Truy dấu cảm thức về quyền riêng tư của người Việt

Với nguồn sử liệu quá ít ỏi, liệu ta có thể nhận thấy những trầm tích của giá trị riêng tư trong đời sống xã hội của người Việt xưa ở đâu khác nữa không?

Truyện Chử Đồng Tử có phải là chỉ dấu về cảm thức quyền riêng tư của người Việt xưa? Ảnh: Vũ Xuân Hoàn/ heritagevietnamairlines.com

Cái khố, điều cấm kị, và một cảm thức ngoại lai?

Lần theo những dữ liệu từ thần thoại và cổ tích, với câu chuyện về Chử Đồng Tử, ta thấy người Việt xưa đã biết xấu hổ vì xiêm y. Vì nhà nghèo, cha con nhà Chử bị mất hết tài sản do một vụ cháy, chỉ còn lại độc một chiếc khố mà hai cha con chia nhau ra đóng. Khi cha chết, vì thương cha nên Chử Đồng Tử đã chôn chiếc khố theo cha. Không còn vải che thân, Chử Đồng Tử chỉ còn nước kiếm sống bằng cách dầm nửa người dưới nước, hoặc chờ tới đêm để bắt cá. Đến khi Tiên Dung bơi thuyền ra chơi, Chử Đồng Tử vì xấu hổ nên phải giấu mình đi. Đây phải chăng là dấu tích của một thứ tâm thức gắn những bộ phận sinh dục trên cơ thể với những giá trị riêng tư, là thứ cấm kị (taboo) của văn hóa cộng đồng?

Cần lưu ý rằng truyện Chử Đồng Tử là một mẩu chuyện được kể lại trong khuôn khổ một tác phẩm huyền dã hư thực mà ngay cả tính xác thực của tác giả cũng còn là vấn đề gây tranh cãi – Lĩnh Nam chích quái. Tính xác đáng về mặt lịch sử của những câu chuyện trong Lĩnh Nam chính quái là không thể kiểm chứng. Một phép phân tích nhỏ đối với các cứ liệu lịch sử đối chiếu với truyện Chử Đồng Tử sẽ cho thấy điều này.

Theo sách Lĩnh Nam chích quái, truyện Chử Đồng Tử diễn ra vào thời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương), tức khoảng năm 334 đến 258 TCN. Khi thuật lại tình hình xã hội nước ta vào khoảng hơn hai trăm năm sau thời kì mà Chử Đồng Tử được cho là đã sinh sống, tức giai đoạn Mã Viện làm thái thú Giao Chỉ còn Nhâm Diên được giao giữ Cửu Chân, sách Hậu Hán Thư đã chép như sau: “Phàm các đất thuộc Giao Chỉ quận […] Người như cầm thú, không phân biệt trưởng ấu, búi tóc ở gáy, đi chân không, lấy vải luồn qua đầu làm áo”.1 Theo đoạn ghi chép trên, đến tận mấy chục năm đầu tiên sau công nguyên, cư dân Giao Chỉ dường như vẫn là những người bản địa chưa được “khai hóa” theo chuẩn mực văn minh Trung Hoa, và dường như là chưa biết dùng xiêm y để che đi những bộ phận cơ thể nhạy cảm. So với khoảng thời gian được Hậu Hán Thư nhắc đến là người Giao Chỉ vẫn trần truồng, thời điểm Hùng Vương thứ 18 độ hai trăm năm trước đã có chi tiết Chử Đồng Tử xấu hổ vì không mảnh vải che thân tỏ ra mâu thuẫn.

Ở một mảnh đất mà văn hóa là một tập hợp ngồn ngộn những giá trị chồng lấn lên nhau như Việt Nam, thật khó mà nhận ra đâu mới là trầm tích ban sơ của một thứ quyền riêng tư riêng có của người Việt.

Hơn thế nữa, cứ liệu mà Lịch triều hiến chương loại chí đưa ra củng cố thêm cho quan điểm của Hậu Hán Thư. Theo Loại chí, “Lúc bây giờ, vua tôi cùng đi cày, cha con tắm chung sông không chia giới hạn, không phân biệt uy quyền, thứ bậc. Dân đều vẽ mình, uống nước bằng mũi, cùng nhau vui chơi vô tích sự.” Đối chiếu ngược lại với Hậu Hán Thư, tài liệu này cho rằng Mã Viện, Nhâm Diên mới là những người đã “khai hóa” dân Giao Chỉ, Cửu Chân, dạy cho họ phong tục lễ nghi về cưới hỏi, dạy họ cách canh tác và một số nghi thức trong sinh hoạt xã hội.2 Những trích đoạn trên cho thấy thái độ xấu hổ vì không xiêm y trên người, mặt trái của cái gọi là “y phục xứng kỳ đức”, dường như chỉ được du nhập vào tâm thức của người Việt theo chân xâm lược của người Trung Hoa về sau.

Tuy nhiên, dẫu cho không thể kiểm chứng câu chuyện về Chử Đồng Tử cũng như quan niệm về quyền riêng tư của người Việt gắn liền với nó, ta vẫn không thể loại trừ trường hợp người Việt vẫn có một thứ tinh thần riêng tư theo kiểu khác so với thứ riêng tư cấm kị của Trung Hoa. Nếu đối chiếu cứ liệu rằng Vua Lạc Long Quân đã dạy cho người dân Bách Việt cách ăn mặc, liệu ta có thể đưa ra một suy đoán có phần táo bạo rằng trước khi văn minh Trung Hoa được du nhập vào nước ta, đã từng có một thứ cảm thức khác về quyền riêng tư của người Việt mà không gắn liền với việc phục sức che thân, hay chỉ che một phần thân như suy đoán của Lương Đức Thiệp,3 hay không?

Lễ nghi, bổn phận, hay cái riêng tư nằm ngoài pháp điển

Xa khỏi những xô bồ của đời sống xã hội, con người chỉ có thể nghiêm túc suy tư khi được “ở một mình”, được miễn trừ khỏi những nghĩa vụ giao thiệp và xử thế. Vì vậy, không như những loài sinh vật khác, con người ta luôn biết chủ động “tìm nơi vắng vẻ” để “một mai, một cuốc, một cần câu, thơ thẩn dầu ai vui thú nào”4. Nhờ khả năng phản tư, con người mới nhận thức lại về giá trị và phẩm cách của chính mình, nhận ra căn tính của bản thân mình, và đào luyện để hướng đến những giá trị mà mình ngưỡng vọng khát khao.

Chính vì vậy, sẽ thật sai lầm khi cho rằng người Việt Nam xưa không hề biết riêng tư là gì. Thế nhưng, nếu ở phương Tây, những giá trị của “riêng tư” luôn gắn liền với nhu cầu phản tư, tìm về một “cái tôi” bản thể, thì ở phương Đông, giá trị của “cái tôi” luôn bị cho là cái gì xấu xí, lệch chuẩn, cần phải giấu đi. Ở một mảnh đất mà văn hóa là một tập hợp ngồn ngộn những giá trị chồng lấn lên nhau như Việt Nam, thật khó mà nhận ra đâu mới là trầm tích ban sơ của một thứ quyền riêng tư riêng có của người Việt.

Pháp luật phong kiến không bảo vệ quyền của từng cá nhân, mà chỉ bảo vệ lợi ích của giai cấp phong kiến nắm quyền? Ảnh: Lễ Phục Mạng – Lễ báo cáo hoàn tất công vụ của một vị quan trước vua và triều đình/Nguyễn Văn Nhân (1895).

Vua có quyền, còn tôi thì không?

Liệu cổ luật Việt Nam xưa có ghi nhận quyền riêng tư với tư cách là một chuẩn mực xử sự hay chưa? Tuy chưa có một khảo cứu nào về điều này nhưng có một điều ta biết chắc, đó là hành vi xử sự của người Việt Nam truyền thống không chỉ bị chi phối bởi các quy tắc pháp lý, mà còn bởi những chuẩn mực đạo đức, lễ giáo, chính trị, luận thuyết, và các hệ tư tưởng chủ đạo trong xã hội từng thời kì. Muốn soi rọi một khái niệm pháp lý trong cổ luật Việt Nam, viện đến những bộ luật, điển lệ thành văn và chính thống như Luật Hồng Đức hay Luật Gia Long thôi là chưa đủ. Nhà cổ luật học còn phải phát hiện những vết tích của luật hằn sâu trong tập tục, thói quen ứng xử của người Việt Nam truyền thống, thông qua những ghi chép hiếm hoi về đời sống xã hội đương thời.

Đối với những pho luật điển còn lại đến nay là Quốc Triều Hình Luật nhà Lê (Luật Hồng Đức) và Hoàng Việt Luật Lệ thời Nguyễn (Luật Gia Long), ta khó có thể tìm thấy quy định pháp luật nào quy định về việc bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân. Những quy định gần gũi với đời sống dân sự chỉ được thể hiện qua các cụm quy định về hộ-hôn, điền sản là chủ yếu, không bàn gì nhiều đến các quyền nhân thân của cá nhân.

Sâu xa hơn, ngôn ngữ pháp lý phong kiến Việt Nam là thứ ngôn ngữ của bổn phận và nghĩa vụ. Ta ít khi bắt gặp những quy phạm ghi nhận quyền lợi của chủ thể như cách mà các bộ luật dân sự hiện đại đang làm. Với tinh thần ấy, khi đọc nguyên văn các đạo luật như Quốc Triều Hình Luật nhà Hậu Lê hay Hoàng Việt Luật Lệ nhà Nguyễn, ta lại dễ dàng bắt gặp những quy định về bảo vệ cung cấm, bảo vệ lăng tẩm của hoàng triều, bảo vệ danh dự, nhân phẩm của nhà vua, v.v. Thoạt trông, những quy định này rất gần gũi với những cái gọi là giá trị nhân thân trong pháp luật hiện đại, nhưng chúng lại được ghi nhận dưới ngôn ngữ bổn phận theo kiểu “Dân thường không được làm gì” hoặc “Thấy chiếu vua thì phải làm gì”, chứ không phải theo kiểu “Vua và hoàng gia có quyền gì”.  Nếu chỉ căn cứ vào văn bản pháp lý xưa để phân tích, người ta dễ đi đến kết luận là pháp luật phong kiến không bảo vệ quyền của từng cá nhân, mà chỉ bảo vệ lợi ích của giai cấp phong kiến nắm quyền.

Bổn phận tôn trọng riêng tư trong kinh điển lễ nghi Nho gia

Song ở thời Trung đại, chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng chính trị Nho giáo, người dân không chỉ hành xử theo luật mà còn phải tu thân theo những chuẩn mực lễ nghi bất thành văn. Đặc biệt trong xã hội nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn nói riêng, các chuẩn mực và tín điều Nho gia được tôn sùng cao độ đến mức cực đoan. Người có học đều phải răn mình theo những nguyên tắc mà thánh hiền truyền dạy, trong đó không thể nào bỏ qua Lễ Ký hay Mạnh Tử.

Việc gắn khái niệm “quyền” vào sự riêng tư dường như là sản phẩm của tư duy luật học Tây phương, và chỉ xuất hiện trên đất Việt ta mãi về sau này.

Vậy lễ nghi có quy ước gì về bổn phận tôn trọng sự riêng tư của người khác hay không? Trong Lễ Ký, thiên Khúc Lễ Thượng có đoạn: “Tương thượng đường, thanh tất dương. Hộ ngoại hữu nhị lũ, ngôn văn tắc nhập, ngôn bất văn tắc bất nhập. Tương nhập hộ, thị tất hạ. Nhập hộ phùng quynh, thị chiêm vô hồi, hộ khai diệc khai, hộ hạp diệc hạp”.5 Dịch nghĩa đoạn này như sau: Lúc đương vào phòng, phải lên tiếng để ngỏ ý. Thấy trước cửa có đặt hai đôi giày, nếu nghe có ai đang trò chuyện thì vào, nếu không nghe tiếng trò chuyện của ai thì không vào. Khi đương bước qua cửa vào phòng, ánh mắt phải nhìn xuống. Khi vào nhà thì hai tay phải làm như đang đỡ then cửa (nâng trước ngực), mắt không được nhìn láo liên. Nếu cửa đang mở thì cứ để mở, nếu cửa đang đóng thì phải đóng lại.

Liên quan đến phần răn truyền trên, còn có một truyện tích nữa. Tương truyền, Mạnh Tử có lần nhìn trộm vợ đang ngồi một mình trong phòng riêng, thấy cảnh vợ ngồi xoạc cả hai chân ra. Mạnh rất không vui, bèn đem thưa với mẹ, ý bảo bà phu nhân mình vô lễ, muốn bỏ vợ. Nào ngờ Mạnh mẫu quở ngược con, và viện dẫn đoạn Kinh Lễ nêu trên để tỏ ý rằng Mạnh Tử làm vậy mới là vô lễ, chứ bà phu nhân Mạnh thì chẳng có gì là vô lễ cả, vì bà đang ở một mình trong chốn riêng tư của mình.

Nếu xét theo thời điểm ra đời chính thức của sách Lễ Ký (bản Đới Thánh) thì Lễ Ký đã có sức sống hơn hai mươi lăm thế kỉ. Tuy vậy, những lễ nghĩa được ghi chép trong sách đã được lưu truyền từ thời Tần. Sức sống của những quy phạm lễ nghi còn thể hiện qua sức lan tỏa của chúng: các nền văn hóa trong khu vực Đông Á, bao gồm cả Nhật Bản, Triều Tiên hay Việt Nam đều mặc nhiên thừa nhận hiệu lực của những quy phạm bất thành văn này.

Muốn hiểu riêng tư Việt Nam, phải nhìn vượt ra khỏi văn bản pháp lý

Từ đoạn trích trên, có thể khẳng định rằng, giáo huấn thánh hiền Á Đông xưa đã đặt ra bổn phận cho cá nhân trong việc tôn trọng sự riêng tư của người khác. Không nằm ngoài cái gọi là “truyền thống pháp lý Đông Á”,6 dân ta xưa chắc cũng không xa lạ gì với những bổn phận này. Đặc biệt, nếu ta xét đến dữ kiện lịch sử là trong giai đoạn luật Hồng Đức và luật Gia Long có hiệu lực, tư tưởng chính trị-xã hội của Nho giáo được suy tôn một cách thái quá đến mức cực đoan và ảnh hưởng lên mọi mặt của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, cần nhắc lại một điểm là luật thành văn xưa không ghi nhận những giá trị riêng tư mà một cá nhân có thể hưởng thụ dưới ngôn ngữ của “quyền lợi”. Việc gắn khái niệm “quyền” vào sự riêng tư dường như là sản phẩm của tư duy luật học Tây phương, và chỉ xuất hiện trên đất Việt ta mãi về sau này. Chữ “quyền” trong ngôn ngữ Hán-Việt xưa dường như gần nghĩa với “quyền uy” hơn là “sự tự do lựa chọn làm điều gì” hoặc “sự tự do khỏi phải làm gì”. Các quyền của cá nhân trong văn hóa pháp luật Việt Nam xưa chỉ được thành tựu thông qua bổn phận pháp lý của người khác – Đây cũng là ý tưởng mà Nguyễn Mạnh Tường đã bày tỏ trong luận án tiến sĩ lừng danh của ông.7 Một cá nhân, khi đứng yên trong cương thường xã hội, gắn liền với vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và cộng đồng, sẽ được hưởng trọn cái phẩm giá mà ngôi thứ ấy mang lại. Tuy nhiên, để đạt được điều ấy, mọi người đều phải làm tròn bổn phận – quyền của cá nhân được tựu thành từ sự thực rằng những người khác làm đúng những gì họ phải làm. Đó cũng là nội dung cốt lõi của triết lý đại đồng mà các nhà Nho xưa luôn cố gắng truyền bá.

Tóm lại, nếu chỉ nhìn vào những văn bản pháp điển thành văn của người xưa, ta sẽ khó lòng nhận ra cái gọi là “quyền riêng tư” theo nhận thức của người hiện đại nằm ở chỗ nào. Tuy nhiên, nếu ta thừa nhận hiệu lực ràng buộc hành vi xử sự của những nguồn bất thành văn ngoài văn bản pháp điển chính thống thì ta dễ dàng nhận thấy lễ nghi Nho gia đã quy định về việc tôn trọng không gian riêng và phải hỏi ý chủ nhân trước khi vào phòng. Những giá trị ấy rất gần với những giá trị mà ngôn ngữ pháp lý hiện đại về quyền riêng tư đang bảo vệ: chẳng hạn như được ở một mình tránh khỏi sự soi mói của người khác, được thoải mái thể hiện những tâm tình, cảm xúc, cử chỉ trái với khuôn mẫu xã hội trong không gian ấy, và được hỏi ý khi có ai khác muốn xâm nhập vào cõi riêng này. Tuy nhiên, ta cũng phải thừa nhận rằng “riêng tư” trong bối cảnh này không được Lễ ghi nhận như một quyền lợi. Thay vào đó, Lễ sử dụng ngôn ngữ của bổn phận để đặt ra những nghĩa vụ mà một người phải làm – từ đó, đảm bảo những lợi ích chính đáng của người có cương vị thế thứ khi họ đang ở một mình trong phòng kín của mình.

Người xưa có được tận hưởng sự riêng tư như một sản phẩm xã hội hay không? Hẳn là có. Mặc dù chưa tìm được cứ liệu xác đáng, song tác giả mạnh dạn suy đoán, với lượng thi văn dồi dào thời trung đại, chắc chắn các thi nhân, văn nhân Việt xưa đã có không gian riêng tư đến mức đủ để bộc lộ những vần thơ sâu kín như “trơ cái hồng nhan với nước non”, “cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”, hay “một mảnh tình riêng, ta với ta”. Nếu ta vẫn trung thành với ý tưởng rằng chỉ đến khi tiếp xúc với nền pháp lý phương Tây, người Việt mới lần đầu làm quen với khái niệm quyền riêng tư thì ta sẽ không thể nhìn thấy những trầm tích, hay những di chỉ văn hóa về giá trị của sự riêng tư, vốn nằm ngoài pháp luật thành văn chính thống của các triều đại xưa.□

——

Với những ai tiếp xúc hệ thống văn bản pháp luật nước ta từ sau Đổi mới đến nay, quyền riêng tư là thứ gì thật mông lung: sau mỗi lần sửa đổi và ban hành một bộ luật dân sự mới thì quyền riêng tư lại “thay tên đổi họ”, và được định nghĩa lại theo những cách khác nhau. Có khi nó được gọi là “quyền đối với bí mật đời tư”, có khi được rút gọn lại là “quyền bí mật đời tư”, hay kể từ khi Bộ Luật Dân sự 2015 có hiệu lực đến nay thì quyền này được phú cho một cái tên dài hơn là “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”. Tuy nhiên, trải qua bao lần sửa đổi, với tính chất là sản phẩm pháp lý của thời Đổi mới, quyền riêng tư trong ngôn ngữ pháp lý Việt Nam luôn mang đậm dáng dấp của một quyền con người phổ quát, phản ánh những giá trị cao quý vốn đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế.

——-

Chú thích

1Dẫn theo Nguyễn Hữu Châu Phan (1971) Xã hội nhà Lý nhìn dưới khía cạnh pháp luật, Sùng Chính Tùng Thư, Sài Gòn. Tác giả này chú thích rằng đoạn văn được tìm thấy trong sách Hậu Hán Thư, quyển 54 của Phạm Việp, tuy nhiên không ghi rõ là ở đâu. Thực chất câu này trích trong “Nam Man Tây Nam Di Liệt Truyện” của Hậu Hán Thư.

2 Nguyên văn: 凡交阯所統,雖置郡縣,而言語各異,重譯乃通。人如禽獸,長幼無別。項髻徒跣,以布貫頭而著之。後頗徙中國罪人,使雜居其閒,乃稍知言語,漸見禮化。光武中興,錫光為交阯,任延守九真,於是教其耕稼,制為冠履,初設媒娉,始知姻娶,建立學校,導之禮義。

3Lương Đức Thiệp, Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại, Tao Đàn 2017, tr.33, ấn hành dựa trên ấn bản Xã hội Việt Nam của Văn mới, số 34, 35 và tập mới, 1944, và ấn bản Xã hội Việt Nam của NXB Liên Hiệp, Sài Gòn, 1950. Trích: “Mãi xưa kia có lẽ họ chỉ mang khố và đội mũ bằng lông chim phảng phất giống hình người còn ghi trên trống đồng hay chân tảng đá (đào được). Rồi sau với nông nghiệp tiến bộ, họ mới biết thay đổi y phục mà búi tóc, quấn khăn, mặc áo khép về tay trái (tả nhiệm) hay áo mở giữa như y phục hiện thời của đàn bà Mường ngày nay.”

4 Lấy ý thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

5 Nguyên văn: 將上堂,聲必揚。戶外有二屨,言聞則入,言不聞則不入。將入戶,視必下。入戶奉扃,視瞻毋回。

6Teemu Ruskola, ‘The East Asian Legal Tradition’, in The Cambridge Companion to Comparative Law, ed. by Mauro Bussani and Ugo Mattei, Cambridge Companions to Law (Cambridge: Cambridge University Press, 2012), pp. 257–77 <https://doi.org/10.1017/CBO9781139017206.016>.

7 Nguyễn Mạnh Tường, L’individu dans la vieille cité annamite: essai de synthèse sur le Code des Lê, 1932. Bản dịch tiếng Việt: Cá nhân trong nước An Nam xưa (Tổng luận luật thời Lê), Tiết Hùng Thái dịch, NXB Hồng Đức, 2022.

Tác giả

(Visited 55 times, 1 visits today)