Tiềm năng lưu trữ carbon của rừng nhiệt đới

Nghiên cứu, được các nhà khoa học thuộc ĐH Bristol công bố vào ngày 15/3 trên tạp chí Nature, đã nêu bật tiềm năng lưu trữ carbon của rừng nhiệt đới và các giới hạn hiện tại trong nỗ lực tái sinh rừng.

 

Những khu rừng bị suy thoái đang phục hồi sau sự tàn phá của con người và các khu rừng thứ sinh cũng dần mọc lại ở những khu vực bị hư hại trước đây. Nhờ đó, mỗi năm chúng loại bỏ ít nhất 107 triệu tấn carbon khỏi khí quyển trên khắp vùng nhiệt đới. Để định lượng tỷ lệ thu hồi trữ lượng carbon trên mặt đất, các nhà khoa học quốc tế đã sử dụng dữ liệu vệ tinh của ba khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới.

Mặc dù kết quả chứng minh khả năng thu hồi carbon của các khu rừng đang phục hồi trên khắp các vùng nhiệt đới, nhưng tổng lượng carbon trên mặt đất được hấp thụ trong quá trình rừng phục hồi chỉ đủ để cân bằng khoảng một phần tư (26%) lượng phát thải carbon hiện tại từ nạn phá rừng và suy thoái rừng nhiệt đới.

“Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp những ước tính đầu tiên về khả năng hấp thụ carbon trên mặt đất trong các khu rừng nhiệt đới đang dần phục hồi sau sự tàn phá của con người”, tác giả chính, tiến sĩ Viola Heinrich, người vừa lấy bằng tiến sĩ về địa lý tự nhiên tại Trường Khoa học Địa lý thuộc Đại học Bristol, cho biết.

Để làm được điều này, các nhà khoa học môi trường tại Đại học Bristol đã phối hợp với các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil (INPE), cũng như các nhà khoa học từ khắp Vương quốc Anh, châu Âu và Hoa Kỳ.

Nhóm đã sử dụng bộ dữ liệu vệ tinh có thể phân biệt nạn phá rừng với các hoạt động xáo trộn khác do con người gây ra, chẳng hạn như khai thác gỗ và cháy rừng, để xác định các loại rừng đang phục hồi. Kết hợp với thông tin về carbon trên mặt đất từ ​​Cơ quan Vũ trụ châu Âu và các biến số môi trường, nhóm nghiên cứu đã lập mô hình không gian tái sinh rừng ở Amazon, Trung Phi và Borneo.

“Các mô hình phục hồi carbon mà chúng tôi phát triển có thể cung cấp thông tin cho các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách về tiềm năng lưu trữ carbon của rừng thứ sinh và rừng suy thoái nếu chúng được bảo vệ và tái tạo”, Viola, nghiên cứu viên tại Đại học Exeter, cho biết.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng một phần ba số rừng bị suy thoái do khai thác gỗ hoặc hỏa hoạn sau đó đã bị hư hại hoàn toàn.

“Rừng nhiệt đới cung cấp nhiều nguồn tài nguyên quan trọng cho hàng triệu người và động vật. Ở quy mô lớn, chúng ta cần bảo vệ và khôi phục rừng nhiệt đới vì giá trị lưu trữ carbon và điều tiết khí hậu của chúng. Ở quy mô địa phương, người dân cần được phép tiếp tục sử dụng rừng một cách bền vững”, Viola nói thêm.

Đồng tác giả, TS. Jo House, chuyên gia về Chính sách và Khoa học Môi trường tại Đại học Bristol, người đã có nhiều đánh giá quốc tế về biến đổi khí hậu và rừng, lưu ý rằng “các quốc gia đã nhiều lần cam kết giảm thiểu tình trạng phá rừng, suy thoái rừng và khôi phục các khu vực rừng bị phá. Đây là cách hiệu quả nhất để loại bỏ carbon khỏi khí quyển, bên cạnh đó điều này cũng giúp bảo vệ đa dạng sinh học, kiểm soát lũ lụt và bảo đảm sinh kế của người dân bản địa.” Tuy nhiên, mục tiêu này cho đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa. “Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng thời gian không còn nhiều nữa”.

Tại sự kiện COP27 do Ai Cập đăng cai vào tháng 11 năm ngoái, Brazil, Indonesia và Congo đã thành lập một liên minh để bảo vệ các khu rừng nhiệt đới. Tháng 1/2023, tại ​​lễ nhậm chức, Tân Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã cam kết khắc phục thiệt hại do các chính sách từ đời Tổng thống trước gây ra và quay trở lại khôi phục rừng Amazon.

“Tập trung vào việc bảo vệ và phục hồi các khu rừng nhiệt đới thứ sinh đang bị suy thoái là một giải pháp phát triển bền vững cho các nước nhiệt đới, giúp mang lại lợi ích về mặt kinh tế và xã hội cho người dân địa phương”, đồng tác giả, TS. Luiz Aragão, Trưởng phòng Quan sát Trái đất và Địa tin học tại Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia (INPE) ở Brazil, kết luận.□

Hà Trang lược dịch

https://phys.org/news/2023-03-recovering-tropical-forests-offset-carbon.html

Tác giả