Đón đọc Tia Sáng số 24 tháng 12/2022
Một năm đã đi qua các số báo, khép lại ở số 24 như một nốt nhạc huy hoàng và khơi gợi nhiều xúc cảm.
Vậy ở số báo cuối cùng của năm 2022 này, chúng ta sẽ đọc những gì? Tất cả những thông tin đó có ích cho chúng ta? Với câu hỏi này, lướt qua gần 60 trang báo, chúng ta có thể thấy một loạt những vấn đề mà mình cần hiểu một cách thấu đáo, hoặc chí ít là cần quan tâm, để tận dụng được những lợi thế mà công nghệ đem lại cho cuộc sống.
Trước hết, đó là câu chuyện của quyền riêng tư, của bảo vệ dữ liệu cá nhân và cách thức không rơi vào “bẫy” của những thuật toán thiên kiến.
Có lẽ, người ta cho rằng, vấn đề quyền riêng tư ở Việt Nam mới được đề cập đến nhiều trong thời gian gần đây, khi các giá trị văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam. Vậy người Việt thuở xa xưa không có khái niệm riêng tư? Khi “truy dấu cảm thức về quyền riêng tư của người Việt” (Huỳnh Thiên Tứ) qua trường hợp Chử Đồng Tử, chúng ta nhận ra rằng “sẽ thật sai lầm khi cho rằng người Việt Nam xưa không hề biết riêng tư là gì”. Tuy nhiên, cái khác biệt của quan điểm riêng tư của người phương Đông với phương Tây là ở chỗ “giá trị của ‘cái tôi’ luôn bị cho là cái gì xấu xí, lệch chuẩn, cần phải giấu đi chứ không phải là nhu cầu phản tư, tìm về một ‘cái tôi’ bản thể. Từ việc cảm nhận được sự riêng tư của con người phương Đông đến quyền riêng tư là một khoảng cách dài và cũng hoàn toàn khác biệt với phương Tây. “Các quyền của cá nhân trong văn hóa pháp luật Việt Nam xưa chỉ được thành tựu thông qua bổn phận pháp lý của người khác – ý tưởng mà Nguyễn Mạnh Tường đã bày tỏ trong luận án tiến sĩ lừng danh của ông”.
Giữa việc hiểu về ngọn nguồn của riêng tư và quyền riêng tư ở Việt Nam khiến cho chúng ta không khỏi cảm thấy ngậm ngùi về sự tồn tại của ‘cái tôi’ trong quá khứ. Càng hiểu về quá khứ, chúng ta càng cảm thấy những giá trị của quyền riêng tư ngày hôm nay, trong một xã hội hoàn toàn khác biệt, nơi những công cụ mà công nghệ mới đem lại, có thể đem lại cho chúng ta nhiều thuận lợi hơn, nhưng cũng có thể phiền toái hơn. Từ “Dữ liệu cá nhân khu vực công: Chế tài nào bảo vệ? (Tống Khánh Linh) nêu ra một vấn đề hiện hữu trong quá trình chuyển đổi số khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã hoàn thành với khoảng 99 triệu nhân khẩu, đạt trên 99%, 50,2 triệu hồ sơ căn cước công dân: đó là việc khai thác dữ liệu cho các dịch vụ công – tư. Hiện tại, ứng dụng VneID của Bộ CA là nơi tập trung hóa dữ liệu và tích hợp nhiều dịch vụ công – tư nên chỉ cần có tài khoản này là người dùng có thể thực hiện đa số các thủ tục thiết yếu trong đời sống hằng ngày như ví điện tử, thanh toán không tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… Việc khai thác dữ liệu như vậy, đem lại nhiều thuận lợi nhưng cũng cho thấy khả năng lọt dữ liệu cá nhân khi chưa thực sự rõ “dữ liệu nào của người dân được chia sẻ cho bên thứ ba và dữ liệu nào thì không, có thể chia sẻ trong những trường hợp nào, với các điều kiện cụ thể gì?”. Nó cũng đi kèm với một câu hỏi, đó là việc xử lí những trường hợp vi phạm dữ liệu cá nhân ra sao?
Vấn đề của con người cá nhân trong xã hội số không chỉ dừng ở đó, nó còn nằm ở việc các thuật toán được áp dụng cho cuộc sống hằng ngày. Bản thân việc xây dựng được thuật toán không quá khó, vấn đề ở chỗ các thuật toán này có thực sự đáp ứng các chuẩn mực đạo đức để đảm bảo sự công bằng và tránh thiên kiến hay không. “Tạo ra một AI công bằng và không thiên kiến: Tại sao cực kỳ khó” phân tích cho chúng ta thấy vì sao chúng ta phải quan tâm đến điều này. Chẳng mấy chốc mà xã hội chúng ta sẽ tràn ngập các thuật toán và điều nguy hiểm nhất là “một hệ thống AI là một hộp đen – ngay cả những người tạo ra nó đôi khi cũng không thể biết được nó đã đưa ra quyết định như thế nào”…
Trong số báo cuối cùng của năm 2022, chúng ta không chỉ suy ngẫm về quyền riêng tư, về bảo mật dữ liệu cá nhân mà còn có cơ hội để thấy được những vấn đề khác, không kém phần quan trọng: “Suy thoái 2023: Nếu xảy ra thì sao?” (Phạm Hoàng Văn); “Tiêm vaccine cúm gia cầm ở Việt Nam: Trước ngã ba đường” (Hảo Linh); “Đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp lớn: Một số mô hình và xu hướng năm 2023” (Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Tạ Hương Thảo); “Can thiệp y tế để được công nhận chuyển giới: Quyền tự quyết về cơ thể?” (Nguyễn Quốc Anh); “Sống sót trong thế giới của những Titan” (Tô Vân); “Feynman nghĩ về trí tưởng tượng trong khoa học và văn học” (Phạm Văn Thiều dịch); “Tro tàn rực rỡ: Sự trở lại rạng rỡ của điện ảnh độc lập” (Vũ Ánh Dương); “Trái bóng đại diện cho lòng tự hào dân tộc?” (Nguyễn Tuấn Linh); “Cesare Siepi: Một tượng đài Don Giovanni bất diệt” (Ngọc Tú).
Ban biên tập Tia Sáng
—————————————————–
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh