Gần 50% số tiểu dự án đổi mới sáng tạo đạt kết quả tốt

29 trong tổng số 60 tiểu dự án nhận hỗ trợ của Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan IPP được đánh giá đạt kết quả tốt, PGS.TS Trần Quốc Thắng, Giám đốc Chương trình IPP, cho biết tại lễ tổng kết Giai đoạn I của chương trình này tại Hà Nội sáng 20/6.

Bên cạnh đó, 10 dự án bị đánh giá là chưa đạt, mà theo ông Thắng, nên thẳng thắn gọi là “thất bại”; tuy nhiên ông Thắng cho đây là tỷ lệ chấp nhận được đối với các dự án thí điểm.

Theo báo cáo của Ban quản lý Chương trình IPP, tiểu dự án được cấp tài chính nhiều nhất – tiểu dự án khuyến khích và hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp thông qua Diễn đàn Đổi mới Mở (Open Innovation Forum) của Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ KH&CN) với kinh phí 6,6 tỷ đồng – cũng nằm trong số các trường hợp “thất bại”.

Chương trình IPP bắt đầu từ cách đây bốn năm với mục đích chính là giúp Việt Nam xây dựng năng lực ĐMST, và hỗ trợ các dự án ĐMST của doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng kinh nghiệm, kiến thức về ĐMST mà Phần Lan đã thực hiện rất thành công trong khoảng 50 năm trở lại đây.

Với chương trình này, lần đầu tiên khái niệm ĐMST được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, Giám đốc Chương trình IPP nhận định. Ông Thắng cho rằng, Chương trình IPP đã xuất hiện rất đúng lúc, trong bối cảnh tỷ trọng các yếu tố như công nghệ, tri thức mới chỉ đóng góp khoảng 20% cho năng suất lao động và tính cạnh tranh của nền kinh tế, trong khi Chính phủ đang đặt mục tiêu nâng chỉ số này lên 35-40% trong vòng 5-10 năm tới.

Cố vấn trưởng Chương trình IPP Lauri Laakso, người đã có 12 năm làm việc trong lĩnh vực ĐMST, thì chia sẻ, mặc dù chương trình IPP không phải là chương trình lớn xét về quy mô tài chính so với nhiều chương trình tương tự ở một số nước khác mà ông từng tham gia, nhưng đây lại là chương trình mang đến nhiều bài học tốt nhất về phương pháp tiếp cận ba bên: doanh nghiệp – đơn vị nghiên cứu khoa học – nhà nước. Ông cũng cho rằng, cải tiến, đổi mới công nghệ chỉ là một phần trong chu trình ĐMST, vốn bao gồm một chuỗi các khâu như lên ý tưởng, phát triển sản phẩm, chế tạo, tiếp thị… và thành công của ĐMST không phụ thuộc vào việc “thêm tiền” mà là “thêm ý tưởng, tri thức và những cá nhân tích cực”.

Theo TS Đào Ngọc Tiến, đại diện của ĐH Ngoại thương, đơn vị tham gia thực hiện tiểu dự đào tạo quản trị ĐMST cho các doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp khao khát hiểu biết về ĐMST là doanh nghiệp tư nhân và tương đối trẻ. Ông Tiến cho biết, ĐH Ngoại thương đang có kế hoạch đưa quản trị ĐMST thành một môn học tự chọn, dành cho cả đối tượng sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm cuối.

Đánh giá độc lập hiệu quả của Chương trình IPP đối với doanh nghiệp do Development Lens Ltd thực hiện cho thấy, tất cả các doanh nghiệp đều vui mừng được nhận hỗ trợ tài chính của IPP, kể cả khi khoản hỗ trợ này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong ngân sách ĐMST của họ. Các doanh nghiệp cũng đánh giá cao chu trình lập kế hoạch, dự án, và phương thức tiếp cận thị trường do IPP giới thiệu. Một kết quả khác mà Chương trình IPP làm được là khuyến khích doanh nghiệp thu nạp tri thức từ các chuyên gia, thậm chí từ các đối thủ, thay vì tự mình giải quyết vấn đề trong khuôn khổ doanh nghiệp và chỉ sử dụng kiến thức của mình.

Với những thành công đáng kể của Giai đoạn I, Chương trình IPP hầu như chắc chắn sẽ được tiếp tục cấp tài chính để thực hiện giai đoạn II và việc ký kết nhiều khả năng sẽ diễn ra vào cuối năm nay, ông Trần Quốc Thắng cho biết.

Từ 3.380.000 Euro được duyệt ban đầu, ngân sách của Chương trình IPP Giai đoạn 1 đã được tăng lên 7.145.807 Euro, trong đó Phần Lan tài trợ 89%, Việt Nam đóng góp 11%. Khoảng hơn 60 cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và gần chục công ty Phần Lan được thụ hưởng từ chương trình.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)