Đón đọc Tia Sáng số 13 tháng 7/2024

Với mỗi số báo, chúng tôi cố gắng mang tới cho bạn đọc một góc nhìn về một vài vấn đề nào đó của quá khứ - hiện tại – tương lai.

Không có vấn đề nào ngẫu nhiên được sinh ra, đằng sau nó là rất nhiều cơ chế khác nhau, rất nhiều nguyên nhân – hệ quả được đan cài với nhau theo một cách thức nào đó mà nhất thời chúng ta không hiểu được.

Một trong những vấn đề mà Tia Sáng trao đổi với bạn đọc là dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong giai đoạn chuyển đổi sang xã hội số, các công nghệ số đem lại cho chúng ta quá nhiều tiện ích, ví dụ chúng ta có thể làm việc từ xa, chỉ cần ngồi ở nhà gõ máy tính lách tách là có thể thực hiện các lệnh chuyển tiền, đăng ký các dịch vụ công ích… hoặc đơn giản là tán gẫu với bạn bè trên mạng xã hội… Tiện ích quá nên đôi khi chúng ta không hiểu rằng, dữ liệu của mình có thể trở thành “miếng mồi béo bở” cho rất nhiều “cá mập” tận dụng để hưởng lợi từ đó.

Đó là lý do PGS. Phan Dương Hiệu (Pháp) – một nhà nghiên cứu tập trung vào vào mật mã, đặc biệt là mã hóa công khai, chữ kí số, mã hóa phát sóng, mã hóa chức năng và hệ thống mật mã phân cấp – đã phân tích “Xác thực bằng dữ liệu sinh trắc học: Cần cẩn trọng trước những bước đi” và đặt vấn đề “Điều gì sẽ xảy ra khi những kho dữ liệu này bị tấn công, đường truyền, thiết bị đầu cuối bị đe dọa”? Theo phân tích của anh, về cơ bản, “Việc bảo mật dữ liệu là chuyện rất lớn và không dễ, những người làm công nghệ thông tin (IT) dù rất giỏi cũng không thể lường được mọi lỗ hổng”. Đồng thời, anh dẫn ra kinh nghiệm của Trung Quốc “Sau một thời gian thu thập dữ liệu tràn lan, họ đã hiểu sự nghiêm trọng khi để lộ dữ liệu cá nhân và đã có những điều luật rõ ràng để xử lý cực kỳ nghiêm khắc tất cả những đơn vị nào để lộ dữ liệu. Dữ liệu càng quan trọng, trách nhiệm càng cao”.

Trong vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, ThS Ngô Nguyễn Thảo Vy (ĐH Luật TPHCM) cho chúng ta thấy những phân tích sâu hơn “Mặc dù có những bước tiến đáng kể trong việc thiết lập các quy định liên quan, cách tiếp cận này đưa ra những thách thức mới trong quá trình tuân thủ và yêu cầu sự giám sát chặt chẽ, hiệu quả hơn… Với bối cảnh bảo mật dữ liệu cá nhân vẫn còn là vấn đề rất mới mẻ với số đông người dân Việt Nam, việc tập trung quá trình xử lý vào một cơ quan chuyên trách có khả năng gây nên sự chậm trễ, trong khi với loại vi phạm bảo mật dữ liệu, thời gian khắc phục rất quan trọng”.

Khi đọc “Quy định thông báo vi phạm dữ liệu cá nhân: Cảnh báo cú chạm của vua Midas”, chúng ta sẽ có thêm thông tin để hiểu những vật lộn hiện tại của EU, Mỹ và những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Từ một vấn đề của hiện tại liên quan đến tương lai của chính mình, chúng ta có thể mở rộng thêm những góc nhìn khác về những vấn đề sát sườn: biến đổi khí hậu với bệnh dịch, sinh kế và di cư. Khi đọc qua cụm bài “Biến đổi khí hậu và dịch bệnh: Vượt thoát một chu trình rủi ro”, “Cái giá khủng khiếp của biến đổi khí hậu”, “Lũ lụt, sạt lở – lực đẩy di cư?”, có thể chúng ta phần nào mường tượng được một phần tác động của biến đổi khí hậu với từng con người, từng gia đình, không chỉ là thiệt hại người, tài sản mà còn là phải mở ví nhiều hơn do mất mát năng suất lao động, tăng bất bình đẳng thu nhập, tăng tiêu thụ điện, tăng chi phí sức khỏe… và hơn nữa, buộc con người ta phải rời quê hương bản quán, tìm tới vùng đất mới với hi vọng kiếm kế sinh nhai…

Ngoài ra, số báo này của Tia Sáng còn có nhiều bài thú vị khác: “Tuân thủ EUDR: Đâu là cơ hội tốt? (Trịnh Thục Hiền – Trương Văn Vinh); “Terrence Tao: AI trở thành ‘bạn đồng hành’ của các nhà toán học” (Tuệ Tâm lược dịch); “‘Sinh thái học queer’ và một cách chung sống khác” (Nguyễn Vũ Hiệp); “Thầy đồng Đức: Phim tài liệu về một thế giới riêng cởi mở cho những người queer” (Đặng Hà); “Fanny Angelina Hesse – Người nội trợ làm thay đổi khoa học sự sống” (Cao Hồng Chiến lược dịch); “Âm nhạc thúc đẩy gắn kết xã hội?” (Tô Vân tổng hợp); “Biên giới nước mắm” (Lê Thiết Cương); “Bảy chuyện kể Gothic: Chuyện những người kể chuyện” (Hiền Trang); “Serge Koussevitzky: Một biểu tượng của âm nhạc đương đại” (Duy Quang).

Vậy tương lai sẽ gì là gì? “Dự đoán là điều vô cùng khó khăn, đặc biệt là về tương lai”, Niels Bohr, bậc thầy lượng tử từng nói như vậy còn nhà triết học Friedrich Nietzsche thì bảo “Tương lai ảnh hưởng đến hiện tại cũng nhiều như quá khứ”. Chúng ta phải làm gì đây? Nhà thơ ngụ ngôn Pháp Jean de La Fontaine nháy mắt tinh quái “Người ta thường gặp phải số phận của chính mình trên đường trốn tránh”.

Để hiểu thêm về những gì diễn ra trong quá khứ – hiện tại – tương lai, chúng ta không thể bỏ qua Tia Sáng số này.

——————————————–

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)