Đón đọc Tia Sáng số 12 tháng 6/2022
Mỗi một số báo mới như một món quà mà những người làm Tia Sáng gói ghém và đặt vào đó rất nhiều tâm huyết, tình cảm để gửi tới bạn đọc trong và ngoài nước. Trong quá trình chuẩn bị nội dung, chúng tôi không ngừng tự hỏi “liệu bạn đọc có háo hức với số báo mới”?
Tại sao lại không háo hức mong chờ nhỉ, khi số Tia Sáng mới tràn ngập những nội dung mà hiếm khi có ở những nơi khác bởi nó xuất phát từ lăng kính khoa học sắc sảo và thấu đáo.
Chính vì vậy, có những vấn đề được bàn luận rất nhiều trong rất nhiều hội thảo hoặc nhân lúc “trà dư tửu hậu” nhưng khi đặt vào Tia Sáng, bao giờ cũng bật lên những điều mới. Ví dụ trong quá trình phát triển báo chí Việt Nam hiện nay, sự cạnh tranh thông tin với mạng xã hội, xu hướng chuyển đổi số có hẳn là nút thắt hay lối mở cho báo chí? Có rất nhiều câu hỏi đặt ra với sự tồn tại của nhiều tờ báo, khi phải đối mặt với nhiều thách thức nội tại lẫn những chuyển động phức tạp của thị trường báo chí quốc tế? Trong “Ngành kinh doanh báo chí Việt Nam: Những câu hỏi cốt lõi về chính sách” (Nguyễn Quang Đồng), người ta nhận thấy điều nằm sau những ngôn từ thời thượng vẫn được nhắc đến một cách rầm rộ như “chuyển đổi số”, “báo chí số”, “kinh tế báo chí”… “Không phủ nhận công nghệ mang đến những lợi thế to lớn, và các tòa soạn không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số báo chí. Nhưng theo người viết, chuyển đổi số chỉ là điều kiện cần; trước đó, báo chí cần có điều kiện đủ đã. Điều kiện đủ đó là chất lượng nội dung – tức content hay. Muốn người đọc bỏ tiền ra ‘đăng ký’ đọc báo trước hết nội dung phải đủ hấp dẫn”. Mặt khác, “để ngành kinh doanh báo chí ở Việt Nam có thể khởi sắc và phát triển, các nỗ lực, cả ở cấp độ chính sách và quản lý, lẫn ở cấp độ đổi mới ở từng tòa soạn cần đi xa hơn thế rất nhiều”.
Việc phân tích chủ đề “báo chí số”, “kinh tế báo chí” để bật ra bản chất của vấn đề cho chúng ta thấy, nếu bình tĩnh nhận định một cách thấu đáo, vấn đề đã khác rất nhiều so với những thông tin mà chúng ta vẫn được tiếp nhận.
Khi rọi cái nhìn khoa học như vậy lên những vấn đề khác, chúng ta cũng sẽ đón nhận những thông điệp hoàn toàn mới. Đó là những con côn trùng nhỏ bé, những loài sinh vật mắt thường hiếm khi phát hiện ra, lại nắm giữ trong tay những sức mạnh bí ẩn, và hơn hết là một vẻ đẹp khác biệt mà chúng ta thường lơ đãng bỏ qua. Irina Semenyuk, một tiến sĩ chuyên ngành động vật không xương sống, người từ năm 2014 đã chọn Vườn quốc gia Cát Tiên làm nhà, bằng một tình yêu kỳ lạ dành cho các loài sinh vật nhiệt đới đã phát hiện ra những thế giới kỳ ảo dưới tán rừng. Ở đó, mỗi loài vật gợi cho không ít người trong số chúng ta sự sợ hãi khó cắt nghĩa lại hiện lên với vẻ đẹp vừa chân thực, vừa cuốn hút. “Nhưng nếu lật mở những trang sách của Irina, những người dù vốn có định kiến với những sinh vật nhỏ bé này, cũng cảm thấy cuốn hút. Hàng trăm côn trùng, nhện, động vật chân khớp hiện lên không chỉ tỉ mỉ và chi tiết đến ‘từng cái cựa, từng cọng lông’ mà còn lộng lẫy và rực rỡ, ‘đẹp sững sờ’”. Theo cách đó, “Irina lạc vào xứ sở diệu kì” (Hảo Linh) không chỉ tái hiện hành trình thú vị tìm hiểu rừng Nam Cát Tiên của Irina mà còn khiến chúng ta suy nghĩ lại về cái nhìn của mình với thế giới côn trùng.
Những con côn trùng vẫn tồn tại trong thế giới này nhưng không nhiều người biết rằng đời sống của chúng ta phụ thuộc vào các hoạt động của chúng, và hơn nữa, côn trùng khiến cho thế giới của chúng ta trở nên thú vị hơn. Từng khía cạnh của văn hóa loài người, theo một cách nào đó, đã chịu ảnh hưởng từ ‘những người hàng xóm’ côn trùng vô cùng đa dạng và phong phú. “Côn trùng trong thế giới nghệ thuật” sẽ mở cho chúng ta một cái nhìn mới vào thế giới côn trùng và mặt khác cả những câu hỏi sâu sắc hơn về chính mình “Tự nhiên và văn hóa luôn đi cùng nhau. Thế giới tự nhiên không chỉ là nơi chốn mà chúng ta cư ngụ mà còn là không gian cho phép chúng ta tư duy thông qua câu hỏi về ý nghĩa của việc làm người”…
Những điều cuốn hút trong số báo mới của Tia Sáng, dĩ nhiên, không chỉ ở những nội dung này. Còn biết bao nhiêu vấn đề, có thể gần gũi hoặc cũng có thể còn nhiều điểm mới mẻ lạ lùng, cũng có mặt, để chúng ta có thể vừa đón nhận được thông tin mới, có được những hiểu biết mới, lại vừa có thể lật lại những vấn đề tưởng cũ nhưng vẫn bật ra thông tin mới, sâu sắc: “Giáo dục đại học và nghiên cứu cơ bản nhằm tạo ra tri thức mới: Mô hình Trung Quốc” (Pierre Darriulat); “Công bố quốc tế: Để thoát bẫy trung bình ?” (Thu Quỳnh); “Tiền mã hóa: Bài toán chống tiêu tiền hai lần?” (Neal Koblitz); “Các hợp chất tự nhiên từ động vật: Phát hiện mở đường” (Nguyễn Trịnh Đôn – Đặng Thị Thu Thủy); “Thạch Chính Lệ và nguồn gốc COVID-19” (Kỳ 4) (Phạm Vĩnh Anh dịch); “Quyền riêng tư: Một phả hệ tư tưởng” (Kỳ 1) (Huỳnh Thiên Tứ); “Nữ quyền loại trừ chuyển giới: Một phong trào nguy hiểm” (Nguyễn Bình); “Những cây cầu: Một phần của lịch sử văn minh” (Anh Vũ); “Họa sĩ Lê Thiết Cương: Thấy mình trong Kiều và thấy Kiều trong mình” (Anh Thư); “Radu Lupu, Người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo” (Ngọc Tú tổng hợp)