Vẻ đẹp của Làng nghề Việt tại Bảo tàng Thế giới cà phê

Truyền thống có bao giờ chỉ là quá khứ? Nếu rọi ánh sáng mới vào truyền thống, chúng ta sẽ nhận được gì? Nếu mang những câu hỏi này đến Bảo tàng Thế giới cà phê những ngày này, chúng ta sẽ chợt nhận ra một sự kết nối bền chặt với quá khứ và một vẻ đẹp mới ánh lên trên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tưởng chừng như khó đổi thay.

Khu vực trưng bày các sản phẩm của làng nghề gốm.

Triển lãm “Vẻ đẹp của Làng nghề Việt” với hơn 17 nghề, làng nghề tiêu biểu thuộc ba miền Bắc – Trung – Nam cùng hơn 35 nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia, diễn ra từ ngày 15/5/2022 – 15/6/2022 tại Bảo tàng Thế giới cà phê, với sự tài trợ của Tập đoàn Trung Nguyên Legend để hưởng ứng ngày Quốc tế Bảo tàng. Đây chỉ là một phần rất nhỏ trong số hàng chục triệu thợ thủ công ở 50 nhóm ngành nghề trên khắp 5.400 làng nghề ở ba miền Bắc – Trung – Nam.

Trải qua cả nghìn năm thăng trầm với biết bao biến cố “thương hải tang điền”, các làng nghề thủ công Việt Nam tồn tại như những mô hình kinh tế có khả năng thích ứng với hoàn cảnh, đem lại những thu nhập đủ để những người thợ thủ công Việt gắn bó máu thịt với nghề. Những nét đẹp văn hóa độc đáo, những phong tục tập quán truyền thống nhờ vậy đã tồn tại và lan tỏa ở khắp các nhóm nghề, trên khắp các chất liệu: gốm sứ; mây tre đan; cói – lục bình; điêu khắc gỗ; sơn mài; thêu; điêu khắc đá; dệt thủ công; giấy; tranh nghệ thuật; kim khí…

Nhưng có cách nào đem lại cho nó một đời sống mới, gắn với các giá trị đương đại và giới thiệu với đông đảo công chúng cái đẹp mới mẻ đó? Suy nghĩ đó đã đưa đến ý tưởng rọi ánh sáng mới vào những sản phẩm truyền thống, đặt nó vào không gian của Sống – Mở – Tương tác ở Bảo tàng Thế giới cà phê. Dù số năm hoạt động chưa đủ dài như nhiều bảo tàng khác nhưng Bảo tàng Thế giới cà phê đã đem lại ấn tượng về một điểm đến khác biệt với những hoạt động giới thiệu về lịch sử cà phê thế giới và triển lãm nhiều sự kiện sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật thường niên như lễ hội “Thả diều thả ước mơ”, giới thiệu nghệ thuật làm diều truyền thống của làng diều sáo Bá Dương (Hà Nội) và nghề làm diều H’la Jar của người Ê-đê; phục chế Lễ Dâng cúng cà phê của người Ê-đê; triển lãm cây nêu của các dân tộc Việt, giao lưu văn hóa nghệ thuật dệt thổ cẩm truyền thống và vải Batik Indonesia;…

Sản phẩm gốm thủ công của người M’nông Đắk Lắk.

Nhằm giúp cộng đồng thấy được sức sống trường tồn của di sản văn hóa dân tộc, sức sáng tạo bền bỉ của người Việt, sự đóng góp của các nghệ nhân, những người thợ thủ công, Bảo tàng Thế giới cà phê đã có cách làm mới mẻ: toàn bộ ý tưởng sắp đặt và trưng bày các sản phẩm của triển lãm lần này tập trung vào thể hiện ý nghĩa một mạch nguồn văn hóa chảy liên tục hàng ngàn năm, bắt đầu từ sản phẩm của các làng nghề, nghề vẫn bảo tồn được quy trình sản xuất thủ công truyền thống đến các khu vực trưng bày sản phẩm áp dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại.

Một điểm độc đáo khác của triển lãm này là sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, giữa những sản phẩm của các làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội), làng tơ lụa Cổ Chất (Nam Định); làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam), làng nghề gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông (Đắk Lắk) cùng hàng chục loại hình nghề thủ công truyền thống như nghề chế tác nhạc cụ, nghề tạc tượng gỗ của các dân tộc Ê-đê… với các sản phẩm được ươm mầm từ văn hóa truyền thống của nhiều nghệ sĩ trẻ như bộ sưu tập giày Annam Heritage của họa sĩ trẻ La Quốc Bảo (Kiên Giang); tranh Đông Hồ – tranh Hàng Trống vẽ lại dựa trên kỹ thuật đồ họa hiện đại của họa sĩ trẻ Xuân Lam (Hà Nội); bộ sản phẩm trang sức chế tác trên thổ cẩm và gốm; nghệ thuật giấy Trúc chỉ – đỉnh cao của nghệ thuật làm giấy thủ công Việt Nam, duy nhất có trên thế giới… hay những sản phẩm sơn mài khảm trai hay nón sen của họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo đến từ Huế vô cùng tinh xảo, độc đáo.

Ý tưởng sắp đặt của “Vẻ đẹp của làng nghề Việt” lấy cảm hứng từ các tác phẩm sắp đặt của Nhà điêu khắc – Thiết kế Richard Long và được Bảo tàng Thế giới cà phê phát triển, sáng tạo, giúp làm nổi bật các bộ sưu tập, sản phẩm trưng bày của triển lãm. Bạn trẻ La Quốc Bảo chia sẻ: “Ý tưởng trưng bày của triển lãm giúp khách tham quan rất dễ hình dung từ các sản phẩm, các làng nghề có cách sản xuất thủ công rất cổ xưa, chuyển tới các sản phẩm bán thủ công như một bước đệm tới các khu trưng bày sản phẩm thủ công được áp dụng các kỹ thuật hiện đại, được ứng dụng rộng khắp trong đời sống. Đặc biệt, ánh sáng tự nhiên của Bảo tàng Thế giới cà phê giúp các khu vực trưng bày, các sản phẩm được chuyển biến với nhiều sắc độ khác nhau và trở thành một điểm rất đặc biệt trong không gian trưng bày của triển lãm”.

Để tăng thêm độ thấu hiểu về sản phẩm truyền thống, trong thời gian diễn ra triển lãm, khách tham quan sẽ được tìm hiểu quy trình sản xuất thủ công của các làng nghề, nghề truyền thống như các hoạt động trải nghiệm cách làm gốm của người M’nông, đúc đồng thủ công, đan lát, cách chế tác nhạc cụ… □

Tác phẩm gốm điêu khắc của Làng nghề gốm Bàu Trúc trưng bày triển lãm.

Tượng gỗ dân gian của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên tại triển lãm.

Tác giả