Đón đọc Tia Sáng số 4 tháng 2/2023

Được ê kíp Tia Sáng chuẩn bị giữa những “cơn bão” thông tin về ChatGPT trên các trang báo quốc tế và Việt Nam, số báo mới của Tia Sáng không thể không đề cập đến “quả táo bất hòa” này.

ChatGPT, một ứng dụng AI thế hệ mới, đang tạo ra những luồng dư luận khác nhau, hào hứng, phấn khích pha lẫn đôi chút lo ngại, hoang mang. Thế giới này sẽ ra sao, nếu những hệ AI thế hệ mới hội tụ đủ quyền năng từ thuật toán và dữ liệu chiếm thế thượng phong? Liệu công việc của chúng ta sẽ bị AI lấy mất? Liệu AI có thể sai khiến chúng ta? Chúng ta có thể thỏa thuận với AI về tương lai không?… Rất nhiều câu hỏi như vậy đã được đưa ra mà chưa thể có câu trả lời xác đáng. Thật ra, không có ai, ở thời điểm này, có thể trả lời giúp chúng ta câu hỏi này nhưng để tránh rơi vào trạng thái lạc quan thái quá hoặc sợ hãi thái quá, chúng ta cần nhìn vào bản chất của vấn đề.

Qua “ChatGPT hay mặt trái tấm huy chương”, nhà toán học Nguyễn Tiến Dũng, một nhà nghiên cứu đã có rất nhiều trải nghiệm riêng biệt với AI, cho chúng ta biết những thông tin chung về ChatGPT, một phần mềm trợ lý ảo ‘hỏi gì đáp đó’ với nguyên tắc sử dụng rất cơ bản bằng những thứ tiếng thông dụng, kể cả tiếng Việt. Bất chấp việc bị coi là ‘con vẹt” thì ChatGPT rất đáng gờm với khả năng học rất nhanh cac cấu trúc và thông tin mới. Tuy được xây dựng dựa trên những bước tiến đáng kể về công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, mạng thần kinh… song ChatGPT không phải không có điểm yếu, “chúng có thể đưa ra thông tin bịa đặt, những câu trả lời ‘tưởng như đúng rồi’ nhưng thực ra là nói nhảm”.

Nhưng ChatGPT thì có ảnh hưởng gì đến tương lai chúng ta? Có lẽ, nó sẽ không chỉ là việc mất đi một số ngành nghề hoặc xuất hiện những ngành nghề mới mà còn ẩn chứa một nguy cơ khác, đó là “nếu một quốc gia nào đó không kiểm soát được trợ lý ảo thì thậm chí lịch sử của quốc gia đó có thể bị kẻ khác viết lại thông qua các trợ lý ảo của họ được thế giới dùng”.

Câu chuyện về “AI tạo ra thông tin sai lệch” không phải là chuyện hiếm. Các chuyên gia quốc tế đã chỉ ra, đây có thể là công cụ tiếp tay cho những kẻ muốn truyền bá thông tin giả, sai lệch, gây kích động. Báo cáo của một tổ chức tư vấn địa chính trị nổi tiếng nhận xét, nó có thể “làm xói mòn lòng tin xã hội, trao quyền cho những kẻ mị dân và độc tài, đồng thời gây náo loạn hoạt động của các doanh nghiệp và thị trường.”

Nhìn vào “cuộc chiến” với AI, chúng ta hiểu rằng, để không trở thành thụ động trong một thế giới đã đổi khác, chúng ta không còn cách nào khác là phải rèn luyện, trang bị kiến thức và đặt niềm tin vào khoa học…

Vượt qua thử thách không phải là chuyện mới, đó là điều chúng ta từng nếm trải dưới nhiều dạng thức khác nhau. “Phạm Tuấn Huy và Giả thuyết Kahn Kalai” (Trần Vĩnh Linh) cho chúng ta thấy những vô số nhọc nhằn của một nhà toán học và những gì có thể giành được nếu đặt cả niềm say mê vào đó. “Trong Toán học, đôi khi chúng ta bắt gặp những điều kì diệu. Một bài toán rất phức tạp và có độ tổng quát hóa cao lại có thể có một lời giải tường minh hết sức gọn gàng. Chứng minh cho giả thuyết Kahn-Kalai của Phạm Tuấn Huy và người đồng nghiệp người Hàn Quốc Jinyoung Park là một điều kì diệu như vậy”.

Câu chuyện đặt cả trái tim của mình vào công việc, dù lớn hay nhỏ, cũng luôn làm lòng người xúc động. “Nhớ thầy Phạm Toàn, người không chịu dạy ‘ngữ văn’” (Lê Thời Tân) không chỉ hồi tưởng chân dung “người trí thức nhân dân” Phạm Toàn mà còn khơi gợi biết bao điều về dạy và học, không chỉ riêng môn ngữ văn. “Cốt lõi giáo dục tư duy và tình cảm nghệ thuật qua môn Văn là tạo ra những con người biết đồng cảm với ‘nỗi đau nhân tình’, là biết cách biểu đạt tình cảm mình một cách tinh tế cả bằng ‘lời văn’ lẫn không bằng lời văn”, lời nhắn nhủ của nhà giáo Phạm Toàn, người khởi xướng Nhóm Cánh Buồm, có lẽ sẽ khiến người ta phải dừng lại đôi chút sau khi đọc hết bài viết này, để có thể ngẫm nghĩ về việc cảm thụ cái đẹp của văn học cũng như cái cẩn trọng, cái tinh tế, thấu suốt… của người dạy và người soạn chương trình giáo dục.

Một số báo Tia Sáng bao giờ cũng có rất nhiều nội dung để chúng ta lĩnh hội và suy ngẫm: “Chiến lược AI bắt chước não học về mùi hương”, “VINAMIT – Phts triển hệ sinh thái nông nghiệp và dược liệu”, “Thần tài và sự ‘thay tên đổi họ’ tín ngưỡng”, “’Con đường thiên lý’ và lịch sử kết nối Anh – Việt thời cận đại”, “Ấn tượng khắc họa hiện thực: Nghệ thuật phản chiếu ô nhiễm”, “Mù quáng và tỉnh thức trong tình yêu”, “Boylove: Thấy gì ngoài tình yêu và tình dục”?, “Pinochio: Sự phức tạp đằng sau lời nói dối”, “Faust của Goethe qua cái nhìn của Belioz, Gounod va Boito”.

Vậy thì tại sao chúng ta không cầm

Tia Sáng trên tay và bắt đầu một cuộc khám phá của riêng mình?

———————————————

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)