Đón đọc Tia Sáng số 12 tháng 6/2023
Khi chúng tôi chuẩn bị cho số báo mới này của Tia Sáng, Việt Nam đang phải nếm trải qua những đợt cắt điện bởi nhu cầu điện năng tăng đột ngột trong nắng nóng cực điểm và chúng ta không có nguồn điện dự phòng, trong khi các nhà máy thủy điện không còn dồi dào nguồn nước.
Đó là lý do vì sao ở số báo này, Tia Sáng tập trung vào biến đổi khí hậu, những thách thức đặt ra với Việt Nam và hơn nữa, ứng xử của chúng ta trong bối cảnh mới.
Đây không phải là một chủ đề mới nhưng ở lần trở lại với chủ đề này, Tia Sáng muốn nhấn mạnh hơn vào thái độ ứng xử trước những vấn đề môi trường. Trong “Việt Nam đối mặt với biến đổi khí hậu: Những thách thức”, GS Pierre Darriulat lưu ý chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề rộng hơn trước đây “ngay cả những thay đổi nhỏ về khí hậu cũng mang lại tác động quan trọng về mặt kinh tế xã hội. Chúng bao gồm các vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như tỷ lệ tử vong gia tăng, một số bệnh truyền nhiễm lan rộng; vấn đề về thu nhập của các hộ gia đình, đặc biệt là sự gia tăng bất bình đẳng đang đặt các hộ gia đình có thu nhập thấp vào thế bất lợi; vấn đề về năng lượng, chẳng hạn như tác động của tình trạng biến đổi lượng mưa đến việc sản xuất thủy điện”.
Giờ đây, chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo hơn, không chỉ chăm chăm nhìn vào biểu hiện bên ngoài để đi ngay đến kết luận mà chưa chắc đã phản ánh đúng bản chất của nó. Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng, và mặt khác là chuyển đổi số, sẽ rất cần đến năng lượng. Nhưng việc đi theo một hướng đi không tính đến bối cảnh Việt Nam có thể dẫn đến hệ lụy chúng ta không lường trước được. “Ví dụ, nỗ lực thúc đẩy sử dụng ô tô điện đang gây gia tăng, thay vì giúp giảm thiểu, lượng khí thải carbon và mức độ ô nhiễm không khí trên quy mô quốc gia. Lượng điện năng cần thiết cho hoạt động của chúng chủ yếu do các nhà máy nhiệt điện cung cấp. Vì vậy nên giới hạn mức độ sử dụng ô tô điện trong các thành phố nơi có chất lượng không khí kém, và tốt nhất là tập trung phát triển giao thông công cộng”.
Rõ ràng, việc giải quyết những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu phụ thuộc rất nhiều vào quyết định và sự lựa chọn của chính chúng ta. Tuy nhiên chúng ta đã thực sự làm được nhiều? đã đạt được những kết quả khả quan? Có lẽ, đây là một câu chuyện dài và có thể trở đi trở lại trong nhiều số báo khác. Trong số báo này, Tia Sáng muốn tập trung vào những rạn san hô, không phải với tư cách là những viên ngọc lộng lẫy trong lòng biển khơi thu hút khách du lịch mà là những nơi thắp lên nguồn sống cho đại dương: dù chỉ chiếm 1% trong đại dương nhưng chúng là mái nhà của ¼ loài ở đại dương. Thật đáng buồn là ở Việt Nam, đặc biệt là Nha Trang, chuyện buồn đã đến với các rạn san hô. “Thế giằng co trong bảo vệ san hô” (Thu Quỳnh) vẽ ra cho chúng ta một thực trạng về san hô ở thành phố du lịch này: kho báu trời cho này đang bị suy giảm nặng nề đến mức không thể phục hồi. Nha Trang không phải nơi duy nhất mất mát rạn san hô, ngay sát đó là rạn san hô ở Núi Chúa, Ninh Hải, Ninh Thuận cũng có mức suy giảm ở các điểm đo lên tới 90%”.
Cuộc giằng co giữa phát triển kinh tế và bảo tồn san hô trong 20 năm ở Nha Trang khiến người ta lo ngại đến số phận của san hô ở những nơi khác, đặc biệt là Côn Đảo. “Lực lượng bảo tồn ở Côn Đảo vẫn đang nỗ lực gìn giữ rạn. Nhưng rõ ràng, nhìn vào bài học của các vùng khác thì có thể thấy áp lực sẽ còn gia tăng. Chúng ta giữ được rạn san hô Côn Đảo đến đâu trước khi quá muộn trước đòi hỏi phát triển kinh tế?”.
Câu chuyện của biến đổi khí hậu, của san hô ở Việt Nam hay thế giới với viễn cảnh “Một thế giới không còn san hô” (Anh Thư) cho chúng ta thấy có quá nhiều vấn đề đặt ra mà chúng ta cần phải giải quyết một cách rốt ráo nhưng đúng như GS Pierre Darriulat thì “việc thực hiện các biện pháp đúng đắn đòi hỏi năng lực và khả năng phân tích chính xác về đặc thù của Việt Nam”.
Tất cả khiến chúng ta cần phải suy ngẫm nhiều hơn, khi trở lại với những vấn đề đang mơ hồ bủa vây “10 vấn đề đạo đức của AI” (Nguyễn Quang – Hảo Linh lược thuật), “Mối nguy của AI: Đã tệ còn tệ hơn” (Neal Kobblizt). Chúng ta sẽ phải hành động ra sao, trong bối cảnh này? Cuộc sống này rồi sẽ ra sao?
Trong lúc còn ngổn ngang những câu chuyện mà chỉ cần nghĩ đến đã cảm thấy ảm đạm thì một tia sáng, dù mỏng manh cũng làm chúng ta thấy cuộc đời này tươi sáng hơn – “Paul Dirac: Sự nhân bản của tình yêu” (Tô Vân tổng hợp); “Chuyện thần tiên lâu đời hơn bạn nghĩ” (Bội Linh tổng hợp); “Sử thi La Mã: Việt Nam có thể tiếp nhận?” (Nguyễn Bình); “Tạm biệt nhé, lũ nhóc” (Hiền Trang); “Kawabata và bút pháp đẹp” (kỳ 2) (Nguyễn Vũ Hiệp); “Bên trong vỏ kén vàng: Phim chậm, ta đọng” (Vũ Ánh Dương); “Những khát vọng biểu đạt trong không gian” (Phạm Trần Lê); “Đại sứ nghệ thuật Evgeny Svetlanov” (Ngọc Tú).
Và vì vậy, chúng ta cần đọc Tia Sáng mỗi ngày.
BBT
————————————–
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh