Giải thưởng khoa học riêng cho phụ nữ: Tại sao cần ?

Giải thưởng là một chỉ dấu rõ ràng để công nhận đóng góp của một cá nhân cho khoa học. Đó còn chưa kể nó còn đi kèm với những khoản tiền lớn. Tuy nhiên, trong số những người nhận giải thưởng đỉnh cao như Huy chương Field hay giải Nobel, phụ nữ luôn là thiểu số.

GS. Ann Hibner Koblitz và GS. Neal Koblitz, hai người sáng lập giải thưởng Kovalevskaia tại lễ trao giải năm 2007, diễn ra tại Trường ĐH KHTN – ĐHQG Hà Nội. Ảnh: vnu.edu.vn

Vào năm 1985, khi vợ tôi Ann và tôi lần đầu tiên tới Hà Nội, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều thay đổi kể từ chuyến đi lần đầu vào năm 1978. Đất nước đã hồi phục nhanh chóng từ cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt và chuẩn bị thoát khỏi vị trí “nước kém phát triển nhất” (LDC – Least developed country theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc) để đón nhận một tương lai sáng sủa hơn.

Đó là thời điểm tốt để Ann và tôi đưa ra đề xuất mà chúng tôi đã ấp ủ đến với Hội Phụ nữ Việt Nam. Ann vừa xuất bản một cuốn sách tiểu sử về nhà toán học, nhà văn và nhà đấu tranh cho nữ quyền Sofia Kovalevskaia (1850-1891), và chúng tôi muốn dùng số tiền nhuận bút tác giả từ cuốn sách, cùng với một số tiền ủng hộ từ nhiều bạn bè Mỹ khác để mở một quỹ hỗ trợ phụ nữ trong khoa học ở các nước đang phát triển. Tôi tới thăm Đại học Bách khoa Hà Nội vào chuyến thăm Hà Nội lần thứ hai năm 1983 và biết rằng chỉ có 8% sinh viên khoa học và công nghệ ở đây là nữ giới. Điều đó rõ ràng là một vấn đề. Làm sao mà Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát triển vượt bậc nếu không tận dụng tài năng của một nửa dân số của mình?

Sau khi trao đổi với Hoàng Xuân Sính – giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam và cũng là huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam ở Kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) và phó chủ tịch Hội Phụ nữ, và với nhà toán học và tình báo xuất sắc cho lực lượng giải phóng ở Miền Nam Nguyễn Đình Ngọc, chúng tôi hiểu rằng ý tưởng hiệu quả nhất sẽ là các giải thưởng cho phụ nữ đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của khoa học và kinh tế của Việt Nam.

Giáo sư Sính kết nối tôi gặp gỡ bà Nguyễn Thị Bình, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và cũng là Phó chủ tịch Hội phụ nữ. Trong rất nhiều năm, Hội Phụ nữ chỉ tập trung vào việc cải thiện chính sách sức khỏe, giảm nghèo, khôi phục điều kiện sống khó khăn của đa số phụ nữ sau chiến tranh. Nâng đỡ nghề nghiệp của phụ nữ không phải là ưu tiên của họ. Tuy nhiên, bà Bình có tầm nhìn xa về những giá trị tương lai đem lại nếu Việt Nam nỗ lực thu hút sự tham gia của phụ nữ vào công việc trong xã hội. Bà không chỉ đón nhận đề xuất của chúng tôi, mà trong suốt 31 năm (1985 – 2016) còn đóng vai trò là chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kovalevskaia, có trách nhiệm tổ chức giải thưởng, lựa chọn ứng cử viên và trao thưởng.

Rất nhiều người ở khắp nơi trên thế giới hiểu rằng nếu phụ nữ tiếp tục bị lép vế trong khoa học thì điều đó không chỉ sai lầm, đứng ở góc nhìn của người phụ nữ mà còn có tác động tồi tệ đối với sự phát triển công nghệ và kinh tế của quốc gia đó.

Vào năm 1985, không phải ai cũng nghĩ rằng Hội Phụ nữ nên đi trao những giải thưởng như vậy. Người đứng đầu Ủy ban Khoa học và Kĩ thuật Nhà nước phản đối, bởi vì ông nghĩ rằng bất kì hợp tác quốc tế trong khoa học nào cũng phải thông qua Hội đồng của ông chứ không phải là với Hội Phụ nữ. Thế là những người phụ nữ đem vấn đề này tới Phó Thủ tướng Tố Hữu, cũng là nhà thơ tiếng tăm bấy giờ. Khi Tố Hữu nắm được vấn đề, ông nói rằng, đề xuất giải thưởng do Hội Phụ nữ đảm trách, trợ lực bởi những người bạn Mỹ với tên gọi vinh danh một nhà Toán học Nga nổi tiếng, là một “ý tưởng tuyệt đẹp” mà Việt Nam nên chào đón. Nhờ sự ủng hộ của ông mà Hội đồng Bộ trưởng đã thông qua một nghị quyết tán thành hợp tác giữa Quỹ Kovalevskaia ở Mỹ và Hội Phụ nữ Việt Nam.

***

Hầu hết các quốc gia trên thế giới giờ đây có lẽ đều không còn tồn tại những hình thức phân biệt đối xử cực đoan đối với phụ nữ vốn vô cùng phổ biến ở thời của nhà toán học Kovalevskaia. Việc cấm hoàn toàn phụ nữ tham gia vào các ngành nghề khoa học cực kì hiếm ở thế kỉ 21. Nhưng điều đó không phải là lí do khiến chúng ta lờ đi những hình thức phân biệt đối xử khác đối với các trẻ em gái và nữ giới tồn tại ngày nay.

Tôi muốn liệt kê ra một vài cản trở mà phụ nữ thường gặp phải trên con đường thành công trong toán học, khoa học và công nghệ. Danh sách này còn xa mới đầy đủ.

Nữ toán học Kovalevskaia, được coi là nhà khoa học nữ được biết đến nhiều nhất ở thời điểm trước thế kỉ 20.

Đối xử thiếu công bằng ở phổ thông: Rất nhiều giáo viên khích lệ trẻ em nam hơn là trẻ em nữ và cũng kì vọng cao hơn ở trẻ em nam trong các môn khoa học. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng vậy, một vài giáo viên không phân biệt đối xử, mà thậm chí còn ưu ái các sinh viên nữ hơn vì các em ngoan và chăm chỉ hơn các em trai, và điểm học tập của các em thường là cao hơn.

Bất bình đẳng cơ hội trong kiểm tra đầu vào đại học. Trong nhiều nước, chủ yếu là châu Á, một nghề nghiệp khoa học và công nghệ phụ thuộc vào việc được nhận vào một đại học tốt, và điều này đòi hỏi phải giành được điểm cao trong kì kiểm tra đầu vào đại học, đặc biệt là điểm toán. Các khóa học ở trường phổ thông thường không đủ để chuẩn bị cho những bài kiểm tra đầu vào rất khó này nên học sinh thường phải học các khóa luyện thi để các em quen với dạng đề kiểm tra. Những khóa học này không rẻ và cha mẹ có nguồn lực hạn chế sẽ thường ưu tiên con trai hơn là con gái để học thêm như vậy. Theo hướng này, việc nhập học đại học bỗng nhiên trở nên thiên vị các em trai hơn hẳn – dẫu rằng điểm các em gái ở phổ thông trung bình thường cao hơn các em trai.

Áp lực xã hội. Ở rất nhiều nơi trên thế giới, các phụ nữ trẻ luôn bị đặt dưới áp lực xã hội mạnh mẽ không theo ngành khoa học hoặc kĩ thuật. Chẳng hạn, người xung quanh thường bảo họ rằng, con gái học cao sẽ khó lấy chồng hay đàn ông không thích lấy những người học cao hơn họ. Điều đó cảnh báo người phụ nữ rằng hạnh phúc cá nhân của họ, dưới định nghĩa truyền thống gia trưởng là hôn nhân và làm mẹ, chỉ khả thi nếu họ từ bỏ những hoài bão trí tuệ.

Quấy rối tình dục. Quấy rối tình dục khá phổ biến ở giảng đường ở nhiều nước và hầu hết là người ta hành động rất ít hoặc chẳng làm gì để ngăn chặn nó. Những sinh viên nữ từ chối những kẻ quấy rối ở khoa mình thường phải chịu trù dập, và toàn bộ những trải nghiệm đó khiến họ vỡ mộng và tự ti.

Văn hóa mọt sách (nerd subculture). Hầu hết sinh viên chuyên toán, khoa học và kĩ thuật ở phổ thông và đại học đều là nam, và họ thường tập hợp thành một nhóm chặt chẽ mà các em gái cảm thấy rất khó hòa nhập. Những cậu trai này sẽ có những mẫu hành vi của kiểu người vẫn bị gọi là “sinh viên mọt sách” (chỉ biết học và hầu như ít hoặc rất kém giao tiếp xã hội) khiến các sinh viên nữ cảm thấy không thoải mái và không được chào đón. Điều này đặc biệt đúng với đội tuyển thi IMO. Văn hóa mọt sách này phần nào lí giải rằng tại sao quá ít các em gái tham gia những kì thi này.

Áp lực xã hội không đủ mạnh. Các trẻ em gái thường được nuôi dạy để tin rằng, tỏ ra quyết liệt, quyết đoán là không nữ tính. Khiêm nhường và hạ mình mới là dịu dàng. Quan điểm đó ngáng đường thành công trong rất nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ của nữ giới, khi các nhà khoa học phải cạnh tranh khốc liệt để được công nhận và để giành tài trợ nghiên cứu, trong đó các đồng nghiệp nam rất hiếm khi thể hiện sự “khiêm nhường” hay “hạ mình” khi nói về các công trình của mình.

Nghĩa vụ phải chăm sóc người già và con cái. Ở bất kì đâu, phụ nữ đều có khả năng cao là phải gánh lấy trách nhiệm con cái (bao gồm cả những người con bị tật nguyền hoặc có vấn đề về sức khỏe) và chăm sóc cha mẹ già yếu. Điều đó thực sự tác động mạnh đến những năm tháng năng suất nhất của họ. Phụ nữ ở những tuổi 30 và 40 là thời điểm thường bị gọi là “thế hệ bánh kẹp” – tức là cuộc đời họ bị kẹp giữa con cái và cha mẹ họ.

Giới hạn tuổi phân biệt đối xử. Rất nhiều chương trình hỗ trợ các nhà khoa học trẻ áp đặt giới hạn tuổi rất chặt chẽ. Điều này vô cùng bất lợi với phụ nữ, những người thường trải qua những thời gian “trì hoãn” bởi việc mang thai, sinh nở, chăm sóc con cái, chăm sóc bố mẹ và rất nhiều những áp lực khác. Hơn nữa, quan điểm phổ biến cho rằng tuổi trẻ gắn liền với tiềm năng lớn cũng chống lại phụ nữ, những người vốn nhận bằng Tiến sĩ ở tuổi lớn hơn nhiều so với nam.

Thiên kiến đối với cái danh gắn với nước ngoài và học hàm. Ở rất nhiều quốc gia đang phát triển, danh hiệu gắn với một quốc gia phương tây – đặc biệt là một bằng cấp từ một đại học Mỹ – giá trị hơn rất nhiều những gì mà nó bảo đảm. Thiên kiến này là một dạng tư duy “thực dân nội địa hóa”. Vì áp lực gia đình và nhiều áp lực khác, phụ nữ thường khó rời đất nước trong một thời gian dài. Nếu có một tấm bằng xuất sắc từ một chương trình tiến sĩ trong nước, họ thường khó cạnh tranh cho một vị trí công việc tốt khi bị so sánh với người đàn ông có bằng tiến sĩ tại Mỹ, kể cả bằng tiến sĩ đó là từ một chương trình chất lượng thấp ở Mỹ.

Mạng lưới “đàn anh”. Kể cả trong lĩnh vực khoa học, việc tuyển dụng thường không dựa trên các tiêu chí khách quan mà bởi mạng lưới bạn bè giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Trong nhiều trường hợp, nam giới thường có nhiều khả năng hơn nữ giới được mời vào trong những mạng lưới này – hay còn gọi là “mạng lưới đàn anh”.

Bị đồng tác giả nam lấn át. Trong hầu hết các lĩnh vực khoa học và kĩ thuật, phần lớn các nghiên cứu đều có nhiều tác giả. Kể cả khi một phụ nữ có vai trò quan trọng ngang hoặc hơn trong công trình đó, thường người ta vẫn nghĩ tác giả nam mới là tác giả chính và các tác giả nam này thường được mời để phát biểu về công trình trong các hội nghị lớn.

Thiên kiến trong đánh giá của sinh viên. Có vẻ như đây là vấn đề xuất hiện chủ yếu ở Mỹ, khi bộ phận hành chính của trường rất chú tâm vào kết quả khảo sát ý kiến sinh viên khi họ đánh giá các giảng viên để cấp biên chế hoặc thăng chức. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng sinh viên thường có thành kiến với nữ giới trong đánh giá của họ, đặc biệt là trong những khóa nhập môn mà họ thấy khó, như là tích phân. Một nghiên cứu cho rằng nếu một nữ giảng viên muốn có xếp hạng ngang với đồng nghiệp nam, cô ấy phải dành nhiều thời gian hơn để “chăm lo” và chỉ bảo các sinh viên, trong khi người đồng nghiệp nam có thể lạnh nhạt với sinh viên cũng chẳng sao. Dĩ nhiên, nếu cô ấy lựa chọn đóng vai “người mẹ” như vậy, sẽ thu hẹp thời gian của cô ấy dành cho nghiên cứu.

Gánh nặng những việc ngoài chuyên môn. Điều này cũng có vẻ rõ nhất ở các đại học Mỹ. Phụ nữ thường phải làm những việc tốt thời gian và sức lực, như là tư vấn cho rất nhiều học sinh yếu, hướng dẫn cho các trợ giảng, trả lời các phàn nàn của sinh viên. Nam giới, mặt khác, thường nhận những trách nhiệm công việc nghe rất kêu nhưng đòi hỏi ít thời gian và công sức. Việc ưa thích nhất với riêng tôi là vị trí thành viên của Ủy ban Quy hoạch chiến lược của Hội đồng Trường. Theo đó, tôi chỉ mất có nhõn một buổi chiều trong tổng thời gian của tôi, sau đó còn được chiêu đãi tiệc rượu và phô mai nữa.

Sự phân biệt về giới giữa các chức vụ cao và chức vụ thấp hơn. Ở rất nhiều quốc gia, kể cả khi phụ nữ chiếm số lượng đáng kể tại các khoa về khoa học trong các trường đại học lớn, họ vẫn gần như vắng bóng trong các vị trí cao nhất và đáng mơ ước nhất, dù ở các viện, trường công hay tư. Đó là các vị trí được trả lương cao nhất, đòi hỏi ít thời gian giảng dạy và nhiều cơ hội đi lại và hợp tác quốc tế.

Những khó khăn này và có lẽ còn rất nhiều những khó khăn khác nữa vẫn tiếp diễn mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ diễn ra trong nhiều năm qua. Kết quả là vẫn có quá ít phụ nữ so với nam giới có thể đạt được những công trình nghiên cứu đỉnh cao, được công nhận bởi những giải thưởng danh giá nhất trong toán học và khoa học nói chung như giải Nobel và Huy chương Field (trong toán học). Phụ nữ chỉ hiện diện rất ít ỏi trong số những người được nhận giải.

Các giải thưởng dành riêng cho phụ nữ là phương thức hiệu quả để khuyến khích phụ nữ tham gia vào lĩnh vực khoa học, đồng thời cũng khuyến khích xã hội tôn trọng và ủng hộ các sinh viên và nhà nghiên cứu nữ trong khoa học và công nghệ.

***

Rất nhiều người ở khắp nơi trên thế giới hiểu rằng nếu phụ nữ tiếp tục bị lép vế trong khoa học thì điều đó không chỉ sai lầm, đứng ở góc nhìn của người phụ nữ, mà còn có tác động tồi tệ đối với sự phát triển công nghệ và kinh tế của quốc gia đó. Một quốc gia không thể khai phá hết tiềm năng của mình nếu thất bại trong việc phát huy nguồn lực trí óc của một nửa dân số.

Đó là lí do vì sao Quỹ Kovalevskaia, bắt đầu ở Việt Nam gần 40 năm trước, vẫn tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực để khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Mexico, Cuba, Peru và Nam Phi.□

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)