Xét xử các nhà khoa học Ý: Sai lầm ở đâu?
Sáu nhà khoa học hàng đầu và một quan chức chính phủ Ý sẽ bị xét xử vào tuần tới sau những cáo buộc phạm tội ngộ sát do không dự báo chính xác về trận động đất khiến 309 người thiệt mạng tại Ý năm 2009.
Một bức thư ngỏ gửi đến tổng thống Ý, Giorgio Napolitano, được ký bởi hơn 5.000 thành viên của cộng đồng khoa học trong đó quan ngại về việc các nhà khoa học kể trên sẽ phải đối mặt với lời cáo buộc vì đã thất bại trong việc cảnh báo động đất trong khi trong thực tế, việc dự báo thời gian, địa điểm cũng như cường độ chính xác của trận động đất trong một thời gian ngắn là điều không thể.
Vụ việc trên không chỉ gây xôn xao trên khắp nước Ý mà còn lan ra phạm vi toàn cầu. Hiệp Hội Địa Lý & Vật Lý Hoa Kỳ và Hiệp hội Mỹ vì sự Phát triển Khoa học (AAAS) đã lên tiếng bảo vệ bị cáo. Trong một bức thư gửi đến Tổng thống Napolitano, AAAS đã lên án hành động buộc tội các nhà khoa học là “không công bằng và thiếu khách quan”. Đến cuối tháng năm, thẩm phán người Ý – Giuseppe Gargarella đã đưa ra phán quyết tại một phiên điều trần sơ bộ, và theo đó, các nhà khoa học sẽ phải ra hầu tòa vào tháng chín này. Francesco Petrelli, luật sư biện hộ của Franco Barberi đã nói với báo giới về thái độ của thân chủ mình trước phán quyết trên như sau: “Ông ấy không những choáng váng, mà còn rất đau khổ và buồn bã”.
Tuy nhiên, quan điểm từ phía người dân và giới chức L’Aquila, nơi xảy ra động đất, lại hoàn toàn khác. Các công tố viên và gia đình các nạn nhân cho rằng: cuộc xét xử không hề liên quan đến khả năng dự báo các trận động đất, mà chỉ liên quan đến sự thật là các chuyên viên khoa học trong ban cố vấn do chính phủ bổ nhiệm đã không đánh giá đầy đủ các nguy cơ và tuyên truyền một cách đúng mức đến người dân địa phương. Một bản cáo trạng dài 224 trang của công tố viên Fabio Picuti đã chỉ ra: các thành viên trong Ủy ban dự báo quốc gia – những người đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại L’Aquila một tuần trước khi trận động đất xảy ra – đã không cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác, và nhất quán với công chúng. Picuti cho rằng trong bối cảnh dân chúng bất ổn vì những chấn động ở mức thấp đã xảy ra liên tục trong nhiều tháng, Ủy ban dự báo quốc gia chỉ quan tâm nhiều đến việc trấn an tâm lý người dân hơn là đưa ra những lời khuyên rõ ràng nhằm chuẩn bị đối phó với những trận động đất có thể xảy ra.
Picuti nói “Với tư cách là những viên chức của bang, họ phải có trách nhiệm trước pháp luật về việc đánh giá và phân tích các rủi ro động đất tại L’Aquila”. Picuti cho rằng một trong những điều bắt buộc của việc đánh giá rủi ro là tính tới mật độ dân cư thành thị và tính thiếu bền vững của các tòa nhà cổ tại trung tâm thành phố. “Họ có nghĩa vụ phải đánh giá mức độ rủi ro căn cứ trên tất cả những yếu tố này”, ông nói, “nhưng họ đã không làm thế”.
Cho đến nay, mọi việc vẫn chưa có kết luận chính thức, nhưng nếu bị buộc tội trước tòa án, các nhà khoa học này có thể sẽ đối mặt với bản án 12 năm tù giam.