Nông nghiệp sinh thái: Không còn là lý thuyết 

Nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đòi hỏi những thay đổi khẩn cấp trong hệ thống lương thực.

Một nông dân trồng rau hữu cơ ở Lào. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người phụ nữ là trung tâm của nông nghiệp sinh thái, giúp duy trì mối liên kết giữa những người sản xuất với nhau, giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Ảnh: Asian Development Blog

Những lầm tưởng

Các chuyên gia khí hậu đã gióng lên một hồi chuông báo động, nhắm thẳng vào những bữa ăn của chúng ta. Năm 2019, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã công bố báo cáo “Biến đổi khí hậu và đất đai”, cảnh báo rằng nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đòi hỏi những thay đổi khẩn cấp trong hệ thống lương thực.

Vài ngày sau, như để minh họa cho vấn đề này, nhiều tờ báo lớn đã đưa tin rằng những người chăn nuôi gia súc và nông dân trồng đậu tương ở Brazil đang đốt rừng nhiệt đới Amazon, “lá phổi của thế giới”, để giành lấy chỗ cho những cánh đồng quy mô công nghiệp.

Nhưng không phải chờ đến khi rừng Amazon cháy rụi, cuộc khủng hoảng về tính bền vững mới được dấy lên. Từ lâu, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng về cách con người đang rút ruột, hay thậm chí là “thảm sát” hành tinh này. Kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, và sau đó là cuộc Cách mạng Xanh vào giữa thế kỷ 20, cả nông dân và các tập đoàn đã liên tục áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới để gia tăng năng suất cây trồng. Nỗ lực này đã giúp đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong bối cảnh dân số toàn cầu đã tăng gấp bốn lần chỉ trong một thế kỷ. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2016, hơn 700 triệu ha đất được dành để trồng ngô, lúa mì, gạo và các loại ngũ cốc quan trọng khác – chiếm gần một nửa diện tích đất canh tác trên hành tinh.

Sự phát triển một cách thái quá của Cách mạng Xanh đã tạo ra các hệ sinh thái nông nghiệp thâm canh phục vụ mục đích tối thượng là kinh tế, lợi nhuận.

Nông nghiệp sinh thái đo lường sự thành công bằng một thước đo không chỉ bao gồm sản lượng và calo, mà còn bằng chất lượng dinh dưỡng khi đưa vào cơ thể người, đồng thời tái tạo đất và nước, giúp cải thiện sinh kế người nông dân. 

Để lượng hoa màu này sinh sôi, phát triển, đòi hỏi phải có một hệ thống tưới tiêu quy mô lớn. Quả thật, sản xuất nông nghiệp đã hút hết 70% lượng nước ngọt mà con người tiêu thụ. Các chuyên gia dự đoán rằng để đảm bảo đủ thức ăn cho dân số, lượng nước cần dùng có thể tăng thêm 15% (hoặc nhiều hơn) vào năm 2050. Các vùng nông nghiệp năng suất cao nhất thế giới, từ Thung lũng Trung phần California đến lưu vực Địa Trung Hải khô cằn của Nam Âu, đều phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống tưới tiêu. 

Dần dà, chính người nông dân cũng đã nhận thức được những hậu quả kéo theo. Một trong những hệ lụy dễ thấy nhất là sự cạn kiệt của các tầng chứa nước, hệ thống sông và nước ngầm ở hạ lưu. Bên cạnh đó, quá trình tưới tiêu làm tăng mức độ bốc hơi nước, ảnh hưởng đến cả nhiệt độ và áp suất không khí bề mặt cũng như điều kiện độ ẩm của khí quyển. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng hoạt động tưới tiêu trên đất trồng trọt có thể ảnh hưởng đến lượng mưa không chỉ trên khu vực được tưới tiêu mà thậm chí cách xa hàng ngàn dặm. Chưa hết, hệ thống tưới tiêu cũng có liên quan đến tình trạng xói mòn bờ biển và các rủi ro phá hủy môi trường sống và sinh thái lâu dài khác.

Một hiểm họa khác cũng đang đe dọa đến môi trường sống của chúng ta, đó là tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu. Từ cuối những năm 1950, Chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt thuốc trừ sâu hóa học. Phổ biến nhất là dichlorodiphenlytrichloroethane (DDT), ban đầu được dùng để xua đuổi những con bọ mang bệnh sốt rét ở các đảo ở Thái Bình Dương trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. DDT rất hiệu quả và hữu ích đến mức người phát minh ra nó, Paul Hermann Müller, đã được trao giải Nobel.

Nông dân trên cánh đồng lúa ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Chính phủ đang đầu tư 200 triệu USD để hỗ trợ nông dân trong vùng chuyển sang thực hành nông nghiệp sinh thái. Ảnh: Noah Seelam/Agence France-Presse — Getty Images.

Tuy nhiên, DDT hóa ra lại là một “con quái vật”, không chỉ tiêu diệt côn trùng mang bệnh sốt rét, mà còn giết chết bất kỳ loại côn trùng nào khác trong nhiều tháng sau đó. Hơn nữa, DDT trôi theo nước mưa, thoát ra suối và các tầng chứa nước làm cho cá, chuột chũi, chuột đồng, cáo, thỏ và khá nhiều loài vật sống khác bị nhiễm độc. DDT gây ô nhiễm nguồn cung cấp thực phẩm của thế giới, cũng như là một trong những con đường gây ung thư trong các mô mỡ của con người.

Song DDT chỉ là một phần trong bức tranh lạm dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Những năm sau đó, các doanh nghiệp đã tạo ra hằng hà sa số những loại thuốc trừ sâu dùng cho các loài thực vật khác nhau. 

Bên cạnh thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp có chứa nitơ và phosphor giữ vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp thâm canh từ Thế chiến II cho đến hiện tại. Chúng đặc biệt hiệu quả đối với quá trình canh tác ngô, lúa mì, ngũ cốc và gạo. Mặc dù những hóa chất này đã giúp tăng gấp đôi tốc độ sản xuất lương thực, nhưng chúng gây gia tăng – có thể lên tới 600% – mức nitơ phản ứng trong môi trường. Mức độ dư thừa nitơ và phosphor đã khiến các chất dinh dưỡng có lợi một thời trở thành chất gây ô nhiễm. Khoảng một nửa lượng nitơ trong phân bón tổng hợp thoát ra khỏi các cánh đồng, tìm đường vào đất, không khí, nước và lượng mưa. Sau khi vi khuẩn trong đất chuyển đổi nitơ thành nitrat, mưa bão hoặc hệ thống tưới tiêu sẽ chuyển những chất độc này vào nước ngầm và hệ thống sông ngòi. Khi hàm lượng nitơ và phosphor tích lũy trong hệ sinh thái trên cạn và dưới nước quá lớn, sẽ xảy ra hiện tượng phú dưỡng, khiến nước có màu lục sáng.

Khi có quá nhiều chất hữu cơ bị phân hủy trong môi trường nước, dẫn đến tình trạng cạn kiệt oxy và tạo ra “khoảng chết” trong các vùng nước, nơi không sinh vật nào có thể tồn tại. Nhiều khu vực của Vịnh Mexico thường xuyên xảy ra tình trạng này. Có thể thấy, tình trạng, tích tụ nitơ trong nước và trên đất liền đe dọa đa dạng sinh học và sức khỏe của các loài thực vật bản địa và môi trường sống tự nhiên. Ngoài ra, việc bón phân trong đất dẫn đến sự hình thành và giải phóng oxit nitơ, một trong những khí nhà kính có hại nhất.

Trồng cây, tưới nước, bón phân, nuôi bò… Chuỗi hoạt động trên tưởng chừng chỉ là hạt cát so với sự giàu có dường như vô tận của thiên nhiên. Giờ đây, khi tập hợp lại, chúng ta mới nhận ra nền nông nghiệp thâm canh đang tàn phá hành tinh và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên đến nhường nào.

Không chỉ trồng cây, một lượng lớn đất nông nghiệp còn được sử dụng làm đồng cỏ chăn nuôi gia súc. Chăn nuôi nông nghiệp là nguồn cơn phát thải một tỷ lệ lớn khí nhà kính toàn cầu, đặc biệt là khí metan. 

Ở một số nơi, gia súc ăn cỏ nhiều đến độ cỏ không thể tái sinh. Hệ thống rễ của thảm thực vật bản địa bị hư hại nhiều đến nỗi không thể sinh sôi thêm. Ở những dải đất ven sông, suối, chất thải của gia súc có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Gia súc và các động vật ăn cỏ lớn khác liên tục giẫm đạp mạnh lên đất, phá hủy chất lượng lớp đất mặt. Những tác động này gây mất ổn định nhiều hệ sinh thái và môi trường sống của động vật hoang dã.

Trồng cây, tưới nước, bón phân, nuôi bò… Chuỗi hoạt động trên tưởng chừng chỉ là hạt cát so với sự giàu có dường như vô tận của thiên nhiên. Giờ đây, khi tập hợp lại, chúng ta mới nhận ra nền nông nghiệp thâm canh đang tàn phá hành tinh và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên đến nhường nào.   

Con đường chuyển đổi 

Vào cuối những năm 20 của thế kỷ trước, nhiều nhà khoa học đã nhận ra sự khủng hoảng tất yếu do nền nông nghiệp thâm canh “hóa học” mang đến cho con người nên đã cố gắng áp dụng các nguyên lý của sinh thái học vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, thuật ngữ “sinh thái học nông nghiệp” ra đời. Phương thức sản xuất này tập trung vào tính bền vững của các hệ sản xuất nông nghiệp và là một câu trả lời hoàn chỉnh cho vô số vấn đề môi trường bắt nguồn từ thực phẩm chúng ta ăn. Trong một tương lai sinh thái nông nghiệp, chúng ta cũng sẽ ăn uống lành mạnh hơn. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc các bệnh không truyền nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống (bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường, một số loại ung thư) đang gia tăng ở EU và trên thế giới. 

Một nghiên cứu vào năm 2019 do GS. Jan Douwe van der Ploeg tại Đại học Wageningen và các cộng sự thực hiện đã cung cấp cả bằng chứng lý thuyết và thực nghiệm cho thấy rằng nông nghiệp sinh thái có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân hơn cả nông nghiệp công nghiệp.

Một nghiên cứu vào năm 2019 do GS. Jan Douwe van der Ploeg tại Đại học Wageningen và các cộng sự thực hiện đã cung cấp cả bằng chứng lý thuyết và thực nghiệm cho thấy rằng nông nghiệp sinh thái có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân hơn cả nông nghiệp công nghiệp. 

“Một nông dân có thể kiếm sống khi áp dụng nông nghiệp sinh thái hay không? Đây là một trong những câu hỏi đầu tiên người ta thường đặt ra cho tôi”, GS. Jan Douwe van der Ploeg cho biết. “Chúng ta đang có một định kiến sai lầm rằng nông nghiệp sinh thái không có khả năng tạo ra thu nhập khá. Nhưng thực chất nông nghiệp sinh thái là một mô hình có thể tạo ra thu nhập tương đương, nếu không muốn nói là vượt trội so với thu nhập từ nông nghiệp truyền thống”.

Đầu tiên, nông nghiệp sinh thái được xây dựng dựa trên nguồn nhân lực nội tại như lao động và tri thức bản địa, nghĩa là không phải tiêu tốn nhiều chi phí vào các yếu tố đầu vào đắt đỏ bên ngoài như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hoặc máy móc hạng nặng. Phụ nữ có vốn kiến thức sâu rộng về các loại cây trồng cụ thể, kỹ thuật chăm sóc động vật và chế biến. Chúng ta có thể tận dụng vốn kiến thức này ngay tại trang trại hoặc thông qua hợp tác. Do đó, “thu nhập ròng trên một đơn vị sản phẩm và trên mỗi nhân công trong nông nghiệp sinh thái cao hơn so với sản xuất nông nghiệp công nghiệp trên quy mô lớn”, ông cho biết. 

Bên cạnh đó, nông nghiệp sinh thái tiếp tục giúp giảm thiểu chi phí sản xuất nhờ tận dụng hiệu quả các tài nguyên có liên quan. Thông qua việc tái thiết trang trại, cách tiếp cận hệ sinh thái lãnh thổ, liên tục cải thiện và tinh chỉnh các phương thức canh tác; người nông dân có thể tối ưu hóa quá trình sử dụng tài nguyên, ví dụ như sử dụng tàn dư cây trồng làm lớp phủ và phân gia súc làm phân bón, hoặc kết hợp các loại cây trồng để kiểm soát sâu bệnh. 

Ngoài việc tạo ra thu nhập trang trại cao hơn, nghiên cứu cũng cho thấy các trang trại nông nghiệp sinh thái ở châu Âu “còn cung cấp nhiều việc làm hơn trên mỗi ha (do đó hỗ trợ nền kinh tế khu vực), sử dụng ít nhiên liệu hóa thạch hơn và đóng góp tích cực vào việc duy trì cảnh quan và đa dạng sinh học”, từ đó mang lại lợi ích cho du lịch. Các kỹ thuật nông nghiệp sinh thái tái tạo hệ sinh thái của đất thay vì làm cạn kiệt; bảo tồn các giống địa phương thay vì thay thế bằng các giống đã được cấp bằng sáng chế, đắt đỏ; duy trì nền văn hóa ẩm thực và kỹ thuật canh tác từ ngàn đời; hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương duy trì hoạt động xung quanh các trang trại; và tạo công ăn việc làm.

Trong một dự án chuyển đổi nông nghiệp sinh thái cho người nông dân Haiti, cơ quan Altus Impact tại Thụy Sĩ và Sáng kiến ​​Kinh tế về Suy thoái Đất đai (ELD) tại Bonn, Đức, đã sử dụng phương pháp đo lường trong kinh tế để so sánh “ngân sách sử dụng đất” (giá trị của tất cả hoạt động sản xuất, trừ đi tất cả các yếu tố đầu vào và chi phí) của nông dân sinh thái nông nghiệp so với nông dân truyền thống. Các nhà đánh giá đã khảo sát hơn 330 hộ nông dân sản xuất nhỏ, lấy mẫu từ ba khu vực ở miền Bắc Haiti. 

Kết quả cho thấy, trung bình người nông dân áp dụng nông nghiệp sinh thái có thu nhập ròng từ cây trồng cao gấp đôi so với nông dân thông thường. Khi kiểm soát chi tiêu cho đầu vào và lao động, nông dân nông nghiệp sinh thái kiếm được thu nhập ròng cao hơn 437 USD trên mỗi ha mỗi năm so với nông dân thông thường. Đây là con số đáng kể ở một quốc gia có GDP bình quân đầu người là 1.790 USD, nơi có hơn 30% dân số sống trong tình trạng nghèo cùng cực. 

Các nhà khoa học cũng tham chiếu chéo dữ liệu vệ tinh và phát hiện ra rằng các trang trại nông nghiệp sinh thái duy trì độ che phủ xanh và khả năng giữ nước, ngay cả trong điều kiện hạn hán, đều tốt hơn. Ngoài các lợi ích về kinh tế, an ninh lương thực, độ màu mỡ của đất và khả năng phục hồi khí hậu, đất nông nghiệp được tái tạo và đa dạng hóa cũng giúp cô lập carbon để giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Mô hình chuyển đổi ở một số quốc gia 

So sánh với bức tranh về nền nông nghiệp sinh thái, sẽ không là nói quá khi cho rằng hệ thống nông nghiệp toàn cầu ngày nay là một thất bại về xã hội và môi trường: tình trạng mất đa dạng sinh học và ô nhiễm đang vượt quá giới hạn của hành tinh và những rủi ro thảm khốc của biến đổi khí hậu đòi hỏi chúng ta phải hành động ngay lập tức.

Năm 2018, đại diện của hơn 70 quốc gia đã tập trung tại Rome để thảo luận về cách nông nghiệp sinh thái có thể tạo ra một hệ thống thực phẩm lành mạnh và bền vững hơn. Đó là một cuộc tụ họp sôi nổi, và không khí càng hứng khởi hơn khi ông José Graziano da Silva, Tổng Giám đốc của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), kêu gọi cần có “sự chuyển đổi hướng tới nông nghiệp bền vững và các hệ thống lương thực dựa trên nông nghiệp sinh thái”.

Chẳng hạn, Chính phủ Ấn Độ đang đầu tư 200 triệu USD vào bang Andhra Pradesh, nơi có 50 triệu dân, để hỗ trợ nông dân trong vùng chuyển sang thực hành nông nghiệp sinh thái. Phương thức này được gọi là canh tác tự nhiên chi phí thấp, tận dụng chất thải hữu cơ từ trang trại để trồng trọt mà không sử dụng phân bón hóa học tốn kém hoặc thuốc trừ sâu – mà nhiều nghiên cứu đã chỉ ra đây là gánh nặng có thể đẩy nông dân vào cảnh nợ nần. Theo các nhà tổ chức, hơn 100.000 nông dân đã sử dụng phương pháp này và ước tính khoảng 500.000 nông dân ở 3.000 làng sẽ cùng tham gia vào cuối năm nay, sớm hơn ba năm so với kế hoạch. Chính phủ có kế hoạch đầu tư 2,3 tỷ USD để mở rộng sáng kiến ra sáu triệu nông dân trong vòng năm năm.

Trung tâm Đa dạng Sinh học châu Phi, một tổ chức nghiên cứu và vận động chính sách, đã kêu gọi Chính phủ Tanzania loại bỏ dần các khoản trợ cấp cho phân bón hóa học và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái thông qua dự án hỗ trợ cho các hộ nông dân nhỏ. Tại Ghana, Trung tâm Phát triển Tổ chức và Tri thức Bản địa, một tổ chức phi chính phủ, đang làm việc với nhà quản lý để thúc đẩy các hoạt động lâm nghiệp bền vững nhằm phục hồi độ ẩm của đất, từ đó làm chậm quá trình xâm lấn của sa mạc Sahel.

Các nước phát triển cũng đang tích cực tham gia vào tiến trình này. Pháp đã cam kết sẽ chi 1 tỷ Euro để giúp nông dân áp dụng các phương pháp canh tác nông nghiệp sinh thái vào năm 2025 thông qua đào tạo, hỗ trợ và nghiên cứu và phát triển. Và tại Hoa Kỳ, Chương trình Mua Thực phẩm Chất lượng đã phát triển một hệ thống giúp các thành phố và các tổ chức lớn tập trung mua thực phẩm bền vững được trồng tại địa phương. Los Angeles, San Francisco và Chicago là những thành phố đầu tiên áp dụng hệ thống này. 

Nhận thấy mối đe dọa đang chờ chực, các tập đoàn nông nghiệp lớn ra sức truyền thông rằng nông nghiệp sinh thái là bức tranh đẹp đẽ nhưng xa rời thực tế, chỉ dành cho một nhóm người giàu có và mơ mộng, chắc chắn không phù hợp với mục tiêu nuôi sống thế giới. 

Một so sánh kéo dài 30 năm của Viện Rodale giữa áp dụng nông nghiệp hữu cơ và sử dụng hóa chất trong sản xuất ngô và đậu nành cho thấy, trong vài năm đầu sau khi chuyển đổi từ canh tác công nghiệp sang hữu cơ, năng suất có phần suy giảm. Nhưng sau đó, phương pháp hữu cơ “đã giúp phục hồi và tăng chất lượng đất, giúp năng suất tăng cao – thậm chí vượt qua năng suất khi áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghiệp”. Và thay vì tận dụng tài nguyên trong đất như một mỏ lộ thiên, những thực hành này tái tạo đa dạng sinh học, cải thiện độ phì nhiêu của đất.

Để trồng được ngày càng nhiều ngô và đậu nành trên một thửa đất, chúng ta phải trả giá bằng việc phá hủy đất và gây hại cho sức khỏe của chính mình. Nông nghiệp sinh thái đo lường sự thành công của chính nó bằng một thước đo không chỉ bao gồm sản lượng và calo, mà còn bằng chất lượng dinh dưỡng khi đưa vào cơ thể người, đồng thời tái tạo đất và nước, giúp cải thiện sinh kế người nông dân. 

Nông nghiệp sinh thái không chỉ là một tập hợp các kỹ thuật nông nghiệp sạch: Về bản chất, nó khuyến khích chúng ta xác định hệ thống thực phẩm thực sự sẽ trông như thế nào. Nếu chúng ta tin rằng sản xuất lương thực là để giữ cho con người và hành tinh khỏe mạnh, thì chúng ta không cần gì khác hơn là tái thiết lại hệ thống nông nghiệp hiện tại và tạo ra một hệ thống đảm bảo quyền sở hữu đất đai cho nông dân và người dân bản địa, giúp thị trường địa phương hoạt động hiệu quả với sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ nông dân, người tiêu dùng, người lao động, đồng thời khuyến khích sự chung tay của các nhà quản lý.

Nông nghiệp sinh thái sẽ không còn là một viễn cảnh mộng mơ trên trang giấy, mà nó đang thực sự sống và phát triển.□

Anh Thư tổng hợp 

Nguồn tham khảo:

[1] Environmental Impacts of Agricultural Modifications, National Geographic 

https://education.nationalgeographic.org/resource/environmental-impacts-agricultural-modifications/

[2] Tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, báo Quốc Hội

https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/home.aspx?ItemID=50492

[3] Opinion: The economic potential of agroecology in Europe, Cultivate Collective

https://www.cultivatecollective.org/in-perspective/the-economic-potential-of-agroecology-in-europe/

[4] Agroecology is a poverty solution in Haiti (commentary), Mongabay

https://news.mongabay.com/2023/03/agroecology-is-a-poverty-solution-in-haiti-commentary/

[5] Bringing Farming Back to Nature, New York Times

https://www.nytimes.com/2018/06/26/opinion/farming-organic-nature-movement.html

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)