Ngày khủng long lìa đời (Kỳ 3)

LTS: Giờ thì Robert DePalma, nhà nghiên cứu vô danh cuối cùng cũng đã khám phá ra nơi ẩn chứa “bí mật” của thời điểm bắt đầu chuỗi ngày tuyệt chủng của khủng long. Hố khai quật mà anh tìm được, kì lạ thay, bao trọn toàn bộ sự kiện của thời điểm lịch sử vài chục triệu năm về trước. Vậy hố khai quật đó có những gì?

Robert DePalma (trái) và trợ lý thực địa Rudy Pascucci, chụp cùng một trong những hộp sọ khủng long mà họ đào được. Ảnh: Bruce Bennett/Palm Beach Post

Sau khi DePalma cho tôi xem hố khai quật, anh giới thiệu tôi với một người trợ lý thực địa: Rudy Pascucci, giám đốc Bảo tàng Palm Beach. Pascucci là một người đàn ông cơ bắp ở độ tuổi năm mươi, với làn da rám nắng, bộ râu không cạo. Ông mặc một chiếc áo thun không có tay, đi đôi bốt rằn ri chống rắn tấn công, và đội một chiếc mũ Tilley bụi bặm. Hai người đàn ông họ cùng thu gom đồ nghề, đi xuống lòng hố và bắt đầu dò dẫm những bức tường đất lắng cao gần 1m.

Lúc đào thô, DePalma ưa dùng cái lưỡi lê của anh cùng với một cái cuốc Marsh cầm tay, vốn được phổ biến rộng rãi bởi nhà cổ sinh vật học Othniel C. Marsh từ Đại học Yale vào thế kỷ XIX, người đã đi tiên phong trong cuộc săn khủng long ở miền Tây nước Mỹ và phát hiện ra 80 loài mới. Chiếc cuốc là món quà của David Burnham – thầy hướng dẫn luận án của DePalma ở Đại học Kansas – khi anh lấy bằng Thạc sĩ. Đối với việc đào mịn, DePalma sử dụng chổi và dao hiệu X-Acto – những công cụ đặc trưng của một nhà cổ sinh vật học, bên cạnh các công cụ nha khoa mà cha anh đã tặng.

Phần đất lắng bao gồm hàng chục lớp bùn cát mỏng. Ở phía bên dưới, nó san đều ra thành một dải cát sỏi hỗn độn, và trong đó có chứa các hóa thạch cá và xương nặng hơn, cùng các hạt tactic lớn hơn. Dưới lớp đó là một bề mặt sa thạch cứng, chính là tầng đá gốc từ Kỷ Phấn trắng của di chỉ này. Phần nhiều tầng đá gốc này đã bị cạo nhẵn do dòng chảy xối xả của trận lũ.

Cổ sinh vật học là công việc khiến người ta phát điên, với tiến độ thường được đo bằng từng mi-li-mét. Trong khi tôi quan sát, DePalma và Pascucci nằm sấp bụng dưới ánh mặt trời chói chang, mắt chỉ vài phân trước bức tường đất bẩn, rồi bắt đầu cuốc. DePalma chọc đầu con dao X-Acto vào các lớp trầm tích đã bị cán mỏng rồi lần lượt gỡ ra từng miếng to bằng một đồng dime (đường kính xấp xỉ 18mm). Anh cẩn thận xem xét nó, và nếu không thấy gì thì lại búng cho bay đi. Khi các miếng trầm tích bắt đầu tích tụ, anh dùng chổi sơn gom chúng thành các đống nhỏ. Còn khi đến lượt những đống đó tích tụ, Pascucci cầm chổi quét chúng vào các đống lớn hơn, rồi dùng xẻng xúc thành một ụ to ở phía bên kia hố khai quật.

Tái hiện hình ảnh khủng long Velociraptor có lông vũ dựa trên bằng chứng cổ sinh vật học hiện nay. Ảnh: Scientific American

Thi thoảng, DePalma tìm thấy một số hóa thạch thực vật nhỏ, bao gồm cánh hoa, lá, hạt, lá kim, và những mảnh vỏ cây. Phần nhiều trong số đó chỉ là những vết in trong bùn, cho nên vừa mới tiếp xúc với không khí là rạn nứt và bong tróc ngay. Anh nhanh chóng bóp keo PaleoBond vào chúng, để thứ keo này thấm vào các hóa thạch và giữ chúng lại với nhau. Hoặc theo một cách khác, anh trộn một mẻ vữa thạch cao rồi đổ lên mẫu vật trước khi nó kịp nát ra. Như thế, một hình ảnh ngược của hóa thạch sẽ được giữ gìn trong lớp vữa thạch cao, còn nguyên gốc thì “phận mỏng” quá nên không thể cứu được.

Khi bị quá nhiều muỗi vây quanh, DePalma lôi ra một chiếc tẩu và đổ đầy vào đó thuốc lá hiệu Royal Cherry Cavendish. Anh giơ bật lửa vào gần rồi phì phèo một cách mãnh liệt, cuốn quanh mình một làn khói ngọt ngào đến phát ốm, rồi trở lại làm việc. Anh bảo: “Tôi cứ như một con nghiện mua sắm trong cửa hàng giày dép vậy. Cái gì tôi cũng muốn!”

Anh cho tôi xem vết in của một vật tròn có đường kính khoảng 5cm và bảo: “Đây hoặc là một bông hoa, hoặc là một động vật da gai. [Động vật da gai là một nhóm sinh vật biển bao gồm nhím biển và sao biển]. Để khi nào vào phòng thí nghiệm thì tôi tìm hiểu sau”. Anh nhanh chóng chôn vùi thứ này trong keo PaleoBond và vữa thạch cao. Tiếp đó, anh tìm được một chiếc lá hoàn hảo, và cạnh đó là một hạt cây từ một quả thông. “Lại cái thứ mùn kỷ Phấn Trắng”, anh thờ ơ nói, cũng bởi vì anh đã có quá nhiều mẫu vật tương tự rồi. Một khi tìm thấy thêm ba hố va chạm nhỏ với tectit bên trong đó, anh khoanh vùng và chụp ảnh những hố này. Thế rồi lưỡi dao X-Acto của anh xới lên một mảnh xương tí hon màu nâu: một mẩu xương quai hàm dài chưa đầy 6.35mm. Anh giữ mẩu xương giữa hai ngón tay, giơ nó lên rồi quan sát qua một thấu kính.

“Là thú có vú”, anh nói. “Con vật này đã chết từ trước khi chôn rồi”. Vài tuần sau đó, trong phòng thí nghiệm, anh đã xác định được rằng có thể mẩu xương quai hàm này thuộc về một loài động vật có vú có quan hệ họ hàng xa với các loài linh trưởng, bao gồm cả chúng ta.

Bộ xương hóa thạch của một con thú có vú từ Kỷ Phấn trắng ở Madagascar. Ảnh: David W. Krause et al (2020)

Nửa tiếng đồng hồ trôi qua, DePalma tìm được một cọng lông vũ lớn. “Ở ngoài đây, hôm nào cũng là Giáng Sinh”, anh vừa nói, vừa đào một cách chính xác để làm lộ ra một vết in rõ mồn một trong lớp bùn, có chiều dài khoảng chừng 33cm. “Đây là cọng lông thứ chín của tôi rồi”, anh nói. “Những cọng lông vũ hóa thạch đầu tiên được tìm thấy ở thành hệ Hell Creek. Tôi tin rằng đây là lông vũ của khủng long. Tôi không chắc nữa. Nhưng chúng là các cọng lông vũ ở dạng nguyên thủy, hầu hết phải dài đến 30cm. Ở Hell Creek không có con chim nào có kích thước như thế mà lông vũ lại nguyên thủy thế này cả. Suy đoán theo lối dè dặt hơn thì đây là một con khủng long mà chúng ta đã biết tới, khả năng cao là một con khủng long chân thú (theropod) mà có thể thuộc vào nhóm raptor [tức là tương tự như chi Velociraptor]”. Anh lại đào tiếp. “Có lẽ chúng ta sẽ tìm được con raptor đã rụng những cọng lông vũ này, nhưng tôi hoài nghi về chuyện đó. Những cọng lông vũ này có thể đã trôi dạt đến đây từ rất xa”.

Con dao X-Acto của anh làm lộ ra phần gờ của một cái vây đã hóa thạch. Một con cá tầm thìa khác hiện ra, sau này mới biết nó dài gần 1.8m. DePalma thăm dò chỗ trầm tích xung quanh để đo vị trí của con cá và cách tốt nhất để đưa nó ra. Càng nhiều phần của con cá lộ ra, chúng tôi càng thấy rõ rằng cái mõm dài 0.6m của con cá đã bị gãy có lẽ đã bị trận nước lũ dâng đập vào cành của một cây vương tùng bị nhấn chìm. Anh nhận thấy rằng mọi con cá mà anh tìm thấy đều chết với miệng mở; điều này có thể cho thấy rằng lũ cá đang há hốc mồm ra để thở khi chỗ nước nặng trịch trầm tích làm chúng bị ngạt.

“Hầu hết bọn chúng chết ở tư thế dựng đứng trong lớp trầm tích, thậm chí còn chẳng bị lật sang một bên,” anh nói. “Và xác chúng không hề bị ăn, có lẽ là bởi những con vật thông thường sẽ làm điều đó đều mất tiêu rồi.” Anh cạo nhẹ nhàng xung quanh con cá tầm thìa, để lộ ra một phần xương vây, và sau đó là một mảng da bị hóa thạch to bằng một đồng nửa USD (đường kính 30mm), trên đó những vảy cá vẫn hiện diện một cách toàn vẹn. Anh xử lý những thứ này bằng cách bão hòa chúng bằng một loại keo làm cứng đặc biệt của riêng mình. Do các hóa thạch dễ vỡ ở mức cực độ, anh sẽ phải mang chúng về phòng thí nghiệm của mình ở Florida trong một lớp bọc hoàn toàn bằng trầm tích (lớp bọc như vậy còn được gọi là “ma trận”). Trong phòng thí nghiệm, anh sẽ gỡ từng hóa thạch ra bên dưới một chiếc kính lúp trong điều kiện được kiểm soát một cách chính xác, tách biệt khỏi các ảnh hưởng gây nguy hại của mặt trời, gió và độ khô.

DePalma càng tiếp tục làm công việc của mình xung quanh con cá tầm thìa, cành cây vương tùng lại càng lộ ra nhiều phần hơn, bao gồm cả những chiếc lá kim ngắn và nhọn. “Cái cây này vẫn còn sống khi nó bị chôn”, anh nói. Thế rồi anh để ý thấy một cục hổ phách màu vàng dính lên cành cây. Hổ phách là nhựa cây được bảo quản, và thường chứa đựng vết tích của bất cứ thứ gì có mặt trong không khí vào thời điểm đó, nghĩa là bẫy được các đặc điểm hóa học của bầu khí quyển, và đôi khi thậm chí còn có cả những con côn trùng và bò sát nhỏ. “Đây là phiên bản giấy bẫy ruồi của kỷ Phấn Trắng”, anh nói. “Tôi rất nóng lòng được mang thứ này về phòng thí nghiệm”.

Một giờ đồng hồ sau, anh đã cắt được toàn bộ phần xung quanh con cá bằng một chiếc đục, để lại một hóa thạch cá bao bọc trong ma trận và được chống đỡ bởi một bệ đá cao 10cm. “Tôi khá chắc đây là một loài còn mới đối với khoa học”, anh nói. Bởi các mô mềm cũng đã hóa thạch, anh cho rằng thậm chí cả những thứ trong dạ dày con cá cũng có thể vẫn còn đó.

Anh nhổm dậy và nói: “Đến lúc trát vữa thôi”. Anh cởi áo ra và bắt đầu trộn một xô vữa 19 lít bằng tay không, trong khi Pascucci xé vải thô thành từng dải. DePalma lấy một tấm gỗ, cưa thành hai mảnh dài 30cm rồi đặt chúng như hai thanh nẹp ở hai bên của hóa thạch được bao bọc trong trầm tích. Tiếp theo, anh nhúng từng dải băng vải thô vào trong vữa rồi cuốn chúng ngang qua phần chóp và hai bên của mẫu vật. Anh thêm cả quai cầm bằng dây thừng và dùng vữa để cố định chúng. Một tiếng sau, khi vữa đã khô cứng lại, anh dùng cái đục đâm xuyên qua phần bệ đá bên dưới hóa thạch và lật ngược mẫu vật, khiến mặt dưới của nó bị lộ ra. Sau này vào phòng thí nghiệm, anh sẽ thâm nhập qua bề mặt này để tiếp cận hóa thạch, còn phần vữa bao bọc chỉ có chức năng như một cái nôi bên dưới. Sử dụng quai dây thừng, DePalma và Pascucci cùng nhau nhấc mẫu vật – có lẽ nặng phải đến 90kg – rồi đặt lên phía sau xe tải. Sau này, DePalma sẽ đặt mẫu vật ở phía sau căn nhà nông trại của một người bạn, nơi tất cả các hóa thạch bọc vữa của anh từ mùa khai quật này đều được bày ra thành từng hàng có vải bạt che trên.

DePalma tiếp tục đào bới. Những trận gió lớn thổi lên những đám bụi, và trời bắt đầu mưa. Khi trời quang trở lại, ánh mặt trời buổi xế chiều đổ tràn ra khắp đồng nội. DePalma vẫn cứ như thể bị lạc trong một ngày, một thời gian khác. “Đây là một mảnh gỗ có dấu vết của bọ vỏ cây”, anh nói. Các hóa thạch thực vật từ vài triệu năm đầu tiên sau vụ va chạm hầu như không có dấu vết hư hại gì như vậy; những con côn trùng lúc đó đều đã đi hết cả rồi. Theo DePalma suy đoán, có khả năng tiểu hành tinh đã va chạm với Trái đất vào mùa thu. Anh đã đạt được kết luận này bằng cách đem những con cá tầm và cá tầm thìa mới lớn mà anh tìm thấy đi so sánh với tốc độ trưởng thành và mùa nở trứng của chúng. Anh cũng đã tìm thấy hạt của các loại cây thông, cây vả, kèm theo một số loại hoa. Theo lời anh nói: “Một khi chúng ta phân tích phấn hoa và các hạt diatomit, chúng ta sẽ thu hẹp được phạm vi thời gian hơn”. [Lời người dịch: Ba năm sau khi bài viết này được xuất bản, một nghiên cứu của Melanie During và cộng sự dựa trên hóa thạch tại chính di chỉ này đã kết luận rằng tiểu hành tinh Chicxulub lao xuống bán đảo Yucatán vào mùa xuân ở bán cầu Bắc chứ không phải mùa thu.]

DePalma cho biết anh khám phá hơn một chục loài động vật và thực vật mới, đồng thời xác định được mẩu răng, xương, trứng vỡ của hầu hết tất cả các nhóm khủng long được phát hiện tại Hell Creek.

Trong tuần sau đó, các kho tàng mới càng lộ diện nhiều hơn, bao gồm lông vũ, lá cây, hạt cây và hổ phách, cũng như là nhiều con cá khác với độ dài từ 1 đến 1.5m, kèm theo một chục hố va chạm khác có chứa tectit. Bản thân tôi đã viếng thăm nhiều di chỉ khảo cổ khác, nhưng tôi chưa từng thấy các mẫu vật được tìm thấy nhiều và nhanh chóng như thế này. Hầu hết các cuộc khai quật đều nhàm chán, nhiều khi mấy ngày hoặc mấy tuần trôi qua mà các phát hiện vẫn cực kỳ ít ỏi. Trong khi đó, cứ nửa tiếng, DePalma lại có một phát hiện đáng chú ý.

Khi DePalma viếng thăm di chỉ này lần đầu, anh đã thấy một khúc xương sườn khủng long bị vùi một phần trên mặt đất, có lẽ thuộc về họ Khủng long mặt sừng (ceratopsian), trong đó khủng long ba sừng Triceratops là thành viên nổi tiếng nhất. Một nhà sưu tập vì mục đích thương mại đã cố gắng gỡ phần xương này ra nhiều năm trước; nó đã bị bỏ hoang ngay tại chỗ và tình trạng đang xuống cấp do bao nhiêu năm dãi dầu. Thoạt đầu, DePalma để kệ nó như một thứ “rác rưởi” và chê bai sự vô trách nhiệm của nhà sưu tập. Tuy nhiên sau đó, anh đã tự hỏi làm sao một phần xương nặng như thế tới được một nơi rất gần với dấu của đỉnh lũ như thế này. Theo anh, khúc xương này hẳn đã phải nổi được trên mặt nước, và để làm được như vậy, nó hẳn đã phải được một lớp mô khô bao bọc, nghĩa là ít nhất một loài khủng long vẫn còn sống vào thời điểm của vụ va chạm. Anh sau này tìm thấy một tảng da hóa thạch to bằng một cái va-li vẫn còn gắn vào khúc xương sườn đó. Tảng da này thuộc về một con khủng long mặt sừng.

Đến một lúc, DePalma lên đường đi chụp ảnh những lớp đất lắng đã bị con lạch đầy cát cắt qua và khiến cho lộ ra. Anh cạo nhẵn một phần đất dọc rồi xịt nước vào đó để màu sắc rõ hơn. Lớp đất ở phần đáy đã bị rối hết cả lên; dòng nước cuốn đầu tiên đã xé tan các lớp bùn, sỏi và đá rồi đổ nhào chúng vào cùng với các mảnh gỗ đã (hoặc vẫn còn) cháy.

Hầu hết các cuộc khai quật đều nhàm chán, nhiều khi mấy ngày hoặc mấy tuần trôi qua mà các phát hiện vẫn cực kỳ ít ỏi. Trong khi đó, cứ nửa tiếng, DePalma lại có một phát hiện đáng chú ý.

Tiếp theo, DePalma bước tới một nét mờ ở bức tường bên bờ con lạch, có hình dạng như một cái bình nước. Anh xem xét vết này một cách tỉ mỉ. Nó bắt đầu như một đường hầm trên đỉnh lớp K-T, đi xuống dưới, rồi mở rộng ra thành một lỗ trống có dạng tròn, chứa đầy đất có một màu hoàn toàn khác, và chỗ đất ấy thì dừng lại ở phần sa thạch cứng của tầng đá gốc vẫn còn nguyên vẹn bên dưới. Trông cứ như thể một con vật nhỏ năm xưa đã đào qua bùn để tạo ra một chỗ ẩn náu. Tôi hỏi: “Đấy có phải là một cái hang đào không?”

DePalma lấy lưỡi lê cạo nhẵn phần đất, rồi xịt nước vào đó. Anh bảo tôi: “Anh đoán trúng phúc rồi. Và đây không phải hang đào của một con khủng long nhỏ, mà là hang đào của một con thú có vú”. (Các hang đào đều có hình dạng đặc trưng, tùy thuộc vào loài động vật sinh sống trong đó.) Anh nhìn cái hang, mắt như dán vào đá, tay cầm lưỡi lê chọc nhẹ vào đó. “Trời ơi, tôi nghĩ nó vẫn còn ở trong này!”

Anh định sẽ gỡ toàn bộ cái hang ra như một khối nguyên vẹn, rồi dùng máy chụp cắt lớp vi tính ở nhà để xem bên trong có gì. “Bất cứ hang đào nào của thú có vú Kỷ Phấn trắng đều là của hiếm”, anh nói. “Nhưng cái này là một thứ bất khả thi: nó đâm xuyên qua ranh giới K-T!” Theo anh, có lẽ con thú này đã sống sót sau vụ va chạm và trận lũ, rồi đào hang xuyên qua bùn để tránh bóng tối lạnh lẽo, rồi cuối cùng chết trong hang đó. “Có thể con vật này đã sinh ra trong Kỷ Phấn trắng và chết ở Kỷ Cổ cận”, anh nói. “Và nghĩ xem, 66 triệu năm sau, một con khỉ hôi rình chuẩn bị đào nó lên để hiểu xem chuyện gì đã xảy ra!” Anh lại nói thêm nữa: “Nếu đây là một loài mới, tôi sẽ lấy tên anh đặt cho nó”.

Khi tôi rời khỏi Hell Creek, DePalma đòi hỏi sự bí mật: tôi không được phép nói cho ai – thậm chí cả bạn bè thân thiết – về những thứ mà anh đã tìm thấy. Lịch sử ngành cổ sinh vật học đầy rẫy những câu chuyện hối lộ, đâm sau lưng và “lá mặt lá trái”. Vào thế kỷ XIX, Othniel C. Marsh và Edward Drinker Cope, hai nhà cổ sinh vật học hàng đầu của nước Mỹ vào thời điểm đó, đã cạnh tranh gay gắt trong việc thu thập hóa thạch khủng long ở miền Tây Hoa Kỳ. Họ cướp bóc các mỏ đá của nhau, hối lộ công nhân của nhau, và thậm chí bêu riếu nhau trên báo và tại các buổi họp mặt của giới khoa học. Năm 1890, tờ New York Herald còn bắt đầu cả một chuỗi bài báo giật gân về cuộc tranh cãi này với tiêu đề: “CÁC NHÀ KHOA HỌC GIAO CHIẾN GAY GẮT”. Từ đó trở đi, cuộc cạnh tranh được gọi là “chiến tranh xương xẩu” (Bone Wars). Những tháng ngày lừa bịp như vậy trong ngành cổ sinh vật học vẫn chưa qua; DePalma hết sức quan ngại rằng di chỉ này sẽ bị một bảo tàng lớn chiếm đoạt. □

(còn nữa)

Nguyễn Bình dịch

Nguyên gốc: “The Day The Dinosaurs Died”, The New Yorker. newyorker.com/magazine/2019/04/08/the-day-the-dinosaurs-died

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)