Đầu tư cho KH&CN hạt nhân thế nào cho hiệu quả?

Nếu đơn thuần chỉ nhìn vào lợi ích kinh tế, rất nhiều người không thấy được giá trị mà cơ sở hạ tầng khoa học và các thiết bị nghiên cứu lớn như lò phản ứng nghiên cứu có thể đem lại cho một ngành, nhiều ngành, thậm chí cho cả xã hội.

Đoàn công tác VINATOM làm việc với TS. Khaled Toukan, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Jordan và các cán bộ của Ủy ban.

Jordan tháng mười một, khoảng thời gian đẹp nhất, dễ chịu nhất trong năm của quốc gia có khí hậu theo kiểu Địa Trung Hải: mát mẻ, nhiều mưa vào mùa đông và nóng khô mùa hè. Mặc dù thuộc về khu vực Trung Đông, kho dầu mỏ hàng đầu thế giới, nhưng vùng đất này không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, và đặc biệt không có dầu mỏ. Có lẽ, đây là một phần lý do giải thích vì sao giữa các quốc gia Trung Đông giàu có nhờ khai thác vàng đen như UAE, Qatar, Kuwait… thì Jordan lại có vẻ kém tiếng, thậm chí lép vế. Tuy nhiên đó đã là quá khứ bởi từ năm, sáu năm trở lại đây, Jordan đã nổi lên như một hiện tượng. “Jordan hầu như đã đạt tới tầm quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, họ đang dần dần phát triển theo hướng đó bởi có trong tay những cơ sở hạ tầng mơ ước nhất về năng lượng nguyên tử và vật lý hạt nhân là lò phản ứng nghiên cứu đa mục tiêu và trung tâm máy gia tốc Synchrotron. Và hơn nữa, họ có những con người có năng lực và tầm nhìn”, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), nhận xét như vậy ngay khi còn chưa rời Jordan.

Sự trỗi dậy của Jordan, dường như, hé mở một cánh cửa cơ hội tới một tương lai sở hữu các cơ sở hạ tầng khoa học lớn cho nhiều quốc gia, khi người làm khoa học và người làm chính sách gặp nhau… Rất có thể, nhiều người cho rằng, công thức này chẳng có gì mới, bởi nó đã được chứng thực từ hàng thập kỷ nay ở nhiều quốc gia phát triển dựa trên nền tảng KH&CN hiện đại. Thật ra khi đặt vào bối cảnh một quốc gia không có nhiều thuận lợi về nguồn lực đầu tư và cả nguồn lực con người, như Jordan hay bất cứ quốc gia nào tương tự, mới thấy việc áp dụng thành công công thức này không chỉ cần nỗ lực của những người trong cuộc mà cả niềm tin được đặt đúng chỗ.

Nhưng bằng cách nào, Jordan hội tụ được tất cả những điều đó? Liệu công thức của họ có thể phù hợp với quốc gia khác, ví dụ như Việt Nam?

Công trình nền tảng

Ấn tượng đầu tiên mà người ta cảm nhận được ở lò phản ứng nghiên cứu JRTR của Jordan là không khí làm việc theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Thậm chí, nếu một phút nào đó xao nhãng còn có thể tưởng nhầm đây là một cơ sở nghiên cứu ở Mỹ hoặc châu Âu bởi sự chuẩn chỉnh và tính chuyên nghiệp của nó. Đem lại cảm giác này, không hẳn do lò phản ứng được đặt trong một môi trường sư phạm – thuộc khuôn viên trường Đại học KH&CN Jordan ở thành phố Ar Ramtha cách thủ đô Amman 70km, gần biên giới Syria – mà bởi vì “hầu hết các nhà nghiên cứu ở đó đều sử dụng tiếng Anh, các tập tài liệu trong những hộc tủ đều được ghi bằng tiếng Anh và các quy định về an toàn mà họ áp dụng trong vận hành lò phản ứng đều theo tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA) và Cơ quan Pháp quy hạt nhân Mỹ (NRC)”, TS. Trần Chí Thành nhận xét bằng con mắt sắc sảo của một nhà nghiên cứu an toàn hạt nhân nhiều năm làm việc tại Thụy Điển. Việc áp dụng cách làm này giúp những người làm hạt nhân Jordan tránh khỏi sai khác và mất mát khi dịch thuật các quy định trong pháp quy hạt nhân sang tiếng Ả Rập, mặt khác họ có thể tham khảo một cách thuận lợi những quy định đã được tinh chỉnh theo thời gian của cả IAEA lẫn NRC.

Ấn tượng đầu tiên mà người ta cảm nhận được ở lò phản ứng nghiên cứu JRTR của Jordan là không khí làm việc theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà tờ giới thiệu về JRTR có dòng chữ “Jordan’s Gateway to the nuclear era” (Cánh cửa tới kỷ nguyên hạt nhân của Jordan) còn trên trang web chính thức ghi “Step to future” (Bước tới tương lai). JRTR là hòn đá tảng cho chương trình hạt nhân của Jordan, vì thế, việc duy trì một nếp làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế ngay từ những ngày đầu tiên là điều kiện tiên quyết của họ thực hiện ước mơ của mình.

So với những lò phản ứng nghiên cứu còn đang được vận hành trên thế giới, trong đó có một số được khởi công và khánh thành vào những năm 1950, JRTR có tuổi đời còn rất trẻ. Mới được đưa vào vận hành từ cuối năm 2017, lò phản ứng đa mục tiêu này có công suất định danh 5 MW nhưng thiết kế và xây dựng đã sẵn sàng để nâng cấp lên 10 MW chỉ bằng cách thay thế các bơm của hệ làm mát khi cần, nghĩa là tương đương với công suất của lò phản ứng đa mục tiêu mà Việt Nam lên kế hoạch trong Dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân. “Có một số điểm khác biệt về công nghệ giữa lò của Jordan và lò trên kế hoạch của mình”, PGS. TS Nguyễn Nhị Điền, một thành viên của VINATOM tham gia Dự án từ nhiều năm nay, giải thích. “Lò của họ do Hàn Quốc thiết kế (KAERI), có vành phản xạ nước nặng còn lò mà Việt Nam đang lên kế hoạch hợp tác với ROSATOM có vành phản xạ là beryllium. Vì vậy nếu so về chiếu xạ silic và khai thác các kênh ngang thì lò của họ ưu việt hơn còn để chiếu xạ sản xuất đồng vị phóng xạ và phân tích kích hoạt neutron thì có lẽ là tương đương nhau”.

Neutron nhiệt trong lò phản ứng được sử dụng để chiếu xạ sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt neutron, pha tạp và nghiên cứu vật liệu, còn các dòng neutron nhiệt và neutron lạnh được dẫn ra từ lò phản ứng nghiên cứu thường được sử dụng để nghiên cứu cấu trúc vật liệu bằng kỹ thuật tán xạ neutron, chụp ảnh neutron… Ở JRTR, tất cả cũng mới bắt đầu ở một số hạng mục. Theo giới thiệu của người phụ trách lò phản ứng JRTR, TS Samer Kahook với các đồng nghiệp VINATOM, trên lò phản ứng “tiên tiến và hiện đại nhất vùng Ả Rập” này, Jordan đã sản xuất được hai loại đồng vị phóng xạ là Iodine-131 và Technetium-99m cung cấp cho 13 trung tâm y tế và bệnh viện trong nước để chụp ảnh các cơ quan của cơ thể như não, tuyến giáp, phổi, gan, thận, xương, túi mật, tủy xương cùng nhiều nghiên cứu y học chuyên ngành và nguồn kín Iridium -192 để sử dụng trong công nghiệp… Hai loại đồng vị khác là Lutetium-177 và Holmium-166 đã hoàn thiện quy trình để chuẩn bị sản thương mại. Ngoài ra, Bộ phận Phân tích kích hoạt neutron (NAA) của JRTR cũng đã được thành lập và hoạt động song song để nghiên cứu áp dụng các kỹ thuật NAA có độ chính xác cao này vào việc xác định nồng độ của các vết nguyên tố chỉ ở mức phần tỉ trong mẫu môi trường (nước, không khí, đất đá, thủy sản, vật liệu sinh học…), thực hiện kiểm tra không xâm lấn trên các mẫu khảo cổ, đồ tạo tác nghệ thuật… để xác định niên đại, thành phần vật liệu với giá thành thấp hơn so với các phương pháp phân tích hóa học… Đặc biệt, phòng thí nghiệm phân tích kích hoạt của họ đạt tiêu chuẩn để làm dịch vụ phân tích mẫu cho IAEA.

Lò phản ứng nghiên cứu JRTR của Jordan.

So với những gì có thể triển khai trên một lò phản ứng nghiên cứu thì hai hạng mục này quả là bé nhỏ. Tuy nhiên, cách thức chúng được đưa vào khai thác ở thiết bị hạt nhân quan trọng này khiến cả TS. Trần Chí Thành lẫn PGS. TS Nguyễn Nhị Điền đều cảm thấy ấn tượng. “Họ làm rất bài bản, từ từ đưa các kỹ thuật vào một cách chắc chắn, không nóng vội thực hiện tất cả những ứng dụng có thể lên lò phản ứng của mình, cho dù đây là lò đa mục tiêu”, TS. Trần Chí Thành nói. Dường như, sự từ từ bình thản như vậy không chỉ đem lại cảm giác chắc chắn mà còn dẫn đến những cơ hội mới. “Jordan đang sản xuất đồng vị phóng xạ Tc-99m trên dây chuyền bán tự động do Hàn Quốc cung cấp nhưng song song với đó, họ đã nghiên cứu để có được một dây chuyền tự động hoàn toàn và bắt đầu thử nghiệm sản xuất. Họ làm dứt điểm từng việc”, PGS. TS Nguyễn Nhị Điền bổ sung.

Điểm lại quãng thời gian năm năm đầu vận hành lò phản ứng, ai cũng thấy sự bài bản của Jordan: Tháng 11/2017 có giấy phép vận hành lò phản ứng nghiên cứu thì đã có hơn 100 người vận hành, khai thác; tháng 3/2018 có những mẻ dược chất phóng xạ ứng dụng trong y tế theo tiêu chuẩn GMP WHO, nghĩa là hơn bốn tháng sau khi có giấy phép vận hành thì đã có giấy phép cung cấp đồng vị phóng xạ. “Jordan triển khai từng bước một để công việc chuẩn bị thật chắc chắn và thiết bị không bị lạc hậu bởi nếu đầu tư ngay từ đầu cùng một lúc tất cả các ứng dụng mà chưa có người sử dụng thì thiết bị sẽ cũ theo thời gian. Hiện tại, sau gần năm năm vận hành, họ mới bước vào gói dự án mở kênh ngang và tạo dòng neutron lạnh để khai thác cả hai nguồn neutron nhiệt và lạnh”, PGS. TS Nguyễn Nhị Điền – người đã dành hơn 40 năm làm việc trên lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt, nhận xét.

“Jordan đang sản xuất đồng vị phóng xạ Tc-99m trên dây chuyền bán tự động do Hàn Quốc cung cấp nhưng song song với đó, họ đã nghiên cứu để có được một dây chuyền tự động hoàn toàn và bắt đầu thử nghiệm sản xuất. Họ làm dứt điểm từng việc”. (PGS. TS Nguyễn Nhị Điền)

Điểm hay mà năng lượng nguyên tử đem đến cho Jordan còn là Trung tâm chiếu xạ công nghiệp sử dụng nguồn Cobalt-60 với dây chuyền chiếu xạ tương tự như ở VINAGAMMA của VINATOM. Tất cả mọi người làm ở đây đều cảm thấy tự hào là dây chuyền chiếu xạ của họ đang chiếu xạ tiệt trùng hàng hóa. Điều này vô cùng có ý nghĩa với một quốc gia mà hầu hết lương thực, thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng đều phải nhập khẩu.

Tuy nhiên, tất cả những điều này thì có ý nghĩa gì với Việt Nam? Nó gợi đến một hướng đi, một cách làm mới cho bài toán cũ chăng?

Tìm về bài toán của chính mình

Sau chuyến công tác tại Jordan, quãng thời gian một tuần gần như không có lúc nghỉ ngơi, ngày nào cũng di chuyển không dưới 150km, làm việc liên tục để tận dụng quãng thời gian quý báu trao đổi, hỏi han các đồng nghiệp nước bạn, đoàn cán bộ VINATOM trở về với nhiều suy nghĩ, và về với Dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân của mình, một dự án đã tồn tại cả thập kỷ… Khi được hỏi là liệu cách tiếp cận của Jordan có hé mở cho Việt Nam điều mới mẻ gì để tạo ra đột phá nào không thì TS. Trần Chí Thành trả lời cũng không hẳn. Không hẳn ư?!! Bởi, tất cả những gì diễn ra ở Jordan cho thấy, chỉ cần áp dụng đúng những chuẩn mực và kinh nghiệm quốc tế đã được tích lũy gần cả thế kỷ nay và nhất là được trao niềm tin thì công việc ắt hẳn sẽ hanh thông. “Những trải nghiệm và chia sẻ của của Jordan, đặc biệt của TS. Khaled Toukan, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Jordan, giúp khẳng định lại những điều mình đã nghĩ, đã nghiền ngẫm nhiều năm nay”, anh nói. “Từ ví dụ thành công của Jordan, có thể thấy chiến lược ‘xây dựng lò nghiên cứu – đẩy mạnh đào tạo nhân lực – đưa lò vào vận hành và sản xuất đồng vị phóng xạ, từng bước triển khai nghiên cứu và ứng dụng tiên tiến trên lò’ hoàn toàn phù hợp với Việt Nam”.

Dẫu có một số điểm sai khác trong kế hoạch chuẩn bị cho lò phản ứng nghiên cứu mới của Việt Nam và lò phản ứng nghiên cứu JRTR của Jordan nhưng tựu chung lại, đều có sự tương đồng ở hai điểm quan trọng, đó là việc triển khai từng bước các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và sự chuẩn bị về nguồn nhân lực. Cũng như một số thiết bị hạt nhân quan trọng khác là máy gia tốc, lò phản ứng nghiên cứu có khoảng thời gian khai thác rất dài. Vì vậy, việc sinh ra một thiết bị nghiên cứu như vậy đòi hỏi tầm nhìn cho cỡ 40-50 năm… Trong các phiên họp Hội đồng KHCN và đào tạo của VINATOM, diễn ra vào cuối tháng 12 hằng năm, hai thành viên chủ chốt của nhóm cán bộ tham gia Dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia là PGS. TS Nguyễn Nhị Điền và TS. Trần Chí Thành thường báo cáo và cập nhật tình hình chuẩn bị. “Kế hoạch của mình cũng tương tự với họ. Tôi vẫn trao đổi với anh em là trong năm năm đầu vận hành lò mới, sẽ triển khai dần dần việc nghiên cứu và sản xuất dược chất và đồng vị phóng xạ để cung cấp cho ngành y tế và công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở y tế trong nước. Quá trình này cũng đi kèm với việc chuẩn bị nhân lực để sau đó, mình tiến tới triển khai khai thác các kênh ngang bằng kỹ thuật tán xạ neutron góc nhỏ, nhiễu xạ neutron để phục vụ việc nghiên cứu, khảo sát tính chất và cấu trúc của vật liệu”, TS. Trần Chí Thành nói.

Các nhà khoa học giới thiệu với đoàn công tác VINATOM về Trung tâm máy gia tốc SESAME.

Có lẽ, trong vòng gần một thế kỷ qua, việc thiết kế, xây cất và khai thác trên 800 lò phản ứng nghiên cứu ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đều có những điểm khác biệt nhất định, tùy theo mục tiêu và tiềm lực của từng quốc gia… Với các quốc gia có sẵn nền tảng KH&CN và nguồn kinh phí đầu tư tương đối dồi dào thì câu chuyện phát triển sẽ khác: tất cả công đoạn chuẩn bị sẽ được hoàn tất, chuẩn chỉnh và có thể sẽ được triển khai cùng một lúc ở các hạng mục với đầy đủ đội ngũ. Tuy nhiên, với các quốc gia mới phát triển năng lượng nguyên tử như Việt Nam và Jordan, và cũng khiêm tốn về nguồn lực đầu tư như Việt Nam, thì mọi chuyện diễn ra cũng khác. “Mình phải lập kế hoạch đi theo từng bước, nếu làm ngay một lúc thì không hợp lý với thực tế kinh phí đầu tư, nguồn nhân lực và năng lực của mình”, TS. Trần Chí Thành nói. “Ví dụ mình đã có năng lực thiết kế nhưng điều đó vẫn chưa đủ cho những bước quan trọng tiếp theo như dẫn dòng neutron từ trong lò phản ứng ra ngoài; muốn làm được điều đó cần phải có thiết bị khai thác và người sử dụng nữa”.

Cũng như nhiều cơ sở hạ tầng nghiên cứu tầm cỡ khác, mỗi lò phản ứng phản ánh trình độ phát triển và mục tiêu hướng tới của từng quốc gia. Sự đa dạng trong phổ ứng dụng của chúng và những điều chúng mang lại quả thật vượt lên trên nhiều giá trị tiền bạc mà người ta đầu tư ban đầu. “Đó là những trung tâm KH&CN và sản xuất rất có giá trị với từng đất nước. Ở trường ĐH Bắc Carolina, Mỹ có lò Pulstar hoạt động rất hiệu quả do nhu cầu của ngành công nghiệp và quốc phòng rất lớn. Họ cần những loại vật liệu, thiết bị có tính chất rất đặc biệt nên họ thường mang các vật liệu và thiết bị đó tới thử nghiệm trong môi trường phóng xạ tại lò Pulstar”, TS. Trần Chí Thành phân tích. Mỗi lò phản ứng nghiên cứu, nếu chỉ xét ở khía cạnh kinh tế cũng có đóng góp khá đáng kể. “Chúng tôi được biết lò OPAL của Úc chỉ cần dừng vận hành một ngày là đã mất 200.000 USD bởi sản phẩm chính của họ là sản xuất đồng vị phóng xạ và chiếu xạ silicon xuất khẩu, đương nhiên bài báo quốc tế của họ cũng rất nhiều”, PGS. TS Nguyễn Nhị Điền nói.

Từ ví dụ thành công của Jordan, có thể thấy chiến lược ‘xây dựng lò nghiên cứu – đẩy mạnh đào tạo nhân lực – đưa lò vào vận hành và sản xuất đồng vị phóng xạ, từng bước triển khai nghiên cứu và ứng dụng tiên tiến trên lò’ hoàn toàn phù hợp với Việt Nam.

TS. Khaled Toukan khẳng định với chúng tôi là đầu tư cho KH&CN là đầu tư lâu dài, làm được ra chút nào thì cũng tốt cho chính phủ nhưng đó không phải là cái đích của khoa học hay của lò phản ứng nghiên cứu. (TS. Trần Chí Thành)

Nghiên cứu và triển khai là hai mặt của một vấn đề trên lò phản ứng nghiên cứu. Khi mọi thứ được làm một cách chuẩn chỉnh thì nhiều cơ hội sẽ tới, xuất phát từ bản chất liên ngành của nó. “Thuật ngữ ‘lò phản ứng nghiên cứu’ có thể khiến người ta hiểu nhầm bởi trên thực tế, các cơ sở hạ tầng này liên quan đến rất nhiều lĩnh vực của đời sống và đem đến nhiều lợi ích cho con người từ nhiều ứng dụng trong y tế, nông nghiệp, giáo dục, phát triển công nghiệp…”, một tài liệu của Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA) đã từng viết như vậy vào năm 2020 1. Cơ hội chứng tỏ vai trò của năng lượng hạt nhân với xã hội đã đến với JRTR, ít nhất ở chỗ có thể thấy được là việc cung cấp dược chất phóng xạ các trung tâm y tế và bệnh viện trong nước mở ra liên kết tới năm công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực phân phối, xuất nhập khẩu dược chất/đồng vị phóng xạ. “Năng lực của họ rất tốt. Mỗi năm từ JRTR, họ có thể sản xuất được khá nhiều, hàng nghìn nguồn phóng xạ I-192, trong khi lò Đà Lạt của chúng ta vì công suất nhỏ nên không làm được dịch vụ này. Dĩ nhiên, nếu chúng ta sản xuất trên lò mới thì mọi chuyện sẽ khác”, PGS. TS Nguyễn Nhị Điền nhận xét. Ông kể, TS. Salih Khafaji, giám đốc vận hành và chuyên gia chính trong dự án xây dựng lò JRTR, cũng trao đổi với đoàn VINATOM là JRTR đang chuẩn bị để trong một vài năm tới có thể xuất khẩu đồng vị phóng xạ và nguồn phóng xạ kín sang khối quốc gia Ả Rập – ưu thế của lò phản ứng nghiên cứu duy nhất trong khối. “Có thể đây cũng là một cách để Jordan củng cố thêm vị trí của mình trong vùng với năng lực dẫn đầu về hạt nhân, ngay cả khi họ không có tiềm lực kinh tế mạnh như UAE hay Qatar”, TS. Trần Chí Thành nói.

Việc làm chủ một chương trình năng lượng nguyên tử, với xuất phát rất bài bản là có được lò phản ứng nghiên cứu và một trung tâm máy gia tốc Synchrotron ở tầm quốc tế, không chỉ giúp Jordan phát triển mà còn tạo điều kiện đưa quốc gia cung cấp công nghệ cho họ, Hàn Quốc, tiếp cận với khối Ả Rập. TS. Trần Chí Thành chỉ ra, từ hợp đồng cung cấp công nghệ lò phản ứng nghiên cứu với Jordan, mà phần nhiều là không thể có lãi trực tiếp, Hàn Quốc đã có lãi “khủng”: ký được hợp đồng với UAE xây nhà máy điện hạt nhân Barakah bốn lò phản ứng (công suất mỗi lò 1400 MWe, lò đầu tiên đã đi vào vận hành) và chứng tỏ được năng lực xuất khẩu công nghệ tương đương với những quốc gia đi trước như Nga, Mỹ, Pháp, Anh… Trong phát triển năng lượng nguyên tử, cái lợi thường bao giờ cũng đi sau nên đôi khi phải kiên nhẫn mới có thể nhận biết được.

***

Trong lịch sử, ngành hạt nhân bắt đầu với những khám phá về bức xạ – quá trình phân rã và chuyển đổi tự nhiên cả các hạt nhân nguyên tử không bền kèm theo sự phát xạ của các hạt nhân và/hoặc bức xạ điện từ – với công lao đi đầu của những nhà khoa học giành giải Nobel như Henri Becquerel vào năm 1896; Marie và Pierre Curie vào năm 1905 tiên phong trong việc sử dụng radium vào điều trị ung thư; Frédéric Joliet và Irene Joliet-Curie vào năm 1934 chế tạo thành công đồng vị phóng xạ nhân tạo đầu tiên; Ernest Lawrence tạo ra vô số đồng vị phóng xạ có thể ứng dụng trong khoa học sinh học, y sinh… Và giờ thì có rất nhiều điều người ta có thể triển khai trên các lò phản ứng nghiên cứu và thu được nhiều lợi ích cho con người từ đó2.

Nhưng xét cho đến cùng thì lợi ích kinh tế cũng không hẳn là mục tiêu tối thượng của lò phản ứng nghiên cứu, ngay cả khi cố đặt lên bàn cân để tìm điểm cân bằng hoặc vượt trội giữa đầu tư và doanh thu. TS Trần Chí Thành nói “Ở đây phải tính đến việc nhà nước đầu tư cho KH&CN và tiềm lực của đất nước. TS Khaled Toukan khẳng định với chúng tôi là đầu tư cho KH&CN là đầu tư lâu dài, làm được ra chút nào thì cũng tốt cho chính phủ nhưng đó không phải là cái đích của khoa học hay của lò phản ứng nghiên cứu”.

Trong danh sách những bài học kinh nghiệm về những lò phản ứng nghiên cứu của thế giới của VINATOM lại dài thêm những gạch đầu dòng, có thể là “Jordan, 14 năm với lò phản ứng JRTR và trung tâm máy gia tốc quốc tế SESAME”. “Cái lò đa mục tiêu như kiểu của họ là giấc mơ của bọn tôi từ năm 2002, khi lần đầu tiên thực hiện đề tài nhánh của một đề tài cấp Nhà nước. Bọn tôi đã thử nêu thiết kế đúng cái lò kiểu như thế nhưng sau đó không thành được… Thoắt cái đến giờ đã mấy chục năm”, PGS. TS Nguyễn Nhị Điền nói.□

——-

1. https://www.world-nuclear-news.org/Articles/Viewpoint-Why-research-reactors-are-so-important-f

2. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B9780444527158500037

Tác giả