Giáo sư Võ Tòng Xuân: Cây lúa thơm đã về với đất mẹ
Trái tim của một nhà khoa học nặng lòng với ĐBSCL, mảnh đất nuôi nấng mình, đã đưa ông tới gần những người nông dân hơn. Khó thấy ở đâu một nhà khoa học mà mái đầu đã bạc, đi ngang qua ruộng lúa, sẵn sàng xắn quần tới đầu gối để lội xuống, chỉ từng dấu hiệu sâu bệnh ở từng gốc lúa cho họ. Có lẽ vì vậy, ở khắp ĐBSCL, ai cũng biết đến “thầy Xuân”, “lúa thầy Xuân” và dành cho ông một tình cảm chân thành.
Tin giáo sư Võ Tòng Xuân qua đời vào sáng nay 19/8 khiến những người yêu quý ông cảm thấy bàng hoàng, dẫu biết rằng ở đời, không ai có thể vượt qua được quy luật tử sinh.
Từ hơn hai thập niên qua, giáo sư Võ Tòng Xuân là một trong những cộng tác viên thân thiết của Tia Sáng. Khi bắt đầu đến với Tia Sáng, ông đã là một tên tuổi lừng lẫy của ngành lúa gạo Việt Nam và là hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang. Dù quá bận rộn với công việc nghiên cứu và quản lý ở một trường đại học nhưng khi nhận được lời mời qua điện thoại của Tia Sáng, với bản tính hào sảng, nhiệt thành, ông đã nhận lời ngay lập tức. Và ông giữ lời.
Những bài viết ông gửi tới Tia Sáng, thường vào giữa khuya, khi mọi công việc thường ngày của mình đã lắng xuống. Đó là những nỗi trăn trở của một người làm nghiên cứu về cây lúa, sống giữa nơi được ngợi ca là vựa lúa, vựa tôm cá, vựa trái cây, nhưng sao bao người nông dân vẫn cứ lam lũ, nghèo xơ xác, điêu đứng hằng năm. Với nỗi niềm ấy, những bài viết của ông không thuần túy nằm trong phạm vi hẹp của việc chọn tạo giống lúa, các kiểu gene và kiểu hình trong hệ gene lúa gạo mà nhìn lúa gạo trong một không gian rộng lớn hơn, bao hàm cả con người, chính sách, khí hậu, kinh tế, môi trường… Có lẽ, chỉ một người sinh ra từ vùng đất lúa, chứng kiến và thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của người trồng lúa mới nặng lòng trước những nghịch lý chưa thể hóa giải ấy để rồi tuôn trào bằng những câu chữ giản dị, chân phương đời thường mà trĩu nặng suy tư “Những năm nước ta thiếu ăn, hạt lúa thật sự quí như hạt ngọc, xứng đáng cho tất cả chi phí và công lao cả nước đã đầu tư vào. Nông dân làm ra bao nhiêu lúa cũng đều có nơi giành giựt tiêu thụ ngay. Nhưng bây giờ lúa chín đầy đồng, cả nước dư thừa mỗi năm trên dưới 20 triệu tấn lúa, cố gắng bán rẻ lắm, ta mới chỉ xuất được 2/3 số lượng đó. Nông dân thu hoạch lúa xong là phải bán ngay với giá rẻ để thanh toán nợ nần, mùa nào cũng thế, không có dư bao nhiêu, người nông dân trồng lúa suốt 40 năm nay vẫn còn nghèo”.
Trong quãng những năm 2000 đến năm 2010 là giai đoạn giáo sư Võ Tòng Xuân viết nhiều cho Tia Sáng nhất. Các bài viết của ông chan chứa những suy nghĩ về những khía cạnh khác nhau. Có lần, ông trao đổi với Tia Sáng “Tôi thấy bây giờ cần quan tâm nhiều hơn đến giáo dục, đến thế hệ trẻ. Làm sao cho các em có được ngoại ngữ tốt để có thêm mở mang kiến thức, có điều kiện học nâng cao…” Cuộc đời ông, có lẽ là một minh chứng cho thấy sự ham mê học hỏi, siêng năng, cần cù và có tâm với nghề sẽ đến được tới thành công: dẫu sống trong một gia cảnh thiếu ăn thiếu mặc ở một gia đình nghèo ở tỉnh An Giang, con đường học tập của ông vẫn được tiếp nối qua Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng, trường Đại học Nông nghiệp Philippines rồi Viện lúa quốc tế IRRI… Danh tiếng của một nhà khoa học quốc tế với một mạng lưới học thuật rộng khắp ở Mỹ, Mexico, Hà Lan, Pháp, Nhật Bán, Philippines, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan đâu dễ có được, nếu không phải là một người đam mê với nghề và luôn suy nghĩ về những cái mới.
Những bài viết của giáo sư Võ Tòng Xuân đăng tải trên Tia Sáng được ông rút ruột từ những nghiên cứu, báo cáo và quan sát thực địa của mình. Nếu nhìn xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu của ông, có thể thấy chủ đề lúa gạo, ĐBSCL, chính sách lương thực, an ninh lương thực, nghiên cứu nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, mô hình kinh tế nông nghiệp… trở đi trở lại. Dường như mục tiêu của cuộc đời ông đặt vào những chữ tưởng chừng giản dị: làm sao cho sinh kế của người nông dân, đặc biệt người nông dân ĐBSCL bền vững?
Có thể thấy những trăn trở đó trong các nghiên cứu của ông, từ hiện trạng trồng lúa không đủ ăn đến ước mơ trồng lúa đem lại no đủ, từ những thất bại của mô hình hợp tác xã đến việc đi tìm những mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả để Việt Nam có thể xuất khẩu gạo, vấn đề sinh kế dài lâu cho người dân vùng ĐBSCL… Ông nghĩ về những vấn đề đó từ rất sớm và thảo luận với các đồng nghiệp quốc tế trong và ngoài mạng lưới của mình “Rice Cultivation in the Mekong Delta: Present Situation and Potentials for Increased Production” (Trồng lúa ở ĐBSCL: Tình trạng hiện nay và những tiềm năng cho gia tăng sản lượng) xuất bản năm 1975 ở tạp chí Tōnan Ajia kenkyū của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á; “Vietnam: Decollectivization and rice productivity growth” (Việt Nam: Giải tập thể hóa và sự tăng trưởng sản lượng lúa gạo), xuất bản trên Economic Development and Cultural Change của ĐH Chicago năm 1992; “Prospects for sustaining Vietnam’s reacquired rice exporter status” (Triển vọng duy trì vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam) trên Food Policy năm 1997; “Land evaluation and land use planning of the area for rice-shrimp system, Gia Ria district, Bac Lieu province” (Đánh giá đất và lập kế hoạch sử dụng đất ở vùng nuôi tôm lúa, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), một chương trong cuốn sách “Rice–shrimp farming in the Mekong Delta: biophysical and socioeconomic issues” (Mô hình lúa tôm ở ĐBSCL: các vấn đề sinh lý và kinh tế xã hội), một trong những xuất bản quan trọng vào thời kỳ đầu của mô hình nông nghiệp này…
Nếu ai đó đủ kiên nhẫn tập hợp các nghiên cứu trong cả sự nghiệp của ông, hẳn sẽ thấy những điều còn hữu ích cho hôm nay. Tầm nhìn của một nhà khoa học giỏi và tâm huyết với đất nước đã đưa đến những nhận xét đúng trong dài hạn, ngay cả khi được đưa ra từ năm 1975 “Những hỗ trợ của quốc tế cho phát triển của ĐBSCL thật to lớn. Thông qua vô số các báo cáo quy mô lớn về những nghiên cứu ở đồng bằng này, những người Việt Nam chúng ta đều phấn khích trước thực tế là những người nước ngoài hiểu về các nguồn lực của chúng ta rõ hơn cả phần lớn chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng họ có thể thấy đất đai của chúng ta, nước của chúng ta, mùa vụ của chúng ta nhưng họ không đọc được những điều chúng ta suy nghĩ. Ví dụ việc lưu trữ nước sông Mekong ở thượng nguồn đã đem lại điều kiện tốt hơn cho việc gia tăng sản lượng lúa gạo ở đồng bằng này là một ý tưởng xuất sắc. Nhưng cách làm này khiến chúng ta tạo ảnh hưởng đến nguồn nước, ‘thần dược’ của những người nông dân trồng lúa ở đồng bằng. Tôi nghĩ và tin tưởng rằng, xã hội truyền thống ở ĐBSCL cần một giai đoạn chuyển tiếp dài hơn để chuyển đổi toàn diện. Để làm được việc này, trước hết chúng ta tạo ra điều kiện để những người nông dân nhận thấy sự cần thiết của đổi mới. Chúng ta hãy đặt những hỗ trợ tài chính ít ỏi mà chúng ta có vào việc cải thiện tình trạng hiện nay mà không làm thay đổi quá nhiều đến nguồn nước. Những chương trình phát triển ngắn hạn và dài hạn theo cách này có thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu của mình”.
Dẫu với các nhà khoa học, việc xuất bản các kết quả nghiên cứu nghiên cứu mới trên các tạp chí là ưu tiên hàng đầu nhưng với những người như giáo sư Võ Tòng Xuân, điều thôi thúc hơn cả là làm sao lan tỏa tri thức và đưa ra những ý kiến đóng góp cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn. Đó là lý do mà ông duy trì xuất bản các bài viết trên Tia Sáng, nhiệt tình trả lời phỏng vấn trên nhiều tờ báo và xuất hiện trên nhiều hội nghị lớn nhỏ quanh chủ đề nông nghiệp. Ông không ham danh tiếng, những đánh giá về chuyên môn trong và ngoài nước, giữa những người làm giáo dục đại học đã đủ với một người làm nghiên cứu. Ông thuộc về những người mà theo giáo sư Nguyễn Văn Chính (Khoa Nhân học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN), “họ làm việc trong khuôn khổ một định chế khoa học (formal space) nhưng họ có xu hướng mở rộng không gian sáng tạo khoa học không chính thức của riêng mình (trí thức nhận ra được sứ mạng xã hội của mình (informal space) và chính trong cái không gian riêng hạn hẹp này, họ lại có thể lan tỏa được tri thức và tiếng nói ra xã hội theo một cách không tưởng…”. Điều làm nên giá trị trong tiếng nói phản biện của các trí thức là “sức mạnh của các căn cứ khoa học” và “có ý thức về bổn phận tham gia tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xã hội” 1.
Có thể thấy nỗi lòng của một trí thức ở giáo sư Võ Tòng Xuân khi phân tích, phản biện chính sách trước một thực tại của ĐBSCL đang ngày một phải hứng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu khiến người nông dân càng làm càng thiệt. “Chúng ta thấy rõ gần như không có chuyển biến gì tại các vùng đất ven biển không thích hợp trồng lúa trong mùa nắng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và lãnh đạo các địa phương không có nước ngọt trong mùa nắng vẫn chỉ đạo cho dân tiếp tục trồng lúa, bất chấp những cảnh báo khoa học… Có rất nhiều lý do mà báo đài và các cấp thẩm quyền đã nêu, nhưng lý do thực tế nhất mà có vài chuyên gia đã nói nhưng ít được phổ biến là thiên nhiên đã và đang phạt những ai cố trồng lúa trong điều kiện không thích hợp – tức là trong mùa không nước ngọt tại vùng mặn”. “Đến thời điểm này tất cả chúng ta đang sẵn sàng bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Đại hội Đảng Đổi mới, thì sự đổi mới trước tiên trong phát triển kinh tế Việt Nam là sự đổi mới tư duy, cách nghĩ và cách làm thế nào vừa sức với ngân sách quốc gia, sử dụng tài nguyên hợp lý sao cho đa số nông dân có thể bắt đầu làm giàu. Nông dân không thể làm giàu bằng lúa gạo, như kinh nghiệm 40 năm qua cho thấy rất rõ…”.
Trái tim của một nhà khoa học nặng lòng với ĐBSCL, mảnh đất nuôi nấng mình, đã đưa ông tới gần những người nông dân hơn. Khó thấy ở đâu một nhà khoa học mà mái đầu đã bạc, đi ngang qua ruộng lúa, sẵn sàng xắn quần tới đầu gối để lội xuống, chỉ từng dấu hiệu sâu bệnh ở từng gốc lúa cho họ. Có lẽ vì vậy, ở khắp ĐBSCL, ai cũng biết đến “thầy Xuân”, “lúa thầy Xuân” và dành cho ông một tình cảm chân thành. Ngược lại, ông luôn trọng thị những kinh nghiệm và hiểu biết rút ruột của cả đời trồng lúa của họ, khi đi khắp chốn cùng nơi, đưa sinh viên và cả các nhà khoa học của Viện IRRI tới tận nhà ông Hoa Sĩ Hiền để hỏi thăm “nhà tạo giống lúa chịu mặn năm phần ngàn”, người sau này được IRRI trao tặng danh hiệu “Người có thành tích xuất sắc trong di truyền học” 2, hoặc lặn lội tới Bạc Liêu để lắng nghe tâm tình của những người sáng tạo ra mô hình lúa tôm… Để rồi cuối cùng, ông nhận ra “Một điều đáng chú ý là tiếng nói của những người thấp cổ bé miệng lại ít được phổ biến”, “Tất cả họ đều hành động một cách tự phát, bất hợp pháp, ngược với chủ trương sản xuất lương thực của nhà nước”.
Đó cũng là lý do mà giáo sư Võ Tòng Xuân luôn tận dụng những khoảng thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình để gặp gỡ và trao đổi với những người nông dân. Chính vẻ ngoài gần gũi và chân tình của ông khiến cho những người rụt rè nhất đủ sức nói về những băn khoăn của mình. Ông Năm Nhã, một nhà sáng chế không chuyên ở An Giang với sản phẩm gạo sữa đình đám, nhờ vậy đã mạnh dạn “gặp thầy Võ Tòng Xuân bên một hội nghị, tôi xin phép thầy khoảng 15 phút thôi, tôi nói xong và tặng thầy gạo sữa. Không biết là thầy có nhớ ra cái người làm phiền thầy hồi trước không nhưng thật lạ là một thời gian ngắn sau, trúng ngày mùng 2 Tết, thầy gọi cho tôi bảo ‘Năm Nhã ơi, gạo này ăn rất ngon, làm sao mà giới thiệu rộng ra…’” 3.
Rất nhiều suy tư của một nhà khoa học gắn liền với cây lúa, hội tụ ở ước mơ làm sao có được những hạt gạo ngon cho người nông dân xứ mình. Một trong những bài cuối cùng giáo sư Võ Tòng Xuân gửi đến Tia Sáng, “Hành trình đến một giống lúa có gạo ngon thơm” vào năm 2020 mở đầu bằng ước mơ như vậy “Ngay sau khi rời Viện Lúa Quốc tế (IRRI) tại Philippines vào tháng 6/1971 để gia nhập vào đội ngũ Trường Cao đẳng Nông nghiệp Cần Thơ, tôi đã có ước mơ đầu tiên là tìm được trong số hàng trăm giống lúa cổ truyền của Đồng bằng sông Cửu Long một giống lúa ngon cơm nhất để phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân”…
Trong “Hành trình đến một giống lúa có gạo ngon thơm”, người ta hiểu được tấm lòng của một người làm nghiên cứu, tìm đủ mọi cách, đặt nhiều giả thuyết để tạo ra một giống lúa “Giả thuyết của tôi là có thể một chất vi lượng nào đó đã được cây hấp thụ để hình thành một enzyme tạo nên mùi thơm. Tôi đã sử dụng một số nguyên tố vi lượng như kẽm, seleni, lantan, bor, silic, sắt, đồng, magiê, mangan không thành công”. Nhưng từ những thất bại ấy, giáo sư Võ Tòng Xuân đã đi đến một quyết định táo bạo “tôi lập nên một ngân hàng giống lúa của ĐBSCL từ năm 1977 để lưu trữ và bảo quản hơn 1.000 giống lúa mùa gồm lúa nổi, lúa mùa sớm, lúa mùa trung, và lúa mùa muộn, trong một tủ lạnh 12 m3 duy trì nhiệt độ ở 50C do Hội Các nhà khoa học Mỹ hợp tác với Việt Nam lúc bấy giờ viện trợ”.
Dường như một đời người không bao giờ đủ cho những mơ ước đẹp đẽ nhưng giáo sư Võ Tòng Xuân đã bền bỉ đi theo ước mơ ấy. Giờ thì cây lúa thơm đã về với đất mẹ bao la.
—————————————
1. https://tiasang.com.vn/doi-moi-sang-tao/tri-thuc-can-co-khong-gian-sang-tao-rieng-12951/
3. https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/gao-sua-ong-nam-nha/2022012111571441p1c160.htm