Áp dụng phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng
Có hiệu lực từ ngày 15/2/2016, Thông tư liên tịch 27 được ban hành nhằm trao quyền chủ động cho chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì trong việc sử dụng kinh phí, thanh quyết toán kinh phí.
Sau một thời gian dài xây dựng, Thông tư liên tịch quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC ngày 30/12/2015, gọi tắt là Thông tư liên tịch 27) đã được liên Bộ Tài chính, Bộ KH&CN ký ban hành sáng 30/12 tại Hà Nội.
Có hiệu lực từ ngày 15/2/2016, Thông tư liên tịch 27 được ban hành nhằm trao quyền chủ động cho chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì trong việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ; đơn giản, thuận lợi hơn cho các chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì trong việc thực hiện các thủ tục thanh quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
Các đổi mới trong thông tư này phải kể đến phương thức khoán chi. Thứ nhất là Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, áp dụng đối với các nhiệm vụ được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được; số lượng quy mô sản phẩm tạo ra; địa chỉ ứng dụng; có tổng dự toán các khoản chi sửa chữa, mua sắm tài sản, đoàn ra không quá một tỷ đồng.
Phương thức thứ hai là Khoán chi từng phần, áp dụng đối với các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Trong khoán chi từng phần, cơ bản các nội dung kinh phí được thực hiện khoán chi (tiền công, hội thảo, công tác trong nước…); chỉ không khoán chi đối với các nội dung mua nguyên nhiên, vật liệu, phụ tùng chưa được ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; sửa chữa, mua sắm tài sản cố định, đoàn ra.
Bên cạnh đó, việc sử dụng kinh phí khoán cũng được đổi mới. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì được chủ động thực hiện các khoản chi theo thực tế phát sinh để đáp ứng yêu cầu khoa học của nhiệm vụ. Kinh phí giao khoán tiết kiệm do không chi hết được để lại cho tổ chức chủ trì quyết định phương án sử dụng.
Ngoài ra, về thanh toán, tạm ứng kinh phí được thực hiện theo tiến độ hợp đồng nghiên cứu và phát triển KH&CN; thanh toán tạm ứng được căn cứ vào bảng kê khối lượng công việc đã thực hiện; kho bạc nhà nước không kiểm soát chứng từ chi tiết. Về kinh phí thực hiện nhiệm vụ sẽ được quyết toán một lần sau khi hoàn thành và các bên tiến hành thanh lý hợp đồng…
Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân cho hay, thông tư liên tịch này là văn bản quan trọng, tạo cơ hội cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các nhà khoa học. Đây là văn bản rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH&CN tiếp cận thị trường.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/loi-giai-bai-toan-khoan-san-pham-cuoi-cung-cho-nha-khoa-hoc/363623.vnp