Ngày khủng long lìa đời (Kỳ 2)

Ở Phần 1, chúng ta đã biết rằng, câu trả lời cho sự tuyệt chủng của khủng long nằm ở ranh giới K-T – lớp trầm tích Trái đất bao gồm mảnh vụn và tro muội từ vụ va chạm thiên thạch vào Trái đất 66 triệu năm về trước. Nhưng kì lạ là, trong 150 năm tìm kiếm, chúng ta vẫn chưa tìm thấy xác khủng long ở gần lớp đất đá này. Cho đến gần đây, một sự phát hiện của Robert DePalma, một nhà nghiên cứu vô danh, vẫn còn đang là ứng viên Tiến sĩ, hứa hẹn thay đổi tất cả…

Robert DePalma (bên phải) cùng đồng nghiệp khai quật hóa thạch tại di chỉ thuộc thành hệ Hell Creek. Ảnh: Robert DePalma

DePalma lớn lên tại Boca Raton, Florida, và từ khi còn là một đứa trẻ, anh đã bị những khúc xương và từng câu chuyện ẩn chứa trong chúng mê hoặc. Cha anh, Robert, Sr., hành nghề phẫu thuật nội nha ở Delray Beach gần đó, còn người bác tên Anthony của anh – mới qua đời vào năm 2005 ở tuổi 100 – là một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có tiếng, đã từng viết nhiều bộ sách giáo khoa tiêu chuẩn về chủ đề này. (Con trai của Anthony, tức là anh họ của Robert, chính là đạo diễn điện ảnh Brian De Palma.)

“Trong khoảng từ năm ba đến bốn tuổi, tôi đã hình dung được một mối liên hệ giữa vẻ kiều diễm của các khúc xương và cách chúng ăn khớp với nhau thành một hệ thống.” DePalma nói với tôi. “Và điều đó làm tôi ngạc nhiên lắm. Tôi lùng sục bất kỳ món gì có xương xẩu trên bàn ăn tối.” Gia đình anh chôn những con thú cưng đã qua đời của họ ở chỗ này nhưng đánh dấu mộ ở chỗ khác để anh không đào xác chúng lên; nhưng cuối cùng anh vẫn tìm được chúng. Anh làm lạnh những con thằn lằn chết trong những khay đá, và mẹ anh phát hiện ra điều này khi bạn bè đến nhà uống trà đá. “Tôi chưa bao giờ thích thể thao,” anh nói. “Gia đình tôi cố thúc tôi tham gia cho hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa. Nhưng tôi lại đi đào bới sân bóng chày để tìm kiếm xương”.

Ông bác Anthony của DePalma, một cư dân ở thành phố Pompano Beach, bắt đầu chăm sóc và dạy dỗ anh. DePalma kể: “Cứ đến cuối tuần, tôi lại đến thăm bác tôi và cho bác xem những phát hiện mới nhất của mình.” Đến lúc bốn tuổi, có người từ một bảo tàng tại Texas tặng cho anh một mảnh xương khủng long, và anh cũng mang nó đến cho bác của mình. “Bác ấy dạy tôi rằng những cái núm, những chỗ xù xì và chỗ phồng ra trên một khúc xương đều có tên riêng của chúng, và cả khúc xương cũng có tên,” DePalma kể. “Thế là tôi say mê lắm.” Khoảng tầm sáu hay bảy tuổi, trên các chuyến đi đến miền Trung bang Florida cùng gia đình mình, anh bắt đầu tự mình tìm được những bộ xương hóa thạch của các loài động vật có vú tận từ Kỷ Băng hà. Anh tìm được khúc xương khủng long đầu tiên vào năm chín tuổi tại bang Colorado.

Những năm cấp ba, trong kỳ nghỉ hè và những ngày cuối tuần, DePalma sưu tập hóa thạch, chế tạo các mô hình khủng long và lắp ráp các bộ xương cho Bảo tàng Khoa học và Lịch sử Tự nhiên Graves ở Dania Beach. Anh cho bảo tàng mượn bộ sưu tập hóa thạch từ thời thơ ấu để đem trưng bày, nhưng đến năm 2004, bảo tàng phá sản và nhiều mẫu vật bị chở đến một trường cao đẳng cộng đồng. DePalma không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của mình, và một tòa án đã từ chối trả lại hàng trăm hóa thạch vốn dĩ thuộc bộ sưu tập của anh. Hầu hết các mẫu vật này đã bị khóa kín trong kho, hoàn toàn không được trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng.

Hóa thạch cá thuộc thành hệ Hell Creek, với tính ba chiều được bảo quản tốt một cách đáng kinh ngạc. Ảnh: Robert DePalma

Nhụt chí trước thứ mà anh gọi là “sự quản lý kém đến mức lãng phí” đối với bộ sưu tập của mình, DePalma bắt đầu những thói quen sưu tập bất thường. Thông thường, các nhà cổ sinh vật học nhường quyền phụ trách bảo quản các mẫu vật của họ cho những học viện cất giữ chúng. Nhưng DePalma nằng nặc yêu cầu các điều khoản thỏa thuận cho phép anh giám sát khâu quản lý các mẫu vật của mình. Anh không bao giờ đào trên đất công do thứ mà anh coi là thói quan liêu vô độ của chính phủ. Nhưng thiếu sự ủng hộ từ cấp liên bang dành cho công việc của mình nghĩa là anh buộc phải tự mình chi trả các chi phí. Để làm việc ở di chỉ Hell Creek, anh phải bỏ tiền túi ra đến hàng chục ngàn USD. Anh cố gắng thanh toán tiền phí tổn bằng cách lắp ráp các hóa thạch, tham gia vào các công cuộc phục dựng, cũng như là đúc và bán các bản sao cho các bảo tàng, các nhà sưu tập tư nhân và các loại khách hàng khác. Nhiều khi, cha mẹ anh cũng phải góp tiền. “Tôi buộc phải xoay sở,” anh kể. “Nếu phải lựa chọn mua thêm keo PaleoBond [một loại keo dùng để dán hóa thạch lại với nhau] hay là thay bộ lọc điều hòa, tôi sẽ chọn keo PaleoBond.” Anh độc thân, và sống chung chạ trong một căn hộ ba phòng ngủ cùng với các khuôn đúc tái tạo nhiều loại khủng long khác nhau, bao gồm cả một con Nanotyrannus. DePalma nói: “Thật khó để có một cuộc sống tách biệt khỏi công việc của mình”.

Việc DePalma kiểm soát bộ sưu tập từ nghiên cứu của mình là một vấn đề gây tranh cãi. Buôn hóa thạch là một nghề ăn tiền; các nhà sưu tập giàu có có thể trả hàng trăm nghìn, nếu không nói là hàng triệu USD Mỹ để mua được một mẫu vật hiếm. (Năm 1997, một con khủng long bạo chúa tên là Sue đã được bán đấu giá ở Sotheby’s cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field tại Chicago với giá hơn 8.3 triệu USD.) Thị trường Hoa Kỳ tràn ngập các hóa thạch bị buôn lậu từ Trung Quốc và Mông Cổ. Song tại Hoa Kỳ, việc sưu tập hóa thạch trên đất tư nhân được coi là hợp pháp, và việc mua bán, xuất khẩu hóa thạch cũng vậy. Nhiều nhà khoa học coi quá trình giao thương này là một mối đe dọa đối với ngành cổ sinh vật học và lý lẽ rằng các hóa thạch quan trọng đều thuộc về các bảo tàng. Theo một người phụ trách bảo tàng có tiếng: “Tôi không được phép có một bộ sưu tập tư nhân của bất cứ thứ gì tôi nghiên cứu.” Nhưng DePalma khăng khăng rằng anh đang duy trì “điều tốt nhất của cả hai thế giới” đối với những hóa thạch của mình. Anh đã gửi một phần bộ sưu tập của mình tại một vài học viện phi lợi nhuận, bao gồm trường Đại học Kansas, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Palm Beach và trường Đại học Florida Atlantic. Một số mẫu vật thì được lưu giữ tạm thời trong các phòng thí nghiệm, nơi các nhà phân tích đang thực hiện các cuộc thử nghiệm trên chúng. Tất cả các mẫu vật này đều được đích thân anh giám sát.

Năm 2013, DePalma lên báo trong một thời gian ngắn do một bài nghiên cứu mà anh đã xuất bản trên tạp chí khoa học Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (Proceedings of the National Academy of Science). Bốn năm trước đó, tại Hell Creek, anh và một trợ lý thực địa là Robert Feeney đã tìm ra một khối xương đã hóa thạch, có hình dạng lồi lõm kỳ lạ mà hóa ra là hai đốt sống bị dính vào nhau từ đuôi của một con hadrosaur, một loại khủng long mỏ vịt từ Kỷ Phấn Trắng. DePalma cho rằng phần xương này có thể đã phát triển xung quanh một vật thể ngoại nhập và bao bọc lấy nó. Anh đưa mẫu vật đến Bệnh viện Tưởng niệm Lawrence ở Kansas, nơi một bác sĩ chụp cắt lớp vi tính đã nhận scan miễn phí trong đêm khuya, khi máy chụp đang ở chế độ nghỉ. Bên trong khối xương là một cái răng khủng long bạo chúa bị gãy, nghĩa là con khủng long mỏ vịt đã bị một con khủng long bạo chúa cắn nhưng chạy thoát được.

Mô phỏng hàm răng của một con T. rex cắn một đốt sống ở đuôi một con khủng long mỏ vịt. Ảnh: Peterson và Daus (2019)]

Phát hiện này đã giúp bác bỏ một giả thuyết cũ – sau này được phục hưng bởi một nhà cổ sinh vật học đáng nể tên là Jack Horner – rằng T. rex chỉ là động vật ăn xác thối. Horner lý luận rằng T. rex quá chậm chạp và ì ạch, còn tay thì quá yếu và mắt thì quá kém để săn các sinh vật khác. Khi phát hiện của DePalma được truyền thông quốc gia để ý tới, Horner gạt bỏ đi, coi đó là “sự phỏng đoán” và chỉ đơn thuần là “một điểm dữ liệu.” Ông đưa ra một viễn cảnh thay thế: con khủng long bạo chúa có thể đã vô tình cắn phải đuôi của một con khủng long mỏ vịt đang say ngủ, tưởng rằng con này đã chết rồi, nhưng ngay lập tức “rụt lại” khi nhận ra rằng nó đã lầm. “Tôi nghĩ ý tưởng đó thật lố bịch,” DePalma nói với tôi. Vào thời điểm đó, anh trả lời tờ Los Angeles Times rằng: “Chẳng có chuyện một động vật ăn xác thối tình cờ tìm thấy một nguồn thức ăn rồi bỗng nhận ra thức ăn đấy còn sống.” Horner cuối cùng cũng phải thừa nhận rằng T. rex có thể đã săn mồi còn sống. Nhưng gần đây, khi tôi hỏi Horner về DePalma, thoạt đầu ông bảo rằng ông chẳng nhớ anh là ai: “Trong cộng đồng này, chúng tôi không có cơ hội biết rõ các học viên của mình”.

Không có bằng Tiến sĩ, DePalma gần như là một người vô hình, đợi chờ một con dấu phê chuẩn đánh dấu khởi đầu của một sự nghiệp nghiên cứu nghiêm túc. Một vài nhà cổ sinh vật học khác mà tôi đã nói chuyện cùng chưa từng nghe đến tên anh. Một người khác đề nghị không tiết lộ tên thì nói: “Tìm được cái kiểu hóa thạch đó thì cũng thú vị, nhưng chưa đến mức có thể đổi đời. Đôi khi người ta tưởng tôi dốt vì tôi thường bảo rằng tôi không có câu trả lời – chúng ta nào có mặt tại đó khi một hóa thạch được hình thành đâu! Có những người khác ở ngoài kia thì bảo là họ biết, và anh ta là một trong số đó. Tôi nghĩ anh ta có thể suy diễn thái quá”.

Sau khi nhận được email của DePalma, tôi sắp xếp thời gian để ghé thăm di chỉ Hell Creek; ba tuần sau đó, tôi có mặt tại Bowman. DePalma đến trước khách sạn của tôi trong một chiếc xe Toyota 4Runner, đài xe mở oang oang nhạc phim “Raiders of the Lost Ark.” Anh mặc một chiếc sơ mi cotton thô, quần túi hộp có dây đeo bằng vải bạt, và một chiếc mũ cao bồi da lộn với vành mũ trái hếch lên trên. Khuôn mặt anh rám nắng sau những ngày dài ngoài trời, và anh đã để râu mọc được năm ngày.

Tôi lên xe, và chúng tôi đi mất khoảng một giờ đồng hồ, rẽ qua cổng vào một nông trại và men theo một mê cung đường gồ ghề đến xóc cả xương, trước khi ra đến một vùng lòng chảo mọc đầy cỏ. Những vùng đất xấu (badlands) rải rác của Hell Creek hình thành nên một cảnh quan cứ như từ thế giới khác. Đây là xứ canh nông xa xôi; nội cỏ và những cánh đồng hoa hướng dương trải đến tận chân trời, được che phủ bởi vòm trời xanh cao của miền Tây nước Mỹ. Những con đường nối các thị trấn nhỏ chỉ có trạm nghỉ xe tải, nhà thờ, nhà nghỉ, nhà dân và xe moóc. Giữa các thị trấn ấy, những vùng đồng không mông quạnh cô đơn rộng ngút tầm mắt. Đây đó giữa chốn đồng quê này, các nhà trại hoang tàn nghiêng ngả xuống đất. Trải qua hàng triệu năm, lớp Hell Creek đã bị xói mòn nghiêm trọng, để lại duy nhất những phế tích nhấp nhô từ nội cỏ như bao nhiêu cái răng mục. Những mô đất, những đỉnh nhọn vô hồn như vậy được kẻ sọc bằng các màu be, sô-cô-la, vàng, hạt dẻ, nâu đỏ, xám và trắng. Gió táp mưa sa khiến các hóa thạch bị long ra và tràn xuống xung quanh.

“Chắc chắn là một trong những di chỉ tốt nhất từng được tìm thấy, bởi nó thuật lại chính xác chuyện gì đã xảy ra vào ngày va chạm”.

Khi chúng tôi tới nơi, di chỉ của DePalma trải rộng trước mắt: một gò đất hiu quạnh màu xám, đầy rạn nứt, có kích thước bằng hai sân bóng đá. Thoạt nhìn tưởng như một phần của Mặt trăng đã rơi xuống đó. Một bên của chỗ đất lắng bị một con lạch đầy cát – hoặc là một lòng suối đã cạn – cắt ngang qua; bên còn lại kết thúc ở một vách đá thấp. Hố khai quật có hình chữ nhật, sâu gần 1m, dài 18m và rộng 12m. Một vài thanh gỗ, cùng một số dụng cụ đào bới và một cái ống kim loại để thu thập mẫu lõi khoan nằm tựa vào thành phía xa của cái hố. Rảo bước cùng DePalma xung quanh di chỉ, tôi nhận thấy thắt lưng của anh có đeo một con dao dài có lưỡi cố định, và một lưỡi lê đã tra vào bao. Anh kể, lưỡi lê đó là một di vật từ Thế chiến Thứ hai mà bác anh đã trao tặng khi anh mười hai tuổi.

Anh kể lại khoảnh khắc phát hiện. Trước đó, cũng trong mùa hè năm ấy, hóa thạch đầu tiên được anh khai quật là một con cá tầm thìa nước ngọt dài 1.5m. Cá tầm thìa ngày nay vẫn còn sống; chúng có một cái mõm xương xẩu dài, được dùng để lần mò thức ăn trong nước bùn. Khi DePalma đào hóa thạch lên, anh cũng tìm thấy bên dưới nó một cái răng từ một con mosasaur, một loại bò sát biển ăn thịt khổng lồ. Anh tự hỏi làm cách nào mà một con cá nước ngọt và một con bò sát biển có thể phiêu bạt đến cùng một chỗ, trên một bờ sông nằm ít nhất vài ki-lô-mét sâu trong đất liền tính từ vùng biển gần nhất. (Vào thời điểm đó, một thủy vực nông gọi là Biển nội hải Bắc Mỹ chạy từ tiền vịnh Mexico xuyên qua một phần của Bắc Mỹ.) Ngày hôm sau, anh tìm thấy một cái đuôi dài 0.6m của một con cá biển; cái đuôi nhìn như thể nó đã bị xé toạc từ thân con cá. “Nếu con cá đã chết được một thời gian, đuôi nó sẽ phân hủy và tan đi,” DePalma nói. Nhưng cái đuôi này hoàn toàn nguyên vẹn, nên anh “biết rằng nó đã bị đưa đến đây hoặc là ngay tại, hoặc là xung quanh thời điểm chết.” Như cái răng của con mosasaur, cái đuôi này bằng cách nào đó cũng đến được vùng đất hàng ki-lô-mét kể từ vùng biển quê hương của nó. “Khi tôi tìm thấy nó, tôi đã nghĩ: làm sao có chuyện đấy được! Thật chẳng đúng chút nào!” DePalma nói. Những phát hiện này gợi đến một kết luận phi thường mà chính anh cũng chưa sẵn sàng chấp nhận. Trích lời anh: “Lúc ấy tôi cũng bị thuyết phục đến 98%.”

Ngày hôm sau, DePalma nhận thấy một sự xáo trộn nhỏ được bảo quản trong chỗ trầm tích. Đó là một cái hố có đường kính khoảng 8cm, dường như được tạo ra sau khi một vật thể rơi từ trên trời xuống và đâm bộp xuống bãi bùn. Các hình thù tương tự, sinh ra từ các cục mưa đá đâm xuống một bề mặt bùn, trước đây cũng đã được phát hiện trong hồ sơ hóa thạch. Nhưng khi DePalma cạo các lớp đất để lấy mặt cắt ngang của cái hố, anh không tìm thấy một cục mưa đá nào, mà chỉ thấy một quả cầu nhỏ màu trắng ở đáy hố. Đó là một hạt tectit có đường kính khoảng 3mm – sản phẩm sau một vụ va chạm tiểu hành tinh từ thời xa xưa. Tiếp tục khai quật, anh lại tìm thấy một cái hố khác với một hạt tectit ở đáy, rồi lại một hố khác, rồi lại một hố khác nữa. Trải qua hàng triệu năm, thủy tinh hóa thành đất sét, và những hạt tectit này ngày nay cũng đã trở thành đất sét, nhưng một số hạt vẫn còn giữ được lõi thủy tinh. Có thể bảo là những hạt microtectit mà trước đây anh đào được đã được nước cuốn đến đây, nhưng những hạt này đây đã bị mắc kẹt chính tại nơi chúng rơi xuống, vào thời điểm mà theo DePalma thì chính là ngày thảm kịch xảy ra.

“Khi tôi thấy chúng, tôi nhận ra đây không chỉ là một chỗ đất lắng do lũ lụt thông thường,” DePalma nói. “Chúng tôi không chỉ ở gần ranh giới K-T; cả di chỉ chính là ranh giới K-T!” Sau khi khảo sát và vẽ bản đồ cho các lớp đất, DePalma đưa ra giả thuyết rằng một trận nước dâng khổng lồ về phía đất liền đã làm ngập cả một vùng thung lũng sông và lấp đầy cả vùng đất thấp nơi chúng tôi đang đứng ngày hôm nay, có lẽ như một hậu quả của trận sóng thần do vụ va chạm K-T, thứ đã cuồn cuộn từ tiền vịnh Mexico lên đến biển nội hải Bắc Mỹ. Khi dòng nước chảy chậm lại, nó làm lắng tất cả mọi thứ vốn dĩ bị nó cuốn theo, trước tiên là phần vật chất nặng nhất, và cuối cùng là bất cứ thứ gì đang nổi trên bề mặt. Tất cả phần vật chất ấy nhanh chóng bị chôn vùi và bảo quản trong chỗ đất tạp: những sinh vật đang và đã chết, cả nước ngọt lẫn nước mặt; những loài thực vật, hạt cây, thân cây, gốc cây, nón cây hạt trần, lá kim, hoa và phấn hoa; vỏ sò, xương, răng và trứng; tectit, khoáng vật bị chấn động, kim cương tí hon, bụi nhiều iridi, tro, than, và gỗ dính hổ phách. Khi các lớp trầm tích bắt đầu lắng lại, những giọt cát rơi xuống chỗ bùn, trước tiên là những hạt to, rồi đến các hạt mịn hơn, cuối cùng thì như tuyết rắc xuống.

“Chúng ta có toàn bộ sự kiện K-T được bảo quản trong những lớp trầm tích này,” DePalma nói. “Với chỗ đất lắng này, có thể thống kê mọi chuyện đã diễn ra vào ngày Kỷ Phấn trắng kết thúc.” Từ trước đến nay, chúng ta chưa tìm thấy một di chỉ cổ sinh vật học nào giống hay thậm chí là gần giống vậy, và nếu giả thuyết của DePalma là đúng, di chỉ này sẽ có giá trị khoa học to lớn. Khi Walter Alvarez ghé thăm hố khai quật hè năm ngoái, ông đã bị choáng ngợp. “Đây quả thật là một di chỉ tráng lệ,” ông bình luận trong thư viết cho tôi, và cũng nói thêm rằng đây “chắc chắn là một trong những di chỉ tốt nhất từng được tìm thấy, bởi nó thuật lại chính xác chuyện gì đã xảy ra vào ngày va chạm”. □ (Còn nữa)

Nguyễn Bình dịch

Nguồn: “The Day The Dinosaurs Died”, The New Yorker. newyorker.com/magazine/2019/04/08/the-day-the-dinosaurs-died

Nguyên gốc: “The Day The Dinosaurs Died”, The New Yorker. newyorker.com/magazine/2019/04/08/the-day-the-dinosaurs-died

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)