Xếp hạng tạp chí và tính điểm bài báo – Một giải pháp nâng cao chất lượng công bố

PGS.TS Nguyễn Ngọc Châu (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) đề xuất cách xếp hạng tạp chí và tính điểm đối với các công bố quốc tế cũng như trong nước như một biện pháp ngăn ngừa xu hướng công bố trên các tạp chí ISI thuộc tốp dưới.

Mô hình NAFOSTED: Thành công  bước đầu và một số bất cập

NAFOSTED đã vận hành được bảy năm, một chặng thời gian đủ để đánh giá những gì làm được và những gì còn chưa phù hợp, cần cải tiến trên con đường hội nhập quốc tế. Có thể khẳng định những thành tựu mang tính đột phá do mô hình quản lý mới mang lại như: i) Số lượng công bố quốc tế trên tạp chí ISI tăng nhanh chóng, mỗi năm 15-20%; ii) Hiệu quả đầu tư (số kinh phí / số sản phẩm KH&CN là bài báo công bố quốc tế) cũng tăng nhanh; và iii) Điều quan trọng nhất: niềm tin của nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học trẻ, vào mô hình quản lý mới mang lại sự công bằng, minh bạch trong việc đánh giá xét đầu vào và ra của đề tài tạo điều kiện cho nhiều nhà khoa học trẻ tham gia; iv) Từ lĩnh vực khoa học tự nhiên, qua một số năm thử nghiệm, đến nay khoa học xã hội và nhân văn cũng đã bắt đầu áp dụng công bố quốc tế để xét tài trợ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu căn bản, cũng đã xuất hiện vấn đề nổi cộm là số lượng bài báo công bố trên các tạp chí ISI tốp dưới có xu hướng tăng lên và chiếm tỷ lệ không nhỏ. Phần lớn tạp chí ISI uy tín thấp xuất bản ở khu vực Á – Phi, nơi có mặt bằng KH&CN còn khá thấp so với khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ. Những tạp chí này thường có IF thấp, nhiều tạp chí nặng về kinh doanh khi yêu cầu nộp tiền để được công bố, hoặc một số tạp chí công bố online với open access, v.v. cũng tỏ ra khá dễ dãi khi công bố. Thật vô lý khi Quỹ mất tiền tài trợ cho các công bố để mang về các sản phẩm chất lượng thấp.

Việc công bố trên tạp chí ISI chất lượng thấp gây ra khá nhiều hệ lụy: nhiều nhà khoa học thực dụng, chạy theo số lượng mà hạ thấp chất lượng công bố; nhiều nhóm nghiên cứu mạnh xé lẻ thành các nhóm nhỏ để xin đề tài, nâng cao thu nhập. Do đó mặt bằng KH&CN quốc gia, nhất là trong nghiên cứu cơ bản có nguy cơ biến dạng, khó vươn lên trình độ quốc tế và khu vực mà có xu hướng yên vị với tốp dưới trong KH&CN – cũng có thể gọi là “ngưỡng trung bình” trong KH&CN.  

Nhu cầu nâng cao chất lượng công bố quốc tế

Nhằm từng bước nâng cao chất lượng công bố quốc tế bằng cách giảm danh mục tạp chí xếp hạng chất lượng tốp dưới Q3/Q4 theo Scopus Journal Ranking (SJR), vừa qua NAFOSTED đã xây dựng danh mục ISI của NAFOSTED trên cơ sở loại bỏ khoảng 15% số tạp chí ISI uy tín thấp và thường không ổn định (năm có năm không trong danh sách SCIE), số này thuộc tốp dưới (chất lượng Q4 và có thể một phần Q3). Như vậy, để giảm số công bố ISI uy tín thấp, đòi hỏi nhà khoa học phải tìm hiểu, lựa chọn tạp chí công bố nằm trong danh sách ISI của Quỹ, đồng thời các Hội đồng của Quỹ cũng cần đầu tư thời gian trong việc thẩm định, đánh giá tuyển chọn (đầu vào) và nghiệm thu (đầu ra) cho các đề tài do Quỹ tài trợ.

Ngoài danh mục tạp chí quốc tế ISI, lần này Quỹ cũng đề xuất danh mục tạp chí trong nước. Đây là việc làm tốt bởi lẽ không ít ý kiến từ cộng đồng khoa học, nhất là các nhà khoa học lớn tuổi, lo ngại vì quá chú trọng đến công bố quốc tế mà không quan tâm xây dựng để các tạp chí trong nước từng bước vươn lên đẳng cấp quốc tế. Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng công bố quốc tế ISI, Quỹ cũng cần có chính sách khuyến khích công bố trên tạp chí trong nước, đặc biệt một số tạp chí quốc gia xuất bản tiếng Anh được Scopus công nhận, các tạp chí quốc gia của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đang được đầu tư để quốc tế hóa theo mô hình Scopus và tiến tới ISI.

Việc công bố trên tạp chí ISI chất lượng thấp gây ra khá nhiều hệ lụy: nhiều nhà khoa học thực dụng, chạy theo số lượng mà hạ thấp chất lượng công bố; nhiều nhóm nghiên cứu mạnh xé lẻ thành các nhóm nhỏ để xin đề tài, nâng cao thu nhập. Do đó mặt bằng KH&CN quốc gia, nhất là trong nghiên cứu cơ bản có nguy cơ biến dạng, khó vươn lên trình độ quốc tế và khu vực mà có xu hướng yên vị với tốp dưới trong KH&CN – cũng có thể gọi là “ngưỡng trung bình” trong KH&CN.

Tuy nhiên, danh mục tạp chí trong nước do Quỹ đưa ra còn khá nhiều bất cập do áp dụng cách xếp hạng tạp chí và tính điểm bài báo của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN). Cần biết rằng, việc xếp hạng và tính điểm bài báo của HĐCDGSNN là do các Hội đồng giáo sư ngành (HĐGSN), liên ngành xác định nên rất khác nhau. Ví dụ, cùng một công bố trên tạp chí Sinh học chẳng hạn, bên HĐGSN Sinh học tính từ 0-1 điểm nhưng HĐGSN Nông nghiệp tính 0-0,5 điểm. Ngược lại, cùng tạp chí Bảo vệ thực vật bên HĐGSN Nông nghiệp tính cao, bên HĐGSN Sinh học tính thấp. Liên quan đến lĩnh vực Sinh học Nông nghiệp và Sinh học Y dược, bên HĐGSN Nông nghiệp có sáu hội đồng ngành và liên ngành khác nhau, mỗi hội đồng ngành, liên ngành có danh sách xếp hạng tạp chí khác nhau. Vì vậy, NAFOSTED không thể và không nên áp dụng cách phân loại tạp chí và tính điểm của HĐCDGSNN mà nên xây dựng danh mục xếp hạng tạp chí trong nước thống nhất, dựa trên bốn tiêu chí sau: i) Cơ quan chủ quản (có chức năng và thẩm quyền về KH&CN), ii) Mức độ quốc tế hóa của tạp chí (yêu cầu tác giả nộp bài cần tuân thủ theo tiêu chí quốc tế); iii) Tỷ lệ thành phần chuyên gia quốc tế trong Hội đồng biên tập; iv) Uy tín của tạp chí (tổng số số bài nộp / số bài chấp nhận). 

Xếp hạng tạp chí và tính điểm bài báo là yêu cầu khách quan 

Xếp hạng tạp chí và tính điểm đối với các công bố quốc tế: Mục đích xếp hạng tạp chí là để khuyến khích công bố trên các tạp chí ISI có uy tín và hạn chế công bố trên tạp chí quốc tế tốp dưới (ít uy tín). Không thể đánh đồng một bài báo trên tạp chí ISI có uy tín (IF cao) với một bài ISI uy tín thấp (IF thấp), vì vậy cần có thang bậc cho điểm khác nhau đối với các tạp chí quốc tế và trong nước, cụ thể:

a/ Bài báo công bố trên tạp chí ISI uy tín có IF từ 5 – 10 được tính 5 điểm, IF > 10 được tính 10 điểm;

b/ Đối với bài báo công bố trong danh sách tạp chí ISI do NAFOSTED chọn có IF < 5 được tính 3 điểm;

c/ Bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế khác tính 1,5 điểm.

Xếp hạng tạp chí và tính điểm đối với các công bố trong nước: Dựa theo các tiêu chí trên có thể xếp hạng và tính điểm các bài báo công bố trong nước theo ba danh mục sau:

a/ Danh mục tạp chí được Scopus công nhận: gồm APJCEN và ba tạp chí quốc gia do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam xuất bản (Vietnam Journal of Mathematics, Acta Mathematica Vietnamica Advances in Natural Sciences) tính 1,5 điểm. b/ Danh mục tạp chí quốc gia (bao gồm chín tạp chí còn lại của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và hai tạp chí của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP HCM (Tạp chí Khoa học/Journal of Science và Tạp chí Phát triển KH&CN/Development of Sciuence and Technology) tính 1 điểm. c/ Danh mục các tạp chí trong nước khác (do các viện, trường đại học, hội xuất bản) tính 0,5 điểm.  

Ý nghĩa của việc xếp hạng tạp chí và tính điểm

Việc xếp hạng tạp chí và tính điểm các tạp chí quốc tế và trong nước không những có giá trị khuyến khích các nhà khoa học có trình độ và tâm huyết vươn tới những tầm cao bằng việc công bố trên các tạp chí có uy tín. Thực chất, đây cũng là cơ sở chỉ dẫn để các Hội đồng khoa học ngành khi xem xét đánh giá nghiệm thu đề tài có thêm phương tiện đưa ra quyết định phù hợp trong một số trường hợp, Ví dụ, i) một đề tài đăng ký hai công bố ISI, nhưng kết quả chỉ có một bài báo công bố trên tạp chí có IF cao ≥ 5 khi đó có thể tính như hai bài có IF thấp hơn hay ii) một đề tài đăng ký ba bài ISI nhưng khi nghiệm thu chỉ có hai bài ISI và ba bài công bố ở tạp chí quốc gia, có số điểm qui đổi ngang một bài ISI, lúc đó hội đồng có thể đánh giá đạt; iii) việc cho điểm các công bố cũng có thể được sử dụng để xét các đề tài thuộc diện khen thưởng.

Cần lưu ý rằng, hiện nay NAFOSTED đã có những bước đi hội nhập quốc tế khá sâu rộng trong việc áp dụng nhiều tiêu chí quốc tế để đánh giá xét duyệt đề tài. Cách làm này đã được đông đảo cộng đồng khoa học trong và ngoài nước hoan nghênh. Vừa qua một số nhà khoa học tâm huyết cũng đã kiến nghị đến HĐCDGSNN về cải tiến thủ tục thẩm định hồ sơ chức danh GS, PGS theo mô hình online của NAFOSTED để giảm thiểu thủ tục và công sức của cả ứng viên và các HĐCDGS. Đề nghị đã được Tổng thư ký HĐCDGSNN Trần Văn Nhung hoan nghênh và đệ trình HĐCDGSNN xem xét.

Như vậy, trên con đường hội nhập và phát triển của mình, NAFOSTED cần hoàn thiện và khẳng định cách đi đúng trên cơ sở tôn trọng các tiêu chí quốc tế cũng như cần tránh bị chi phối bởi những cách làm “không giống ai”, xa rời những tiêu chí quốc tế nhưng lại đang khá phổ biến trong hoạt động KH&CN ở Việt Nam.

Không ít ý kiến từ cộng đồng khoa học, nhất là các nhà khoa học lớn tuổi, lo ngại vì quá chú trọng đến công bố quốc tế mà không quan tâm xây dựng để các tạp chí trong nước từng bước vươn lên đẳng cấp quốc tế. Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng công bố quốc tế ISI, Quỹ cũng cần có chính sách khuyến khích công bố trên tạp chí trong nước, đặc biệt một số tạp chí quốc gia xuất bản tiếng Anh được Scopus công nhận, các tạp chí quốc gia của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đang được đầu tư để quốc tế hóa theo mô hình Scopus và tiến tới ISI.

 

 

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)