Gặp mặt ban chủ nhiệm các chương trình trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2016-2020

GS. TS Phạm Gia Khánh, chủ nhiệm chương trình KC 10 giai đoạn 2016-2020, cho rằng “cần phải xác định được khung chương trình chuẩn, lấy đó làm cơ sở để định hướng những nội dung cụ thể như nghiên cứu về những phương pháp, công nghệ nào, ở trình độ khoa học ra sao. Có được như vậy đã đạt được 50% thành công”.

Ngày 9/4, Bộ KH&CN đã tổ chức gặp mặt 6 ban chủ nhiệm các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước KC 02 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới”, KC 05 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, KC 08 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên”, KC 09“Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển”, KC 10 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng” và KX 01 “Nghiên cứu khoa học phát triển kinh tế, văn hóa con người và xã hội Việt Nam”. Đây là những chương trình mà Bộ KH&CN  quyết định tiếp tục duy trì đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.

Tránh trùng lặp gây lãng phí nguồn lực

Theo TS.Nguyễn Quân Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, các chương trình KC và KX giai đoạn 2015-2016 đã đạt được nhiều thành công, góp phần phát huy tiềm lực KH&CN cho nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên để các chương trình đó ngày càng đi vào thực chất và có nhiều sản phẩm thiết thực cho đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, Bộ KH&CN đã hệ thống hóa lại các chương trình cấp quốc gia và điều chỉnh lại trong giai đoạn 2016-2020 với tiêu chí tránh để trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước. Trên cơ sở những chương trình đã có nhiều hiệu quả, Bộ KH&CN đã lựa chọn ra 5 chương trình KC và 1 chương trình KX, riêng chương trình KC 02 dù có một số nội dung tương tự với một số chương trình quốc gia khác nhưng vẫn được Bộ KH&CN duy trì do “không thể tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà không có sự phát triển của khoa học vật liệu. Hiện nay hầu hết các vật liệu cho sản xuất công nghiệp và phục vụ an ninh quốc phòng đều phải đi nhập. Vì vậy Bộ KH&CN đã đề nghị Chính phủ cho tiếp tục thực hiện chương trình KC 02 cũng với mong muốn các nhà khoa học Việt Nam có thể nghiên cứu, chế tạo được những loại vật liệu mới hoặc làm chủ, tối ưu hóa công nghệ sản xuất”, TS. Nguyễn Quân cho biết.

Mở thêm hướng thực hiện những nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực nghiên cứu mà không có mặt trong 5 chương trình KC và 1 KX, TS. Nguyễn Quân cho rằng, các nhà nghiên cứu vẫn có thể thực hiện được các nhiệm vụ này dưới hình thức nhiệm vụ độc lập và thậm chí là những dự án độc lập quy mô lớn, và “Bộ KH&CN sẵn sàng ủng hộ nếu nhiệm vụ được xác định là cần thiết với khoa học và đời sống”.

Xác định khung chương trình chuẩn

Thay mặt ban chủ nhiệm chương trình KC 10, GS. TS Phạm Gia Khánh cho rằng để chương trình phát huy được hiệu quả, có được sản phẩm thực sự đáp ứng được nhu cầu xã hội “cần phải xác định được khung chương trình chuẩn, lấy đó làm cơ sở để định hướng những nội dung cụ thể như nghiên cứu về những phương pháp, công nghệ nào, ở trình độ khoa học ra sao. Có được như vậy đã đạt được 50% thành công”. Với nhiều năm kinh nghiệm phụ trách chương trình và đạt được nhiều thành công, GS.TS Phạm Gia Khánh đề đạt, việc xác định nhiệm vụ từ dưới lên trên như cách làm hiện nay là chưa hoàn toàn chuẩn xác. Để giải quyết được vấn đề này, mỗi Ban chủ nhiệm chương trình có thể tiến hành tổ chức hội thảo để tìm ra trong lĩnh vực chuyên môn đó, thế giới đang quan tâm đến vấn đề gì, Việt Nam cần những vấn đề gì và cần những công nghệ nào phù hợp trong vòng 5 năm tới. Đây là cơ sở để xác định được những khung chương trình và nội dung cần giải quyết.

Liên quan đến việc đánh giá và nghiệm thu đề tài, GS Mai Quỳnh Nam, thành viên ban chủ nhiệm chương trình KX 01 cho rằng, xu hướng nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực KHXH đang rất phát triển, điều đó cũng phù hợp với chương trình KX 01 giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên có một hiện tượng là hội đồng khoa học chương trình “thường mời nhiều giáo sư nhiều kinh nghiệm nhưng có nhiều người chỉ am hiểu một ngành, một lĩnh vực. Vì vậy việc mời họ tham gia một hội đồng liên ngành để đánh giá là vấn đề sai cơ bản”. Để làm tốt vấn đề này, theo GS Mai Quỳnh Nam, “cần mời được những người có đủ năng lực”. Do một phần nguyên nhân này mà có xảy ra chuyện “có người thuộc ngành này nhưng vẫn ‘xin’ được kinh phí nghiên cứu cho một đề tài thuộc lĩnh vực khác”.

Ghi nhận những đóng góp của ban chủ nhiệm các chương trình, Lãnh đạo Bộ KH&CN đề nghị Văn phòng Các chương trình trọng điểm quốc gia, đơn vị đóng vai trò quản lý về nhà nước với các chương trình KC, KX, tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn các ban chủ nhiệm, các nhà nghiên cứu thực hiện đúng tinh thần thông tư 55 về hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, thông tư 27 về quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đồng thời nhanh chóng triển khai việc ký kết những hợp đồng đề tài nghiên cứu mới trong năm 2016.  

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)