Đón đọc Tia Sáng số 21 tháng 11/2022

Có lẽ, bên cạnh những niềm vui đón mùa mới, chúng ta có thêm một niềm vui nho nhỏ nữa: cầm lấy trong tay Tia Sáng số mới, tuy không hẳn dày dặn về số trang nhưng lại đầy ắp những thông tin đã được chọn lọc và đánh giá.

Vậy Tia Sáng số này có những nội dung gì đáng chú ý? Ắt hẳn ai đó sẽ hỏi câu đó, trước khi lơ đãng lật qua vài trang. Ồ, nội-dung-gì-cũng-thú-vị-và-đáng-đọc, bởi nó bao quát rất nhiều vấn đề của xã hội, của con người Việt Nam hiện tại và những vấn đề của quá khứ mà thông tin của nó không chỉ giúp ta suy ngẫm nhiều hơn và làm giàu tri thức của chúng ta hơn.

Câu chuyện về “Luật Đất đai đã công bằng với người nông dân” (giáo sư Trần Đức Viên) đặt ra một vấn đề mà hầu hết chúng ta đều chưa chạm tới: chính người nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhất trong chính sách đất đai của người nông dân. Nếu quyền sở hữu đất phi nông nghiệp (đất ở) được pháp luật chặt chẽ thì ngược lại, quyền của người nông dân với mảnh đất sinh kế lại không được như vậy. Do đó, người nông dân lẽ ra phải làm chủ theo tinh thần “người cày có ruộng” thì không có quyền định đoạt miếng đất họ được giao bởi quyền sở hữu thuộc về toàn dân. Từ góc độ của một người có công việc nghiên cứu và đào tạo gắn liền với nền nông nghiệp Việt Nam, giáo sư Trần Đức Viên phân tích những yêu cầu của việc hiện đại hóa ngành nông nghiệp và cho rằng, một trong những vấn đề cốt tử hiện nay là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại mà đất đai không vận hành theo quy luật thị trường thì đến một ngưỡng nào đó, nông nghiệp không thể tiếp tục phát triển được.

Không chỉ là đất đai, một vấn đề mà lâu nay chúng ta tưởng là nhỏ nhưng thực ra lại không nhỏ: hút thuốc lá. Chưa bao giờ, những cụm từ “tích tiểu thành đại”, “góp gió thành bão” … lại phù hợp với hành vi hút thuốc lá đến thế. Chúng ta không biết rõ điều đó, cho đến khi khoa học chỉ ra là tiền chi cho thuốc lá đã “lậm” vào các khoản chi khác của các hộ nghèo – những nơi vẫn tồn tại tình trạng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Đó là ước tính, các hộ gia đình nghèo đã tiêu tốn khoảng 160 triệu USD/năm  vào thuốc lá để rồi chuốc lấy các hệ lụy sức khỏe, thay vì đầu tư cho giáo dục hay lương thực.

Để chỉ ra những hệ lụy liên quan đến hút thuốc lá, từ cấp gia đình đến cấp quốc gia, trong “Ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam: Lợi bất cập hại”, các nhà nghiên cứu đã phải dày công phân tích số liệu và lọc đi nhiều biến nhiễu có thể làm sai lệch kết quả. Tuy nhiên nhờ vậy, chúng ta có bức tranh toàn cảnh và tin cậy về vai trò và tác động của ngành thuốc lá, từ cấp vi mô đến vĩ mô. “Tăng thuế thuốc lá: Một công cụ chính sách đặc biệt mang lại lợi ích kép” mở ra một giải pháp mà nếu áp dụng, ắt hẳn sẽ trở thành một phương thức phòng chống thuốc lá hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Tia Sáng, trong số báo này, không chỉ bàn đến những vấn đề sát sườn của xã hội hiện nay mà còn mở ra những chân trời mới, nơi mở rộng hơn nữa những hiểu biết của chúng ta. Trong “Cách ta tự nhìn nhận mình: Ảnh hưởng của khoa học thần kinh”, giáo sư Pierre Darriulat đã dẫn từ xu hướng của ngành khoa học sự sống qua 14 giải Nobel trong thập kỷ qua và đề cập đến những vấn đề sâu sắc về con người và cách nhìn về thế giới xung quanh, mối quan hệ giữa vật chất và ý thức. Những vấn đề này, dưới góc nhìn một nhà triết học của tự nhiên, hàm chứa rất nhiều kiến giải mà ngay một lúc chúng ta khó có thể lĩnh hội hết nhưng ngay lần đọc đầu tiên, tâm trí chúng ta có thể đọng lại những dòng “Làm sao sự thấu cảm, lòng can đảm và nhân ái mất đi vẻ đẹp khi được mô tả dưới những tương tác lý hóa giữa các neuron? Làm sao kiến giải về cách các neuron tương tác trong não bộ Beethoven có thể làm giảm sự vĩ đại và mê hoặc của những bản giao hưởng ông từng viết?”.

Có thể, đó là lý do chúng ta cần đọc “Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt: Khoảng giao thời giữa hai công nghệ Mỹ và Nga (Phạm Duy Hiển), “Proust giữa những cỗ máy), “Nobel Y học 2022 kỳ cuối: Tại sao loài người sống sót?”, “Bí mật của Vermeer”, “Thế giới đã mất của Stefan Sweig”, “Miyazaki Hayao: Nữ quyền trong khuôn khổ”, “Nhạc trưởng Bruno Walter – Không bao giờ là quá khứ”.

Và đó là lý do để chúng ta cần đến Tia Sáng mỗi ngày.

—————————————————

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)