118 nhà soạn nhạc giúp hoàn tất chùm tác phẩm viết cho organ của Bach

Bằng cú chạm của thế kỷ 21, một dự án mới sẽ hoàn tất “Orgelbüchlein” mà Bach lên kế hoạch nhưng chưa bao giờ hoàn thành.

Một trong những bí ẩn lớn nhất mà nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach để lại cho chúng ta là “Orgelbüchlein” (Little Organ Book), một bộ các bản prelude choral cho đàn organ (prelude choral là một dạng sáng tác ngắn dành cho đàn organ trên cơ sở giai điệu choral, một phong cách sáng tác chủ yếu của thời kỳ Baroque Đức và đạt đến đỉnh cao trong các tác phẩm của J.S. Bach). Ông đã đặt tên cho mỗi giai điệu trên đầu mỗi trang của tập bản thảo dày 164 trang, và bắt đầu hoàn thành được một khúc prelude choral như trong bức ảnh chụp bản thảo.

Từ tập bản thảo nguyên gốc, rõ ràng là Bach đã lên kế hoạch để sáng tác trọn vẹn bộ tác phẩm, có thể là dành cho các nghi lễ nhà thờ trong suốt năm. Nhưng với những nguyên nhân mà chỉ có Bach biết, ông mới hoàn thành được 46 khúc prelude. Như vậy còn hơn 100 trang vẫn chờ Bach.

Giờ đây một dự án kéo dài 15 năm được lập ra để kết thúc những gì Bach mới bắt đầu – từ quan điểm của thế kỷ 21. Nghệ sĩ organ William Whitehead đã dành hơn một thập kỷ cùng với các nhà soạn nhạc đương đại như John Rutter, Judith Bingham, Sir Stephen Hough, Sally Beamish, Louis Andriessen, Daniel Kidane, Roxanna Panufnik, Nico Muhly… để viết tiếp 118 trang. Họ đưa dự án vào tâm điểm thách thức các quan điểm bảo thủ : nếu Bach còn sống đến ngày nay, ông có thể viết một khúc prelude chorale trong Orgelbüchlein theo phong cách nào? Và để làm điều đó, có thể ông phải thực hiện một cuộc khảo sát đáng chú ý về các phong cách sáng tác của kỷ nguyên chúng ta, tạp chí âm nhạc cổ điển Gramophone bình luận như vậy. “Dự án này không là gì nếu không phải là kính vạn hoa”, William Whitehead nói. “Đó là dạng chiết trung in hoa”.

Dự án đang gần đến điểm kết thúc. Toàn bộ chùm tác phẩm mới được ra mắt tại Anh và Edition Peters sẽ sớm xuất bản toàn bộ các bản nhạc.

Trong khi các nghệ sĩ piano có “Bình quân luật” của Bach, các nghệ sĩ organ sẽ có “Orgelbüchlein”. Ngày nay là hòn đá tảng cho danh mục biểu diễn của organ.

Với vai trò là một hình mẫu sáng tác và giảng dạy, “‘Orgelbüchlein’ đã ảnh hưởng đến các nhà soạn nhạc đời sau kể từ khi Bach dạy học trò của mình”, Russell Stinson, một giáo sư âm nhạc hồi hưu tại Lyon College và là tác giả của một chuyên khảo về bộ tác phẩm này. “Một số tác phẩm trong ‘11 khúc prelude choral cho đàn organ (op. 112)’ của Johannes Brahms chắc chắn mang dấu ấn của ‘Orgelbüchlein’”.

Cách thức lấy một giai điệu từ một câu trong hợp xướng nhà thờ và đưa nó thành chủ đề của một khúc prelude đã được nhiều nhà soạn nhạc áp dụng, trong đó có Robert Schumann, Max Reger và Anton Webern. Bằng chứng là bộ “O Ewigkeit, du Donnerwort” của Webern sáng tác năm 1906, từ gợi ý của ông thầy Arnold Schoenberg.

Khởi nguồn của dự án “Orgelbüchlein” mà Whitehead thực hiện là từ một cậu học trò 17 tuổi của ông khi cậu viết một khúc prelude choral theo phong cách “Orgelbüchlein” trên giai điệu của bài hát Anh mừng Noel “Of the Father’s Heart Begotten” 15 năm trước. “Tôi nhớ đã nghe và nghĩ: nếu một cậu chàng 17 tuổi có thể làm điều đó thì tại sao chúng ta không thể tập hợp các nhà soạn nhạc châu Âu và đặt hết tâm trí của họ vào thực hiện nhiệm vụ này, sau đó cùng xem là liệu chúng ta có thể lấp đầy khoảng trống điên rồ này không”, Whitehead nói.

Nhóm hợp tác triển khai công việc giữa cây đàn organ và các khoa sáng tác tại Trinity College London, nơi Whitehead giảng dạy. Đó là khởi điểm của cái mà Whitehead gọi là “cuộc thám hiểm khảo cổ học” – tìm kiếm những khúc thánh ca và bình ca mà Bach hướng đến để sáng tác nhưng giờ đã biến mất hoặc đã bị cho là lỗi thời. Cuộc kiếm tìm và nghiên cứu bao gồm việc tham khảo các bản “Orgelbüchlein” của Bach còn tồn tại đến ngày nay trở thành cơ hội để Whitehead và John Scott Whiteley, cố vấn học thuật của dự án có được một phát hiện mới: một nốt cho giọng tenor trong ô nhịp áp chót của “Wer nur den lieben Gott lässt walten” (BWV 642) trong văn bản nguyên gốc hiện đã bị bốc hơi khỏi các ấn bản hiện đại.

Whitehead đã sắp xếp hàng ngàn nốt của 118 nhà soạn nhạc, phân tách chúng vào các chủ đề. Phân định phần đóng góp của những người tham gia là một việc vô cùng khó khăn bởi “hòa được một chút gì đó là phong cách hiện đại của riêng một người vào phản chiếu cái chất của ‘Orgelbüchlein’” dường như là việc không phải dễ, Whitehead nói.

Yếu tố dẫn đến thành công, theo Whitehead, là tìm được “một ý tưởng để theo đuổi ở một mức độ nhất định. Nhiều nhà soạn nhạc nói với tôi là rõ ràng họ thấy quá khó”. Whitehead nhận thấy những đóng góp từ bên ngoài thế giới của sáng tác đương đại: những người như Andreas Fischer và John Butt liên quan đến nghiên cứu hoặc biểu diễn hơn; phần choral cyar Andrew Keeling được lấy từ Reggae, thể loại âm nhạc có nguồn gốc từ Jamaica; James O’Donnell đóng góp một mô phỏng khéo léo âm nhạc của Brahms; giọng baritone và nhà soạn nhạc Roderick Williams chọn phản chiếu chất đời thường trong cái mà Whitehead miêu tả là “một điệu tango run rấy”.

“Đóng góp với tư cách một nhà soạn nhạc vào một dự án như dự án này là một nỗ lực kinh khủng”, Williams,  người viết “Ich weiss ein Blümlein hübsch und fein”, trao đổi trong một email. Ông cho biết thêm, “Thật vô nghĩa khi cố gắng sao chép những sáng tạo của Bach, kỹ thuật đối âm của ông và sự uyên thâm sâu sắc trong suy nghĩ về tôn giáo của ông. Vì vậy tôi chọn một cách làm khác; việc so sánh thế kỷ 21 số hóa của chúng ta với thời đại Bach đem lại những suy nghĩ trong tôi, phản ánh một số giá trị của ngày m nay (hoặc giả đã thiếu đi chất tôn giáo như của ông)”.

Với những nhà soạn nhạc khác, như Roxanna Panufnik, người đóng góp một giai điệu từ “Was Gott tut, das ist wohlgetan” của Severus Gastorius, dự án đã là một cơ hội để đem bà gần lại với Bach. “Với tôi, ông ấy là một bậc thầy”, bà viết trong một email. “Âm nhạc của ông luôn luôn ẩn chứa một cảm giác về những điều tốt đẹp trong thế giới này, và tôi cam thấy ngôn ngữ hòa âm của ông quá Lãng mạn hơn cả những nhà soạn nhạc Lãng mạn”.

Whitehead cũng có quan điểm tương tự khi ông nói là “các tác phẩm trong ‘Orgelbüchlein’, ở một mức độ nào đó là những bài tập đậm chất kỹ thuật nhưng cũng đem lại những cuộc khám phá mang tính biểu tượng của thi ca – nếu anh  đã định nghĩa từ ‘xúc động’ theo nghĩa chung nhất thì đúng là những gì làm nên một bức tranh âm điệu”. Cách tiếp cận của Panufnik là tránh tìm hiểu quá nhiều vào phần lời để giữ sự độc lập về hòa âm cho mình, một tác phẩm nằm trong hy vọng của Whitehead là tạo dựng cho cái gọi là ‘một cảm giác thống nhất về ‘xúc động’”.

Việc đi tìm sự thống nhất về cảm xúc trong hơn 100 nhà soạn nhạc luôn luôn là điều không thể nhưng những người đóng góp dường như cảm thấy phấn chấn vì chính sự thật này. “Bất kỳ điều gì đem đến một cộng đồng các nhà soạn nhạc đa dạng về phong cách cũng là điều tốt”, Panufnik nói, “Tôi cảm thấy chúng ta phải thường xuyên kết nối qua các dự án như thế này”.

Tô Thanh Vân tổng hợp

Nguồn: https://www.theladyorganist.com/finishing-bachs-grand-plan-the-orgelbuchlein-project/

https://www.nytimes.com/2022/10/24/arts/music/bach-orgelbuchlein-project.html

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)