Làn sóng tự động hóa: Chúng ta cần chuẩn bị gì ?

Việt Nam cần cả nguồn lực lao động có kỹ năng cao và năng lực công nghệ để vượt qua ngã rẽ mới về tự động hóa và dịch chuyển lên nấc cao hơn trong chuỗi sản xuất công nghiệp. Nhưng chúng ta đang thiếu cả hai.

Nguồn ảnh: jobsgo.vn/

Làn sóng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong thời gian gần đây khiến cuộc cách mạng lần thứ tư thực sự đến gần. Nếu như ở các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, chủ yếu chỉ có lao động tay chân, làm công việc giản đơn lặp đi lặp lại mới bị thay thế thì cuộc cách mạng công nghiệp lần này sẽ còn lấy đi cả các công việc vận hành máy móc, văn phòng. Dù mới ở buổi mình minh của trí tuệ nhân tạo, những ví dụ điển hình như ChatGPT có khả năng trả lời lưu loát như người, có tiềm năng ứng dụng trở thành trợ lý ảo, tích hợp vào những ứng dụng văn phòng cho đến AI thiết kế nhanh chóng như Midjourney, Dall.E cho công chúng thấy rõ ràng hơn về cách một ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể thay thế lao động “cổ cồn trắng”.

Trên thế giới đã có nhiều ước tính về tác động của những công nghệ đơn lẻ dạng trợ lý ảo AI như ChatGPT và AI nói chung đến năng suất lao động, thị trường lao động. Ngay sau khi ChatGPT – 3 xuất hiện trên thị trường, đã có ước tính1, chỉ riêng ChatGPT có thể hỗ trợ 80% lao động ở Mỹ xử lý 10% công việc hằng ngày, và 20% sử dụng ChatGPT để xử lý tới 50% công việc hằng ngày. Ước tính, đến 2030, năng suất trên toàn cầu có thể tăng lên 14% so với 2016 nhờ AI (mức tăng bằng quy mô sản xuất của cả Trung Quốc và Ấn Độ hiện nay cộng lại)2.

Việt Nam có thể được hưởng lợi từ làn sóng này?

Khả năng hấp thụ công nghệ còn yếu

Điểm mấu chốt của các cuộc cách mạng công nghiệp là áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, đem lại năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và quốc gia. Với cuộc cách mạng mới, thịnh vượng đi kèm điều kiện, đó là khả năng thích ứng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên đây là điểm hạn chế của Việt Nam. Hiện chỉ có các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp quy mô lớn mới có sự chuẩn bị, còn lại phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm 95% tổng số doanh nghiệp chưa có chiến lược gì cho cuộc cách mạng này. Điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp không lo lắng trước làn sóng của cuộc cách mạng thứ tư “nói nôm na 4.0 là chuyển các dữ liệu sản xuất trong thực tế lên không gian số, sau đó sử dụng dữ liệu này để ra các quyết định, điều chỉnh một phần hoặc toàn bộ quy trình sản xuất để tối ưu, tăng năng suất. Nhưng chính trong không gian thực, doanh nghiệp phải sử dụng công nghệ, phải kiểm soát quy trình sản xuất tốt, chuẩn hóa, số hóa dữ liệu, số hóa quy trình mới nói tới chuyện điều hành số được chứ”, TS. Nguyễn Thị Xuân Thuý, chuyên gia về công nghiệp cho biết. “Muốn 4.0 thì phải làm tốt từ trước đó rồi, chứ không phải tự dưng áp dụng là được”.

Các nước phát triển liên tục đưa ra cảnh báo về các đứt gãy khủng hoảng xảy ra khi lao động kỹ năng thấp bị thay thế nhưng “chính các nước đang phát triển sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của làn sóng tự động hóa chứ không phải các nước phát triển, bởi các nước đang phát triển đang sử dụng lao động cho các thao tác lặp lại trong nhà máy – những công đoạn dễ sử dụng máy móc thay thế, trong khi các nước phát triển đã bước qua giai đoạn này từ lâu”. TS. Phùng Đức Tùng

Cuộc đua tự động hóa, số hóa và điều hành số có lẽ còn xa vời với đại đa số doanh nghiệp trong nước. Nhiều báo cáo khảo sát ngay trước dịch COVID đều cho thấy tất cả đều “ở chung mâm”: chưa chuẩn bị được gì (kể từ sau COVID cho đến nay chúng ta chưa có cuộc khảo sát nào mới hơn về hiện trạng các doanh nghiệp, nhưng theo các chuyên gia kinh tế thì “tình hình chưa có thay đổi so với trước dịch do kinh tế suy thoái”). Đơn cử, cuộc khảo sát của Tổng cục Thống kê vào năm 2020, trên cỡ mẫu 8.618 doanh nghiệp cho thấy 69,69% doanh nghiệp không sử dụng bất kỳ công nghệ nào. Công nghệ được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất là thiết bị đầu cuối di động (11,05%); công nghệ cảm biến (8,24%); hệ thống định vị thời gian thực 3,11%; kết nối thiết bị với thiết bị qua cảm biến 3,11%. Các công nghệ còn lại có tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng rất ít chỉ chiếm hơn 1%. Thực trạng này cho thấy nhiều thách thức để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh CMCN 4.03.

Thế kẹt của sản xuất gia công

Nhưng không chỉ có nỗi lo tự động hóa và chuyển đổi số. Trước khi bị tự động hóa và AI làm thay đổi, bức tranh các ngành gia công chủ lực như dệt may, da giày, lắp ráp… có thể được vẽ lại do quy luật “đàn sếu bay” trong phát triển công nghiệp, TS. Nguyễn Thị Thúy, cho biết. Ba thập niên qua, Việt Nam định vị hình ảnh mình là một cứ điểm xuất khẩu cho các chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung vào các công đoạn gia công, lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp. Ở ngành có giá trị xuất khẩu cao nhất hiện nay là linh kiện điện tử, phân khúc Việt Nam tham gia nhiều nhất chỉ là lắp ráp sản phẩm hoàn thiện sản phẩm. Với ngành dệt may, sau nhiều năm gia nhập chuỗi sản xuất, chúng ta vẫn thuần túy gia công xuất khẩu là chủ yếu (65%), sau đó mua nguyên liệu bán thành phẩm do khách hàng chỉ định hoặc tự khai thác (25%); nhóm tự chủ động thiết kế đến làm thương hiệu và phân phối chỉ chiếm 10%4.

Là trung tâm sản xuất những chiếc giày, những bộ quần áo đi khắp thế giới nhưng thực ra lớp gia công của Việt Nam mang lại giá trị quá ít ỏi, ví dụ như đóng góp của lao động gia công vào một chiếc áo chưa tới 1% tổng giá trị. Theo tính toán của Tổ chức nghiên cứu lao động Respect Việt Nam.

Nhiều năm qua, Việt Nam có thể nổi lên trở thành một trong những thủ phủ gia công sản xuất là vì các khâu mang lại giá trị thấp trong chuỗi sản xuất rời khỏi các nước phát triển, rời khỏi Trung Quốc khi thu nhập trung bình của các nước này ngày càng cao lên, nguồn nhân công trở nên đắt đỏ hơn. “Tương tự với việc dịch chuyển các công đoạn gia công từ các nước đã có trình độ phát triển hơn, chẳng hạn như Hàn Quốc, Trung Quốc sang Việt Nam, thì khi giá lao động ở Việt Nam đắt lên, các công đoạn gia công này sẽ lại rời Việt Nam chạy qua các nước khác lao động giá rẻ hơn như Bangladesh, Campuchia”, chị Thúy nói.

“Việt Nam sẽ chỉ giữ chân được các nhà đầu tư ở lại khi hình thành chuỗi giá trị trong nước, nhiều nhà cung ứng, tạo chân rết, để nếu họ rút đi cũng rất khó khăn vì không thể rút cả cụm. Nhưng, trong toàn bộ nền chuỗi giá trị dệt may bao gồm các công đoạn từ thiết kế, phát triển sản phẩm, kéo sợi, dệt may, cắt may, phân phối, bán hàng, phát triển thương hiệu… thì Việt Nam chỉ tham gia ở công đoạn cắt may là chủ yếu, bị mắc kẹt ở công đoạn này mà không dịch chuyển được lên các công đoạn tạo ra giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị, điều tương tự cũng xảy ra trong chuỗi điện tử Việt Nam, phần lớn hoạt động diễn ra ở Việt Nam cũng ở đáy chuỗi giá trị là lắp ráp”, chị Thúy cho biết.

Trong các nhóm ngành sản xuất công nghiệp hiện nay, nhìn vào nhóm ngành tiên phong5, gồm những ngành được cho là có năng lực cạnh tranh quốc tế và có khả năng lan tỏa trong nền kinh tế như điện – điện tử, kéo sợi, thì khả năng các doanh nghiệp trong nước cung ứng linh kiện cho các công ty đa quốc gia rất thấp, rất ít công ty có khả năng tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu đang đầu tư tại Việt Nam, sản phẩm của doanh nghiệp trong nước không được các công ty đa quốc gia sử dụng làm đầu vào (ví dụ doanh nghiệp sản xuất sợi trong nước hầu như xuất khẩu ra nước ngoài bởi không làm nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp dệt may trong nước được).

Nhóm ngành theo sau gồm ngành có giá trị xuất khẩu cao, tận dụng được lợi thế chi phí nhân công rẻ của Việt Nam như thâm dụng lao động (da giày, may mặc), và những ngành có khả năng lan tỏa trong nước tức là sử dụng nguyên liệu đầu vào là sản phẩm của các ngành khác cũng như có sản phẩm đầu ra được cung cấp cho các ngành khác làm nguyên liệu đầu vào (ngành giấy, hóa chất, cao su, phi kim, thiết bị điện) thì việc đầu tư vào công nghệ và thiết bị thấp, đầu tư vào dây chuyền sản xuất đồng bộ không nhiều.

Ngay cả nhóm ngành thứ ba, nhóm sản xuất máy móc thiết bị, sản xuất xe có động cơ, sản xuất kim loại, cơ khí thì sản phẩm của ngành chủ yếu là tiêu thụ trong nước nhưng các ngành trong nhóm không có khả năng tạo tính lan tỏa trong nền kinh tế. Vì tiêu thụ trong nước nên tính cạnh tranh quốc tế không cao và khả năng tiếp tục mở rộng thị trường của ngành bị hạn chế. Chẳng hạn, ngành lắp ráp ô tô chủ yếu nhập khẩu linh kiện, phụ kiện và tiến hành lắp ráp trong nước. Trong khi đó, hiện tại cũng như trong tương lai, Việt Nam phải cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa dẫn tới nguy cơ sản phẩm của nhóm ngành (vốn phần lớn tiêu thụ nội địa) phải cạnh tranh khốc liệt hơn với các sản phẩm nhập khẩu tại chính thị trường trong nước. Ví dụ, với ngành cơ khí khi nhập máy móc nguyên chiếc về thì thuế nhập khẩu là 0% trong khi chi phí nhập khẩu linh kiện để lắp đặt và sử dụng trong nước lại cao hơn.

Thế kẹt của lao động kỹ năng thấp

Tùy từng kịch bản tự động hóa và AI tiến bộ nhanh tới đâu, dự báo sẽ có khoảng 300 – 800 triệu lao động bị thay thế. Sẽ có nhiều loại hình công việc được tự động hóa ở các mức độ khác nhau. Trong đó, các công việc có khả năng bị thay thế nhiều nhất là hành chính, văn phòng (46%), hỗ trợ pháp lý (44%), kiến trúc, kỹ thuật (37%), các công việc về kinh doanh tài chính hoặc khoa học xã hội cũng bị thay thế khoảng 36%…6 Chính vì thế, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính một nửa số người lao động trên thế giới sẽ cần một số kỹ năng nâng cao hoặc đào tạo lại để chuẩn bị cho việc thay đổi và công việc mới. Tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng đòi hỏi các mô hình đào tạo mới nhằm chuẩn bị cho nhân viên sẵn sàng cho một tương lai chúng ta chung sống với AI và tự động hóa.

Nguồn lao động dồi dào giá rẻ ít kỹ năng từng là lợi thế cạnh tranh nhưng nay cũng có thể là thế kẹt của Việt Nam khi cả hai làn sóng này ập đến gây đứt gãy, dư thừa lao động. Giải pháp cho thế kẹt là đào tạo lại cho người lao động, nhất là nguồn nhân lực chuẩn bị tham gia thị trường lao động.

Ở Việt Nam, nền sản xuất gia công thâm dụng lao động giúp giải quyết được bài toán việc làm cho lao động, trong đó 70% không có kỹ năng, không được đào tạo qua một chứng chỉ nào. Lợi thế lao động giá rẻ này đã từng là động lực tăng trưởng trong ba thập niên qua nhưng lợi thế này sẽ dần giảm đi và không còn nữa khi xu hướng tự động hóa và sử dụng AI đang đến trong trung và dài hạn. “Với những tiến bộ công nghệ đang diễn ra thì tới đây lực lượng lao động kỹ năng thấp cho tới trình độ trung cấp trong cả khối sản xuất công nghiệp và văn phòng sẽ bị thay thế nhiều. Khi tự động hóa ngày càng cao, thì lao động giản đơn trong các ngành dệt may, giày da, lắp ráp… những ngành chủ lực mang lại giá trị xuất khẩu cho Việt Nam sẽ bị thất nghiệp rất nhiều”, TS. Phùng Đức Tùng, Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) nhận định. Mặc dù đứng trước làn sóng tự động hóa và sử dụng AI, các nước phát triển liên tục đưa ra các cảnh báo về các đứt gãy khủng hoảng xảy ra khi lao động kỹ năng thấp bị thay thế nhưng “chính các nước đang phát triển sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của làn sóng tự động hóa chứ không phải các nước phát triển, bởi các nước đang phát triển đang sử dụng lao động cho các thao tác lặp lại trong nhà máy – những công đoạn dễ sử dụng máy móc thay thế, trong khi các nước phát triển đã bước qua giai đoạn này từ lâu”.

Điều đó đang đến dần. Một khảo sát7 trước dịch COVID của MDRI cho thấy khu vực thâm dụng lao động, tiêu biểu như ngành dệt may và da giày, sẽ có nhiều thay đổi về nhu cầu nhân sự trong thời gian tới. Dệt may có xu hướng cần nhiều lao động có tay nghề ở mức trung bình hoặc cao hơn, tiếp tục giảm tỉ lệ lao động giản đơn. Ngành này sẽ cần thêm lao động cho các vị trí mới như: vẽ và tạo mẫu 3D, thiết kế và in ấn 3D, lập trình robot dệt, đánh giá và phân tích mẫu trong môi trường ảo VR, gửi và nhận mẫu sản phẩm hoặc thiết kế đến máy cắt vải qua công nghệ đám mây, dự đoán lịch bảo trì, quản lý chuỗi cung ứng điện tử, trang thương mại điện tử… “Các doanh nghiệp sẽ tận dụng lợi thế của mình cũng như điều kiện áp dụng các thiết bị máy móc hiện đại để thay thế lao động giản đơn, những người còn ở lại làm việc, còn được sử dụng làm việc thì đương nhiên phải có chất lượng cao hơn, có những kỹ năng cao hơn, những kỹ năng khác biệt hơn. Những công việc còn kiểu lặp đi lặp lại hiện nay chắc chắn sẽ bị thay thế”, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong báo cáo của MDRI. Về kế hoạch đào tạo và tuyển dụng mới nhân sự, khoảng 1/3 doanh nghiệp cho biết sẽ giữ nguyên đội ngũ nhân viên hiện tại và có thêm các hoạt động đào tạo nội bộ nhưng cũng có tới hơn 20-30% doanh nghiệp lên kế hoạch tuyển dụng thêm lao động với kiến thức/kỹ năng chuyên biệt.

Các nền tảng AI đã có thể vẽ minh họa, thiết kế. Alice and Sparkle, truyện tranh được AI vẽ minh họa. Ảnh: Time.

Nếu hai làn sóng, tự động hóa và quy luật đàn sếu bay cùng xảy ra, nếu không có được nguồn lao động chất lượng cao và nâng cao năng lực công nghệ thì Việt Nam không bước ra khỏi “bẫy giá trị gia tăng thấp của một quốc gia không xây dựng được nền tảng công nghiệp trong nước vững mạnh nhờ vào phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, nhiều năm tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn lực bên ngoài (khu vực FDI), lợi thế chi phí lao động giá rẻ trong nước”, TS. Thúy nhận xét.

Nguồn lao động dồi dào giá rẻ ít kỹ năng từng là lợi thế cạnh tranh nhưng nay có thể là thế kẹt của Việt Nam khi cả hai làn sóng này ập đến gây đứt gãy, dư thừa lao động. Có thể tương lai không hoàn toàn tuyệt vọng đến như vậy vì các cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ đã cho thấy, có những loại hình công việc sẽ mất đi vĩnh viễn khi máy móc thay thế con người giải quyết được nhiều công việc có tính lặp lại, giản đơn nhưng đồng thời cũng sẽ có những công việc hoàn toàn mới được sinh ra. Như vậy, mấu chốt của giải pháp vượt thoát là đào tạo lại cho người lao động, nhất là nguồn nhân lực chuẩn bị tham gia thị trường lao động.

Tuy vậy, nhóm lao động trẻ (15-24), lứa tuổi sẽ phải đương đầu với hai làn sóng kể trên, lại đứng trong một nghịch lý là có khả năng sử dụng công nghệ, hấp thụ các kỹ năng việc làm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhiều nhất so với các nhóm tuổi khác nhưng đến nay vẫn chủ yếu làm các công việc phi chính thức (lên tới 60%) – bấp bênh, không có hợp đồng lao động ổn định, mức độ an toàn thấp. Nếu nhóm này làm trong khu vực phi chính thức cũng thường là việc giản đơn, rất dễ bị tự động hóa và máy móc thay thế. “Vấn đề là Việt Nam phải nhìn ra được thế kẹt của mình để xây dựng các chương trình thúc đẩy phát triển công nghệ, tái đào tạo lao động, có kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp khi làn sóng tự động hóa xảy ra”, anh Tùng nói.□

——-

Chú thích

1 Tyna Eloundou, Sam Manning, Pamela Mishkin, and Daniel Rock, OpenAI, OpenResearch, University of Pennsylvania, GPTs are GPTs: An Early Look at the Labor Market Impact Potential of Large Language Models, 27/3/2023.

2 https://www.pwc.com/gx/en/issues/data-and-analytics/publications/artificial-intelligence-study.html

3 Trước đó, theo khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, tỷ lệ nhập khẩu công nghệ của Việt Nam chỉ ở mức 10% (thấp hơn nhiều so với trung bình 40% của các nước đang phát triển). Trong đó, nhiều công nghệ thuộc thập niên 1980 – 1990 của thế kỷ trước và ba phần tư máy móc đã hết khấu hao.

4 Bộ Công thương, báo cáo Định hướng, chính sách và nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Công thương chủ động tham gia vào cuộc CMCN4.0, 2018.

5 Theo báo cáo của Bộ Công thương, 2018, đã dẫn.

6 https://www.cnbc.com/2023/03/28/ai-automation-could-impact-300-million-jobs-heres-which-ones.html

7 Báo cáo “Đánh giá về tình trạng thiếu hụt kỹ năng nghề nghiệp và thực hành tốt của doanh nghiệp để nâng cao tay nghề cho thanh thiếu niên yếu thế và dễ bị tổn thương” do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) thực hiện.

Tác giả