ta sẽ sản xuất bằng ba giống đã được chọn. Mặc dù có thể cùng dùng một giống lúa, thương hiệu gạo của mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau, như Thái Lan đã và đang làm;

Hai là tổ chức huấn luyện một số doanh nghiệp có thật tâm thương mại gạo Việt Nam có thương hiệu, rồi chọn doanh nghiệp có khả năng cao nhất về quản lý thương hiệu, cơ sở vật chất có nhà máy chế biến gạo được trang bị hiện đại, và có tổ chức vùng nguyên liệu;

Ba là cho mỗi doanh nghiệp được chọn đứng ra cùng địa phương tổ chức lại nông dân trong vùng thích hợp để làm vùng nguyên liệu lớn. Tất cả nông dân tham gia sẽ được đào tạo theo qui trình GAP sản xuất lúa nguyên liệu an toàn vệ sinh thực phẩm; có thể theo phương pháp hữu cơ, phương pháp đặc biệt (như gạo mầm dành cho người bị tiểu đường);

Bốn là doanh nghiệp lo đăng ký thương hiệu mỗi loại gạo của mình;

Năm là xúc tiến thương mại các loại gạo có thương hiệu ra khắp thị trường nội địa và quốc tế qua các siêu thị, quảng cáo trên báo đài, tham dự các hội chợ quốc tế.

Nếu thực hiện theo lộ trình đơn giản hóa trên đây, chắc chắn Việt Nam sẽ có gạo có thương hiệu để xuất từ năm 2020.

Mục tiêu Đề án phát triển thương hiệu lúa gạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2030 theo Quyết định 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ:
Mục tiêu chung:

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

a) Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam gắn với lịch sử, văn hóa, truyền thống, chất lượng sản phẩm và lợi thế của Việt Nam. Hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu thông qua một chương trình dài hạn, đồng bộ, kết hợp với quảng bá du lịch, ẩm thực, văn hóa nông nghiệp, đất nước và con người Việt Nam;

b) Thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia;

c) Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo vùng, địa phương tại những vùng, địa phương có năng lực sản xuất gạo quy mô lớn, có chất lượng phù hợp yêu cầu của thị trường tiêu thụ và được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định;

d) Các doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm gạo được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định;

đ) Tổ chức sản xuất, chế biến và phân phối các sản phẩm gạo trắng, gạo thơm và đặc sản, đến năm 2020 đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tầm nhìn đến năm 2030:

Xây dựng được các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2030, đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

————-

*Giáo sư, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xây dựng Thương hiệu Nông Thủy sản, Saigon Times Group

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)